Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một trăm năm dưới sự cai trị của Nước Trời!

Một trăm năm dưới sự cai trị của Nước Trời!

“Nguyện Đức Chúa Trời của sự bình an... trang bị cho anh em mọi điều tốt lành để làm theo ý muốn ngài”.HÊ 13:20, 21.

BÀI HÁT: 136, 14

1. Công việc rao giảng quan trọng thế nào với Chúa Giê-su? Hãy giải thích.

Chúa Giê-su rất thích nói về Nước Đức Chúa Trời. Theo lời tường thuật của Kinh Thánh, ngài nói về Nước Trời nhiều hơn bất cứ đề tài nào khác. Trong thời gian thi hành thánh chức, Chúa Giê-su đã đề cập đến Nước Trời hơn 100 lần. Nước Trời là điều thật sự quan trọng với Chúa Giê-su.—Đọc Ma-thi-ơ 12:34.

2. Có lẽ bao nhiêu người đã có mặt khi Chúa Giê-su đưa ra mệnh lệnh nơi Ma-thi-ơ 28:19, 20, và tại sao chúng ta có thể kết luận như thế?

2 Không lâu sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã gặp hơn 500 người có triển vọng là những người công bố Nước Trời (1 Cô 15:6). Có lẽ chính trong dịp đó, ngài đã đưa ra mệnh lệnh rao giảng thông điệp Nước Trời cho “muôn dân”, một nhiệm vụ đầy thử thách lúc bấy giờ! * Chúa Giê-su báo trước công việc lớn lao ấy sẽ được thực hiện cho đến khi “thời đại này kết thúc”, và lời của ngài đã chứng tỏ là đúng. Khi tham gia công việc rao giảng, anh chị đang thi hành mệnh lệnh của Chúa Giê-su và góp phần làm ứng nghiệm lời tiên tri ấy.—Mat 28:19, 20.

3. Chúng ta đã được trang bị kỹ về ba mặt nào để thực hiện sứ mạng rao giảng tin mừng?

3 Sau khi giao cho môn đồ sứ mạng rao giảng, Chúa Giê-su đã hứa với họ: “Tôi sẽ luôn ở cùng anh em” (Mat 28:20). Thế nên, công việc rao giảng rộng lớn này sẽ được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Chúa Giê-su. Đức Chúa Trời đã trang bị “mọi điều tốt lành” để giúp chúng ta hoàn thành sứ mạng đó (Hê 13:20, 21). Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét ba trong số những điều tốt lành ấy: (1) Những công cụ chúng ta được giao, (2) những phương pháp chúng ta đã sử dụng, và (3) sự huấn luyện mà chúng ta nhận được. Trước tiên, hãy xem xét một số công cụ chúng ta đã sử dụng trong 100 năm qua.

VUA TRANG BỊ CHO CÁC TÔI TỚ CỦA NGÀI ĐỂ RAO GIẢNG

4. Tại sao chúng ta sử dụng nhiều công cụ khác nhau trong công việc rao giảng?

4 Chúa Giê-su ví “lời giảng về Nước của Đức Chúa Trời” giống như hạt giống được gieo trên các loại đất khác nhau (Mat 13:18, 19). Một người làm vườn có lẽ sử dụng nhiều loại công cụ để chuẩn bị đất trước khi gieo hạt. Tương tự, trong những năm qua, Vua của chúng ta đã ban cho chúng ta những công cụ giúp chuẩn bị lòng của hàng triệu người để đón nhận thông điệp Nước Trời. Một số công cụ đã tỏ ra hữu ích có lẽ trong khoảng một thập kỷ, trong khi những công cụ khác vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Nhưng tất cả những công cụ ấy đều giúp chúng ta phát triển những kỹ năng của người rao giảng tin mừng.

