Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lần hiệu đính năm 2013 của Bản dịch Thế Giới Mới (Anh ngữ)

Lần hiệu đính năm 2013 của Bản dịch Thế Giới Mới (Anh ngữ)

Trong nhiều năm qua, Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới trong tiếng Anh đã được hiệu đính một số lần, nhưng lần hiệu đính vào năm 2013 là lần điều chỉnh nhiều nhất. Chẳng hạn, giờ đây bản dịch này có số từ tiếng Anh giảm đi khoảng 10%. Một số thuật ngữ quan trọng trong Kinh Thánh đã được điều chỉnh. Một số chương đã được thay đổi thành dạng thơ và trong ấn bản thông thường thì có thêm các chú thích làm rõ nghĩa. Chúng ta không thể thảo luận về mọi thay đổi của bản hiệu đính trong bài này, nhưng hãy cùng xem xét một số điều chỉnh quan trọng.

Những thuật ngữ quan trọng nào trong Kinh Thánh đã được thay đổi? Như đã được đề cập ở bài trước, cách dịch các từ “Sheol” và “Hades” đã được điều chỉnh. Bên cạnh đó, một số thuật ngữ khác cũng được sửa đổi.

Chẳng hạn, để tránh hiểu nhầm về cách mà Chúa Giê-su bị hành quyết thì trước đây từ được dịch là “impaled” (đâm xuyên qua) đổi thành “executed on a stake” (hành hình trên cây cột) hoặc “nailed to the stake” (đóng đinh trên cây cột) (Mat 20:19; 27:31). Từ “loose conduct” (luông tuồng) được chỉnh thành “brazen conduct” (trâng tráo) để diễn tả thái độ khinh thường vì từ trong tiếng Hy Lạp có ý này (Ga 5:19). Từ “loving-kindness” (lòng yêu thương nhân từ) được thay thế bằng từ “loyal love” (yêu thương trung tín) để diễn đạt chính xác hơn ý của một từ Kinh Thánh thường đi đôi với từ “faithfulness” (thành tín).—Thi 36:5; 89:1.

Một số từ trước đây được dịch nhất quán theo một cách thì hiện nay được dịch theo văn cảnh. Chẳng hạn như từ Hê-bơ-rơ là ʽoh·lamʹ, trước đây được dịch là “time indefinite” (thời gian không hạn định) cũng có thể có nghĩa là “forever” (mãi mãi, đời đời). Hãy so sánh để biết điều này ảnh hưởng ra sao đến cách dịch những câu như Thi-thiên 90:2 và Mi-chê 5:1 trong bản hiệu đính tiếng Anh.

Từ trong tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy Lạp được dịch sang tiếng Anh là “seed” thường xuất hiện trong Kinh Thánh theo hai nghĩa: Nghĩa đen là hạt giống trong nghề nông và nghĩa bóng là dòng dõi (“offspring”). Các ấn bản trước đây của Bản dịch Thế Giới Mới chỉ dùng một từ “seed” để diễn đạt cả hai ý trên, kể cả ở Sáng-thế Ký 3:15. Tuy nhiên, giờ đây việc dùng từ “seed” theo nghĩa bóng là dòng dõi không còn thông dụng trong tiếng Anh nữa, vì thế bản hiệu đính dùng từ “offspring” (dòng dõi) ở Sáng-thế Ký 3:15 và những câu tương tự (Sáng 22:17, 18; Khải 12:17). Những chỗ khác thì được dịch tùy theo văn cảnh.—Sáng 1:11; Thi 22:30; Ê-sai 57:3.

Tại sao nhiều cách dịch sát được điều chỉnh? Phụ lục A1 của bản hiệu đính 2013 nói rằng một bản dịch Kinh Thánh tốt sẽ “truyền đạt đúng ý của từ ngữ khi không thể dịch sát chữ vì sẽ gây tối nghĩa hoặc sai nghĩa”. Nếu các thành ngữ trong ngôn ngữ gốc dễ hiểu trong những ngôn ngữ khác thì chúng được dịch sát. Áp dụng nguyên tắc này, cụm từ “searches the... hearts” (dò xét tấm lòng) ở Khải huyền 2:23 được dịch sát vì dễ hiểu trong nhiều ngôn ngữ. Tuy nhiên, cũng trong câu đó, từ “searches the kidneys” (dò xét thận) có thể không hiểu được ngay. Vì thế, từ “kidneys” (thận) được sửa thành “innermost thoughts” (những tư tưởng thầm kín nhất), nhờ đó truyền tải được nghĩa gốc. Cũng vậy, ở Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:14, thành ngữ được dịch sát là “the kidney fat of wheat” (mỡ thận của lúa mì) đã được dịch lại một cách dễ hiểu hơn là “the finest wheat” (lúa mì thượng hạng). Với lý do tương tự, câu “I am uncircumcised in lips” (tôi chưa được cắt bì ở môi) được dịch lại bằng một câu rõ ràng hơn trong hầu hết các ngôn ngữ là “I speak with difficulty” (tôi nói năng không được dễ dàng).—Xuất 6:12.

