Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thỏa nguyện trong vai trò làm mẹ

Thỏa nguyện trong vai trò làm mẹ

Thỏa nguyện trong vai trò làm mẹ

Khắp thế giới ngày nay, phần lớn các người mẹ đều làm việc bên ngoài. Trong những nước công nghiệp hóa, số người nữ đi làm gần bằng số người nam. Tại những nước đang phát triển, phụ nữ thường cặm cụi làm công việc đồng áng suốt hàng giờ để giúp nuôi sống gia đình.

Nhiều người nữ bị giằng co giữa nhu cầu kiếm sống với ước muốn chăm sóc gia đình và nhà cửa. Những phụ nữ này không chỉ phải kiếm tiền để mua thực phẩm, quần áo và trang trải cho nơi ăn chốn ở, nhưng họ còn có trách nhiệm nấu ăn, giặt giũ và lau chùi nhà cửa.

Ngoài ra, những người mẹ thờ phượng Đức Chúa Trời phải cố gắng khắc ghi vào lòng con cái các giá trị tâm linh. Chị Cristina, một người mẹ có hai con gái nhỏ, đã thừa nhận: “Thú thật là giữ thăng bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình rất khó, đặc biệt khi con bạn còn nhỏ. Không dễ để đáp ứng mọi nhu cầu mà con cần”.

Điều gì khiến những người mẹ phải đi làm bên ngoài? Họ gặp phải những thách thức nào? Có nhất thiết là một người mẹ phải làm việc bên ngoài mới được thỏa nguyện không?

Tại sao những người mẹ đi làm?

Đối với nhiều người mẹ, làm việc cả ngày hiển nhiên là điều cần thiết. Một số người không có ai để chia sẻ gánh nặng kinh tế. Những cặp vợ chồng khác thì nhận thấy lương của chỉ một người không đủ trang trải cho nhu cầu căn bản của đời sống.

Tuy nhiên, không phải tất cả các người mẹ làm việc cả ngày đều vì lý do kinh tế. Một số người làm việc bên ngoài là để cảm thấy mình có giá trị hơn. Một số có lẽ muốn có tiền tiêu riêng hoặc để chi trả cho những thứ xa xỉ. Còn nhiều người khác đi làm bên ngoài vì họ giỏi và vui thích trong công việc.

Áp lực từ bạn bè cũng là một lý do khiến các bà mẹ cảm thấy họ bắt buộc phải làm việc bên ngoài. Dù hầu hết người ta đều thừa nhận rằng những người mẹ đi làm luôn phải đấu tranh chống lại sự căng thẳng và kiệt sức, nhưng hễ ai chọn không làm việc bên ngoài thì thường bị hiểu lầm, ngay cả bị chế giễu. Một phụ nữ cho biết: “Không dễ dàng gì để giải thích cho người khác rằng bạn ‘chỉ là một bà nội trợ’. Qua lời nói và nét mặt, một số người còn hàm ý rằng bạn đang bỏ phí cuộc đời mình”. Chị Rebeca là một người mẹ có con gái hai tuổi. Chị nói: “Dù xã hội chúng ta đang sống biết là phụ nữ nên chăm sóc con cái của họ, nhưng tôi thấy người ta có vẻ gì đó xem thường những người mẹ không làm việc bên ngoài”.

Ảo tưởng và thực tế

Tại một vài nơi trên thế giới, các phương tiện truyền thông miêu tả “người phụ nữ lý tưởng” là người thành đạt trong sự nghiệp của mình—có lương cao, ăn mặc đẹp và đầy tự tin. Khi về đến nhà, cô ta vẫn có sức lực để dàn xếp mọi vấn đề của con cái, sửa chữa lỗi lầm của chồng và giải quyết bất cứ tình huống khẩn cấp nào trong gia đình. Thật dễ hiểu là ít người phụ nữ nào có thể đạt được những tiêu chuẩn lý tưởng như thế.

