Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Anh chị có thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong đời sống mình không?

Anh chị có thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong đời sống mình không?

“Tay Đức Giê-hô-va sẽ tỏ ra cùng tôi-tớ Ngài”.—Ê-SAI 66:14.

BÀI HÁT: 65, 26

1, 2. Một số người nghĩ gì về Đức Chúa Trời?

Nhiều người nghĩ rằng điều họ đang làm không mấy liên hệ đến Đức Chúa Trời. Thực tế, một số người cho là Đức Chúa Trời chẳng mấy quan tâm đến những gì đang xảy ra đối với nhân loại. Sau khi siêu bão Haiyan tàn phá miền trung của Philippines vào tháng 11 năm 2013, thị trưởng của một thành phố lớn nói: “Hẳn Chúa đã ở một nơi khác”.

2 Những người khác thì hành động như thể Đức Chúa Trời không thấy được điều họ đang làm (Ê-sai 26:10, 11; 3 Giăng 11). Họ giống như những người mà sứ đồ Phao-lô miêu tả khi ông nói: “Họ không chịu tìm hiểu chính xác về Đức Chúa Trời”. Những người ấy “đầy dẫy mọi thứ bất chính, gian ác, tham lam, xấu xa”.—Rô 1:28, 29.

3. (a) Có lẽ chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào? (b) Trong Kinh Thánh, “tay” của Đức Giê-hô-va thường được dùng để nói về điều gì?

3 Còn chúng ta thì sao? Khác với những người được đề cập ở trên, chúng ta nhận biết rằng Đức Giê-hô-va quan sát được mọi điều mình làm. Nhưng chúng ta có nhận thấy sự quan tâm và bàn tay giúp đỡ của ngài trong đời sống mình không? Hơn nữa, chúng ta có ở trong số những người mà Chúa Giê-su nói rằng “sẽ thấy Đức Chúa Trời” không? (Mat 5:8). Để hiểu việc “thấy Đức Chúa Trời” có nghĩa gì, trước hết hãy xem xét một số gương trong Kinh Thánh đã thấy bàn tay của Đức Chúa Trời hành động và trường hợp của một số người không muốn thấy điều ấy. Sau đó, chúng ta sẽ xem làm thế nào để thấy rõ bàn tay của Đức Giê-hô-va hành động trong đời sống mình qua đôi mắt đức tin. Khi xem xét những điểm này, hãy nhớ rằng Kinh Thánh thường đề cập đến “tay” của Đức Chúa Trời khi nói về quyền năng mà ngài đang dùng. Ngài dùng quyền năng đó để giúp những tôi tớ của ngài và đánh bại kẻ thù.—Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 26:8.

HỌ KHÔNG THẤY ĐƯỢC BÀN TAY CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

4. Tại sao những kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên không thấy được bàn tay của Đức Chúa Trời?

4 Trong buổi đầu lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên, người ta đã có cơ hội thấy và nghe về cách Đức Chúa Trời hành động vì lợi ích của dân ngài. Đức Giê-hô-va đã giải thoát dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập một cách kỳ diệu, và sau đó hết vua này đến vua khác đều bị hạ gục trước mặt họ (Giô-suê 9:3, 9, 10). Dù đa số các vua bên phía tây sông Giô-đanh đã thấy và nghe những điều này, họ vẫn “rập một ý hiệp với nhau đặng giao chiến với Giô-suê và Y-sơ-ra-ên” (Giô-suê 9:1, 2). Ngay cả khi những vua này bắt đầu tranh chiến, họ đã có đủ lý do để thấy bàn tay của Đức Chúa Trời. Dưới sự điều khiển của Đức Giê-hô-va, “mặt trời bèn dừng, mặt trăng liền ngừng, cho đến chừng dân-sự đã báo-thù quân-nghịch mình” (Giô-suê 10:13). Nhưng Đức Giê-hô-va “để cho lòng các vua ấy cố-chấp mà chinh-chiến cùng Y-sơ-ra-ên” (Giô-suê 11:20). Những kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên không chịu nhận biết rằng Đức Chúa Trời đang chiến đấu cho dân Y-sơ-ra-ên, và hậu quả là họ bị bại trận.

