Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Huấn luyện con ở tuổi thanh thiếu niên phụng sự Đức Giê-hô-va

Huấn luyện con ở tuổi thanh thiếu niên phụng sự Đức Giê-hô-va

“Chúa Giê-su ngày càng khôn ngoan, cao lớn, được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta”.LU 2:52.

BÀI HÁT: 41, 89

1, 2. (a) Một số bậc cha mẹ có những mối quan tâm nào khi có con bước vào tuổi thanh thiếu niên? (b) Các tín đồ trẻ có thể tận dụng tuổi thanh thiếu niên như thế nào?

Đối với cha mẹ theo đạo Đấng Ki-tô thì hiếm có điều gì vui bằng việc chứng kiến con mình làm báp-têm. Chị Berenice, người mẹ có bốn con làm báp-têm trước khi bước sang tuổi 14, chia sẻ: “Đó là giây phút vô cùng xúc động. Tất nhiên, chúng tôi rất biết ơn vì các con của mình muốn phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng các con sẽ đối mặt với nhiều thử thách ở tuổi thanh thiếu niên”. Có lẽ anh chị hiểu được mối quan tâm của chị Berenice nếu đang có con ở tuổi thanh thiếu niên hoặc sắp bước vào độ tuổi đó.

2 Một chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của trẻ thừa nhận rằng giai đoạn thanh thiếu niên có thể là thử thách đối với chính các em và các bậc cha mẹ. Nhưng ông cũng nói: “Thời thanh thiếu niên không phải là một giai đoạn ‘kỳ quặc’ hay ‘thiếu chín chắn’. Đó là giai đoạn cần thiết của những cảm xúc mạnh mẽ, các mối quan hệ xã hội và óc sáng tạo”. Khi ở tuổi thanh thiếu niên, con của anh chị có thể vun trồng một tình bạn ý nghĩa hơn với Đức Giê-hô-va cũng như đặt ra và theo đuổi các mục tiêu trong thánh chức. Chúng cũng có thể tự đưa ra các quyết định, chẳng hạn như dâng mình cho Đức Giê-hô-va và sống phù hợp với sự dâng mình. Giống như Chúa Giê-su lúc còn trẻ, các em có thể thấy thời thanh thiếu niên là giai đoạn phát triển về thiêng liêng mang lại nhiều lợi ích. (Đọc Lu-ca 2:52). Là cha mẹ, anh chị đóng vai trò nào trong những năm then chốt này của con? Hãy xem Chúa Giê-su sau khi khôn lớn đã thể hiện tình yêu thương, tính khiêm nhường và sự thông sáng như thế nào. Những đức tính này có thể giúp anh chị ra sao để huấn luyện con ở tuổi thanh thiếu niên phụng sự Đức Giê-hô-va?

HÃY YÊU THƯƠNG CON

3. Tại sao các sứ đồ biết Chúa Giê-su là bạn của họ?

3 Chúa Giê-su là người bạn yêu thương và trung tín của các môn đồ. (Đọc Giăng 15:15). Vào thời Kinh Thánh, một người chủ hiếm khi chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc với nô lệ của mình. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã cho thấy ngài vừa là chủ vừa là bạn của các sứ đồ trung thành. Ngài dành thời gian cho họ, chia sẻ cảm xúc với họ và cẩn thận lắng nghe khi họ dốc đổ lòng với ngài (Mác 6:30-32). Mối liên lạc yêu thương như thế đã tạo sợi dây nồng ấm giữa Chúa Giê-su và các sứ đồ, đồng thời chuẩn bị cho họ để đảm nhận những trách nhiệm sau này trong việc phụng sự Đức Chúa Trời.

