Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một bản dịch Kinh Thánh rõ ràng và dễ hiểu

Một bản dịch Kinh Thánh rõ ràng và dễ hiểu

“Lời Đức Chúa Trời là lời sống”.HÊ 4:12.

BÀI HÁT: 37, 116

1. (a) Đức Chúa Trời đã giao cho A-đam nhiệm vụ nào? (b) Kể từ đó, dân của Đức Chúa Trời đã sử dụng món quà ngôn ngữ ra sao?

Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban món quà ngôn ngữ cho con người. Sau khi đặt A-đam trong khu vườn Ê-đen đồng thời là nhà của ông, Đức Chúa Trời giao cho A-đam một nhiệm vụ liên quan đến ngôn ngữ, đó là đặt tên cho các loài thú. A-đam đã dùng khả năng sáng tạo và trí thông minh của mình để đặt tên thích hợp cho mỗi loài thú (Sáng 2:19, 20). Kể từ đó, dân của Đức Giê-hô-va tiếp tục dùng món quà ngôn ngữ để ngợi khen ngài và cho người khác biết ý muốn của ngài. Trong những năm qua, dân Đức Chúa Trời đã dùng món quà này để dịch Kinh Thánh nhằm đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch.

2. (a) Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới đã áp dụng những nguyên tắc nào trong việc dịch thuật? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

2 Có hàng ngàn bản dịch Kinh Thánh nhưng chúng khác nhau về mức độ trung thực trong việc chuyển tải thông điệp từ bản gốc. Vào thập niên 1940, Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới đã đưa ra ba nguyên tắc dịch thuật. Đó là (1) làm thánh danh Đức Chúa Trời bằng việc khôi phục danh ấy vào đúng chỗ trong Kinh Thánh (đọc Ma-thi-ơ 6:9), (2) dịch sát chữ thông điệp gốc ở những nơi có thể nhưng nếu cách dịch từng chữ một sẽ làm sai nghĩa thì sẽ dịch nghĩa của thông điệp đó, (3) sử dụng từ ngữ dễ hiểu để khuyến khích việc đọc Kinh Thánh. * (Đọc Nê-hê-mi 8:8, 12). Những nguyên tắc này đã được áp dụng khi dịch Kinh Thánh sang hơn 130 ngôn ngữ. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem những nguyên tắc ấy đã được áp dụng ra sao trong Bản dịch Thế Giới Mới, ấn bản hiệu đính năm 2013 cũng như các ấn bản khác của Bản dịch Thế Giới Mới ngoài Anh ngữ.

MỘT BẢN KINH THÁNH TÔN VINH DANH ĐỨC CHÚA TRỜI

3, 4. (a) Những bản chép tay cổ xưa nào có bốn mẫu tự tiếng Hê-bơ-rơ biểu thị danh Đức Chúa Trời? (b) Nhiều bản dịch Kinh Thánh đã làm gì đối với danh Đức Chúa Trời?

3 Khi nghiên cứu các bản Kinh Thánh chép tay cổ xưa trong tiếng Hê-bơ-rơ, chẳng hạn như các cuộn Biển Chết, các nhà nghiên cứu đã rất ấn tượng trước việc bốn mẫu tự tiếng Hê-bơ-rơ biểu thị danh Đức Chúa Trời xuất hiện rất nhiều lần. Danh Đức Chúa Trời không chỉ xuất hiện trong những bản Kinh Thánh chép tay cổ xưa trong tiếng Hê-bơ-rơ ấy mà còn xuất hiện trong một số bản sao của bản Septuagint tiếng Hy Lạp có niên đại từ thế kỷ thứ hai TCN đến thế kỷ thứ nhất CN.

4 Dù có bằng chứng rõ ràng cho thấy danh riêng của Đức Chúa Trời nên có trong Kinh Thánh, nhưng nhiều bản dịch đã hoàn toàn loại bỏ danh thánh của ngài. Thực tế, chỉ hai năm sau khi cuốn Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền) ra mắt vào năm 1950, ấn bản hiệu đính của bản dịch Kinh Thánh American Standard Version đã được phát hành. Ấn bản năm 1901 của bản dịch này có dùng danh Đức Chúa Trời, nhưng ấn bản hiệu đính năm 1952 đã loại bỏ danh ấy. Tại sao họ làm thế? Lời mở đầu của ấn bản hiệu đính ấy viết: “Việc sử dụng danh riêng cho Đức Chúa Trời có một và duy nhất... hoàn toàn không phù hợp với đức tin chung của Ki-tô giáo”. Hành động đó đã trở thành khuôn mẫu cho nhiều bản dịch sau này, cả trong tiếng Anh và các ngôn ngữ khác.

