Cùng đọc với con
Mác đã không bỏ cuộc!
Mác là người đã viết một trong bốn sách Phúc Âm của Kinh Thánh kể về cuộc đời Chúa Giê-su. Sách của Mác là ngắn nhất và dễ đọc nhất. Vậy Mác là ai? Con nghĩ ông ấy có biết Chúa Giê-su không?— * Chúng ta hãy cùng xem Mác đã gặp những thử thách nào, và học biết tại sao Mác đã không từ bỏ việc đi theo Chúa Giê-su.
Tên của Mác được đề cập trong Kinh Thánh lần đầu tiên là sau khi vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba bắt sứ đồ Phi-e-rơ bỏ vào tù. Một đêm nọ, thiên sứ đã giải cứu Phi-e-rơ ra khỏi tù. Ông lập tức đi đến nhà mẹ của Mác là bà Ma-ri, ở Giê-ru-sa-lem. Phi-e-rơ được giải cứu khỏi tù khoảng mười năm sau khi Chúa Giê-su bị giết vào Lễ Vượt Qua năm 33 CN.—Công-vụ 12:1-5, 11-17.
Con có biết tại sao Phi-e-rơ đi đến nhà của bà Ma-ri không?— Có thể bởi vì ông quen với gia đình của bà và biết các môn đồ của Chúa Giê-su nhóm họp ở nhà bà. Anh em họ của Mác là Ba-na-ba đã trở thành môn đồ của Chúa Giê-su từ lâu rồi, ít nhất là kể từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Kinh Thánh tường thuật rằng vào dịp lễ đó, Ba-na-ba đã bày tỏ lòng rộng lượng của mình bằng cách đóng góp tiền để giúp đỡ cho các môn đồ mới. Vì thế, có thể Chúa Giê-su đã biết Ba-na-ba cũng như người bà con của ông là bà Ma-ri và con trai bà là Mác.—Công-vụ 4:36, 37; Cô-lô-se 4:10.
Trong sách Phúc Âm của ông, Mác viết rằng vào đêm Chúa Giê-su bị bắt, một người trẻ tuổi “chỉ có cái khăn bằng gai trùm mình” cũng có mặt tại đó. Mác cho biết khi những kẻ thù bắt Chúa Giê-su, người trẻ ấy đã chạy thoát. Theo con, người trẻ ấy có thể là ai?— Đúng rồi, đó có thể là Mác! Khi Chúa Giê-su và các sứ đồ của ngài rời khỏi nhà vào khuya hôm ấy, dường như Mác đã rất vội vã nên chỉ kịp khoác lên mình cái áo choàng và đi theo họ.—Mác 14:51, 52.
Mác thật sự có nhiều điều kiện tốt để phụng sự Đức Chúa Trời. Rất có thể ông đã có mặt khi Đức Chúa Trời ban thánh linh cho các môn đồ vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Ông đã kết hợp mật thiết với những người trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời, chẳng hạn như Phi-e-rơ. Mác cũng đi chung với người anh em họ là Ba-na-ba. Đó là người đã giúp đỡ Sau-lơ bằng cách giới thiệu Sau-lơ với Phi-e-rơ, khoảng ba năm sau khi Chúa Giê-su hiện ra với Sau-lơ trong một sự hiện thấy. Vài năm sau, Ba-na-ba đi đến Tạt-sơ để tìm Phao-lô.—Công-vụ 9:1-15, 27; 11:22-26; 12:25; Ga-la-ti 1:18, 19.
Vào năm 47 CN, Ba-na-ba và Sau-lơ đã được chọn để làm công việc truyền giáo. Họ dẫn theo Mác. Nhưng vì lý do nào đó, Mác rời bỏ họ và trở về nhà ở Giê-ru-sa-lem. Sau-lơ, người sau này được gọi bằng tên La Mã là Phao-lô, đã rất giận. Và ông không bỏ qua điều mà theo ông là khuyết điểm nghiêm trọng của Mác.—Sau khi trở về từ chuyến rao giảng đó, Phao-lô và Ba-na-ba đã tường thuật lại nhiều kinh nghiệm hay (Công-vụ 14:24-28). Vài tháng sau, hai người lên kế hoạch trở lại viếng thăm những môn đồ mới mà họ đã rao giảng. Ba-na-ba muốn dẫn Mác theo. Con có biết Phao-lô đã nghĩ gì không?— Ông “không có ý” đem theo Mác vì trước đó Mác đã rời bỏ họ để trở về nhà. Những chuyện xảy ra sau đó chắc chắn khiến Mác rất buồn!
Cơn giận bùng nổ và sau một cuộc “cãi-lẫy nhau dữ-dội”, Phao-lô không đi chung với Ba-na-ba nữa. Ba-na-ba dẫn Mác đi rao giảng ở đảo Chíp-rơ. Còn Phao-lô đi cùng với Si-la trở lại viếng thăm những môn đồ mới, như đã dự tính trước đó. Mác hẳn phải rất đau lòng vì đã gây ra vấn đề cho Phao-lô và Ba-na-ba!—Công-vụ 15:36-41.
Chúng ta không biết tại sao trước đó Mác đã rời bỏ họ để đi về nhà. Rất có thể Mác nghĩ ông có lý do chính đáng để làm thế. Dù sao, rõ ràng Ba-na-ba đã tin chắc rằng chuyện này sẽ không xảy ra nữa và ông đã đúng. Mác đã không bỏ cuộc! Sau này, Mác cùng đi với Phi-e-rơ đến truyền giáo ở một nơi rất xa quê nhà là xứ Ba-by-lôn. 1 Phi-e-rơ 5:13.
Tại đó, khi Phi-e-rơ gửi lời chào thăm đến những anh chị em ở nơi khác, ông có nói: “Con tôi là Mác cũng vậy”.—Chắc hẳn Phi-e-rơ và Mác có mối quan hệ rất gần gũi vì họ đã cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va! Chúng ta có thể thấy điều này khi đọc sách Phúc Âm Mác. Ông đã ghi lại những chi tiết sâu sắc mà Phi-e-rơ chứng kiến. Thí dụ, hãy so sánh những lời tường thuật về cơn bão trên biển Ga-li-lê. Trong sách Phúc Âm của Mác có thêm chi tiết về chỗ mà Chúa Giê-su nằm ngủ trên thuyền và ngài đang gối đầu trên cái gì. Chỉ có người đánh cá như Phi-e-rơ mới biết đến những chi tiết đó. Chúng ta hãy cùng xem điều này bằng cách đọc và so sánh những lời tường thuật nơi Ma-thi-ơ 8:24; Mác 4:37, 38; và Lu-ca 8:23.
Sau này, khi Phao-lô bị tù ở Rô-ma, ông đã khen Mác là người trung thành ủng hộ ông (Cô-lô-se 4:10, 11). Và khi Phao-lô bị tù ở đó một lần nữa, ông viết thư cho Ti-mô-thê bảo đem Mác theo. Ông giải thích: “Người thật có ích cho ta về sự hầu việc lắm” (2 Ti-mô-thê 4:11). Thật vậy, Mác đã có nhiều đặc ân lớn trong việc phụng sự Đức Chúa Trời vì ông đã không bỏ cuộc!
^ đ. 3 Nếu bạn đọc bài này với con, khi nhìn thấy dấu gạch ngang (—) bạn hãy ngừng lại và khuyến khích con phát biểu ý kiến.