Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Huấn luyện con nhỏ phụng sự Đức Giê-hô-va

Huấn luyện con nhỏ phụng sự Đức Giê-hô-va

“Xin Chúa cho người của Đức Chúa Trời... dạy chúng tôi điều phải làm cho đứa trẻ sẽ sanh ra!”.—QUAN 13:8.

BÀI HÁT: 88, 120

1. Ma-nô-a đã phản ứng thế nào khi ông nghe tin sắp được làm cha?

Vợ của ông khó có thể mang đến cho ông tin tức nào ngạc nhiên hơn. Cả hai đều biết chắc là người vợ không thể sinh con. Nhưng thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã hiện ra với bà, và điều dường như không thể đã thành sự thật: Ma-nô-a và vợ sắp có một con trai! Hiển nhiên, Ma-nô-a rất hạnh phúc nhưng ông cũng ý thức về trách nhiệm lớn lao đặt trên vai mình. Trong một nước có đầy dẫy những điều xấu, làm thế nào vợ chồng ông có thể thành công trong việc nuôi dạy con trai phụng sự Đức Chúa Trời? Ma-nô-a “cầu-nguyện Đức Giê-hô-va” rằng: “Xin Chúa cho người của Đức Chúa Trời [thiên sứ] mà Chúa đã sai xuống, lại đến cùng chúng tôi, đặng dạy chúng tôi điều phải làm cho đứa trẻ sẽ sanh ra!”.—Quan 13:1-8.

2. Việc huấn luyện con cái bao hàm điều gì? (Cũng xem khung “ Những học viên Kinh Thánh quan trọng nhất của anh chị”).

2 Nếu đã có con, có lẽ anh chị thấu cảm lời nài xin chân thành của Ma-nô-a. Anh chị cũng mang trọng trách là giúp con cái biết và yêu mến Đức Giê-hô-va (Châm 1:8). Để làm được điều đó, các bậc cha mẹ tin kính sắp xếp Buổi thờ phượng của gia đình một cách đều đặn và ý nghĩa. Dĩ nhiên, để khắc sâu sự thật Kinh Thánh vào tâm trí của con cái, anh chị cần làm nhiều hơn là chỉ tổ chức buổi học gia đình hằng tuần. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9). Làm thế nào anh chị có thể hoàn thành trách nhiệm khó khăn ấy? Bài này và bài tới sẽ xem xét cách mà các bậc cha mẹ có thể noi gương Chúa Giê-su. Dù Chúa Giê-su không phải là một người cha nhưng các bậc cha mẹ có thể được lợi ích từ cách dạy dỗ của ngài, vì ngài đã dạy và huấn luyện các môn đồ với tình yêu thương, tính khiêm nhường và sự thông sáng. Hãy lần lượt xem xét từng đức tính ấy.

HÃY YÊU THƯƠNG CON

3. Chúa Giê-su đã biểu lộ tình yêu thương với các môn đồ qua cách nào?

3 Chúa Giê-su không ngần ngại cho các môn đồ biết rằng ngài yêu thương họ. (Đọc Giăng 15:9). Ngài cũng biểu lộ tình yêu thương qua việc gần gũi và thường xuyên kết hợp với các môn đồ (Mác 6:31, 32; Giăng 2:2; 21:12, 13). Với họ, Chúa Giê-su không phải là người lúc nào cũng chỉ có công việc. Vì thế, các môn đồ không phải băn khoăn liệu ngài có thật sự yêu thương họ hay không. Làm thế nào anh chị có thể noi theo cách dạy dỗ của Chúa Giê-su?

4. Làm thế nào anh chị có thể giúp con tin chắc rằng anh chị yêu thương chúng? (Xem hình nơi đầu bài).

4 Hãy nói cho con biết anh chị yêu thương chúng, và thường xuyên cho thấy anh chị quý mến chúng (Châm 4:3; Tít 2:4). Một anh sống ở Úc tên là Samuel nói: “Khi tôi còn nhỏ, ba đã đọc cho tôi nghe Sách kể chuyện Kinh Thánh vào mỗi buổi tối. Ba trả lời các câu hỏi của tôi, rồi ôm hôn và chúc tôi ngủ ngon. Sau này, tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng ba đã lớn lên trong một gia đình hiếm có những cái ôm hôn! Dù vậy, ba đã rất nỗ lực để biểu lộ tình yêu thương với tôi. Nhờ thế, cha con tôi rất gần gũi với nhau. Tôi thấy vui vẻ và yên tâm khi ở cạnh ba”. Hãy giúp con của anh chị có cảm giác ấy bằng cách thường xuyên nói rằng: “Ba mẹ thương con”. Hãy cho thấy anh chị thương mến chúng. Hãy nói chuyện với con, ăn với con và chơi với con.

