Thoát khỏi nỗi tuyệt vọng của tuổi trẻ
Thoát khỏi nỗi tuyệt vọng của tuổi trẻ
Do Eusebio Morcillo kể lại
Tháng 9 năm 1993, tôi đến một nhà tù có chế độ giam giữ nghiêm ngặt. Vào dịp đó, một tù nhân là Mariví, em gái tôi, làm báp têm. Một số bạn tù và giám thị trại giam tôn trọng đứng xem khi tôi điều khiển buổi lễ. Trước khi giải thích làm thế nào tôi và em gái lại có mặt ở đây, tôi xin kể về đời sống trước kia của chúng tôi.
Tôi sinh ra vào ngày 5-5-1954 tại Tây Ban Nha, và là con đầu trong gia đình có tám người con. Mariví là con thứ ba. Bà ngoại nuôi dạy chúng tôi thành những giáo dân Công Giáo sùng đạo. Tôi có những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu về cảm giác hết lòng phụng sự Chúa khi sống với bà. Tuy nhiên, khi ở nhà với cha mẹ, tôi lại ở trong một môi trường không tin kính chút nào. Cha tôi thường xuyên đánh đập mẹ và các con. Cuộc sống của chúng tôi bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi và tôi rất đau lòng khi nhìn thấy mẹ phải khổ sở.
Tại trường học, có nhiều điều khác khiến tôi thất vọng. Một thầy giáo, cũng là linh mục, thường nắm đầu chúng tôi đập vào tường nếu chúng tôi trả lời sai. Một linh mục khác thì sách nhiễu tình dục học sinh khi kiểm tra bài tập về nhà của chúng. Ngoài ra, những giáo lý như lửa địa ngục khiến tôi bối rối và sợ hãi. Lòng sùng kính của tôi với Đức Chúa Trời dần dần phai nhạt.
Vướng vào lối sống vô nghĩa
Vì thiếu sự hướng dẫn về mặt tâm linh, tôi bắt đầu chơi với những người vô luân và hung bạo ở các vũ trường. Khi có đánh nhau, người ta thường dùng dao, dây xích, ly chén và bàn ghế để làm vũ khí. Dù tôi không cố tình tham gia vào các cuộc ẩu đả đó, nhưng một lần nọ tôi bị đánh bất tỉnh.
Cuối cùng, tôi cảm thấy mệt mỏi về những chuyện như thế và đi tìm những vũ trường khác nhẹ nhàng hơn. Nhưng ở những nơi đó thì ma túy rất phổ biến. Thay vì giúp tôi tìm được thỏa lòng và bình an tâm trí, loại thuốc bất hợp pháp này khiến tôi chìm ngập trong ảo giác và lo lắng.
Dù không thỏa mãn nhưng tôi vẫn lôi kéo theo một trong các em trai của tôi là José Luis và một người bạn thân là Miguel vào lối sống đó. Chúng tôi và nhiều người trẻ Tây Ban Nha thời ấy đã vướng vào bẫy của thế giới trụy lạc. Hầu như chuyện gì tôi cũng làm để có tiền mua ma túy. Tôi đánh mất hết phẩm giá của mình.
Đức Giê-hô-va giải cứu
Trong thời gian này, tôi thường nói chuyện với bạn bè về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và ý nghĩa của đời sống. Tôi bắt đầu tìm kiếm Ngài qua việc tìm một ai đó để chia sẻ cảm xúc của mình. Tôi để ý thấy một đồng nghiệp là Francisco khác hẳn những người xung quanh. Dường như anh ấy luôn vui vẻ, thật thà và tử tế, nên tôi quyết định giãi bày tâm sự với anh. Francisco là một Nhân Chứng Giê-hô-va, và anh đã tặng tôi một tạp chí Tháp Canh có bài nói về ma túy.