5. Vua A-háp gian ác đã không chịu nhìn nhận điều gì?

5 Về sau, vua A-háp gian ác có nhiều cơ hội để thấy tay của Đức Chúa Trời trong một số biến cố. Ê-li nói với vua: “Nếu ta chẳng nói, chắc sẽ không có sương, cũng không có mưa” (1 Vua 17:1). Rõ ràng Đức Giê-hô-va đứng sau những lời ấy, nhưng A-háp không nhìn nhận sự thật đó. Sau này, A-háp đã chứng kiến cách Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của Ê-li qua việc giáng lửa từ trời xuống để thiêu lễ vật mà Ê-li dâng cho ngài. Rồi Ê-li cho biết Đức Giê-hô-va sẽ chấm dứt cơn hạn hán khi ông nói với A-háp: ‘Hãy đi xuống, kẻo mưa cầm vua lại chăng’ (1 Vua 18:22-45). Dù chứng kiến mọi điều ấy nhưng A-háp vẫn không chịu nhìn nhận rằng đó là một biểu hiện vĩ đại của quyền năng Đức Chúa Trời. Trường hợp này và những trường hợp ở trên dạy chúng ta một bài học quan trọng, đó là chúng ta phải nhận ra những lúc tay của Đức Giê-hô-va đang hành động.

HỌ ĐÃ THẤY BÀN TAY CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

6, 7. Một số người vào thời của Giô-suê đã nhận thấy rõ điều gì?

6 Không giống với những vua gian ác này, những người khác đã thấy tay của Đức Chúa Trời dù họ ở trong cùng tình huống với các vua ấy. Chẳng hạn, khác với phần lớn các nước tranh chiến với dân Y-sơ-ra-ên vào thời Giô-suê, dân Ga-ba-ôn đã đến làm hòa với Y-sơ-ra-ên. Tại sao? Họ nói: “Tôi-tớ của ông... tôn-trọng danh Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của ông; vì chúng tôi có nghe nói về Ngài, và mọi điều Ngài đã làm” (Giô-suê 9:3, 9, 10). Họ khôn ngoan nhận biết Đức Chúa Trời đã hậu thuẫn cho dân Y-sơ-ra-ên.

7 Ra-háp cũng nhận thấy tay của Đức Chúa Trời trong một số biến cố vào thời của bà. Sau khi biết về cách Đức Giê-hô-va giải cứu dân ngài, bà đã nói với hai người do thám của dân Y-sơ-ra-ên: “Tôi biết rằng Đức Giê-hô-va đã ban cho các ông xứ nầy”. Dù lập trường ấy đặt Ra-háp vào tình thế đầy nguy hiểm nhưng bà đã thể hiện đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Bà tin chắc ngài có khả năng giải cứu bà cùng gia đình.—Giô-suê 2:9-13; 4:23, 24.

8. Một số người Y-sơ-ra-ên đã nhận biết tay của Đức Chúa Trời như thế nào?

8 Khác với vua A-háp gian ác của Y-sơ-ra-ên, một số người Y-sơ-ra-ên chứng kiến Đức Giê-hô-va đáp lời Ê-li bằng lửa đã nhận biết tay của ngài trong trường hợp này. Khi thấy lửa từ trời xuống thiêu lễ vật, họ thốt lên: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời!” (1 Vua 18:39). Đối với họ, đó là một kết luận hiển nhiên!

9. Làm thế nào chúng ta có thể thấy Đức Giê-hô-va và tay của ngài ngày nay?

9 Những gương tốt và xấu vừa xem xét giúp chúng ta hiểu việc thấy Đức Chúa Trời hoặc thấy tay của ngài có nghĩa gì. Khi biết về Đức Giê-hô-va, những phẩm chất và hành động của ngài, chúng ta thấy tay ngài bằng “con mắt trong lòng” (Ê-phê 1:18, Bản Dịch Mới). Hẳn chúng ta muốn giống như những người trong quá khứ và hiện tại nhìn thấy rõ Đức Giê-hô-va hỗ trợ dân ngài. Tuy nhiên, chúng ta thật sự có bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời đang giúp đỡ con người ngày nay không?

BẰNG CHỨNG CHO THẤY CÓ BÀN TAY CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI NGÀY NAY

10. Có bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-hô-va đang trợ giúp con người ngày nay? (Xem hình nơi đầu bài).

10 Chúng ta có mọi lý do để tin rằng Đức Giê-hô-va vẫn tiếp tục trợ giúp con người. Nhiều lần, chúng ta đã nghe kinh nghiệm của những người cầu xin sự trợ giúp về thiêng liêng và sau đó được đáp lại (Thi 53:2). Trong khi rao giảng từng nhà tại hòn đảo nhỏ ở Philippines, anh Allan gặp một phụ nữ và bà ấy đã bật khóc. Anh kể lại: “Mới buổi sáng hôm đó, bà đã cầu xin Đức Giê-hô-va giúp Nhân Chứng của ngài tìm được bà. Khi còn ở tuổi thiếu niên, bà đã học Kinh Thánh với Nhân Chứng nhưng mất liên lạc với họ khi bà kết hôn và chuyển đến hòn đảo đó. Đức Chúa Trời đã mau chóng đáp lời cầu nguyện của bà, khiến bà cảm động đến rơi lệ”. Chưa đầy một năm sau, bà đã dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va.