5, 6. (a) Chúa Giê-su làm gì với những người mà ngài yêu thương? (b) Hãy giải thích làm thế nào việc sửa phạt một cách thích hợp giúp con cảm thấy yên tâm và được yêu thương.

5 Chúa Giê-su nói: “Người nào tôi yêu mến thì tôi khiển trách và sửa phạt” * (Khải 3:19). Dù các môn đồ nhiều lần tranh cãi xem ai lớn nhất trong vòng họ nhưng Chúa Giê-su không nản lòng và bỏ cuộc. Ngài cũng không làm ngơ khi họ không vâng theo lời khuyên của ngài. Chúa Giê-su khiển trách các môn đồ một cách yêu thương, mềm mại và vào đúng nơi đúng lúc.—Mác 9:33-37.

6 Một cách mà anh chị thể hiện tình yêu thương với con là sửa phạt chúng. Đôi khi chỉ cần giải thích tại sao một hành động nào đó là đúng hoặc sai. Cũng có những lúc con có thể không nghe lời anh chị (Châm 22:15). Khi điều đó xảy ra, hãy noi gương Chúa Giê-su. Hãy sửa phạt con một cách yêu thương, mềm mại và vào đúng nơi đúng lúc qua việc kiên nhẫn hướng dẫn, huấn luyện và sửa sai. Một chị ở Nam Phi tên là Elaine nói: “Cha mẹ tôi luôn nhất quán trong việc sửa phạt. Một khi cha mẹ đã cảnh báo tôi về hình phạt của việc có hành vi sai trái, họ sẽ luôn thực hiện. Nhưng cha mẹ không bao giờ sửa phạt tôi trong lúc nóng giận hoặc không giải thích lý do. Nhờ vậy, tôi cảm thấy yên tâm. Tôi biết đâu là giới hạn của mình và đâu là những đòi hỏi của cha mẹ”.

HÃY BIỂU LỘ TÍNH KHIÊM NHƯỜNG

7, 8. (a) Chúa Giê-su biểu lộ tính khiêm nhường như thế nào trong lời cầu nguyện? (b) Làm thế nào lời cầu nguyện của anh chị có thể dạy con cái nương cậy nơi Đức Giê-hô-va?

7 Hãy hình dung các môn đồ hẳn cảm thấy ra sao khi họ nghe, hoặc sau này biết về một trong những lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giê-su khi ngài còn sống trên đất: “A-ba, Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự; xin hãy cất chén này khỏi con, nhưng không theo ý con mà theo ý Cha” * (Mác 14:36). Qua lời khẩn nài của Chúa Giê-su, chắc chắn các môn đồ hiểu được rằng nếu người Con hoàn hảo của Đức Chúa Trời đã khiêm nhường cầu xin Cha giúp đỡ thì họ cũng nên làm thế.

8 Con cái có thể học được gì từ những lời cầu nguyện của anh chị? Dĩ nhiên, anh chị không chỉ dùng lời cầu nguyện với Đức Giê-hô-va như một cách để dạy dỗ con. Nhưng khi anh chị khiêm nhường cầu nguyện trước mặt con cái, chúng sẽ tập nương cậy nơi Đức Giê-hô-va. Chị Ana sống ở Brazil chia sẻ: “Khi có vấn đề xảy ra, chẳng hạn như khi ông bà đau ốm, cha mẹ tôi thường cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho mình sức để đương đầu cũng như ban sự khôn ngoan để đưa ra những quyết định đúng. Ngay cả khi trải qua áp lực khủng khiếp, cha mẹ vẫn để vấn đề trong tay Đức Giê-hô-va. Nhờ thế, tôi đã tập nương cậy nơi Đức Giê-hô-va”. Khi anh chị cầu nguyện với con, đừng chỉ cầu nguyện cho chúng. Hãy xin Đức Giê-hô-va giúp chính mình nữa, chẳng hạn xin ngài giúp anh chị nói chuyện với người chủ để được phép nghỉ đi dự hội nghị, xin sự can đảm để làm chứng cho hàng xóm hoặc xin ngài giúp anh chị trong những việc khác. Hãy khiêm nhường nương cậy nơi Đức Chúa Trời thì con cái anh chị cũng sẽ tập làm thế.