5. Tại sao việc giữ danh Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là điều quan trọng?

5 Tại sao việc giữ hoặc loại bỏ danh Đức Chúa Trời là điều rất hệ trọng? Một dịch thuật viên tốt nhận biết tầm quan trọng của việc hiểu ý định của tác giả; sự hiểu biết này ảnh hưởng đến các quyết định dịch thuật của người ấy. Có vô số câu Kinh Thánh cho thấy tầm quan trọng của danh Đức Chúa Trời và việc làm thánh danh ngài (Xuất 3:15; Thi 83:18; 148:13; Ê-sai 42:8; 43:10; Giăng 17:6, 26; Công 15:14). Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Tác giả của Kinh Thánh, đã soi dẫn những người viết sách này sử dụng danh ngài hàng ngàn lần, như được thấy trong các bản chép tay cổ xưa. (Đọc Ê-xê-chi-ên 38:23). Do đó, việc loại bỏ danh của Đức Chúa Trời là điều bất kính đối với Tác giả của Kinh Thánh.

6. Tại sao danh Đức Chúa Trời xuất hiện thêm sáu lần trong Bản dịch Thế Giới Mới, ấn bản hiệu đính?

6 Ngày nay, càng có nhiều bằng chứng hơn để giữ danh Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Trong Bản dịch Thế Giới Mới, ấn bản hiệu đính năm 2013, danh ấy xuất hiện 7.216 lần, thêm 6 lần so với ấn bản năm 1984. Trong 6 lần khôi phục danh Đức Chúa Trời, 5 lần được tìm thấy ở 1 Sa-mu-ên 2:25; 6:3; 10:26; 23:14, 16. Việc khôi phục ấy chủ yếu là vì trong các cuộn Biển Chết, danh Đức Chúa Trời xuất hiện ở những câu Kinh Thánh trên. Các cuộn này có niên đại sớm hơn 1.000 năm so với bản Kinh Thánh Masorete tiếng Hê-bơ-rơ, một bản được tham khảo trong quá trình dịch Bản dịch Thế Giới Mới. Danh Đức Chúa Trời cũng được khôi phục ở sách Các Quan Xét 19:18 sau khi nghiên cứu thêm về các bản chép tay cổ xưa.

7, 8. Danh Giê-hô-va có nghĩa gì?

7 Danh của Đức Giê-hô-va có ý nghĩa rất quan trọng đối với các tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính. Phụ lục của Bản dịch Thế Giới Mới, ấn bản hiệu đính năm 2013 cung cấp thêm thông tin cập nhật về danh Đức Chúa Trời. Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới hiểu rằng danh của Đức Chúa Trời là một dạng của động từ Hê-bơ-rơ ha·wah’, có nghĩa “Đấng làm cho thành tựu”. * Trước đây, các ấn phẩm của chúng ta liên kết nghĩa này với Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14. Câu đó viết: “Ta Sẽ Trở Thành Đấng Ta Chọn Trở Thành” (NW). Điều này dẫn đến quan điểm được nêu ra trong ấn bản năm 1984 là danh ấy có nghĩa ngài “khiến mình trở thành đấng thực hiện lời hứa”. * Tuy nhiên, Phụ lục A4 của Bản dịch Thế Giới Mới, ấn bản hiệu đính năm 2013 giải thích: “Dù danh Giê-hô-va có thể mang nghĩa này, nhưng không giới hạn ở những gì mà chính ngài chọn trở thành. Danh ấy cũng bao hàm những điều ngài làm cho xảy ra liên quan đến các tạo vật và việc thực hiện ý định của ngài”.

8 Đức Giê-hô-va khiến các tạo vật của ngài trở thành bất cứ điều gì ngài chọn. Phù hợp với ý nghĩa của danh ngài, Đức Chúa Trời đã khiến Nô-ê trở thành một người đóng tàu, khiến Bết-sa-lê-ên trở thành một nghệ nhân thành thạo, khiến Ghê-đê-ôn trở thành một chiến binh thắng trận và khiến Phao-lô trở thành một sứ đồ được phái đến với dân ngoại. Đúng vậy, danh Đức Chúa Trời có ý nghĩa đặc biệt đối với dân ngài. Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới sẽ không bao giờ làm giảm đi tầm quan trọng của danh Đức Chúa Trời bằng việc loại bỏ danh ấy khỏi Kinh Thánh.