Anh chị có nhận ra bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va đang giúp dân ngài ngày nay không? (Xem đoạn 11-13)

11, 12. (a) Đức Giê-hô-va đang giúp dân ngài qua những cách nào? (b) Hãy kể lại kinh nghiệm của một chị đã nhận được sự trợ giúp từ Đức Chúa Trời.

11 Nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời đã thấy ngài trợ giúp khi họ thoát khỏi những thói nghiện, chẳng hạn như hút thuốc lá, dùng ma túy hoặc xem tài liệu khiêu dâm. Một số người nói rằng họ từng cố gắng nhiều lần để bỏ những tật đó bằng sức riêng nhưng không thành công. Tuy nhiên, khi họ tìm đến sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, ngài đã ban “sức lực hơn mức bình thường”, và cuối cùng họ đã chiến thắng được nhược điểm của bản thân.—2 Cô 4:7; Thi 37:23, 24.

12 Đức Giê-hô-va đã giúp nhiều tôi tớ của ngài đối phó với những thử thách cá nhân. Chẳng hạn, chị Amy từng gặp khó khăn khi được bổ nhiệm đến một hòn đảo nhỏ thuộc Thái Bình Dương để giúp xây Phòng Nước Trời và nhà giáo sĩ. Chị nói: “Chúng tôi ở trong một khách sạn nhỏ, và hằng ngày chúng tôi đi bộ qua những con đường lụt lội để đến công trường xây dựng”. Chị cũng phải thích nghi với văn hóa địa phương, và ở đó thường không có điện hoặc nước. Chị Amy nói thêm: “Tệ hơn nữa, tôi đã nặng lời với một chị cùng làm chung. Tôi về nhà, cảm giác như mình là một kẻ thất bại. Trong căn phòng tối của khách sạn, tôi dốc đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va, xin ngài giúp đỡ”. Khi có điện trở lại, chị Amy lấy một tạp chí Tháp Canh để đọc và trong đó có bài nói về chương trình lễ mãn khóa của Trường Ga-la-át. Bài viết đó nói đến mọi điều mà chị đang phải đương đầu: Văn hóa mới, nỗi nhớ nhà, việc hòa hợp với người mới. Chị cho biết: “Tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va đang nói chuyện với mình vào tối hôm đó. Điều này cho tôi động lực để tiếp tục ở lại nhiệm sở”.—Thi 44:25, 26; Ê-sai 41:10, 13.

13. Chúng ta có bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-hô-va hỗ trợ dân ngài trong việc “bênh vực và tìm cách hợp pháp hóa” quyền rao giảng tin mừng?

13 Sự kiện Nhân Chứng Giê-hô-va thành công trong việc “bênh vực và tìm cách hợp pháp hóa” quyền rao giảng tin mừng là bằng chứng khác cho thấy sự trợ giúp từ bàn tay quyền năng của Đức Giê-hô-va (Phi-líp 1:7). Một số nhà cầm quyền đã cố gắng dập tắt hoàn toàn công việc của dân Đức Chúa Trời. Nhưng khi nhìn lại, chúng ta thấy Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va đã thắng kiện ít nhất 268 vụ ở cấp tòa tối cao, trong đó có 24 vụ ở Tòa án Nhân quyền Châu Âu chỉ kể từ năm 2000. Rõ ràng, không ai có thể ngăn cản bàn tay của Đức Chúa Trời.—Ê-sai 54:17; đọc Ê-sai 59:1.

14. Điều gì cho thấy có bàn tay của Đức Chúa Trời trong công việc rao giảng và sự hợp nhất mà chúng ta vui hưởng?

14 Việc rao giảng tin mừng ra khắp đất chỉ được thực hiện khi có sự trợ giúp của Đức Chúa Trời (Mat 24:14; Công 1:8). Ngoài ra, khi thấy sự hợp nhất trong vòng dân của Đức Giê-hô-va đến từ mọi quốc gia, điều mà thế gian này không thể làm được, chúng ta có thể hiểu tại sao ngay cả những người bên ngoài cũng thừa nhận: “Quả thật, Đức Chúa Trời ở giữa anh em” (1 Cô 14:25). Về phương diện tập thể, chúng ta có vô số bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời đang hành động vì dân ngài. (Đọc Ê-sai 66:14). Nhưng cá nhân anh chị thì sao? Anh chị có thấy rõ bàn tay của Đức Chúa Trời trong đời sống mình không?

ANH CHỊ CÓ THẤY BÀN TAY CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TRONG ĐỜI SỐNG MÌNH KHÔNG?

