Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Xin cho chúng tôi thêm đức tin”

“Xin cho chúng tôi thêm đức tin”

“Xin giúp tôi có thêm đức tin!”.—MÁC 9:24.

BÀI HÁT: 81, 135

1. Đức tin quan trọng như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài).

Anh chị đã bao giờ suy nghĩ: Mình có phải là loại người mà Đức Giê-hô-va muốn giải cứu trong hoạn nạn lớn và đưa vào thế giới mới không? Dĩ nhiên, để sống sót qua hoạn nạn lớn cần có vài yếu tố, nhưng sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh một yếu tố rất quan trọng: “Không có đức tin thì chẳng thể nào làm vui lòng Đức Chúa Trời” (Hê 11:6). Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng sự thật là “không phải mọi người đều có đức tin” (2 Tê 3:2). Những lời trên giúp chúng ta hiểu việc vun trồng một đức tin mạnh mẽ quan trọng như thế nào.

2, 3. (a) Chúng ta học được gì từ Phi-e-rơ về tầm quan trọng của đức tin? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?

2 Sứ đồ Phi-e-rơ đặc biệt lưu ý chúng ta đến tầm quan trọng của đức tin khi ông nói về đức tin “đã trải qua thử thách” là điều “có thể khiến anh em được ngợi khen, vinh hiển và tôn vinh vào lúc Chúa Giê-su Ki-tô được tỏ lộ”. (Đọc 1 Phi-e-rơ 1:7). Vì hoạn nạn lớn đang đến rất nhanh, chẳng lẽ chúng ta lại không muốn nỗ lực để có loại đức tin giúp mình ở trong số những người mà đức tin của họ được vị Vua vinh hiển ngợi khen khi ngài được tỏ lộ sao? Chắc hẳn chúng ta muốn là “loại người có đức tin để được gìn giữ sự sống” (Hê 10:39). Với mục tiêu đó, chúng ta có thể cầu xin giống như một người đã nói: “Xin giúp tôi có thêm đức tin!” (Mác 9:24). Hoặc chúng ta có lẽ được thôi thúc để nói như các sứ đồ của Chúa Giê-su: “Xin cho chúng tôi thêm đức tin”.—Lu 17:5.

3 Sự cần thiết phải có thêm đức tin đưa đến một số câu hỏi: Chúng ta có thể xây dựng loại đức tin nói trên bằng cách nào? Làm thế nào chúng ta cho thấy mình có đức tin? Điều gì đảm bảo rằng lời cầu xin có thêm đức tin của chúng ta sẽ được nhậm?

XÂY DỰNG LOẠI ĐỨC TIN LÀM HÀI LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI

4. Những gương mẫu nào có thể thúc đẩy chúng ta củng cố đức tin?

4 Vì “hết thảy những điều được viết từ trước đều để chỉ dạy chúng ta”, nên chúng ta có thể học từ nhiều gương về đức tin được ghi lại trong Kinh Thánh (Rô 15:4). Khi đọc lời tường thuật về những người như Áp-ra-ham, Sa-ra, Y-sác, Gia-cốp, Môi-se, Ra-háp, Ghi-đê-ôn, Ba-rác và nhiều người khác, chúng ta có thể được thúc đẩy để tra xét đức tin của chính mình (Hê 11:32-35). Ngoài ra, đọc những kinh nghiệm về các anh chị có đức tin nổi bật vào thời nay có thể thôi thúc chúng ta nỗ lực để củng cố đức tin. *

5. Làm thế nào Ê-li cho thấy ông có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Giê-hô-va, và chúng ta có thể tự hỏi điều gì?

5 Một gương mẫu trong Kinh Thánh là nhà tiên tri Ê-li. Hãy hình dung về các trường hợp sau đây cho thấy lòng tin cậy vững chắc của ông nơi Đức Chúa Trời. Khi Ê-li cho vua A-háp biết Đức Giê-hô-va có ý định giáng một cơn hạn hán, ông tự tin tuyên bố: “Ta đứng trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời... hằng-sống mà thề rằng: ... Nếu ta chẳng nói, chắc sẽ không có sương, cũng không có mưa” (1 Vua 17:1). Ê-li tin Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp những thứ cần thiết cho ông và những người khác trong khi có hạn hán (1 Vua 17:4, 5, 13, 14). Ông bày tỏ lòng tin chắc rằng Đức Giê-hô-va có thể làm sống lại một em nhỏ đã chết (1 Vua 17:21). Ông không hề nghi ngờ việc Đức Giê-hô-va sẽ giáng lửa để thiêu lễ vật mà ông dâng trên núi Cạt-mên (1 Vua 18:24, 37). Ngay cả khi chưa có bất cứ dấu hiệu nào của việc trời sẽ mưa, Ê-li đã nói với A-háp: “Hãy đi lên, ăn và uống, vì tôi đã nghe tiếng mưa lớn” (1 Vua 18:41). Vậy sau khi xem xét những trường hợp trên, chúng ta có thể tự hỏi: “Mình có đức tin mạnh mẽ như Ê-li không?”.

CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỨC TIN?

6. Chúng ta cần điều gì từ Đức Giê-hô-va để xây dựng đức tin?

6 Chúng ta không thể xây dựng đức tin chỉ bằng việc dựa vào ý chí của bản thân. Đức tin là một khía cạnh của bông trái thần khí của Đức Chúa Trời (Ga 5:22). Thế nên, điều khôn ngoan là làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su về việc cầu nguyện để xin thêm thần khí. Chúa Giê-su đảm bảo với chúng ta rằng Cha trên trời sẽ “ban thần khí cho những người cầu xin ngài”.—Lu 11:13.

7. Hãy minh họa cách chúng ta có thể giữ đức tin mạnh mẽ.

7 Một khi đã có đức tin vững chắc, chúng ta phải tiếp tục nuôi dưỡng đức tin ấy. Đức tin của chúng ta có thể được ví như một đống củi đang cháy. Khi bắt đầu châm lửa, nó có thể bùng lên với sức nóng dữ dội. Tuy nhiên, nếu để yên và không làm gì thêm, cuối cùng nó sẽ lịm đi thành than nóng và rồi trở nên đống tro nguội lạnh. Nhưng nếu anh chị đều đặn cho thêm củi vào đống lửa thì nó có thể tiếp tục cháy mãi. Cũng vậy, chúng ta có thể giữ đức tin mạnh mẽ nếu đều đặn nuôi dưỡng mình bằng Lời Đức Chúa Trời. Qua việc đọc và học Kinh Thánh mỗi ngày, chúng ta có thể vun đắp lòng yêu mến sâu xa với Kinh Thánh và với Tác Giả của sách ấy là Đức Chúa Trời. Kết quả là đức tin của chúng ta sẽ thêm vững chắc.

8. Điều gì sẽ giúp chúng ta xây dựng và giữ vững đức tin?

8 Anh chị có thể làm gì thêm để xây dựng và giữ đức tin mạnh mẽ? Đừng chỉ thỏa mãn với những gì anh chị học được trước khi báp-têm (Hê 6:1, 2). Hãy để ý những lời tiên tri trong Kinh Thánh đã được ứng nghiệm vì những lời tiên tri ấy có thể giúp anh chị có cơ sở vững chắc cho đức tin của mình. Anh chị cũng có thể dùng Lời Đức Chúa Trời như một thước đo để xem liệu đức tin của mình có giống như lời miêu tả về một người được xem là có đức tin mạnh mẽ hay không.—Đọc Gia-cơ 1:25; 2:24, 26.

9, 10. Làm thế nào những điều sau giúp chúng ta xây dựng đức tin: (a) Những người bạn tốt? (b) Các buổi nhóm họp? (c) Thánh chức?

9 Sứ đồ Phao-lô nói với các tín đồ đạo Đấng Ki-tô rằng họ có thể “khích lệ lẫn nhau bằng đức tin của mỗi người” (Rô 1:12). Khi kết hợp với anh em đồng đạo, chúng ta có thể xây dựng đức tin của nhau, đặc biệt là khi kết hợp với những anh chị đã cho thấy họ có đức tin được rèn luyện qua “thử thách” (Gia 1:3). Kết hợp với người xấu hủy hoại đức tin, nhưng kết hợp với người tốt xây dựng đức tin (1 Cô 15:33). Đó là một lý do mà chúng ta được khuyên chớ bỏ “việc nhóm lại với nhau”, nhưng hãy tiếp tục “khuyến khích nhau”. (Đọc Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Một lý do khác là các buổi nhóm họp cho chúng ta sự hướng dẫn để xây dựng đức tin. Điều này phù hợp với lời của Phao-lô: “Đức tin có được qua điều đã nghe” (Rô 10:17). Vậy chúng ta có thói quen đều đặn kết hợp với anh em đồng đạo tại các buổi nhóm họp không?