Tại sao cụm từ “sons of Israel” (các con trai của Y-sơ-ra-ên) và “fatherless boys” (các con trai mồ côi cha) nay được dịch là “Israelites” (dân Y-sơ-ra-ên) và “fatherless children” (con cái mồ côi cha)? Trong tiếng Hê-bơ-rơ, từ chỉ giới tính nam hoặc nữ thường cho biết câu văn đang nói đến một người nam hay một người nữ. Tuy nhiên, một số từ chỉ giới tính nam có thể bao gồm cả nam và nữ. Chẳng hạn, văn cảnh của một số câu hàm ý rằng “the sons of Israel” (các con trai của Y-sơ-ra-ên) gồm cả nam và nữ. Vì thế, cụm từ này giờ đây thường được dịch là “the Israelites” (dân Y-sơ-ra-ên).—Xuất 1:7; 35:29; 2 Vua 8:12.

Tương tự thế, cụm từ trong tiếng Hê-bơ-rơ chỉ giới tính nam ở Sáng-thế Ký 3:16 mang nghĩa “sons” (các con trai) đã được dịch là “children” (con cái) trong các ấn bản trước đây của Bản dịch Thế Giới Mới. Xuất Ê-díp-tô Ký 22:24, từ Hê-bơ-rơ từng được dịch là “sons” (các con trai) giờ đây cũng được đổi thành “children” (con cái): “Your children will be fatherless” (con cái các ngươi sẽ mồ côi cha). Áp dụng nguyên tắc này trong những trường hợp khác, từ “fatherless boy” (con trai mồ côi cha) đã được đổi thành “fatherless child” (con mồ côi cha) hoặc “orphan” (con mồ côi) (Phục 10:18; Gióp 6:27). Cách dịch này cũng giống như cách dịch của bản Septuagint trong tiếng Hy Lạp.

Tại sao cách dịch nhiều động từ trong tiếng Hê-bơ-rơ được đơn giản hóa? Tiếng Hê-bơ-rơ có hai dạng động từ chính: dạng chưa hoàn thành, hàm ý hành động vẫn đang tiếp diễn; và dạng hoàn thành, hàm ý hành động đã kết thúc. Trong những ấn bản trước đây của Bản dịch Thế Giới Mới, động từ tiếng Hê-bơ-rơ ở thì chưa hoàn thành thường được dịch bằng cách thêm những cụm từ phụ, chẳng hạn như “proceeded to” (khởi sự) hoặc “went on to” (tiếp tục làm) để diễn tả hành động liên tục hoặc lặp lại. * Những từ nhấn mạnh như “certainly” (chắc chắn), “must” (phải) và “indeed” (hẳn là) được dùng để cho thấy hành động đã kết thúc của những động từ hoàn thành.

Trong bản hiệu đính năm 2013, các cụm từ phụ như thế không được dùng trừ khi chúng bổ sung ý nghĩa. Nói chung, các động từ được dịch theo cách dễ hiểu hơn, tập trung vào hành động thay vì chú trọng vào việc kết thúc hay chưa như được diễn đạt trong tiếng Hê-bơ-rơ. Một lợi ích khác có liên quan là ở mức độ nào đó, điều này giúp giữ được tính súc tích của tiếng Hê-bơ-rơ.

Để giữ theo phong cách thơ ca của bản gốc, giờ đây có nhiều chương hơn ở dạng thơ ca

Tại sao hiện nay có nhiều chương hơn ở dạng thơ ca? Nhiều phần của Kinh Thánh lúc đầu được viết dưới dạng thơ. Trong những ngôn ngữ hiện đại, thơ thường được phân biệt qua âm vần, nhưng thơ ca trong tiếng Hê-bơ-rơ thì khác, yếu tố đặc trưng nhất là sự tương đồng và tương phản giữa hai câu. Việc tạo nên nhịp trong thơ tiếng Hê-bơ-rơ không phải dựa vào âm vần mà dựa vào trình tự hợp lý của các ý tưởng.

