Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va, Đấng Liên Lạc Vĩ Đại

Đức Giê-hô-va, Đấng Liên Lạc Vĩ Đại

“Ngài phán, ‘Hãy nghe cho rõ, vì Ta sẽ nói’”.—GIÓP 42:4, Đặng Ngọc Báu.

BÀI HÁT: 113, 114

1-3. (a) Tại sao ngôn ngữ và sự liên lạc của Đức Chúa Trời là cao siêu hơn so với con người? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

Đức Chúa Trời hằng sống đã tạo ra các tạo vật thông minh để họ cũng có thể được hưởng sự sống và hạnh phúc (Thi 36:9; 1 Ti 1:11). Sứ đồ Giăng gọi cộng sự đầu tiên của Đức Giê-hô-va là “Ngôi Lời” và “là tạo vật đầu tiên của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:1; Khải 3:14). Đức Giê-hô-va đã liên lạc với Con đầu lòng, cho Con biết những tư tưởng và cảm xúc của ngài (Giăng 1:14, 17; Cô 1:15). Sứ đồ Phao-lô nói rằng các thiên sứ cũng có khả năng liên lạc và có một ngôn ngữ. ‘Ngôn ngữ của thiên sứ’ rất khác biệt so với ngôn ngữ của con người.—1 Cô 13:1.

2 Đức Giê-hô-va hiểu biết sâu sắc về hàng tỉ tạo vật thông minh cả trên trời lẫn dưới đất. Ngài có thể lắng nghe lời cầu nguyện của hàng triệu người vào cùng một thời điểm và hiểu được, dù họ nói trong bất cứ ngôn ngữ nào. Trong khi lắng nghe tất cả những lời cầu nguyện ấy, Đức Giê-hô-va còn liên lạc với các tạo vật trên trời và ban chỉ thị cho họ. Để làm được điều này thì tư tưởng, ngôn ngữ và sự liên lạc của ngài phải cao siêu hơn rất nhiều so với loài người. (Đọc Ê-sai 55:8, 9). Rõ ràng, khi liên lạc với con người, Đức Giê-hô-va đơn giản hóa cách ngài truyền đạt tư tưởng để chúng ta có thể hiểu được.

3 Giờ đây, hãy xem Đức Chúa Trời khôn ngoan tột bậc đã làm gì để đảm bảo việc liên lạc với dân ngài một cách rõ ràng trong suốt lịch sử. Chúng ta cũng sẽ xem ngài điều chỉnh cách liên lạc ra sao tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh.

LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI DÀNH CHO NHÂN LOẠI

4. (a) Đức Giê-hô-va đã dùng ngôn ngữ nào để liên lạc với Môi-se, Sa-mu-ên và Đa-vít? (b) Điều gì được ghi lại trong Kinh Thánh?

4 Đức Giê-hô-va liên lạc với A-đam trong vườn Ê-đen bằng ngôn ngữ của loài người. Rất có thể Đức Chúa Trời đã dùng một dạng cổ của tiếng Hê-bơ-rơ để liên lạc với ông. Sau này, Đức Chúa Trời truyền đạt tư tưởng của ngài cho những người viết Kinh Thánh nói tiếng Hê-bơ-rơ như Môi-se, Sa-mu-ên và Đa-vít. Họ đã diễn đạt những tư tưởng này theo lời lẽ và phong cách riêng. Ngoài việc ghi lại những lời phán trực tiếp của Đức Chúa Trời, họ cũng nói về cách Đức Chúa Trời đối xử với dân ngài, bao gồm những lời tường thuật về đức tin và tình yêu thương của dân Y-sơ-ra-ên cũng như những lời tường thuật cho thấy khuyết điểm và sự bất trung của dân tộc ấy. Tất cả những thông tin này có giá trị lớn với chúng ta ngày nay.—Rô 15:4.

5. Đức Giê-hô-va có nhất quyết đòi hỏi dân ngài chỉ sử dụng tiếng Hê-bơ-rơ không? Hãy giải thích.