9. Tại sao việc dịch Kinh Thánh sang các ngôn ngữ khác được đặt ưu tiên?

9 Các ấn bản của Bản dịch Thế Giới Mới trong hơn 130 ngôn ngữ đã tôn vinh danh Đức Chúa Trời qua việc giữ danh ngài ở những vị trí mà danh ấy hẳn đã có trong Kinh Thánh. (Đọc Ma-la-chi 3:16). Ngược lại, xu hướng hiện nay trong việc dịch Kinh Thánh là loại bỏ danh Đức Chúa Trời, thay thế danh ấy bằng một tước hiệu như “Chúa” hoặc tên của một vị thần bản địa. Đây là lý do chính khiến Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va đặt ưu tiên cho việc giúp càng nhiều người càng tốt có được một bản Kinh Thánh tôn vinh danh Đức Chúa Trời.

MỘT BẢN DỊCH RÕ RÀNG VÀ CHÍNH XÁC

10, 11. Các dịch thuật viên đã gặp một số khó khăn nào khi dịch Kinh Thánh Bản dịch Thế Giới Mới sang những ngôn ngữ khác?

10 Trong quá trình dịch Kinh Thánh Bản dịch Thế Giới Mới sang hàng loạt ngôn ngữ, nhiều vấn đề về dịch thuật đã nảy sinh. Chẳng hạn, trong quá khứ, ấn bản Anh ngữ của bản dịch này đã đi theo khuôn mẫu của một số bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh khác về việc sử dụng từ Hê-bơ-rơ “Sheol” ở những câu như Truyền-đạo 9:10. Các dịch thuật viên của Bản dịch Thế Giới Mới trong nhiều ngôn ngữ khác đối mặt với vấn đề sau: Hầu hết độc giả của họ không biết đến từ “Sheol”, những cuốn từ điển của họ không có từ này và từ ấy nghe giống như một địa danh. Do đó, đã có quyết định chấp thuận việc làm rõ nghĩa của từ “Sheol” cũng như từ tương đương trong tiếng Hy Lạp là “Hades” bằng cách dịch cho dễ hiểu những từ này thành “mồ mả”.

11 Trong một số ngôn ngữ, các dịch thuật viên gặp khó khăn khi dịch từ neʹphesh của tiếng Hê-bơ-rơ và từ psy·kheʹ của tiếng Hy Lạp. Tại sao lại như vậy? Bởi vì khi dịch hai từ này trong những ngôn ngữ đó, thì từ được dịch có thể khiến hiểu sai rằng khi một người chết, người đó có một linh hồn bất tử mà vẫn tiếp tục sống. Vì thế, đã có quyết định chấp thuận việc dịch ý nghĩa của các từ neʹphesh psy·kheʹ tùy theo văn cảnh để các câu Kinh Thánh trở nên dễ hiểu. Thông tin về các từ này cũng có thể được tìm thấy trong phần chú thích.

12. Một số thay đổi nào đã được thực hiện trong bản hiệu đính năm 2013? (Cũng xem bài “Lần hiệu đính năm 2013 của Bản dịch Thế Giới Mới (Anh ngữ)” trong số này).

12 Những câu hỏi của các dịch thuật viên cho thấy rằng có thể có những sự hiểu lầm khác. Vì vậy, vào tháng 9 năm 2007, Hội đồng Lãnh đạo đã phê duyệt việc hiệu đính bản dịch tiếng Anh. Hàng ngàn câu hỏi của các dịch thuật viên Kinh Thánh đã được xem xét trong quá trình hiệu đính. Những từ ngữ tiếng Anh lỗi thời đã được thay thế và các nỗ lực được phối hợp để làm cho văn bản rõ ràng, dễ hiểu mà không làm mất đi tính chính xác. Việc áp dụng những gì mà các bản dịch trong những ngôn ngữ khác đã thực hiện cũng giúp “mài nhọn” văn bản tiếng Anh.—Châm 27:17.

SỰ CẢM KÍCH LỚN LAO

13. Nhiều người cảm thấy thế nào về bản hiệu đính năm 2013?

13 Bản dịch Thế Giới Mới, ấn bản hiệu đính trong Anh ngữ đã có tác động ra sao? Trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn đã nhận được hàng ngàn lá thư bày tỏ lòng cảm kích. Những lời nhận xét dưới đây của một chị phản ánh cảm xúc của nhiều người: “Kinh Thánh là một rương chứa đầy báu vật. Đọc lời của Đức Giê-hô-va một cách rõ ràng trong bản hiệu đính năm 2013 có thể được ví như xem xét từng viên đá quý, chiêm ngưỡng nhiều góc cạnh, độ trong, màu sắc và vẻ đẹp của viên đá ấy. Đọc Kinh Thánh bằng ngôn từ giản dị đã giúp tôi hiểu rõ hơn về Đức Giê-hô-va, ngài giống như một người cha ôm tôi trong vòng tay khi đọc những lời dịu dàng của ngài cho tôi nghe”.