5. Thẻ làm chứng là gì và được sử dụng như thế nào?

5 Một công cụ đã giúp nhiều người công bố bắt đầu trong thánh chức là thẻ làm chứng, được sử dụng lần đầu vào năm 1933. Thẻ có chiều rộng 7,6cm, chiều dài 12,7cm và chứa một thông điệp Kinh Thánh ngắn gọn. Thỉnh thoảng, có một thẻ mới với một thông điệp mới được phát hành. Cách giới thiệu rất đơn giản! Anh Erlenmeyer tham gia hình thức làm chứng này lúc khoảng mười tuổi. Anh giải thích: “Lời trình bày mẫu là ‘Xin mời ông/bà đọc thẻ này’. Sau khi chủ nhà đọc thẻ, chúng tôi sẽ mời nhận ấn phẩm rồi rời đi”.

6. Thẻ làm chứng đã đáp ứng mục tiêu thực tế nào?

6 Thẻ làm chứng đã giúp ích theo nhiều cách. Dù rất muốn tham gia công việc rao giảng nhưng một số người công bố nhút nhát và không biết nói gì. Một số người khác lại có rất nhiều điều để nói. Họ sẽ nói với chủ nhà mọi thứ mình biết chỉ trong vài phút, nhưng cách trình bày như thế không phải lúc nào cũng tế nhị! Ngược lại, với vài từ súc tích và khéo chọn, thẻ làm chứng “đã nói thay” cho người công bố.

7. Một số anh chị phải đối mặt với những thử thách nào khi sử dụng thẻ làm chứng?

7 Dĩ nhiên, cũng có những thử thách. Một Nhân Chứng lâu năm là chị Grace Estep nhớ lại: “Đôi lúc, chúng tôi sẽ được hỏi: ‘Ồ, cái này viết gì vậy? Sao cô không nói luôn cho tôi đi?’”. Ngoài ra, một số chủ nhà không thể đọc những gì được viết trên thẻ. Có những người lại nghĩ rằng thẻ này dành cho họ nên họ lấy thẻ, rồi đóng cửa. Nếu chủ nhà chống đối gay gắt, có thể họ sẽ xé thẻ ra thành nhiều mảnh. Dù vậy, thẻ làm chứng đã giúp anh em của chúng ta đến gặp chủ nhà và rao giảng cho người ta, đồng thời công khai cho thấy mình là những người đại diện của Nước Trời.

8. Hãy giải thích máy hát đĩa xách tay đã được sử dụng như thế nào. (Xem hình nơi đầu bài).

8 Một công cụ khác được sử dụng trong thập niên 1930 và đầu thập niên 1940 là máy hát đĩa xách tay. Một số anh em đặt tên cho máy này là “A-rôn” vì chiếc máy hầu như nói thay hết cho họ. (Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 4:14-16). Nếu chủ nhà cho phép, người công bố sẽ mở một bài giảng dựa trên Kinh Thánh dài bốn phút rưỡi, sau đó mời nhận một số ấn phẩm. Đôi lúc, có những gia đình tập trung mọi thành viên lại để nghe một thông điệp Kinh Thánh được thu âm! Vào năm 1934, Hội Tháp Canh bắt đầu sản xuất những máy hát đĩa xách tay được thiết kế đặc biệt để dùng trong thánh chức. Tổng cộng, các anh đã thu âm 92 bài giảng khác nhau.

9. Việc sử dụng máy hát đĩa đã có hiệu quả như thế nào?

9 Sau khi nghe một trong những bài giảng dựa trên Kinh Thánh, một chủ nhà tên là Hillary Goslin được người công bố cho mượn máy hát đĩa trong một tuần để cho những người hàng xóm của anh biết về thông điệp Nước Trời. Khi người công bố trở lại thì thấy một số người mới chú ý đang đợi mình. Sau này, vài người trong số họ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, hai con gái của anh Hillary đã tham dự Trường Ga-la-át và nhận một nhiệm sở ở nước ngoài. Giống như thẻ làm chứng, máy hát đĩa đã giúp nhiều anh chị bắt đầu trong công việc rao giảng. Sau này, Vua sẽ đặt những lời trong miệng họ qua Trường thánh chức.