5 Khi hoàn cảnh thay đổi, Đức Chúa Trời đã không chỉ liên lạc với con người bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Sau cuộc lưu đày ở xứ Ba-by-lôn, tiếng A-ram trở thành ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của nhiều người trong vòng dân Đức Chúa Trời. Có lẽ đó là lý do Đức Giê-hô-va đã soi dẫn các nhà tiên tri Đa-ni-ên, Giê-rê-mi và thầy tế lễ E-xơ-ra ghi lại một số phần trong Kinh Thánh bằng tiếng A-ram. *

6. Làm thế nào Lời Đức Chúa Trời đã có trong các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Hê-bơ-rơ?

6 Sau này, A-léc-xan-đơ Đại đế đã chinh phục phần lớn thế giới cổ đại, và tiếng Hy Lạp phổ thông (Koine) trở thành ngôn ngữ quốc tế. Nhiều người Do Thái bắt đầu nói ngôn ngữ đó và với thời gian, phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ đã được dịch sang tiếng Hy Lạp. Công việc này được cho là do 72 dịch giả thực hiện và bản dịch ấy được biết đến với tên gọi Septuagint. Đây là bản dịch Kinh Thánh đầu tiên và là một trong những bản dịch quan trọng nhất. * Vì có nhiều người dịch nên bản này bao gồm những phong cách dịch thuật khác nhau, từ cách dịch sát chữ cho đến những cách dịch thoát ý hơn. Dù vậy, những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp cũng như các tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu đã xem bản Septuagint là Lời Đức Chúa Trời.

7. Rất có thể Chúa Giê-su đã dùng ngôn ngữ nào để dạy dỗ các môn đồ?

7 Khi Con đầu lòng của Đức Chúa Trời xuống trái đất, rất có thể ngài đã nói và dạy bằng tiếng Hê-bơ-rơ (Giăng 19:20; 20:16; Công 26:14). Tiếng Hê-bơ-rơ vào thế kỷ thứ nhất chịu ảnh hưởng từ tiếng A-ram nên có lẽ Chúa Giê-su đã dùng một số từ ngữ tiếng A-ram. Ngài cũng biết tiếng Hê-bơ-rơ cổ mà Môi-se và các nhà tiên tri đã dùng. Những gì họ viết được đọc trong các nhà hội của người Do Thái vào mỗi tuần (Lu 4:17-19; 24:44, 45; Công 15:21). Bên cạnh đó, tiếng Hy Lạp và La-tinh cũng được sử dụng ở Y-sơ-ra-ên vào thời Chúa Giê-su. Kinh Thánh không cho biết Chúa Giê-su có nói những thứ tiếng này hay không.

8, 9. Khi đạo Đấng Ki-tô lan rộng, tại sao tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ chính được dân Đức Chúa Trời sử dụng, và điều này cho thấy gì về Đức Giê-hô-va?

8 Các môn đồ thời ban đầu của Chúa Giê-su biết tiếng Hê-bơ-rơ. Nhưng sau khi ngài chết và sống lại, môn đồ của ngài đã nói những ngôn ngữ khác. (Đọc Công vụ 6:1). Khi đạo Đấng Ki-tô lan rộng, các tín đồ chủ yếu giao tiếp với nhau bằng tiếng Hy Lạp. Trên thực tế, các sách Phúc âm do Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng viết đã được phổ biến rộng rãi trong tiếng Hy Lạp. Do đó, ngôn ngữ được nhiều môn đồ sử dụng là tiếng Hy Lạp thay vì tiếng Hê-bơ-rơ. * Những lá thư của sứ đồ Phao-lô và một số sách khác trong Kinh Thánh cũng được viết bằng tiếng Hy Lạp.

9 Điều đáng chú ý là khi những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp trích dẫn từ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, họ thường trích bản Septuagint. Những phần trích này, đôi khi không giống hoàn toàn so với cách hành văn trong bản tiếng Hê-bơ-rơ, nay cũng là một phần của Kinh Thánh được soi dẫn. Do đó, công trình của những dịch giả là con người bất toàn đã trở thành một phần của Lời Đức Chúa Trời. Điều này cho thấy Đức Giê-hô-va không xem nền văn hóa hay ngôn ngữ này tốt hơn nền văn hóa hay ngôn ngữ khác.—Đọc Công vụ 10:34.