Sau khi đọc bài đó, tôi cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ: “Lạy Chúa, con biết Chúa có thật. Con muốn biết về Chúa và làm theo ý Chúa. Xin giúp con!”. Francisco và những Nhân Chứng khác dùng Kinh Thánh để khích lệ tôi. Họ cũng tặng tôi một số ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Tôi dần nhận ra rằng họ đang giúp đỡ tôi, theo lời cầu nguyện của tôi. Chẳng bao lâu sau, tôi bắt đầu kể với bạn bè và em José Luis về những gì tôi học được.
Một ngày nọ, sau buổi biểu diễn nhạc rock, tôi đi về cùng với một vài người bạn. Tôi thử tách riêng ra khỏi nhóm và đứng nhìn họ một cách khách quan. Khi ấy, tôi chợt nhận ra rằng ma túy đã khiến cho hạnh kiểm của chúng tôi trở nên thật bại hoại. Ngay giây phút đó, tôi quyết định từ bỏ lối sống này và trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va.
Tôi xin anh Francisco cuốn Kinh Thánh. Anh ấy tặng tôi một cuốn cùng với sách Lẽ thật duy-nhất dẫn đến sự sống đời đời. * Khi đọc lời Đức Chúa Trời hứa sẽ lau ráo hết nước mắt và ngay cả sự chết cũng không còn nữa, tôi chắc chắn rằng mình đã tìm thấy chân lý. Đây chính là điều giúp nhân loại được giải thoát (Giăng 8:32; Khải-huyền 21:4). Sau đó, tôi tham dự một buổi nhóm họp tại Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va. Bầu không khí ấm cúng và thân thiện nơi đây đã gây ấn tượng mạnh với tôi.
Tôi háo hức muốn kể cho mọi người về lần đi nhóm họp ở Phòng Nước Trời đến nỗi tôi liền tập họp em José Luis và các bạn bè lại, rồi thuật cho họ nghe mọi chuyện. Vài ngày sau, tất cả chúng tôi đều tham dự nhóm họp. Một cô gái ngồi hàng ghế phía trước liếc nhìn chúng tôi. Rõ ràng cô ấy giật mình khi thấy một nhóm thanh niên để kiểu tóc dài lập dị, và cẩn thận không quay xuống nhìn một lần nào nữa. Nhưng ngay tuần sau đó, cô ấy hẳn phải rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi mặc veston và thắt cà vạt chỉnh tề đến Phòng Nước Trời.
Không lâu sau, Miguel và tôi cũng tham dự hội nghị vòng quanh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Chúng tôi chưa bao giờ cảm nhận được những điều như thế—tình anh em thật sự của những người thuộc mọi lứa tuổi. Thật ngạc nhiên, hội nghị này được tổ chức chính tại nơi chúng tôi vừa tham dự buổi biểu diễn
nhạc rock. Nhưng lần này, không khí cũng như âm nhạc khiến tinh thần chúng tôi được nhẹ nhõm và thoải mái.Cả nhóm chúng tôi bắt đầu học Kinh Thánh. Khoảng tám tháng sau, vào ngày 26-7-1974, Miguel và tôi làm báp têm. Khi ấy chúng tôi đều được 20 tuổi. Bốn người khác trong nhóm cũng làm báp têm vài tháng sau đó. Sự dạy dỗ tôi nhận được từ Kinh Thánh đã thúc đẩy tôi giúp đỡ người mẹ đau khổ của mình làm những công việc nhà, và chia sẻ niềm tin mới với bà. Mẹ con tôi gần gũi nhau hơn. Tôi cũng dành rất nhiều thời gian để giúp các em của mình.
Qua thời gian, mẹ và các em tôi (chỉ trừ một người) học lẽ thật và làm báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Vào năm 1977, tôi kết hôn với Soledad. Cô ấy chính là người đã ngạc nhiên nhìn chúng tôi khi chúng tôi lần đầu tiên đến Phòng Nước Trời. Chỉ trong vòng vài tháng, vợ chồng tôi trở thành tiên phong, tức người rao giảng tin mừng trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va.