DÙNG MỌI PHƯƠNG PHÁP CÓ THỂ ĐỂ RAO GIẢNG

10, 11. Các tờ báo và radio đã được sử dụng như thế nào trong việc rao truyền sự thật Kinh Thánh, và tại sao những phương pháp này hữu hiệu?

10 Dưới sự hướng dẫn của Vua, dân Đức Chúa Trời đã sử dụng các phương pháp khác nhau để mang tin mừng đến càng nhiều người càng tốt. Điều này đặc biệt quan trọng khi “thợ gặt thì ít”. (Đọc Ma-thi-ơ 9:37). Vào đầu thế kỷ 20, các tờ báo đã được dùng để tiếp cận với một lượng lớn độc giả trong những khu vực mà dân của Đức Giê-hô-va chỉ có ít người. Mỗi tuần, anh Charles Russell gửi một bài giảng bằng điện tín cho nghiệp đoàn nhà báo. Sau đó, nghiệp đoàn này gửi tiếp bài giảng đó cho các tờ báo ở Hoa Kỳ, Canada và châu Âu. Ước tính đến năm 1913, những bài giảng của anh Russell đã đến với 15.000.000 độc giả qua 2.000 tờ báo!

11 Sau khi anh Russell qua đời, một phương pháp rao truyền tin mừng hữu hiệu khác bắt đầu được sử dụng. Vào ngày 16-4-1922, anh Joseph Rutherford nói một trong những bài giảng đầu tiên trên radio cho khoảng 50.000 người nghe. Sau đó, vào ngày 24-2-1924, đài phát thanh đầu tiên của tổ chức là WBBR bắt đầu phát sóng. Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-12-1924 nhận xét về phương pháp mới này như sau: “Chúng tôi tin rằng radio là cách loan báo thông điệp của sự thật tiết kiệm và hiệu quả nhất kể từ trước đến nay”. Giống như các tờ báo, radio đã rất hữu hiệu cho việc tiếp cận một số lượng lớn thính giả trong những khu vực có ít người công bố Nước Trời sinh sống.

Nhiều người công bố Nước Trời tham gia làm chứng nơi công cộng và vui thích giới thiệu với người khác trang web jw.org (Xem đoạn 12, 13)

12. (a) Về việc làm chứng ở nơi công cộng, anh chị thích làm chứng ở những nơi nào nhất? (b) Điều gì có thể giúp chúng ta vượt qua bất cứ nỗi sợ hãi nào liên quan đến việc làm chứng nơi công cộng?

12 Một phương pháp ngày càng được chú trọng hiện nay là làm chứng nơi công cộng: tại trạm xe buýt, nhà ga xe lửa, bãi đậu xe, quảng trường công cộng và ở chợ. Nếu việc làm chứng ở một vài nơi kể trên khiến anh chị cảm thấy lo lắng, sao không cầu nguyện và suy nghĩ về lời nhận xét của một giám thị lưu động lâu năm là anh Angelo Manera: “Chúng tôi xem mỗi cách rao giảng mới là một cách khác để phụng sự Đức Giê-hô-va, một cách khác để chứng tỏ lòng trung thành với ngài, một thử thách khác về lòng trung kiên, và chúng tôi háo hức muốn chứng tỏ mình sẵn lòng phụng sự ngài theo bất cứ cách nào ngài đòi hỏi”. Việc tham gia một cách rao giảng mới, có lẽ không dễ với mình, giúp chúng ta củng cố lòng tin cậy và đức tin nơi Đức Giê-hô-va cũng như giúp mình vững mạnh về thiêng liêng.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 12:9, 10.

13. Trang web jw.org của chúng ta đang đáp ứng nhu cầu nào, và anh chị có kinh nghiệm nào trong việc giới thiệu trang web này cho người khác?