10. Chúng ta có thể kết luận gì về việc Đức Giê-hô-va làm cho Lời của ngài đến được với con người?

10 Sau khi xem xét vắn tắt về việc Đức Chúa Trời liên lạc với con người, chúng ta hiểu rằng cách ngài liên lạc tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh. Đức Giê-hô-va không đòi hỏi chúng ta phải học một ngôn ngữ nhất định để có thể biết về ngài hoặc ý định của ngài. (Đọc Xa-cha-ri 8:23; Khải huyền 7:9, 10). Đức Giê-hô-va đã soi dẫn những người viết Kinh Thánh nhưng ngài cho phép họ diễn đạt ý tưởng của ngài bằng lời lẽ riêng.

ĐỨC CHÚA TRỜI BẢO TỒN THÔNG ĐIỆP CỦA NGÀI

11. Tại sao sự khác biệt về ngôn ngữ không cản trở sự liên lạc của Đức Chúa Trời với con người?

11 Việc nhiều ngôn ngữ khác nhau được sử dụng và những khác biệt nhỏ trong dịch thuật có cản trở sự liên lạc của Đức Chúa Trời với con người không? Không. Chẳng hạn, chúng ta chỉ biết được vài từ trong nguyên ngữ mà Chúa Giê-su đã dùng (Mat 27:46; Mác 5:41; 7:34; 14:36). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã đảm bảo để lời dạy của Chúa Giê-su được ghi lại và dịch sang tiếng Hy Lạp, và với thời gian, những lời ấy cũng được dịch sang các ngôn ngữ khác. Bên cạnh đó, nhờ các bản Kinh Thánh chép tay được những người Do Thái và các tín đồ đạo Đấng Ki-tô sao chép lại nhiều lần nên Lời Đức Chúa Trời đã được bảo tồn. Những bản chép tay ấy cũng được dịch ra nhiều ngôn ngữ hơn nữa. Một người sống vào thế kỷ thứ tư và thứ năm CN là ông John Chrysostom cho biết rằng đến thời của ông, những lời dạy của Chúa Giê-su đã được dịch sang các ngôn ngữ của người Sy-ri, Ai Cập, Ấn Độ, Ba Tư, Ê-thi-ô-bi và rất nhiều dân tộc khác.

12. Việc dịch và phổ biến Kinh Thánh đã bị chống đối ra sao?

12 Trong suốt lịch sử, đã có vô số cuộc tấn công nhắm vào Lời Đức Chúa Trời cũng như những người dịch và phổ biến Lời ngài. Chẳng hạn, vào năm 303 CN, hoàng đế La Mã Diocletian đã ra lệnh tiêu hủy tất cả các bản Kinh Thánh. Vào thế kỷ 16, ông William Tyndale tiến hành dịch Kinh Thánh từ tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy Lạp sang tiếng Anh. Ông tuyên bố với một người có học thức rằng: “Nếu Đức Chúa Trời cho tôi sống, không bao lâu tôi sẽ khiến một đứa bé đi cày biết Kinh Thánh nhiều hơn ông”. Tyndale phải trốn chạy từ Anh Quốc sang lục địa châu Âu để dịch Kinh Thánh và in bản dịch của mình. Bất chấp việc hàng giáo phẩm có chiến dịch đốt công khai mọi cuốn Kinh Thánh mà họ tìm thấy, bản dịch của Tyndale đã bắt đầu được lưu hành với số lượng lớn. Cuối cùng, Tyndale đã bị phản bội, bị siết cổ đến chết và thiêu trên cây cột. Nhưng bản dịch Kinh Thánh của ông vẫn sống. Bản dịch này đã được tham khảo rất nhiều trong quá trình chuẩn bị cho bản King James, một bản dịch Kinh Thánh được phổ biến rộng rãi.—Đọc 2 Ti-mô-thê 2:9.

