Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thể hạnh phúc dù gặp thất vọng!

Bạn có thể hạnh phúc dù gặp thất vọng!

Bạn có thể hạnh phúc dù gặp thất vọng!

Có ai mà chưa từng thất vọng? Ngay cả Cha chúng ta trên trời là Đức Giê-hô-va cũng từng đau buồn vì thất vọng. Chẳng hạn, thời xưa Ngài đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi cảnh nô lệ ở Ê-díp-tô và ban phước dồi dào cho họ. Nhưng Kinh Thánh cho biết: “[Họ] lại thử Đức Chúa Trời, trêu-chọc [“làm cực lòng”, Tòa Tổng Giám Mục] Đấng thánh của Y-sơ-ra-ên” (Thi-thiên 78:41). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va vẫn luôn là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”.—1 Ti-mô-thê 1:11.

Thật vậy, có nhiều lý do khiến chúng ta thất vọng. Làm thế nào chúng ta có thể tránh để những điều đó cướp đi niềm vui của mình? Chúng ta có thể học được gì từ cách Đức Giê-hô-va giải quyết các tình huống làm Ngài thất vọng?

Những điều gây ra thất vọng

Lời Đức Chúa Trời cho biết “thời-thế và cơ-hội [“sự bất trắc”, NW]” có thể xảy đến cho bất cứ ai trong chúng ta (Truyền-đạo 9:11). Một tai nạn, tội ác hoặc bệnh tật có thể bất ngờ khiến chúng ta đau buồn, và rồi thất vọng. Kinh Thánh cũng nói: “Sự trông-cậy trì-hoãn khiến lòng bị đau-đớn” (Châm-ngôn 13:12). Chúng ta thường vui mừng khi háo hức chờ đợi một điều tốt nào đó, nhưng nếu điều ấy không xảy ra sớm như mong đợi, chúng ta có thể chán nản và thất vọng. Chẳng hạn, anh Duncan * đã quyết tâm làm giáo sĩ, nhưng sau nhiều năm phục vụ trong công tác này, vợ chồng anh phải trở về nhà. Anh nói: “Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mất phương hướng. Tôi không có mục tiêu nào cả. Dường như mọi thứ không còn quan trọng nữa”. Ngoài ra, nỗi đau vì thất vọng có thể rất dai dẳng như trong trường hợp của chị Claire. Chị cho biết: “Tôi mang thai được bảy tháng thì bị sẩy thai. Chuyện đó xảy ra lâu rồi. Nhưng cho đến tận bây giờ, khi nhìn thấy một bé trai nói bài giảng trên bục, tôi vẫn thầm nghĩ rằng: ‘Con trai mình lẽ ra cũng lớn chừng này rồi!’ ”.

Chúng ta cũng có thể thấy đau buồn khi một người làm mình thất vọng, chẳng hạn quá trình tìm hiểu không thành, hôn nhân đổ vỡ, con cái ngỗ nghịch, một người bạn phản bội hoặc vô ơn. Vì sống giữa những người bất toàn trong thời kỳ khó khăn, chúng ta có thể gặp vô số chuyện gây ra thất vọng.

Chúng ta cũng có thể thất vọng về những lỗi lầm của chính mình. Thí dụ, nếu không đậu một kỳ thi, không kiếm được việc làm hoặc không chiếm được cảm tình của người khác, chúng ta có thể cảm thấy mình vô dụng. Ngoài ra, chúng ta cũng thất vọng về mình khi người thân chậm lại trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Chị Mary nói: “Con gái tôi trông có vẻ là một người sốt sắng thờ phượng Đức Chúa Trời. Tôi từng nghĩ rằng mình đã nêu gương tốt cho con. Nhưng khi con quay lưng lại với Đức Giê-hô-va và các chuẩn mực của gia đình, tôi thấy mình hoàn toàn thất bại. Không có thành công nào trong đời có thể bù đắp được điều đó. Tôi cảm thấy vô cùng nản lòng!”.

Làm sao chúng ta có thể đối phó với những điều khiến mình thất vọng như thế? Để có câu trả lời, chúng ta hãy cùng xem xét gương mẫu của Đức Giê-hô-va trong vấn đề này.