4. Làm thế nào anh chị có thể vừa là bạn của con mà vẫn giữ được uy quyền của người làm cha mẹ? (Xem hình nơi đầu bài).

4 Anh Michael, một người cha có hai con, cho biết: “Là cha mẹ, chúng ta không thể là người bằng vai phải lứa với con, nhưng chúng ta có thể là bạn của chúng”. Bạn bè thì dành thời gian cho nhau. Hãy cầu nguyện và suy xét xem anh chị có thể điều chỉnh công việc ngoài đời hoặc những mục tiêu khác để dành nhiều thời gian hơn cho con hay không. Bạn bè cũng chia sẻ những mối quan tâm chung. Vì vậy, hãy cố gắng thích những điều mà con của anh chị thích, chẳng hạn như âm nhạc, phim hoặc những môn thể thao yêu thích của con. Một chị sống ở Ý tên là Ilaria nói: “Cha mẹ tôi quan tâm đến loại nhạc mà tôi nghe. Thực tế là cha đã trở thành người bạn tốt nhất của tôi, và tôi cảm thấy thoải mái trò chuyện với cha, ngay cả về những vấn đề tế nhị”. Khi là bạn của con và giúp con “kết bạn thiết” với Đức Giê-hô-va cũng như vui hưởng tình bạn đó, anh chị không đánh mất uy quyền của người làm cha mẹ (Thi 25:14). Ngược lại, anh chị cho thấy mình yêu thương, tôn trọng con và là người dễ gần. Còn con cái thì sao? Rất có thể chúng sẽ dễ chia sẻ những mối quan tâm riêng với anh chị hơn.

5. Chúa Giê-su đã giúp các môn đồ như thế nào để họ cảm nghiệm được niềm vui đến từ việc bận rộn phụng sự Đức Giê-hô-va?

5 Chúa Giê-su muốn những người bạn, đồng thời là các môn đồ yêu dấu của ngài, cảm nghiệm được niềm vui đến từ việc bận rộn phụng sự Đức Giê-hô-va. Vì thế, ngài muốn họ sốt sắng tham gia các hoạt động thiêng liêng. Quả thật, Chúa Giê-su muốn họ là những người nhiệt tình trong việc đào tạo môn đồ. Ngài yêu thương đảm bảo với các môn đồ rằng ngài sẽ giúp họ thành công.—Mat 28:19, 20.

6, 7. Tại sao việc cha mẹ tạo lập và duy trì nề nếp thiêng liêng cho con là điều yêu thương?

6 Anh chị muốn con ở tuổi thanh thiếu niên giữ được tình trạng tốt về thiêng liêng. Đức Giê-hô-va muốn anh chị “dùng sự sửa dạy và răn bảo” của ngài để nuôi dạy con (Ê-phê 6:4). Vì thế, hãy dùng trách nhiệm mà Đức Chúa Trời giao để tạo lập và duy trì nề nếp thiêng liêng cho con. Hãy xem xét minh họa sau: Anh chị đảm bảo cho con mình được học hành vì sự giáo dục chúng nhận được rất quan trọng và anh chị muốn chúng yêu thích việc học. Tương tự, cha mẹ yêu thương sẽ đảm bảo cho con mình nhận được lợi ích từ ‘sự răn bảo của Đức Giê-hô-va’ qua các buổi nhóm họp và những chương trình thiêng liêng khác. Vì sự giáo dục đến từ Đức Giê-hô-va là điều thiết yếu nên anh chị cố gắng khắc ghi nơi con lòng yêu mến dành cho những điều thiêng liêng và lòng quý trọng sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời (Châm 24:14). Như Chúa Giê-su từng giúp các môn đồ, anh chị cũng tìm cách để giúp con thành công trong thánh chức qua việc vun trồng cho con lòng yêu mến việc dạy dỗ về Lời Đức Chúa Trời và giúp chúng duy trì nề nếp tốt trong việc tham gia thánh chức.

7 Một nề nếp thiêng liêng có thể giúp ích thế nào cho những người trẻ ở tuổi thanh thiếu niên? Erin, một em gái sống ở Nam Phi, thừa nhận: “Chúng em thường than vãn và phàn nàn về việc học hỏi Kinh Thánh, tham gia các buổi nhóm và đi rao giảng. Đôi khi, chúng em cố tình làm gián đoạn buổi học hỏi của gia đình để được thoát học. Nhưng cha mẹ vẫn không bỏ cuộc”. Em ấy kể thêm: “Sự huấn luyện đó đã giúp em vun trồng được tính kiên trì. Nếu vào một lúc nào đó, nề nếp thiêng liêng của em bị gián đoạn thì em muốn trở lại nề nếp đó nhanh nhất có thể. Em nghĩ mình sẽ không có ước muốn ấy nếu cha mẹ không kiên quyết duy trì nề nếp thiêng liêng. Nếu cha mẹ bỏ cuộc thì em chắc rằng bây giờ mình sẽ cảm thấy rất dễ để bỏ các buổi nhóm họp hoặc các hoạt động thiêng liêng khác”.

