Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dùng “những lời hữu ích” để xây dựng gia đình bạn

Dùng “những lời hữu ích” để xây dựng gia đình bạn

Dùng “những lời hữu ích” để xây dựng gia đình bạn

Mỗi phút trôi qua, anh Đại càng lúc càng bực mình. Ngồi trên xe đợi, anh cứ liên tục nhìn đồng hồ. Cuối cùng, khi vợ anh là chị Duy từ nhà đi ra, anh không thể kiềm chế được cơn giận.

Anh mắng vợ: “Sao mà em lâu dữ vậy? Lúc nào cũng chậm chạp! Không đúng giờ một lần được sao?”.

Chị Duy sững sờ. Chị òa khóc và chạy vào nhà. Ngay lúc đó, anh Đại nhận ra mình đã sai. Nóng giận chỉ làm mọi chuyện tệ hơn mà thôi. Anh làm gì bây giờ? Anh tắt máy xe, thở dài và chầm chậm đi vào nhà.

Minh họa trên là một cảnh thường xảy ra trong gia đình. Bạn có bao giờ hối tiếc vì đã nói một điều gì đó chưa? Chúng ta thường ân hận sau khi nói ra một điều thiếu suy nghĩ. Vì thế, thật phù hợp khi Kinh Thánh nhận xét như sau: “Lòng người công-bình suy-nghĩ lời phải đáp”.—Châm-ngôn 15:28.

Dù vậy, chúng ta khó mà suy nghĩ kỹ trước khi nói, nhất là vào những lúc giận dữ, sợ hãi hoặc bị tổn thương. Đặc biệt với người thân trong gia đình, những lời chúng ta nói để bày tỏ cảm xúc dễ dàng trở thành những lời chỉ trích hay trách móc người khác. Vì thế, lời nói của chúng ta có thể làm tổn thương hoặc gây tranh cãi.

Chúng ta nên làm gì để lời nói của mình tích cực hơn? Làm sao chúng ta có thể kiềm chế cảm xúc và không để nó chi phối quá nhiều đến cách nói năng của mình? Chúng ta hãy xem vài lời khuyên hữu ích của một người viết Kinh Thánh là Sa-lô-môn.

Hãy suy nghĩ về những điều sẽ nói và cách nói

Người viết sách Truyền-đạo của Kinh Thánh là Sa-lô-môn đã rút ra một kết luận nghiêm túc về sự trống rỗng của cuộc đời. Ông chắc hẳn đã có cảm xúc mạnh mẽ khi viết về điều này. Sa-lô-môn nói: “Ta ghét đời sống”. Có lần ông gọi đời sống là: “Hư-không của sự hư-không” (Truyền-đạo 2:17; 12:8). Tuy nhiên, sách Truyền-đạo không phải là bản liệt kê những sự thất vọng của Sa-lô-môn. Ông nghĩ không thích hợp để chỉ nói về những điều tồi tệ của cuộc sống. Khi kết luận sách này, Sa-lô-môn cho biết rằng ông đã “chuyên-lo tìm-kiếm những câu luận tốt-đẹp [“những lời hữu ích”, Trần Đức Huân]; và các lời đã viết ra đều là chánh-trực và chân-thật” (Truyền-đạo 12:10). Một bản Kinh Thánh khác dịch là ông cố gắng “diễn tả tư tưởng mình cách trung thực”.—Bản Diễn Ý.

Rõ ràng, Sa-lô-môn nhận thấy ông cần phải kiềm chế cảm xúc của mình. Nói một cách khác, có lẽ ông luôn tự hỏi: ‘Những điều tôi sắp nói có chính xác và đúng sự thật không? Nếu tôi nói những lời này, người khác có thấy dễ chịu và dễ chấp nhận không?’. Nhờ tìm kiếm “những lời hữu ích”, Sa-lô-môn đã không để cảm xúc che khuất lý trí của mình.

Vì vậy, sách Truyền-đạo không chỉ là một kiệt tác văn chương mà còn là một nguồn khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời, giúp người ta hiểu được ý nghĩa của đời sống (2 Ti-mô-thê 3:16, 17). Những điều Sa-lô-môn thảo luận về đề tài nhạy cảm của đời sống có thể giúp chúng ta cải thiện cách trò chuyện với những người thân yêu không? Hãy cùng xem một thí dụ.