10 Khi tham gia thánh chức, chúng ta không những xây dựng đức tin của người khác mà chính đức tin của chúng ta cũng lớn mạnh. Giống như các tín đồ thời ban đầu, chúng ta học cách hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va và nói năng dạn dĩ trong bất cứ tình huống nào.—Công 4:17-20; 13:46.

11. Tại sao Ca-lép và Giô-suê có đức tin mạnh mẽ, và làm thế nào chúng ta có thể giống như họ?

11 Khi chúng ta cảm nhận cách Đức Giê-hô-va giúp đỡ trong đời sống cũng như cách ngài đáp lời cầu nguyện, đức tin của chúng ta sẽ lớn lên. Điều này đã đúng trong trường hợp của Ca-lép và Giô-suê. Họ đã thể hiện đức tin nơi Đức Giê-hô-va khi đi do thám tại Đất Hứa. Khi họ càng thấy sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trong mỗi giai đoạn của cuộc đời mình sau đó, đức tin của họ thậm chí càng vững chắc hơn. Không ngạc nhiên khi Giô-suê đã nói với dân Y-sơ-ra-ên cách mạnh mẽ: “Trong các lời lành mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán về các ngươi, chẳng có một lời nào sai hết”. Sau đó, ông nói thêm: “Vậy bây giờ, hãy kính-sợ Đức Giê-hô-va, và phục-sự Ngài cách thành-tâm và trung-tín... Ta và nhà ta sẽ phục-sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 23:14; 24:14, 15). Khi nếm thử sự tốt lành của Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng có thể có niềm tin chắc như thế.—Thi 34:8.

LÀM THẾ NÀO CHÚNG TA CHO THẤY ĐỨC TIN CỦA MÌNH?

12. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình có đức tin mạnh mẽ?

12 Làm thế nào chúng ta cho thấy mình có đức tin mạnh mẽ? Môn đồ Gia-cơ trả lời câu hỏi đó bằng cách nói: “Tôi sẽ cho anh thấy đức tin của tôi qua việc làm” (Gia 2:18). Hành động của chúng ta sẽ cho thấy chúng ta có đức tin thật. Hãy xem một vài ví dụ.

Những ai làm mọi điều có thể trong thánh chức cho thấy họ có đức tin mạnh mẽ (Xem đoạn 13)

13. Làm thế nào công việc rao giảng là một cách cho thấy đức tin của chúng ta?

13 Tham gia công việc rao giảng là một cách tuyệt vời cho thấy đức tin của chúng ta. Tại sao có thể nói như vậy? Vì công việc này đòi hỏi chúng ta phải tin cậy thời điểm sắp đến mà Đức Chúa Trời ấn định để hủy diệt thế gian này, tin rằng “nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ” (Ha 2:3). Một cách để đo lường đức tin là xem xét chúng ta sẵn sàng nỗ lực tham gia thánh chức đến mức nào. Chúng ta có làm mọi điều có thể, có lẽ ngay cả tìm những cách để mở rộng thánh chức không? (2 Cô 13:5). Đúng vậy, một cách hữu hiệu để cho thấy đức tin trong lòng mình là qua việc “công bố mà được cứu rỗi”, tức qua công việc rao giảng tin mừng.—Đọc Rô-ma 10:10.

14, 15. (a) Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy đức tin trong đời sống hằng ngày? (b) Hãy kể một kinh nghiệm cho thấy đức tin mạnh mẽ được thể hiện qua hành động.

14 Chúng ta cũng có thể cho thấy đức tin khi đương đầu với những thử thách trong đời sống hằng ngày. Dù đối mặt với bệnh tật, sự nản lòng, trầm cảm, nghèo đói hay những vấn đề khó khăn khác, chúng ta tin chắc Đức Giê-hô-va và Con ngài sẽ hỗ trợ ‘khi chúng ta cần được giúp đỡ’ (Hê 4:16). Chúng ta thể hiện lòng tin như thế qua việc cầu xin sự trợ giúp không chỉ riêng về nhu cầu thiêng liêng. Chúa Giê-su nói rằng chúng ta có thể cầu nguyện về những nhu cầu vật chất, bao gồm việc có “đủ thức ăn” (Lu 11:3). Những lời tường thuật trong Kinh Thánh giúp chúng ta tin chắc Đức Giê-hô-va có thể chu cấp cho mình. Trong thời gian xứ Y-sơ-ra-ên trải qua một cơn hạn hán khốc liệt, Đức Giê-hô-va đã cung cấp thức ăn và nước uống cho Ê-li. Kinh Thánh nói rằng “buổi mai và buổi chiều chim quạ đem bánh và thịt cho người; và người uống nước khe” như Đức Giê-hô-va chỉ dẫn (1 Vua 17:3-6). Chúng ta tin chắc Đức Giê-hô-va có thể điều khiển sự việc để chúng ta cũng có được những thứ mình cần.