DẠY SỰ KHIÊM NHƯỜNG BẰNG GƯƠNG MẪU

8. (a) Chúa Giê-su đã nhận biết những giới hạn của mình như thế nào? (b) Sự khiêm nhường của Chúa Giê-su tác động ra sao đến các môn đồ?

8 Dù là người hoàn hảo nhưng Chúa Giê-su khiêm nhường nhận biết mình có những giới hạn và cần nương cậy nơi Đức Giê-hô-va. (Đọc Giăng 5:19). Việc Chúa Giê-su thể hiện sự khiêm nhường có làm giảm đi lòng tôn trọng của các môn đồ dành cho ngài không? Hoàn toàn không. Thực tế là khi Chúa Giê-su càng nương cậy nơi Đức Giê-hô-va thì các môn đồ càng tin cậy ngài hơn. Sau này, họ đã bắt chước tính khiêm nhường của Chúa Giê-su.—Công 3:12, 13, 16.

9. Khi anh chị khiêm nhường xin lỗi và nhận biết mình có những giới hạn thì điều này có thể tác động thế nào đến con cái của anh chị?

9 Chúng ta có nhiều giới hạn, và khác với Chúa Giê-su, chúng ta là người bất toàn và có những sai sót. Hãy khiêm nhường nhận biết những giới hạn của mình và thừa nhận lỗi lầm (1 Giăng 1:8). Suy cho cùng, anh chị sẽ tôn trọng ai hơn: Một ông chủ thừa nhận khi mình sai hay một người không bao giờ xin lỗi? Khi con cái thấy anh chị thừa nhận lỗi của mình và nói lời xin lỗi, rất có thể chúng sẽ tôn trọng anh chị hơn. Có lẽ chúng học được rằng mình cũng cần thừa nhận nếu mắc lỗi. Chị Rosemary, một người mẹ có ba con đã trưởng thành, nói: “Chúng tôi thừa nhận lỗi của mình, điều đó đã thôi thúc các con cởi mở nói chuyện với chúng tôi khi chúng gặp vấn đề. Vì nhận biết mình có những giới hạn nên chúng tôi dạy các con nơi có thể tìm được giải pháp tốt nhất cho vấn đề mà chúng gặp. Khi con cần được giúp đỡ, chúng tôi luôn hướng con đến những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh và cùng cầu nguyện với con”.

10. Chúa Giê-su đã thể hiện tính khiêm nhường như thế nào khi đưa ra những mệnh lệnh cho các môn đồ?

10 Chúa Giê-su có quyền đưa ra những mệnh lệnh cho các môn đồ. Nhưng vì khiêm nhường, ngài thường đưa ra những lý do cho mỗi mệnh lệnh. Chẳng hạn, ngài không chỉ nói các môn đồ hãy tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Đức Chúa Trời trước hết, nhưng ngài nói: “Rồi anh em sẽ được mọi thứ ấy”. Sau khi nói rằng “đừng xét đoán người khác nữa”, Chúa Giê-su đưa ra lý do sau: “Để anh em không bị xét đoán; vì anh em xét đoán người ta thế nào thì cũng sẽ bị xét đoán thế ấy”.—Mat 6:31–7:2.