14, 15. Bản dịch Thế Giới Mới trong các ngôn ngữ khác đã có tác động tích cực nào?

14 Những người nói các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh cũng biết ơn về Bản dịch Thế Giới Mới. Một người lớn tuổi từ Sofia, Bun-ga-ri, đã nhận xét về ấn bản trong tiếng Bun-ga-ri như sau: “Tôi đã đọc Kinh Thánh trong nhiều năm nhưng chưa bao giờ đọc một bản dịch dễ hiểu và động lòng sâu xa đến thế”. Tương tự, sau khi nhận được Bản dịch Thế Giới Mới trọn bộ trong ngôn ngữ của mình, một chị người Albania nhận xét: “Đọc Lời Đức Chúa Trời bằng tiếng Albania nghe hay làm sao! Quả là một đặc ân khi được Đức Giê-hô-va nói với chúng ta trong ngôn ngữ của mình!”.

15 Tại nhiều nước, Kinh Thánh đắt tiền và rất khó kiếm. Vì thế, việc được nhận một cuốn Kinh Thánh thôi đã là một ân phước lớn. Một báo cáo từ Rwanda cho biết: “Trong một thời gian dài, nhiều người đang học hỏi Kinh Thánh với các Nhân Chứng đã không tiến bộ vì họ không có Kinh Thánh. Họ không có khả năng để mua Kinh Thánh của nhà thờ địa phương. Họ thường không thể hiểu rõ ý nghĩa của một số câu Kinh Thánh và điều này đã cản trở sự tiến bộ của họ”. Mọi thứ đã thay đổi khi họ có được Bản dịch Thế Giới Mới trong ngôn ngữ của mình. Một gia đình người Rwanda có bốn con ở tuổi thanh thiếu niên chia sẻ: “Chúng tôi cảm ơn Đức Giê-hô-va cũng như đầy tớ trung tín và khôn ngoan rất nhiều vì đã cho chúng tôi có được cuốn Kinh Thánh này. Chúng tôi rất nghèo và không có tiền để mua cho mỗi thành viên trong gia đình một cuốn Kinh Thánh. Nhưng giờ đây mỗi người đều có một cuốn riêng. Để tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va, gia đình chúng tôi đọc Kinh Thánh chung với nhau mỗi ngày”.

16, 17. (a) Đức Giê-hô-va muốn điều gì cho dân ngài? (b) Chúng ta nên quyết tâm làm gì?

16 Với thời gian, Bản dịch Thế Giới Mới, ấn bản hiệu đính sẽ có trong nhiều ngôn ngữ hơn. Dù Sa-tan cố ngăn cản những nỗ lực như thế nhưng chúng ta tin cậy rằng Đức Giê-hô-va muốn mọi người thuộc dân ngài lắng nghe những gì ngài nói với họ trong ngôn ngữ rõ ràng và dễ hiểu. (Đọc Ê-sai 30:21). Sẽ đến lúc “thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”.—Ê-sai 11:9.

17 Mong sao chúng ta quyết tâm tận dụng mọi món quà từ Đức Giê-hô-va, bao gồm cả bản dịch này, một bản dịch tôn vinh danh ngài. Hãy để Đức Giê-hô-va nói với anh chị mỗi ngày qua Lời của ngài. Với khả năng không giới hạn, ngài có thể chăm chú lắng nghe những lời cầu nguyện của chúng ta. Sự liên lạc này sẽ giúp chúng ta càng biết rõ hơn về Đức Giê-hô-va khi tình yêu thương của chúng ta dành cho ngài tiếp tục lớn mạnh.—Giăng 17:3.

“Quả là một đặc ân khi được Đức Giê-hô-va nói với chúng ta trong ngôn ngữ của mình!”

^ đ. 2 Xin xem Phụ lục A1 của Bản dịch Thế Giới Mới, ấn bản hiệu đính (Anh ngữ) và bài “Làm sao chọn bản dịch Kinh Thánh đáng tin cậy?” trong Tháp Canh ngày 1-5-2008.

^ đ. 7 Một số tài liệu tham khảo đưa ra cách hiểu này, dù không phải mọi học giả đều đồng ý.

^ đ. 7 Xem Phụ lục 1A “Đưa danh Đức Chúa Trời sang phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ” của Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới có phần tham khảo (The New World Translation of the Holy Scriptures—With References) trg 1561.