13. Những cuộc nghiên cứu về các bản chép tay cổ xưa cho thấy gì?

13 Đành rằng một số bản Kinh Thánh cổ xưa còn tồn tại đến nay có những lỗi nhỏ và khác biệt chút ít. Tuy nhiên, các học giả Kinh Thánh đã so sánh và nghiên cứu tỉ mỉ hàng ngàn mảnh Kinh Thánh, bản chép tay cũng như các bản dịch cổ xưa, và việc nghiên cứu này đã xác thực nội dung của phần lớn các đoạn trong Kinh Thánh. Một số câu mà ở mức độ nào đó những nhà nghiên cứu còn chưa chắc chắn về ý nghĩa đã không làm thay đổi thông điệp chính của Kinh Thánh. Những cuộc nghiên cứu về các bản chép tay cổ xưa khiến những học viên Kinh Thánh chân thật tin chắc rằng họ có được nội dung ban đầu mà Đức Giê-hô-va đã soi dẫn những người viết Kinh Thánh ghi lại.—Ê-sai 40:8. *

14. Thông điệp Kinh Thánh đã trở nên phổ biến đến mức nào?

14 Bất chấp sự chống đối dữ dội của các kẻ thù, Đức Giê-hô-va đã lo liệu sao cho Lời của ngài trở thành một cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trong lịch sử loài người. Ngay cả vào thời điểm mà nhiều người không có hoặc chỉ có ít đức tin nơi Đức Chúa Trời, Kinh Thánh vẫn là một trong những cuốn sách bán chạy nhất. Đến nay, trọn bộ hay từng phần của Kinh Thánh đã có trong hơn 2.800 thứ tiếng. Không có tác phẩm nào khác đạt đến gần mức độ phổ biến như Kinh Thánh. Dù một số bản dịch Kinh Thánh không rõ ràng hoặc đáng tin cậy bằng những bản dịch khác nhưng chúng ta vẫn có thể học biết thông điệp cơ bản của Kinh Thánh về hy vọng và sự cứu rỗi từ hầu hết các bản dịch.

NHU CẦU CẦN CÓ MỘT BẢN DỊCH KINH THÁNH MỚI

15. (a) Những rào cản về ngôn ngữ hiện đại đã được khắc phục như thế nào? (b) Tại sao ấn phẩm của chúng ta trước tiên được viết trong tiếng Anh?

15 Vào đầu thế kỷ 20, khi một nhóm nhỏ các học viên Kinh Thánh siêng năng được bổ nhiệm là “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”, họ chủ yếu liên lạc với “các đầy tớ” khác bằng tiếng Anh (Mat 24:45). “Đầy tớ trung tín” ấy đã rất nỗ lực để cung cấp thức ăn thiêng liêng trong càng nhiều ngôn ngữ hơn, và hiện đã lên tới trên 700 ngôn ngữ. Giống như tiếng Hy Lạp phổ thông (Koine) vào thế kỷ thứ nhất, ngày nay tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng trong thương mại, giáo dục và được nhiều người biết. Do vậy, ấn phẩm của chúng ta trước tiên được viết trong tiếng Anh và sau đó được dịch sang các ngôn ngữ khác.

16, 17. (a) Dân Đức Chúa Trời đã nhận thấy nhu cầu nào? (b) Nhu cầu ấy đã được đáp ứng ra sao? (c) Vào năm 1950, anh Knorr đã bày tỏ hy vọng nào liên quan đến Bản dịch Thế Giới Mới?

16 Mọi ấn phẩm của chúng ta đều dựa trên Kinh Thánh. Vào giữa thế kỷ 20, bản dịch King James Version năm 1611 là bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh được sử dụng rộng rãi nhất. Tuy nhiên, ngôn từ mà bản dịch này dùng thì phần lớn đã lỗi thời và danh của Đức Chúa Trời chỉ xuất hiện vài lần trong bản dịch, mặc dù danh ấy xuất hiện hàng ngàn lần trong những bản Kinh Thánh chép tay cổ xưa. Bản dịch King James này mắc một số lỗi dịch thuật cũng như có những câu mà không được tìm thấy trong các bản chép tay cổ xưa có thẩm quyền. Các bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh khác cũng có những vấn đề tương tự.