11. Nếu thích hợp, tại sao điều khôn ngoan là cha mẹ giải thích lý do khi đưa ra những nội quy hay quyết định?

11 Khi thích hợp, hãy giải thích những lý do nằm sau một nội quy hay một quyết định mà anh chị đưa ra. Khi con cái hiểu suy nghĩ của anh chị về vấn đề đó, có lẽ chúng sẽ sẵn lòng vâng lời hơn. Anh Barry, một người cha nuôi dạy bốn con, nói: “Việc giải thích lý do sẽ giúp con cái tin tưởng anh chị vì chúng thấy các quyết định của anh chị không độc đoán hay tùy hứng, nhưng là điều hợp lý”. Cũng hãy nhớ rằng những em ở tuổi thanh thiếu niên không còn là trẻ con nữa. Các em đang học cách dùng “lý trí” để tự đưa ra những quyết định (Rô 12:1). Anh Barry giải thích: “Thanh thiếu niên cần học cách đưa ra các quyết định khôn ngoan dựa trên lý trí thay vì cảm xúc” (Thi 119:34). Khi anh chị khiêm nhường giải thích lý do mình đưa ra những quyết định, các con có thể cảm thấy anh chị nhận ra chúng đang trưởng thành, và chúng có thể học cách tự đưa ra quyết định dựa trên “lý trí”.

HÃY THỂ HIỆN SỰ THÔNG SÁNG VÀ HIỂU CON CỦA ANH CHỊ

12. Chúa Giê-su đã dùng sự thông sáng như thế nào để giúp Phi-e-rơ?

12 Chúa Giê-su thể hiện sự thông sáng và hiểu các môn đồ cần sự trợ giúp trong khía cạnh nào. Chẳng hạn, sứ đồ Phi-e-rơ có ý tốt khi bảo Chúa Giê-su đừng quá khắt khe với bản thân để tránh được cái chết. Nhưng Chúa Giê-su biết lời khuyên can của Phi-e-rơ phản ánh lối suy nghĩ sai lầm. Để giúp Phi-e-rơ và các sứ đồ khác, Chúa Giê-su đã đưa ra lời khuyên thẳng thắn, cho biết những hậu quả của thái độ dễ dãi với bản thân và các ân phước của tinh thần hy sinh bất vị kỷ (Mat 16:21-27). Phi-e-rơ đã rút ra được bài học cho chính mình.—1 Phi 2:20, 21.

13, 14. (a) Điều gì có lẽ cho thấy đức tin của con anh chị đang dao động? (b) Làm thế nào anh chị có thể dùng sự thông sáng để hiểu và thật sự giúp con?

13 Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho anh chị sự thông sáng để có thể hiểu con ở tuổi thanh thiếu niên cần sự trợ giúp trong khía cạnh nào (Thi 32:8). Chẳng hạn, điều gì có lẽ cho thấy đức tin của con đang dao động? Có thể con không còn vui vẻ như trước, nói những lời tiêu cực về anh em đồng đạo hoặc thường giấu giếm. Đừng vội kết luận rằng đây là những dấu hiệu cho thấy con đang có lối sống hai mặt và đã phạm tội trọng. * Mặt khác, cũng đừng lờ đi những dấu hiệu như thế hoặc cho rằng sự cô lập của con chỉ là tạm thời.

Tạo cơ hội để con có những tình bạn trong hội thánh (Xem đoạn 14)

14 Giống như Chúa Giê-su, hãy đặt những câu hỏi một cách tế nhị và tôn trọng. Điều này được ví như việc múc nước. Nếu múc quá nhanh thì nước sẽ bị sánh ra ngoài. Tương tự, nếu không kiên nhẫn và gây nhiều áp lực buộc con nói ra vấn đề, anh chị có thể đánh mất cơ hội quý giá để hiểu suy nghĩ và cảm xúc của con. (Đọc Châm-ngôn 20:5). Chị Ilaria, người được đề cập ở trên, cho biết: “Lúc ở tuổi thanh thiếu niên, tôi bị giằng co giữa việc đi theo sự thật với việc dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè cùng lớp. Cuộc chiến nội tâm này đã ảnh hưởng đến tâm trạng của tôi, và cha mẹ tôi đã nhận thấy điều đó. Vào một buổi tối, họ chỉ nói là trông tôi hơi buồn, rồi hỏi xem có chuyện gì xảy ra. Tôi òa khóc, giải thích vấn đề và xin cha mẹ giúp đỡ. Họ ôm tôi và nói rằng họ hiểu và hứa sẽ giúp tôi”. Ngay sau đó, cha mẹ của chị Ilaria đã giúp chị tạo những tình bạn mới và tốt hơn trong hội thánh.