9. (a) Chúa Giê-su dạy các môn đồ khiêm nhường phục vụ người khác qua cách nào? (b) Nếu anh chị sẵn lòng phục vụ người khác, con cái anh chị sẽ học được điều gì?

9 Qua lời nói và gương mẫu, Chúa Giê-su huấn luyện các môn đồ khiêm nhường phục vụ người khác. (Đọc Lu-ca 22:27). Ngài dạy các sứ đồ thể hiện tinh thần hy sinh trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va cũng như trong cách cư xử với anh em đồng đức tin. Anh chị có thể dạy con bài học tương tự qua việc nêu gương về tinh thần khiêm nhường hy sinh. Một người mẹ có hai con là chị Debbie cho biết: “Tôi không bao giờ cảm thấy ghen tị khi chồng dành thời gian cho người khác vì anh là trưởng lão. Tôi biết rằng bất cứ khi nào gia đình cần được anh lưu tâm, anh sẽ làm thế” (1 Ti 3:4, 5). Gương mẫu của chị Debbie và chồng là anh Pranas tác động thế nào đến gia đình họ? Anh Pranas cho biết con cái của anh chị rất thích tham gia phục vụ cho hội nghị và các dự án thần quyền. Chúng vui vẻ, có những người bạn tốt và muốn kết hợp với anh em đồng đạo. Giờ đây, cả gia đình anh Pranas đều phụng sự Đức Giê-hô-va trong thánh chức trọn thời gian. Qua cách anh chị biểu lộ tính khiêm nhường và tinh thần hy sinh, con cái có thể học được cách phục vụ người khác.

HÃY THỂ HIỆN SỰ THÔNG SÁNG

10. Khi một đám đông đến gặp Chúa Giê-su, ngài đã thể hiện sự thông sáng như thế nào?

10 Chúa Giê-su thể hiện sự thông sáng qua việc nhìn sâu hơn vẻ bề ngoài và hiểu tại sao người ta hành động theo cách nào đó. Vào dịp nọ, một số người nghe Chúa Giê-su giảng ở vùng Ga-li-lê có vẻ háo hức muốn theo ngài (Giăng 6:22-24). Nhưng Chúa Giê-su đọc được lòng người ta và hiểu rằng họ quan tâm đến thức ăn vật chất hơn là những gì ngài dạy (Giăng 2:25). Ngài thấy họ đã có lối suy nghĩ sai ở đâu, ngài kiên nhẫn uốn nắn họ và giải thích cách họ có thể cải thiện.—Đọc Giăng 6:25-27.

Con của anh chị có yêu thích công việc rao giảng không? (Xem đoạn 11)

11. (a) Sự thông sáng giúp anh chị thế nào để nhận ra con mình có yêu thích thánh chức hay không? (b) Anh chị có thể giúp con yêu thích thánh chức hơn qua cách nào?

11 Dù không đọc được lòng người khác nhưng anh chị cũng có thể biểu lộ sự thông sáng. Chẳng hạn, anh chị có thể cố gắng nhận ra con cảm thấy thế nào về thánh chức. Trong khi đi rao giảng, nhiều bậc cha mẹ cho con nghỉ ngơi một chút và ăn hay uống gì đó. Dù vậy, anh chị có thể nhìn sâu hơn vẻ bề ngoài và tự hỏi: “Con mình thích thánh chức hay chỉ thích những lúc nghỉ ngơi?”. Nếu anh chị nhận ra con chưa yêu thích thánh chức cho lắm, hãy giúp con đặt mục tiêu thích hợp khi đi rao giảng, chẳng hạn như giao cho con một số trách nhiệm nhỏ để chúng cảm thấy mình có ích.

12. (a) Chúa Giê-su đã cảnh báo các môn đồ về điều gì? (b) Tại sao lời cảnh báo của Chúa Giê-su là đúng lúc?