Hãy học cách kiềm chế cảm xúc của bạn

Chúng ta hãy xem một minh họa khác. Một em trai đi học về, mặt mày ủ rủ. Em đưa cho bố cuốn sổ liên lạc. Bố em nhìn vào bảng điểm và thấy một môn bị điểm kém. Ông liền nổi giận và nghĩ ngay đến những lần con mình ham chơi, lần lữa không làm bài tập về nhà. Ông muốn mắng con: “Suốt ngày chỉ lười biếng, lo chơi không! Cứ như vậy thì sau này sẽ chẳng làm được trò trống gì đâu!”.

Trước khi để cảm xúc tiêu cực kiểm soát lời nói, người cha ấy nên tự hỏi: ‘Điều tôi nghĩ có đúng không? Có chính xác không?’. Câu hỏi này có thể giúp ông không để cảm xúc lấn át cái nhìn khách quan (Châm-ngôn 17:27). Có thật con trai của ông sẽ không ra gì chỉ vì một môn học bị điểm kém không? Con trai ông có phải là người lười biếng, hay em không làm bài tập là vì thấy khó hiểu bài của môn học đó? Kinh Thánh nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có cái nhìn thực tế và hợp lý về các vấn đề (Tít 3:2; Gia-cơ 3:17). Các bậc cha mẹ cần nói ‘các lời chân-thật’ để khích lệ con mình.

Hãy tìm những lời thích hợp

Một khi người bố quyết định sẽ nói gì, ông nên tự hỏi: ‘Làm thế nào lời nói của tôi khiến con tôi thấy dễ chịu và dễ chấp nhận?’. Đúng là tìm lời thích hợp không phải là chuyện dễ. Nhưng các bậc cha mẹ cần nhớ rằng thanh thiếu niên thường có khuynh hướng nghĩ mình vô dụng khi gặp thất bại. Các em có thể phóng đại lỗi lầm hay khuyết điểm của mình, và điều đó chi phối cái nhìn của các em về bản thân. Nếu phản ứng thái quá, cha mẹ càng khiến các em suy nghĩ tiêu cực thêm. Cô-lô-se 3:21 khuyên các bậc cha mẹ: “Chớ hề chọc giận con-cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng”.

Các từ như “lúc nào cũng” hay “chẳng bao giờ” thường quá chung chung hoặc phóng đại vấn đề. Khi cha mẹ nói: “Con sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì cả!”, con cái có thể sẽ mất đi lòng tự trọng. Nếu cha mẹ nhiều lần nói những lời như thế, các em sẽ bắt đầu nghĩ mình đã hoàn toàn thất bại. Dĩ nhiên, điều ấy không chỉ làm các em nản lòng mà còn không đúng sự thật.

Thường thì tốt hơn nhiều nếu chú ý đến các mặt tích cực của vấn đề. Người bố trong minh họa trên có thể nói thế này: “Con trai, bố biết là con buồn vì bị điểm kém. Nhìn chung, bố thấy con đã cố gắng học chăm chỉ. Bây giờ hai bố con mình cùng xem con gặp khó khăn nào trong môn học này, rồi mình cùng tìm ra phương pháp giải quyết”. Để có thể giúp con một cách tốt nhất, người bố nên hỏi cụ thể xem có vấn đề gì ẩn khuất sau đó không.

Cách nói chuyện từ tốn và có suy nghĩ trước có thể sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc bộc phát cơn giận. Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta là “lời lành” thì “ngon-ngọt cho tâm-hồn, và khỏe-mạnh cho xương-cốt” (Châm-ngôn 16:24). Con cái—thật ra là tất cả các thành viên trong gia đình—sẽ thành công khi sống trong bầu không khí yêu thương và hòa thuận.

“Do sự đầy-dẫy trong lòng”

Hãy nghĩ về người chồng trong minh họa đầu bài. Chẳng phải điều tốt hơn là anh dành thời gian để tìm “những lời hữu ích” và chân thật để bày tỏ cảm xúc thay vì trút cơn giận của mình lên vợ? Một người chồng trong tình huống đó nên tự hỏi: ‘Dù vợ tôi cần phải thay đổi để đúng giờ hơn, nhưng có thật là cô ấy lúc nào cũng trễ không? Đây có phải là lúc để nêu lên vấn đề không? Nếu tôi giận dữ và dùng những lời chỉ trích, liệu có thúc đẩy vợ tôi thay đổi không?’. Ngừng lại một chút để tự hỏi những câu hỏi này có thể giúp chúng ta tránh vô tình làm tổn thương những người thân yêu.—Châm-ngôn 29:11.