Một người thân yêu được giải thoát
Em gái tôi là Mariví bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ và quá khứ kinh khủng ấy đã tác động đến cả cuộc đời sau này của cô ấy. Khi ở tuổi vị thành niên, Mariví bắt đầu có lối sống phóng túng như nghiện ngập, trộm cắp và mãi dâm. Lúc 23 tuổi, cô bị tống vào trại giam nhưng vẫn tiếp tục lối sống ngang ngạnh ấy.
Vào lúc đó, tôi đang phục vụ với tư cách là giám thị vòng quanh, người được bổ nhiệm đến thăm các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Vào năm 1989, tôi và Soledad được bổ nhiệm đến khu vực nơi Mariví bị giam. Chính quyền vừa mới tách riêng Mariví và con của cô ấy. Mariví vô cùng tuyệt vọng và không muốn sống nữa. Một ngày nọ, tôi đến thăm cô ấy và đề nghị cùng nhau thảo luận Kinh Thánh. Mariví đồng ý. Sau một tháng, cô ấy ngưng dùng ma túy và thuốc lá. Tôi thật cảm động biết bao khi thấy Đức Giê-hô-va cho Mariví sức mạnh để thay đổi đời sống của mình.—Hê-bơ-rơ 4:12.
Không lâu sau, Mariví bắt đầu chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh với các bạn tù và giám thị trại giam. Dù bị chuyển trại, nhưng cô ấy vẫn tiếp tục công việc rao giảng. Cô ấy thậm chí rao giảng từ phòng này sang phòng khác ở một nhà tù nọ. Suốt nhiều năm, Mariví đã bắt đầu học hỏi Kinh Thánh với các bạn tù ở nhiều trại khác nhau.
Một hôm, Mariví cho tôi biết cô ấy ước muốn dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm. Thế nhưng cô ấy không được phép rời khỏi tù, và không ai được vào đó để làm báp têm cho cô. Mariví phải chịu đựng hơn bốn năm nữa trong môi trường bại hoại của nhà tù đó. Điều gì giúp cô ấy tiếp tục giữ vững đức tin? Đúng vào giờ nhóm họp của hội thánh địa phương, Mariví ở trong tù tự học cùng một chương trình với buổi nhóm. Cô ấy cũng đều đặn học hỏi Kinh Thánh riêng và cầu nguyện.
Sau đó, Mariví được chuyển đến một nhà tù có chế độ giam giữ nghiêm ngặt. Ở đó có một hồ bơi. Mariví nhận thấy môi trường mới này có thể tạo điều kiện cho cô làm báp têm. Thật vậy, cuối cùng mong muốn của Mariví đã được chấp thuận. Đó là lý do tại sao tôi có mặt ở đấy để nói bài giảng báp têm cho Mariví. Tôi đã ở bên cạnh em gái mình trong giây phút trọng đại nhất của cuộc đời cô ấy.
Đời sống phóng túng trước kia đã khiến Mariví mắc căn bệnh AIDS. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 1994, Mariví được ra tù sớm nhờ có hạnh kiểm tốt. Cô ấy về nhà sống với mẹ và tích cực trong các hoạt động của tín đồ Đấng Christ cho đến khi qua đời hai năm sau đó.
Vượt qua những cảm xúc tiêu cực
Tôi cũng không hoàn toàn thoát khỏi hậu quả của đời sống trước kia. Cách đối xử tồi tệ của cha và lối sống thời niên thiếu đã tác động sâu sắc đến nhân cách của tôi. Khi trưởng thành, tôi thường khổ sở bởi cảm giác tội lỗi và thiếu lòng tự trọng. Có lúc tôi bị trầm cảm. Tuy nhiên, Lời Đức Chúa Trời đã giúp tôi rất nhiều để chống lại những cảm xúc tiêu cực đó. Trong nhiều năm qua, liên tục suy ngẫm về những câu Kinh Thánh như Ê-sai 1:18 và Thi-thiên 103:8-13 đã giúp tôi bớt đi cái cảm giác tội lỗi cứ lởn vởn trong đầu tôi.