Trên thực tế, nhiều công việc bên ngoài mà các phụ nữ làm thường đơn điệu và có đồng lương tương đối thấp. Những người mẹ ấy có thể thất vọng khi thấy công việc không cho họ cơ hội để thể hiện hết khả năng của mình. Một cuốn sách về tâm lý xã hội (Social Psychology) cho biết: “Dù ngày càng có xu thế bình đẳng giữa nam và nữ, người nam vẫn tiếp tục chiếm lĩnh những công việc có lương cao và chức vị quan trọng hơn. Vì thế, khi muốn khẳng định giá trị của mình qua công việc, phái nữ thường gặp bất lợi hơn”. Tờ El País của Tây Ban Nha nói: “Người ta ước tính phụ nữ có nguy cơ chịu căng thẳng và lo lắng gấp ba lần đàn ông vì hầu hết họ phải làm đến ‘hai ca’—một là ở sở làm và một là ở nhà”.

Người chồng có thể giúp thế nào?

Dĩ nhiên, một người mẹ thờ phượng Đức Chúa Trời có nên chọn làm việc ngoài đời hay không là quyết định riêng. Tuy nhiên, nếu có chồng, chị nên cùng chồng thảo luận và xem xét kỹ mọi yếu tố trước khi quyết định.—Châm-ngôn 14:15.

Còn nếu hai vợ chồng quyết định vì lý do kinh tế, người vợ nên đi làm và cả hai phải làm việc cả ngày thì sao? Trong trường hợp đó, người chồng khôn ngoan sẽ đặc biệt chú ý đến lời khuyên sau của Kinh Thánh: “Người làm chồng nên săn sóc vợ, hiểu biết những nhu cầu của vợ, tôn trọng không những vì họ thuộc phái yếu, mà còn vì cả hai vợ chồng cùng chia sẻ sự sống Chúa cho” (1 Phi-e-rơ 3:7, Bản Diễn Ý). Người chồng tôn trọng vợ bằng cách nhận ra và quan tâm đến những giới hạn về thể chất cũng như tình cảm của vợ mình. Khi có thể, anh sẽ giúp chị làm công việc nhà. Như Chúa Giê-su, người chồng sẽ sẵn sàng khiêm nhường làm những việc như thế, không xem chúng là điều hạ thấp giá trị của mình (Giăng 13:12-15). Trái lại, anh sẽ xem đó là cách để cho thấy mình yêu vợ, người đã phải làm việc vất vả suốt ngày. Chắc hẳn chị rất quý công khó của anh!—Ê-phê-sô 5:25, 28, 29.

Nếu cả hai người phải làm việc bên ngoài, chắc chắn việc hợp tác trong gia đình rất quan trọng. Điều này được nhấn mạnh trong một bài trên tờ ABC của Tây Ban Nha. Nhận xét về cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu về Hôn nhân Gia đình, bài báo nói rằng tỉ lệ ly dị ở Tây Ban Nha tăng cao không chỉ vì người ta “bỏ qua tiêu chuẩn về đạo đức và tôn giáo”, nhưng cũng vì sự kết hợp của hai yếu tố khác: một là “phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động” và hai là “nam giới không giúp đỡ trong công việc nhà”.

Vai trò thiết yếu của người mẹ thờ phượng Đức Chúa Trời

Dù Đức Giê-hô-va giao cho người cha trách nhiệm chính để nuôi dạy con cái, nhưng những người mẹ biết rằng họ cũng có vai trò thiết yếu—nhất là lúc con còn thơ ấu (Châm-ngôn 1:8; Ê-phê-sô 6:4). Khi chỉ dẫn dân Y-sơ-ra-ên phải ghi khắc Luật Pháp của Ngài vào lòng con cái, Đức Giê-hô-va nói với cả người cha lẫn người mẹ. Ngài biết đây là một quá trình đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn, đặc biệt trong những năm hình thành nhân cách của trẻ. Vì thế, Đức Chúa Trời bảo các bậc cha mẹ nên dạy dỗ con ở nhà, trên đường, khi nằm và cả khi thức dậy.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-7.

Nhấn mạnh vai trò cao quý và quan trọng của người mẹ, Lời Đức Chúa Trời khuyên những người làm con: “Chớ lìa-bỏ các phép-tắc của mẹ con” (Châm-ngôn 6:20). Hiển nhiên, người vợ nên thảo luận với chồng trước khi đặt ra bất cứ luật lệ nào cho con. Tuy nhiên, câu Kinh Thánh trên cho biết người mẹ có quyền đặt ra luật cho con. Một người mẹ kính sợ Đức Chúa Trời sẽ dạy con các tiêu chuẩn về đạo đức và tâm linh. Khi khắc ghi những điều đó vào lòng, con cái sẽ nhận được lợi ích lớn lao (Châm-ngôn 6:21, 22). Chị Teresa, người mẹ có hai con trai nhỏ, cho biết tại sao chị không làm việc bên ngoài: “Trách nhiệm quan trọng nhất của tôi là nuôi dạy con trở thành người thờ phượng Đức Chúa Trời. Tôi muốn hoàn thành công việc này cách tốt nhất”.