Tập trung vào giải pháp

Đức Giê-hô-va yêu thương cung cấp đầy đủ những điều cần thiết cho cặp vợ chồng đầu tiên, nhưng họ lại vô ơn và phản nghịch với Ngài (Sáng-thế Ký, chương 2 và 3). Sau đó, con trai họ là Ca-in cũng bắt đầu bộc lộ thái độ xấu. Ông lờ đi lời cảnh cáo của Đức Giê-hô-va và giết em trai mình (Sáng-thế Ký 4:1-8). Bạn có thể hình dung được nỗi thất vọng của Đức Giê-hô-va không?

Tại sao điều này không cướp đi được niềm vui của Đức Chúa Trời? Vì ý định của Ngài là cả trái đất có đầy những người hoàn hảo, và Ngài tiếp tục làm việc để hoàn thành ý định đó (Giăng 5:17). Để đạt được mục tiêu, Đức Chúa Trời cung cấp giá chuộc hy sinh của Con Ngài và Nước Trời (Ma-thi-ơ 6:9, 10; Rô-ma 5:18, 19). Đức Giê-hô-va tập trung vào giải pháp, chứ không phải vấn đề.

Lời Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta tập trung vào những điều mình có thể làm được ngay bây giờ, thay vì cứ nghĩ về những điều lẽ ra mình đã phải làm. Kinh Thánh nói: “Phàm điều chi chân-thật, điều chi đáng tôn, điều chi công-bình, điều chi thanh-sạch, điều chi đáng yêu-chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân-đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến”.—Phi-líp 4:8.

Có quan điểm đúng khi gặp thất vọng

Nhiều việc xảy ra có thể đột ngột thay đổi đời sống chúng ta. Thí dụ, chúng ta bỗng nhiên bị mất việc làm, mất người hôn phối hoặc mất đi đặc ân trong hội thánh. Chúng ta cũng có thể bị suy yếu sức khỏe, mất nhà cửa hoặc bạn bè. Vậy, làm sao để đối phó với những thay đổi to lớn ấy?

Một số người nhận thấy điều hữu ích là đặt ưu tiên cho đời sống. Anh Duncan, được đề cập ở trên, cho biết: “Khi nhận ra rằng mình không thể trở lại đời sống giáo sĩ như trước kia, vợ chồng tôi cảm thấy suy sụp. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đặt ra hai ưu tiên cho đời sống là chăm sóc mẹ, và nếu có thể, làm công việc truyền giáo trọn thời gian. Khi phải quyết định chuyện gì, vợ chồng tôi xem xét điều đó ảnh hưởng thế nào đến những ưu tiên của chúng tôi. Nhờ thế, mọi chuyện trở nên đơn giản hơn”.

Khi thất vọng, nhiều người trong chúng ta thường có khuynh hướng phóng đại những điều tiêu cực. Thí dụ, dù chúng ta cố gắng nuôi dạy con cái, hội đủ điều kiện cho một công việc hoặc tham gia rao giảng tin mừng ở nước ngoài, nhưng kết quả cũng không như chúng ta mong muốn. Lúc ấy, chúng ta có thể nghĩ: ‘Mình thất bại rồi!’. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến điều này: Khởi đầu của nhân loại đã làm Đức Chúa Trời thất vọng, nhưng điều đó không chứng tỏ Ngài thất bại. Cũng thế, chúng ta không thất bại chỉ vì cố gắng của mình không mang lại thành công ngay lập tức.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, 5.

Chúng ta dễ giận dỗi và oán trách khi người khác làm mình thất vọng. Đức Giê-hô-va thì không phản ứng như thế. Vua Đa-vít đã làm Ngài thất vọng khi ông phạm tội ngoại tình và tìm cách giết chồng của người phụ nữ đó. Nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy sự ăn năn chân thành của Đa-vít và tiếp tục dùng ông như một người phụng sự Ngài. Một trường hợp khác là vị vua trung thành Giô-sa-phát đã phạm sai lầm khi liên minh với kẻ thù của Đức Chúa Trời. Nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va đã nói: “Bởi cớ đó, có cơn giận của Đức Giê-hô-va đến trên vua. Nhưng trong vua có điều lành” (2 Sử-ký 19:2, 3). Đức Giê-hô-va biết phạm một sai lầm không có nghĩa là Giô-sa-phát hoàn toàn từ bỏ Ngài. Cũng thế, chúng ta có thể giữ được bạn bè của mình nếu không phản ứng thái quá khi họ phạm sai lầm. Những người bạn làm chúng ta thất vọng vẫn có thể có những đức tính tốt.—Cô-lô-se 3:13.