Chúng ta cho thấy đức tin khi đương đầu với những thử thách trong đời sống hằng ngày (Xem đoạn 14)

15 Chúng ta tin rằng việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp mình chăm lo cho nhu cầu của gia đình. Rebecca, một chị đã kết hôn sống ở châu Á, thấy điều này đúng với gia đình mình. Gia đình chị đã áp dụng nguyên tắc ở Ma-thi-ơ 6:33 và Châm-ngôn 10:4 vào đời sống bằng cách đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu và làm việc chăm chỉ. Chị Rebecca nói rằng có lần chồng chị cảm thấy tính chất và áp lực của công việc ngoài đời có thể gây nguy hiểm cho tình trạng thiêng liêng của gia đình họ, thế nên anh ấy đã thôi việc. Tuy nhiên, họ phải nuôi bốn đứa con. Chị Rebecca chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu bán đồ ăn. Trong những năm kiếm sống theo cách đó, chúng tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va không bao giờ bỏ rơi mình. Chúng tôi chưa từng thiếu ăn dù chỉ một bữa”. Anh chị có kinh nghiệm tương tự mà đã củng cố đức tin của mình không?

16. Kết quả cuối cùng sẽ là gì nếu chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời?

16 Hãy luôn tin rằng cuối cùng mọi thứ sẽ tốt cho chúng ta nếu vâng theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Phao-lô trích dẫn lời được soi dẫn của Ha-ba-cúc khi viết: “Người công chính sẽ sống nhờ đức tin” (Ga 3:11; Ha 2:4). Do đó, điều trọng yếu là đặt đức tin nơi đấng có thể thật sự trợ giúp mình. Phao-lô nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời là đấng “theo quyền năng của ngài đang hoạt động trong chúng ta, có thể làm nhiều hơn gấp bội những gì chúng ta cầu xin hay nghĩ ra” (Ê-phê 3:20). Những tôi tớ của Đức Giê-hô-va làm mọi điều có thể để thi hành ý muốn của ngài, nhưng vì biết giới hạn của mình nên họ tin cậy Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho nỗ lực của họ. Chẳng phải chúng ta vui mừng vì có Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta sao?

NHỮNG LỜI CẦU XIN ĐỂ CÓ ĐỨC TIN ĐƯỢC ĐÁP LẠI

17. (a) Lời cầu xin để có thêm đức tin của các sứ đồ đã được đáp lại như thế nào? (b) Tại sao chúng ta có thể tin rằng lời cầu xin của mình để có thêm đức tin sẽ được đáp lại?

17 Sau những gì được thảo luận ở trên, có lẽ chúng ta cảm thấy giống như các sứ đồ khi họ nói với Chúa Giê-su: “Xin cho chúng tôi thêm đức tin” (Lu 17:5). Lời cầu xin ấy đã được đáp lại, đặc biệt tại Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN khi thần khí được đổ trên các sứ đồ và họ được ban cho sự hiểu biết sâu sắc hơn về ý định của Đức Chúa Trời. Điều này đã củng cố đức tin của họ. Nhờ đó, họ bắt đầu một chiến dịch rao giảng rộng lớn nhất tính đến thời điểm ấy (Cô 1:23). Chúng ta có thể tin những lời cầu xin của mình để có thêm đức tin sẽ được đáp lại không? Kinh Thánh đảm bảo rằng chúng ta có thể tin như thế khi ‘xin phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời’.—1 Giăng 5:14.

18. Đức Giê-hô-va ban phước ra sao cho những ai vun trồng đức tin?

18 Rõ ràng, Đức Giê-hô-va hài lòng với những ai đặt niềm tin trọn vẹn nơi ngài. Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời khi chúng ta cầu xin để có thêm đức tin và đức tin ấy sẽ ngày càng mạnh mẽ. Nhờ thế, chúng ta sẽ “được xem là xứng đáng với Nước của [Đức Chúa Trời]”.—2 Tê 1:3, 5.

^ đ. 4 Chẳng hạn, hãy xem tự truyện của anh Emmanuel Lionoudakis (Tháp Canh ngày 1-9-1999) và anh Pericles Yannouris (Tháp Canh ngày 1-2-2003).