Cầu nguyện là một “vũ khí” khác giúp tôi chống lại cảm giác xem mình vô giá trị. Tôi nhận ra rằng nhiều lúc tôi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va mà mắt cứ rưng rưng lệ. Tuy nhiên, câu Kinh Thánh 1 Giăng 3:19, 20 đã khích lệ tôi: “Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững-chắc ở trước mặt Ngài. Vì nếu lòng mình cáo-trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự”.
Khi chân thành đến gần Đức Chúa Trời với “lòng đau-thương thống-hối”, tôi nhận ra mình không tệ như tôi đã từng nghĩ. Kinh Thánh bảo đảm với những ai tìm kiếm Đức Giê-hô-va rằng Ngài không ghét bỏ người biết thành thật ăn năn về hạnh kiểm trước kia và thay đổi lối sống để làm theo ý Ngài.—Thi-thiên 51:17.
Mỗi khi bắt đầu thấy nghi ngờ bản thân, tôi cố gắng nghĩ đến những điều tích cực, tức là những điều cao quý được đề cập nơi Phi-líp 4:8. Tôi học thuộc Thi-thiên 23 và Bài Giảng trên Núi của Chúa Giê-su. Khi suy nghĩ tiêu cực bắt đầu xuất hiện, tôi liền đọc lại những câu Kinh Thánh đó. Đây là cách rất hữu ích để loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực trong những đêm tôi mất ngủ.
Một nguồn giúp đỡ khác là những lời khích lệ từ vợ tôi và các anh chị thành thục trong đạo. Dù lúc đầu tôi thấy khó chấp nhận lời khích lệ của họ, nhưng Kinh Thánh đã giúp tôi hiểu rằng tình yêu thương “tin mọi sự” (1 Cô-rinh-tô 13:7). Dĩ nhiên, dần dần tôi cũng khiêm nhường học cách chấp nhận những khuyết điểm và giới hạn của mình.
Bên cạnh đó, cuộc chiến chống lại cảm nghĩ tiêu cực đã giúp tôi biết cảm thông khi đến thăm các hội thánh. Vợ chồng tôi đã dành ra gần 30 năm cho công việc rao truyền tin mừng trọn thời gian. Niềm vui khi phục vụ người khác giúp tôi càng lúc càng đẩy lùi cảm nghĩ tiêu cực và ký ức đen tối vào dĩ vãng.
Giờ đây, khi ngẫm nghĩ lại tất cả những ân phước Đức Giê-hô-va ban cho, tôi thật cảm động và muốn thốt lên như người viết Thi-thiên: “Khá ngợi-khen Đức Giê-hô-va!. . . Ấy là Ngài tha-thứ các tội-ác ngươi, chữa lành mọi bệnh-tật ngươi, cứu-chuộc mạng-sống ngươi khỏi chốn hư-nát, lấy sự nhân-từ và sự thương-xót mà làm mão-triều đội cho ngươi”.—Thi-thiên 103:1-4.
[Chú thích]
^ đ. 14 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản nhưng hiện nay không còn lưu hành.
[Câu nổi bật nơi trang 30]
Tôi thường khổ sở bởi cảm giác tội lỗi và thiếu lòng tự trọng, nhưng Lời Đức Chúa Trời đã giúp tôi rất nhiều để chống lại những cảm xúc tiêu cực đó
[Các hình nơi trang 27]
Em trai José Luis và anh bạn Miguel đã làm theo gương xấu và gương tốt của tôi
[Hình nơi trang 28, 29]
Gia đình tôi vào năm 1973
[Hình nơi trang 29]
Mariví ở trong tù
[Hình nơi trang 30]
Cùng với vợ tôi là Soledad