Thế nhưng, nói sao nếu các cuộc trò chuyện trong gia đình thường dẫn đến sự tranh cãi? Chúng ta có thể phải nhìn sâu vào vấn đề và xem xét cảm xúc bên trong qua những lời nói mà mình chọn lựa. Những gì chúng ta nói, đặc biệt là vào lúc căng thẳng hoặc buồn nản, có thể cho biết nhiều điều về con người bên trong của chúng ta. Chúa Giê-su phán: “Do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Ma-thi-ơ 12:34). Nói cách khác, lời nói thường thể hiện suy nghĩ, thái độ và ước muốn sâu thẳm nhất trong lòng chúng ta.

Quan điểm của chúng ta về đời sống có thực tế, lạc quan và đầy hy vọng không? Vậy thì cách nói và những điều chúng ta nói sẽ cho thấy điều đó. Chúng ta có khuynh hướng tỏ ra nghiêm khắc, bi quan hay chỉ trích không? Nếu thế, lời nói của chúng ta có thể làm người khác nản lòng. Chúng ta có thể không biết lối suy nghĩ hoặc lời nói của mình có thể trở nên tiêu cực đến mức nào. Thậm chí chúng ta có lẽ tin rằng cách chúng ta nhìn nhận vấn đề là đúng. Nhưng hãy cẩn thận, vì mình có thể tự lừa dối bản thân.—Châm-ngôn 14:12.

Thật hữu ích vì chúng ta có Lời của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh có thể giúp chúng ta xem xét lại lối suy nghĩ của mình, và đánh giá điều nào là đúng và điều nào cần phải thay đổi (Hê-bơ-rơ 4:12; Gia-cơ 1:25). Dù có khuynh hướng bẩm sinh là gì hay lớn lên trong môi trường nào, nếu thật sự muốn, tất cả chúng ta đều có thể chọn thay đổi cách suy nghĩ và hành động.—Ê-phê-sô 4:23, 24.

Ngoài Kinh Thánh, một điều khác có thể giúp chúng ta đánh giá cách nói chuyện của mình. Đó là hãy thử hỏi những người xung quanh. Thí dụ, bạn hãy nhờ người hôn phối hoặc con cái thật lòng cho biết họ nghĩ sao về bạn trong vấn đề này. Hãy nói chuyện với một người bạn chín chắn, thân thiết với mình. Bạn cần phải khiêm nhường để chấp nhận những gì họ nói và thay đổi bất cứ điều gì cần thiết.

Hãy suy nghĩ kỹ trước khi nói!

Cuối cùng, nếu thật sự không muốn lời nói của mình làm tổn thương người khác, chúng ta nên làm theo lời khuyên nơi Châm-ngôn 16:23: “Người khôn nghĩ kỹ trước khi phát biểu, ý kiến đưa ra thường được tán thành” (BDY). Có lẽ không dễ để kiềm chế cảm xúc của mình. Tuy nhiên, thay vì trách móc hoặc hạ thấp người khác, chúng ta nên cố gắng hiểu họ. Điều đó sẽ giúp chúng ta dễ tìm những từ thích hợp để bày tỏ cảm xúc của mình hơn.

Dĩ nhiên, không ai là hoàn hảo cả (Gia-cơ 3:2). Mọi người thỉnh thoảng đều nói những lời thiếu suy nghĩ (Châm-ngôn 12:18). Nhưng Kinh Thánh có thể giúp chúng ta suy nghĩ kỹ trước khi nói, đồng thời đặt cảm xúc và lợi ích của người khác lên trên quyền lợi bản thân (Phi-líp 2:4). Chúng ta hãy quyết tâm tìm “những lời hữu ích” và chân thật để nói với người khác, đặc biệt là những người trong gia đình. Nhờ đó, lời nói của chúng ta không làm tổn thương hay hạ thấp những người thân yêu, mà ngược lại sẽ xoa dịu và xây dựng họ.—Rô-ma 14:19.

[Hình nơi trang 12]

Làm thế nào chúng ta có thể tránh nói một điều mà sau đó sẽ hối tiếc?