Những người mẹ làm nên sự khác biệt

Vua Lê-mu-ên của nước Y-sơ-ra-ên chắc hẳn nhận được nhiều lợi ích từ nỗ lực của người mẹ tận tâm. “Các châm-ngôn mà mẹ người dạy cho người” đã được ghi lại trong Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời soi dẫn (Châm-ngôn 31:1; 2 Ti-mô-thê 3:16). Lời miêu tả của người mẹ này về người nữ tài đức vẫn giúp ích cho các người nam trong việc khôn ngoan chọn lựa bạn đời. Lời cảnh báo của bà về sự vô luân và việc uống rượu quá độ vẫn còn phù hợp cho đến tận ngày nay.—Châm-ngôn 31:3-5, 10-31.

Vào thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô đã khen ngợi một người mẹ tên Ơ-nít trong việc dạy dỗ con trai bà là Ti-mô-thê. Vì người chồng không cùng đức tin với bà có thể đã thờ các thần của Hy Lạp, nên Ơ-nít cần phải thuyết phục Ti-mô-thê đặt đức tin nơi Kinh Thánh. Ơ-nít bắt đầu dạy dỗ Ti-mô-thê về Kinh Thánh từ khi nào? Kinh Thánh cho biết rằng ‘từ khi còn thơ-ấu’ hay từ lúc Ti-mô-thê mới ra đời (2 Ti-mô-thê 1:5; 3:14, 15). Rõ ràng, đức tin và gương mẫu cũng như sự dạy dỗ của bà đã giúp Ti-mô-thê sẵn sàng cho công việc giáo sĩ trong tương lai.—Phi-líp 2:19-22.

Kinh Thánh cũng nói về một số người mẹ bày tỏ lòng hiếu khách với những người trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời. Vào các dịp đó, con cái có cơ hội tiếp xúc với những người gương mẫu như thế. Thí dụ, người phụ nữ ở Su-nem thường tiếp rước tiên tri Ê-li-sê vào nhà bà. Về sau, Ê-li-sê đã làm cho con trai bà sống lại (2 Các Vua 4:8-10, 32-37). Cũng hãy xem gương mẫu của Ma-ri, mẹ của người viết Kinh Thánh là Mác. Dường như bà dùng nhà của mình ở Giê-ru-sa-lem làm nơi nhóm họp cho các môn đồ của Chúa Giê-su thời ban đầu (Công-vụ 12:12). Chắc hẳn, Mác đã nhận được nhiều lợi ích khi kết hợp với các sứ đồ và những anh em đồng đạo thường đến nhóm tại nhà mình.

Rõ ràng, Đức Giê-hô-va xem trọng nỗ lực của những người mẹ trung thành đã khắc ghi các nguyên tắc của Ngài vào lòng con cái. Đức Giê-hô-va yêu thương những phụ nữ này vì họ đã trung thành và ra sức xây dựng một bầu không khí kính sợ Đức Chúa Trời trong gia đình.—2 Sa-mu-ên 22:26; Châm-ngôn 14:1.

Quyết định mang lại thỏa nguyện nhất

Những gương trong Kinh Thánh được đề cập ở trên cho thấy việc chăm sóc kỹ lưỡng nhu cầu thể chất, tâm linh và tình cảm của gia đình sẽ mang lại phần thưởng không gì sánh bằng. Nhưng không dễ để làm điều này. Dường như công việc nội trợ của người mẹ thường đòi hỏi khắt khe hơn bất cứ chức vụ điều hành nào trong công ty.