17 Cần có một bản Kinh Thánh chuyển tải chính xác ý của bản gốc bằng ngôn ngữ hiện đại. Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới đã được thành lập và trong khoảng thời gian mười năm từ 1950 đến 1960, bản dịch của họ đã được xuất bản trong sáu tập. Khi ra mắt tập đầu tiên vào ngày 2-8-1950, anh Nathan Knorr đã nói với cử tọa tham dự hội nghị như sau: “Chúng ta ngày càng nhận thấy nhu cầu cần có một bản dịch trong ngôn ngữ hiện đại, hòa hợp với sự thật đã được tiết lộ, và còn trang bị cho chúng ta nền tảng để hiểu thêm sự thật bằng việc chuyển tải một cách trung thực ý nghĩa của bản gốc; một bản dịch dễ hiểu đối với độc giả ngày nay giống như những bản gốc do môn đồ Đấng Ki-tô viết cũng dễ hiểu đối với những độc giả bình thường, đơn sơ, mộc mạc và ít học vào thời của họ”. Anh Knorr bày tỏ hy vọng là bản dịch này sẽ giúp hàng triệu người hiểu biết về Đức Giê-hô-va.

18. Những quyết định nào đã đẩy nhanh việc dịch Kinh Thánh?

18 Đến năm 1963, hy vọng đó đã trở thành hiện thực theo một cách đặc biệt khi Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền) có trong sáu ngôn ngữ khác là tiếng Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Ý. Năm 1989, Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va đã lập một ban mới tại trụ sở trung ương nhằm hỗ trợ công việc dịch Kinh Thánh. Sau đó, vào năm 2005, việc dịch Kinh Thánh được đặt lên hàng ưu tiên đối với những ngôn ngữ mà tạp chí Tháp Canh được dịch ra. Kết quả là Bản dịch Thế Giới Mới trọn bộ hoặc một phần hiện đã có trong hơn 130 ngôn ngữ.

19. Sự kiện lịch sử nào diễn ra vào năm 2013, và đề tài nào sẽ được thảo luận trong bài tới?

19 Với thời gian, Bản dịch Thế Giới Mới trong Anh ngữ cần được cập nhật để phù hợp với những thay đổi trong ngôn ngữ tiếng Anh. Vào cuối tuần ngày mồng 5 và 6-10-2013, có 1.413.676 người tại 31 nước đã tham dự hoặc kết nối để nghe phiên họp thường niên lần thứ 129 của Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania). Tất cả đều hào hứng khi nghe một thành viên của Hội đồng Lãnh đạo thông báo về sự ra mắt của Bản dịch Thế Giới Mới, ấn bản hiệu đính trong Anh ngữ. Nhiều người đã cảm động đến rơi lệ khi những người hướng dẫn phát cho cử tọa bản Kinh Thánh hiệu đính này. Khi những câu Kinh Thánh được đọc từ bản hiệu đính, cử tọa nhận thấy rằng chưa bao giờ Lời Đức Chúa Trời được dịch sang tiếng Anh tốt như thế. Bài tới sẽ thảo luận các chi tiết của bản hiệu đính này cũng như việc dịch bản hiệu đính sang các ngôn ngữ khác.

^ đ. 6 Septuagint nghĩa là “Bảy mươi”. Người ta cho rằng bản này bắt đầu được dịch ở Ai Cập vào thế kỷ thứ ba TCN và có lẽ hoàn tất khoảng năm 150 TCN. Ngày nay, bản dịch này vẫn rất quan trọng vì giúp các học giả hiểu được ý nghĩa của một số từ và đoạn Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ khó hiểu.

^ đ. 8 Một số người cho rằng Ma-thi-ơ đã viết sách Phúc âm của mình trong tiếng Hê-bơ-rơ và sau đó có lẽ chính ông đã dịch sách này sang tiếng Hy Lạp.

^ đ. 13 Xem Phụ lục A3 trong Bản dịch Thế Giới Mới, ấn bản hiệu đính (Anh ngữ); cũng xem Cuốn sách cho muôn dân, trg 7-9, bài “Cuốn sách đã tồn tại thế nào?”.