Trong những ấn bản trước đây của Bản dịch Thế Giới Mới, sách Gióp và sách Thi-thiên được để ở dạng thơ, cho thấy lúc đầu những sách này được dùng cho việc hát hoặc đọc như bài thơ. Điều này làm nổi bật yếu tố thơ ca để nhấn mạnh và giúp cho việc ghi nhớ. Trong bản hiệu đính năm 2013, sách Châm-ngôn, Nhã-ca và nhiều chương trong các sách tiên tri cũng được để ở dạng thơ, cho thấy những đoạn ấy đã được viết theo dạng thơ, đồng thời để làm nổi bật sự tương đồng và tương phản. Một ví dụ là ở câu Ê-sai 24:2, mỗi dòng đều có sự tương phản và câu sau tiếp nối theo ý câu trước để nhấn mạnh rằng sẽ không ai thoát khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời. Việc nhận ra những đoạn đó ở dạng thơ cho độc giả thấy rằng người viết Kinh Thánh không đơn giản là lặp đi lặp lại mà dùng một kỹ thuật thơ ca để nhấn mạnh thông điệp của Đức Chúa Trời.

Sự khác biệt giữa văn xuôi và thơ trong tiếng Hê-bơ-rơ không phải lúc nào cũng rõ ràng. Thế nên, có những khác biệt giữa các bản dịch Kinh Thánh về việc phân biệt những đoạn nào là thơ. Nhận định của dịch giả ảnh hưởng đến việc quyết định những câu nào sẽ được in theo dạng thơ. Một số đoạn có câu là văn xuôi nhưng được viết theo phong cách thơ, tự do trong việc dùng những từ tượng hình, cách chơi chữ và lối tương đồng để nhấn mạnh một điểm.

Một đặc điểm mới là phần tóm tắt nội dung của mỗi sách (The Outline of Contents). Phần này rất hữu ích trong việc giúp nhận biết sự thay đổi thường xuyên về người nói trong bài thơ cổ là sách Nhã-ca.

Việc nghiên cứu những bản Kinh Thánh chép tay trong ngôn ngữ gốc ảnh hưởng thế nào đến bản hiệu đính? Bản dịch Thế Giới Mới ban đầu được dịch dựa trên bản Masorete tiếng Hê-bơ-rơ và bản dịch tiếng Hy Lạp có uy tín của Westcott và Hort. Việc nghiên cứu những bản Kinh Thánh chép tay cổ xưa tiếp tục tiến triển, làm sáng tỏ một số câu Kinh Thánh trong bản gốc. Các học giả có thể tiếp cận các bản sao của những cuộn Biển Chết. Có thêm những bản chép tay trong tiếng Hy Lạp được nghiên cứu. Nhiều bằng chứng từ các bản chép tay cổ xưa đã được cập nhật và có trong định dạng điện tử, giúp dễ dàng hơn cho việc xem xét những khác biệt giữa các bản chép tay. Từ đó xác định được bản nào trong tiếng Hê-bơ-rơ hoặc tiếng Hy Lạp là tốt nhất. Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới đã tận dụng những bước tiến này để nghiên cứu một số câu Kinh Thánh, dẫn đến việc có vài thay đổi.

Chẳng hạn, câu 2 Sa-mu-ên 13:21 trong bản dịch Septuagint tiếng Hy Lạp có nội dung sau: “Nhưng ông không làm Am-nôn con trai mình tổn thương, vì ông rất thương hắn, bởi hắn là con đầu lòng của ông”. Các ấn bản trước đây của Bản dịch Thế Giới Mới không có câu này vì bản Masorete cũng không có câu ấy. Tuy nhiên, câu này xuất hiện trong các cuộn Biển Chết và hiện nay cũng có trong bản hiệu đính năm 2013. Vì lý do tương tự, danh Đức Chúa Trời được khôi phục năm lần trong sách 1 Sa-mu-ên. Việc nghiên cứu văn bản tiếng Hy Lạp cũng dẫn đến sự thay đổi về thứ tự của các ý tưởng ở Ma-thi-ơ 21:29-31. Do đó, một số thay đổi được dựa trên các bằng chứng của những bản chép tay, thay vì khăng khăng giữ theo một bản được dùng làm bản chính trong tiếng Hy Lạp.

Đây chỉ là một vài trong số những thay đổi giúp việc đọc và hiểu trở nên dễ dàng hơn cho nhiều người, những người xem Bản dịch Thế Giới Mới là một món quà đến từ Đức Giê-hô-va, Đấng Liên Lạc Vĩ Đại.

^ đ. 10 Xin xem Phụ lục 3C của Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới có phần tham khảo (New World Translation of the Holy Scriptures—With References).