12 Chúa Giê-su cũng thể hiện sự thông sáng qua việc chỉ ra những bước sai trái dẫn đến tội lỗi. Chẳng hạn, các môn đồ của ngài đã biết rằng sự vô luân là điều sai. Nhưng Chúa Giê-su cảnh báo họ về các bước dẫn đến sự vô luân khi nói: “Hễ ai cứ nhìn một phụ nữ và sinh lòng tham muốn thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy. Nếu mắt bên phải khiến anh em phạm tội, hãy móc nó ra và ném đi” (Mat 5:27-29). Đó là những lời khuyên thật đúng lúc cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô sống dưới thời La Mã. Một sử gia đã viết về các vở kịch ở La Mã như sau: “Mắt và tai đều phải thấy và nghe những điều thô tục, và những cảnh dâm dục nhất lại được vỗ tay nhiều nhất”. Chúa Giê-su yêu thương và thông sáng biết bao khi cảnh báo các môn đồ về những điều khiến họ khó giữ trong sạch về đạo đức!

13, 14. Làm thế nào anh chị có thể bảo vệ con khỏi các hình thức giải trí đồi bại?

13 Sự thông sáng có thể giúp anh chị bảo vệ con khỏi những nguy hiểm về thiêng liêng. Ngày nay, con cái có thể tiếp xúc với tài liệu khiêu dâm và những tài liệu vô luân khác ở độ tuổi trẻ hơn bao giờ hết. Dĩ nhiên, các bậc cha mẹ tin kính cần cho con biết các hình thức giải trí đồi bại là sai. Nhưng sự thông sáng cũng sẽ giúp anh chị hiểu những gì có thể khiến con mình tò mò về tài liệu khiêu dâm. Hãy tự hỏi: “Điều gì có thể cám dỗ con mình xem tài liệu khiêu dâm? Con mình có biết tại sao làm thế là rất nguy hiểm không? Mình có phải là người dễ gần không, để lỡ khi con bị cám dỗ xem tài liệu khiêu dâm, chúng sẽ không ngại đến xin mình giúp đỡ?”. Ngay cả khi con còn khá nhỏ, anh chị vẫn có thể nói với chúng: “Nếu con tình cờ thấy một trang web vô luân và cảm thấy bị cám dỗ để xem nó, hãy cho ba mẹ biết. Con đừng sợ, ba mẹ muốn giúp con”.

14 Sự thông sáng cũng sẽ giúp anh chị cẩn thận lựa chọn các hình thức giải trí cho chính mình. Anh Pranas, người được đề cập ở trên, nói: “Những gì mà các bậc cha mẹ như chúng ta lựa chọn, dù là âm nhạc, phim ảnh hay sách báo, sẽ là khuôn mẫu cho cả gia đình. Bạn có thể nói đủ thứ, nhưng con cái sẽ quan sát những gì bạn làm và bắt chước”. Nếu con cái thấy anh chị cẩn thận lựa chọn các hình thức giải trí lành mạnh, rất có thể chúng sẽ được thôi thúc để lựa chọn tương tự.—Rô 2:21-24.

ĐỨC CHÚA TRỜI SẼ LẮNG NGHE ANH CHỊ

15, 16. (a) Tại sao anh chị có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp mình huấn luyện con cái? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài tới?

15 Điều gì xảy ra khi Ma-nô-a cầu xin sự giúp đỡ để nuôi dạy con trai của mình? “Đức Chúa Trời nhậm lời cầu-nguyện của Ma-nô-a” (Quan 13:9). Hỡi các bậc cha mẹ, Đức Giê-hô-va cũng sẽ lắng nghe anh chị. Ngài sẽ nhậm lời cầu xin và giúp anh chị huấn luyện con cái. Anh chị có thể thành công khi làm thế với tình yêu thương, tính khiêm nhường và sự thông sáng.

16 Đức Giê-hô-va không chỉ giúp các bậc cha mẹ thành công trong việc huấn luyện con nhỏ, mà còn giúp họ huấn luyện con ở tuổi thanh thiếu niên. Bài tới sẽ xem xét cách anh chị có thể noi theo tình yêu thương, tính khiêm nhường và sự thông sáng của Chúa Giê-su khi huấn luyện con ở tuổi thanh thiếu niên phụng sự Đức Giê-hô-va.

^ đ. 5 Theo Kinh Thánh, sửa phạt bao gồm sự hướng dẫn yêu thương, huấn luyện, sửa sai và đôi khi có cả hình phạt, nhưng không bao giờ trong lúc nóng giận.

^ đ. 7 Bách khoa từ điển Kinh Thánh tiêu chuẩn quốc tế (The International Standard Bible Encyclopedia) cho biết: “Trong cách nói thông thường vào thời Chúa Giê-su, từ ʼabbāʼ chủ yếu được dùng khi con trẻ gọi cha mình cách thân mật và tôn trọng”.