13 Nhiều người công bố thích giới thiệu với người khác trang web jw.org, nơi người ta có thể đọc và tải về ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trong hơn 700 ngôn ngữ. Mỗi ngày, có hơn 1,6 triệu người truy cập trang web của chúng ta. Giống như những gì mà radio đã làm được trong quá khứ, ngày nay trang web của chúng ta đang mang tin mừng đến cho nhiều người, ngay cả ở những khu vực xa xôi nhất.

HUẤN LUYỆN NHỮNG NGƯỜI RAO GIẢNG TIN MỪNG

14. Những người công bố Nước Trời cần sự huấn luyện nào, và trường nào giúp họ trở thành những người dạy dỗ hữu hiệu?

14 Những công cụ và phương pháp chúng ta vừa thảo luận rất hữu hiệu. Tuy nhiên, những người công bố cần được huấn luyện để rao giảng. Chẳng hạn, đôi khi chủ nhà nêu lên lời thoái thác sau khi nghe từ máy hát đĩa hoặc tỏ ra quan tâm về những gì họ đọc trên thẻ làm chứng. Người công bố cần biết cách tế nhị vượt qua lời thoái thác đó cũng như biết dạy những người có lòng thành một cách khéo léo. Chắc hẳn anh Nathan Knorr đã được thôi thúc bởi thần khí của Đức Chúa Trời để nhận thấy nhu cầu cần huấn luyện những người công bố sử dụng món quà là khả năng ăn nói trong thánh chức. Giải pháp là gì? Đó là Trường thánh chức được tổ chức trong các hội thánh kể từ năm 1943. Trường này giúp chúng ta trở thành những người dạy dỗ hữu hiệu.

15. (a) Một số người đã trải qua kinh nghiệm nào khi làm một phần trong Trường thánh chức? (b) Lời hứa của Đức Giê-hô-va nơi Thi-thiên 32:8 đã đúng như thế nào trong trường hợp của anh chị?

15 Với nhiều người, phải mất một thời gian để quen với việc nói trước cử tọa. Anh Julio Ramu nhớ lại bài giảng đầu tiên của mình trong Trường thánh chức vào năm 1944. Anh được giao chủ đề nào? Đó là về Đô-e, một nhân vật chỉ được nói đến trong năm câu Kinh Thánh! Anh Julio chia sẻ: “Đầu gối tôi đập vào nhau, tay run run và răng thì lập cập”. Anh cho biết mình đã phải triển khai toàn bộ bài giảng chỉ dựa trên năm câu Kinh Thánh đó, và anh nói thêm: “Tôi làm bài giảng trong ba phút. Dù đó là lần đầu tiên nói trên bục, nhưng tôi đã không bỏ cuộc”. Các em nhỏ cũng tham gia trường, dù nói bài giảng trước hội thánh là điều không dễ đối với một số em. Anh Angelo Manera, người được đề cập ở trên, nhớ lại bài giảng đầu tiên của một em trai chỉ vừa mới đi học. Anh kể: “Em ấy căng thẳng đến mức khi bắt đầu bài giảng, em đã khóc thổn thức. Nhưng em ấy đã quyết tâm làm bài và cứ vừa làm vừa khóc như thế cho đến khi hết bài giảng”. Đã bao giờ anh chị ngại bình luận hoặc ngại tham gia vào các phần của buổi nhóm họp vì nhút nhát hay có hạn chế nào đó chưa? Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị vượt qua nỗi sợ hãi. Có lẽ anh chị sẽ thấy ngài giúp mình như ngài đã giúp những học viên Trường thánh chức thời ban đầu được nói đến ở trên.—Đọc Thi-thiên 32:8.