15. Hãy giải thích tại sao đôi khi chúng ta có lẽ không thấy rõ bàn tay của Đức Giê-hô-va trong đời sống mình.

15 Có một số lý do nào có lẽ khiến chúng ta không thấy rõ bàn tay của Đức Chúa Trời trong đời sống mình? Những thử thách trong đời sống có thể làm chúng ta bị choáng ngợp. Khi điều này xảy ra, chúng ta có thể quên chú tâm vào cách Đức Giê-hô-va từng giúp mình trước đây. Khi bị hoàng hậu Giê-sa-bên dọa lấy đi mạng sống, ngay cả nhà tiên tri Ê-li cũng nhất thời quên cách Đức Giê-hô-va đã hành động vì lợi ích của ông. Kinh Thánh nói rằng ông “xin chết” (1 Vua 19:1-4). Giải pháp cho vấn đề của Ê-li là gì? Ông cần hướng đến Đức Giê-hô-va để được khích lệ.—1 Vua 19:14-18.

16. Giống như Gióp, chúng ta có thể làm gì để thấy Đức Chúa Trời?

16 Gióp đã bận tâm về những lo lắng cá nhân đến mức ông không nhìn các vấn đề theo quan điểm của Đức Chúa Trời (Gióp 42:3-6). Giống như Gióp, có lẽ chúng ta cũng cần nỗ lực nhiều hơn để thấy Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể làm điều này như thế nào? Chúng ta cần suy ngẫm những gì Kinh Thánh nói về các vấn đề của mình. Khi chúng ta càng nhận thấy cách Đức Giê-hô-va hỗ trợ, ngài sẽ càng có thật đối với chúng ta. Rồi giống như Gióp, chúng ta có thể nói: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài”.

Đức Giê-hô-va có đang dùng anh chị để giúp người khác thấy ngài không? (Xem đoạn 17, 18)

17, 18. (a) Chúng ta có thể thấy Đức Giê-hô-va đang giúp đỡ mình qua những cách nào? (b) Hãy kể lại một kinh nghiệm cho thấy cách Đức Chúa Trời đang trợ giúp chúng ta ngày nay.

17 Làm thế nào chúng ta có thể thấy bàn tay của Đức Giê-hô-va? Hãy xem một số trường hợp: Có lẽ anh chị cảm thấy cách mình nhận được sự thật rõ ràng là do Đức Chúa Trời hướng dẫn. Đã bao giờ anh chị đi nhóm họp và nói: “Đây chính là điều mình cần” khi nghe một phần nào đó chưa? Hoặc anh chị có thể đã nghiệm thấy một lời cầu nguyện của mình được nhậm. Có lẽ anh chị đã quyết định mở rộng thánh chức và ngạc nhiên về cách Đức Giê-hô-va giúp mình làm điều đó. Hay có lẽ anh chị từng bỏ một công việc vì lý do thiêng liêng và thấy lời hứa sau của Đức Chúa Trời là chân thật: ‘Ta sẽ chẳng bao giờ bỏ ngươi’ (Hê 13:5). Bằng cách tỉnh thức về thiêng liêng, chúng ta có thể thấy Đức Giê-hô-va giúp mình qua nhiều cách.

18 Chị Sarah đến từ Kenya kể lại kinh nghiệm sau: “Tôi đã cầu nguyện về một học viên, người mà tôi cảm thấy không quý trọng cuộc thảo luận Kinh Thánh. Tôi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va xem mình có nên ngưng học với chị ấy không. Khi tôi vừa nói ‘A-men’ thì lập tức có tiếng chuông điện thoại. Học viên Kinh Thánh ấy gọi điện để hỏi xem có thể cùng đi dự nhóm họp với tôi được không! Tôi vô cùng kinh ngạc!”. Khi tinh ý, anh chị cũng có thể thấy những điều Đức Chúa Trời đang thực hiện trong đời sống mình. Một chị sống ở châu Á tên là Rhonna nói rằng chúng ta phải tập để thấy cách Đức Giê-hô-va giúp mình trong đời sống. Chị nói thêm: “Nhưng một khi nhận ra, anh chị sẽ thấy rất ngạc nhiên khi biết ngài quan tâm đến mình nhiều đến mức nào!”.

19. Chúng ta cần làm gì nữa để được ở trong số những người thấy Đức Chúa Trời?

19 Chúa Giê-su nói: “Hạnh phúc thay những ai có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (Mat 5:8). Làm thế nào chúng ta có được “lòng trong sạch”? Chúng ta phải giữ cho tâm trí được thanh sạch và loại bỏ bất cứ hành vi sai trái nào. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 4:2). Khi củng cố mối quan hệ với Đức Chúa Trời và có hạnh kiểm đúng đắn, chúng ta sẽ ở trong số những người có thể thấy ngài. Bài tới sẽ xem xét một yếu tố giúp chúng ta thấy rõ hơn ảnh hưởng của Đức Giê-hô-va trong đời sống mình, đó là đức tin.