15. Hãy nêu ví dụ cho thấy Chúa Giê-su đã thể hiện sự thông sáng ra sao trong cách cư xử với người khác.

15 Chúa Giê-su cũng thể hiện sự thông sáng để nhận ra các môn đồ cần được trợ giúp trong khía cạnh nào và tìm những điểm tốt nơi họ. Chẳng hạn, khi Na-tha-na-ên được biết Chúa Giê-su là người Na-xa-rét, ông nói: “Có gì tốt ra từ Na-xa-rét sao?” (Giăng 1:46). Dựa vào những lời ấy, anh chị sẽ xem Na-tha-na-ên là người như thế nào? Người chỉ trích? Người có thành kiến? Hay người không có đức tin? Chúa Giê-su đã thể hiện sự thông sáng và tìm điểm tốt nơi Na-tha-na-ên. Ngài gọi ông là “một người Y-sơ-ra-ên không có chút dối trá nào trong lòng” (Giăng 1:47). Chúa Giê-su có thể đọc được lòng của một người và ngài đã dùng khả năng này để tìm điểm tốt nơi người khác.

16. Làm thế nào anh chị có thể giúp con phát triển những đức tính tốt?

16 Dù không thể đọc được lòng người khác nhưng với sự trợ giúp của Đức Chúa Trời, anh chị vẫn có thể biểu lộ sự thông sáng. Anh chị sẽ dùng khả năng đó để tìm điểm tốt nơi con ở tuổi thanh thiếu niên không? Không ai muốn bị đánh giá là “kẻ gây rối”. Qua suy nghĩ và lời nói, đừng bao giờ cho con anh chị thấy chúng bị xem như là “đứa con ngỗ nghịch” hay “đứa con bất trị”. Ngay cả nếu con đang giằng co giữa việc làm điều đúng và sai, hãy cho con biết rằng anh chị thấy chúng có tiềm năng và thật sự muốn làm điều đúng. Hãy để ý bất cứ dấu hiệu nào cho thấy con khôn lớn và tiến bộ, rồi khen con. Hãy giúp con phát triển những đức tính tốt bằng cách giao cho con thêm các trách nhiệm khi có thể. Chúa Giê-su đã làm như thế đối với các môn đồ. Khoảng một năm rưỡi sau lần gặp Na-tha-na-ên (cũng gọi là Ba-tô-lô-mê), Chúa Giê-su đã chọn ông làm sứ đồ, và Na-tha-na-ên đã chứng tỏ là một tín đồ sốt sắng (Lu 6:13, 14; Công 1:13, 14). Lời khen và sự khích lệ của anh chị sẽ giúp con cảm thấy con không phải là người luôn thiếu sót, nhưng là một tín đồ có khả năng và có thể được Đức Giê-hô-va dùng.

SỰ HUẤN LUYỆN MANG LẠI NIỀM VUI KHÔN XIẾT

17, 18. Những nỗ lực không ngừng của anh chị trong việc giúp con phụng sự Đức Giê-hô-va có thể mang lại kết quả nào?

17 Khi nuôi dạy con cái, có lẽ đôi khi anh chị cảm thấy như sứ đồ Phao-lô, người đã trở thành cha thiêng liêng của nhiều người. Ông từng “đau đớn và quặn thắt trong lòng” vì có “tình yêu thương sâu đậm” với những người con thiêng liêng ở Cô-rinh-tô (2 Cô 2:4; 1 Cô 4:15). Anh Victor, người nuôi dạy hai con trai và một con gái, nói: “Những năm nuôi dạy con ở tuổi thanh thiếu niên không hề dễ dàng. Nhưng niềm vui mà chúng tôi có được thì nhiều hơn các thử thách mà mình đối mặt. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng tôi đã có tình bạn mật thiết với các con”.

18 Hãy nỗ lực không ngừng để huấn luyện con cái phụng sự Đức Giê-hô-va. Khi thể hiện tình yêu thương sâu đậm dành cho con, mong rằng anh chị cảm nghiệm được niềm vui khôn xiết khi thấy con mình quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va và “tiếp tục bước đi theo sự thật”.—3 Giăng 4.