16. Trường Ga-la-át đã đáp ứng mục tiêu nào (a) trong quá khứ và (b) từ năm 2011?

16 Sự huấn luyện mà dân của Đức Giê-hô-va nhận được không chỉ giới hạn trong Trường thánh chức. Các giáo sĩ và những anh chị khác đã nhận được rất nhiều lợi ích nhờ tham dự Trường Ga-la-át. Theo một giảng viên, một mục tiêu của trường này là “giúp các học viên gia tăng ước muốn rao truyền tin mừng”. Trường Ga-la-át bắt đầu hoạt động vào năm 1943, kể từ đó đã có hơn 8.500 anh chị được huấn luyện. Các giáo sĩ được đào tạo tại Trường Ga-la-át đã phụng sự trong khoảng 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2011, những người được mời tham dự trường là các anh chị phụng sự trọn thời gian trong công tác đặc biệt bao gồm tiên phong đặc biệt, giám thị lưu động, thành viên nhà Bê-tên hoặc các giáo sĩ ngoài cánh đồng mà chưa tham dự Trường Ga-la-át.

17. Sự huấn luyện tại Trường Ga-la-át đã chứng tỏ hữu hiệu như thế nào?

17 Sự huấn luyện này hữu hiệu như thế nào? Hãy xem một ví dụ. Vào tháng 8 năm 1949, chỉ có dưới mười người công bố địa phương tại Nhật Bản. Đến cuối năm đó, 13 giáo sĩ được huấn luyện qua Trường Ga-la-át đã sốt sắng rao giảng tại đây. Ngày nay, có khoảng 216.000 người công bố tại Nhật Bản, trong đó 42% là tiên phong!

18. Hãy nêu tên một số trường khác giúp những Nhân Chứng hội đủ điều kiện tiếp tục lớn mạnh về thiêng liêng.

18 Những trường khác đã góp phần quan trọng trong việc củng cố tình trạng thiêng liêng của dân Đức Giê-hô-va cũng như giúp họ trở nên hữu hiệu hơn, chẳng hạn như Trường thánh chức Nước Trời, Trường dành cho tiên phong, Trường cho người rao truyền Nước Trời, Trường dành cho vợ chồng giám thị vòng quanh, Trường dành cho vợ chồng thành viên Ủy ban chi nhánh. Rõ ràng, Vua đang tiếp tục huấn luyện các thần dân của ngài!

19. Anh Charles Russell đã đưa ra nhận xét sâu sắc nào về công việc rao giảng, và điều này chứng tỏ đúng ra sao?

19 Hơn 100 năm đã trôi qua kể từ khi Nước Đức Chúa Trời thành lập. Vua của chúng ta là Chúa Giê-su Ki-tô tiếp tục huấn luyện chúng ta. Không lâu trước khi qua đời vào năm 1916, anh Charles Russell đã cho thấy tầm nhìn sâu sắc của anh về quy mô của công việc rao giảng. Trong kinh nghiệm do một cộng sự thân thiết của anh Russell là anh Macmillan kể lại, anh Russell từng nói: “Công việc đang gia tăng rất nhanh và sẽ tiếp tục gia tăng vì việc rao truyền ‘tin mừng về Nước Trời’ cần được thực hiện trên toàn cầu”. Điều anh nói thật đúng! Chúng ta vô cùng biết ơn vì Đức Chúa Trời của sự bình an tiếp tục trang bị cho chúng ta để thi hành công việc đầy thỏa nguyện ấy! Quả thật, ngài ban “mọi điều tốt lành” mà chúng ta cần để thực thi ý muốn của ngài!

^ đ. 2 Có lý do để tin rằng phần lớn trong số những người có mặt vào dịp đó đã trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Phao-lô gọi họ là “năm trăm anh em” trong lá thư gửi cho hội thánh Cô-rinh-tô. Điều đáng chú ý là ông nói thêm: “Tuy một số người trong vòng họ đã an giấc, nhưng phần lớn hiện giờ vẫn còn sống”. Vì thế, dường như Phao-lô và những tín đồ khác vào thế kỷ thứ nhất có quen biết với nhiều người trực tiếp nghe mệnh lệnh trên.