Sau khi thảo luận với chồng, nếu người vợ chọn giảm bớt giờ làm việc bên ngoài, thì cả gia đình có thể phải sống đơn giản hơn, và có lẽ chị phải chịu một số lời chê trách của những người không hiểu hoàn cảnh của mình. Nhưng phần thưởng sẽ lớn hơn những gì chị đã hy sinh. Chị Paqui có ba con và cần phải làm việc bán thời gian. Chị cho biết: “Tôi muốn có mặt ở nhà khi các con đi học về để có người nghe chúng nói chuyện”. Các con chị được lợi ích thế nào? Chị nói: “Tôi giúp các con làm bài tập về nhà, và nếu biết có chuyện gì xảy ra, tôi có thể giải quyết liền. Khoảng thời gian mỗi ngày mẹ con tôi dành cho nhau đã giúp chúng tôi duy trì các cuộc trò chuyện cởi mở. Tôi rất quý khoảng thời gian mình có với con đến nỗi tôi từ chối lời mời làm việc cả ngày bên ngoài”.

Nhiều người mẹ kính sợ Đức Chúa Trời nhận thấy rằng nếu họ có thể giảm bớt thời gian làm việc bên ngoài, cả gia đình đều được lợi ích. Chị Cristina (đề cập ở trên) giải thích: “Khi tôi ngưng làm việc bên ngoài, dường như gia đình tôi ít gặp vấn đề hơn. Tôi có thời gian trò chuyện với các con và giúp chồng một cách thiết thực. Tôi bắt đầu vui thích trong việc dạy dỗ các con, nhìn chúng học và tiến bộ”. Có một điều khiến chị Cristina nhớ mãi. Chị kể lại: “Con gái đầu của tôi học đi ở nhà trẻ, nhưng tôi đã dạy đứa thứ hai tập đi ở nhà. Con bé chập chững đi những bước đầu tiên và ngã ngay vào vòng tay của tôi. Giây phút ấy khiến tôi thỏa nguyện biết bao!”.

Một yếu tố khác cần xem xét là khi một người mẹ giảm bớt công việc bên ngoài, thật ra những gì phải hy sinh về tài chính thì ít hơn người ấy nghĩ. Chị Cristina giải thích: “Sự thật là chi phí cho việc chăm sóc trẻ và đi lại chiếm hết phần lớn tiền lương của tôi. Khi cẩn thận phân tích hoàn cảnh của mình, chúng tôi nhận ra rằng công việc của tôi chẳng thêm được bao nhiêu tiền cho gia đình”.

Sau khi xem xét kỹ hoàn cảnh, một số cặp vợ chồng quyết định rằng những lợi ích khi có người vợ dành trọn thời gian chăm sóc gia đình vượt quá bất cứ hy sinh nào về tài chính. Anh Paul, chồng của chị Cristina, cho biết: “Tôi rất vui khi vợ tôi có thể ở nhà để chăm sóc hai con gái nhỏ. Lúc vợ tôi còn làm việc bên ngoài, cả hai chúng tôi gặp nhiều vấn đề căng thẳng hơn”. Quyết định này có ảnh hưởng gì đến các con của họ? Anh Paul nói: “Các con tôi không chỉ cảm thấy an toàn hơn mà còn được che chở khỏi phần lớn những ảnh hưởng xấu đang lan tràn trong suốt những năm đầu đời của chúng”. Tại sao cặp vợ chồng này cảm thấy điều quan trọng là càng dành nhiều thời gian cho hai con gái càng tốt? Anh Paul giải thích: “Tôi tin chắc rằng nếu chúng ta, các bậc cha mẹ, không dạy dỗ con cái thì người khác sẽ làm điều đó”.

Rõ ràng, mỗi cặp vợ chồng phải xem xét hoàn cảnh riêng của họ. Không ai nên chỉ trích quyết định của người khác (Rô-ma 14:4; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:11). Tuy nhiên, việc xem xét những lợi ích mà gia đình có được khi người mẹ không làm việc cả ngày bên ngoài là điều đáng làm. Chị Teresa (đề cập ở trên) cho biết cảm nghĩ của chị về vấn đề này như sau: “Không gì mang lại thỏa nguyện cho bằng việc dành càng nhiều thời gian càng tốt để chăm sóc và dạy dỗ chính con cái của bạn”.—Thi-thiên 127:3.

[Hình nơi trang 31]

Những người mẹ kính sợ Đức Chúa Trời có công việc quan trọng là nuôi dạy con cái