Thất vọng có thể được xem là điều không thể tránh khỏi trên con đường đi đến thành công. Chúng ta có thể thất vọng về chính mình khi phạm lỗi lầm. Nhưng chúng ta có thể vượt qua nếu có hành động phù hợp và cương quyết, đồng thời tiếp tục tiến lên phía trước. Khi cảm thấy thất vọng não nề về bản thân mình, vua Đa-vít đã viết: “Các xương-cốt tôi tiêu-tàn, và tôi rên-siết trọn ngày. . . Tôi đã thú tội cùng Chúa. . . Chúa tha tội-ác của tôi” (Thi-thiên 32:3-5). Nếu nhận thấy mình không làm đúng những điều Đức Chúa Trời yêu cầu, chúng ta có thể xin Ngài tha thứ, rồi thay đổi đường lối của mình và quyết tâm theo sát sự hướng dẫn của Ngài hơn.—1 Giăng 2:1, 2.

Chuẩn bị trước để đối phó với thất vọng

Tất cả chúng ta chắc chắn sẽ gặp phải một thất vọng nào đó. Chúng ta có thể làm gì để chuẩn bị trước? Anh Bruno là một tín đồ lớn tuổi đã từng trải qua một nỗi thất vọng làm thay đổi cả cuộc đời anh ấy. Anh có lời nhận xét rất đáng lưu ý như sau: “Trong trường hợp của tôi, điều quan trọng nhất giúp tôi đối phó với thất vọng là tiếp tục làm những gì mình đã từng làm để củng cố mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Tôi đã học biết lý do Đức Chúa Trời cho phép hệ thống gian ác hiện nay tồn tại. Tôi đã dành nhiều năm để vun trồng một mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Tôi thật vui mừng vì mình đã làm như thế! Khi biết rằng Ngài luôn ở cùng tôi, tôi được an ủi và thêm sức để chịu đựng trong những lúc thất vọng”.

Khi ngẫm nghĩ về tương lai, chúng ta có thể tin chắc một điều: Dù người khác hoặc chính chúng ta có làm mình thất vọng, nhưng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ làm thế. Thật vậy, Đức Chúa Trời đã cho biết danh Ngài là Giê-hô-va, có nghĩa “Ta sẽ trở thành Đấng ta sẽ trở thành” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14, NW). Điều này bảo đảm với chúng ta là Ngài có thể trở thành bất cứ điều gì cần thiết để hoàn thành lời hứa của Ngài. Đức Chúa Trời đã hứa rằng qua Nước Trời, ý định của Ngài sẽ được thực hiện “ở đất như trời”. Vì thế, không lạ gì khi sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi chắc rằng bất-kỳ sự chết, sự sống, các thiên-sứ, các kẻ cầm quyền. . . hoặc một vật nào, chẳng có thể phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus-Christ”.—Ma-thi-ơ 6:10; Rô-ma 8:38, 39.

Chúng ta có thể vững lòng trông chờ Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa mà Ngài phán qua nhà tiên tri Ê-sai: “Ta sẽ dựng trời mới đất mới; những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa” (Ê-sai 65:17). Không lâu nữa, những điều khiến chúng ta thất vọng chỉ còn là chuyện của quá khứ. Thật là một viễn cảnh tuyệt vời biết bao!

[Chú thích]

^ đ. 5 Một số tên đã đổi.

[Câu nổi bật nơi trang 13]

Chúng ta không thất bại chỉ vì cố gắng của mình không thành công lúc đầu

[Câu nổi bật nơi trang 14]

Lời Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta tập trung vào những điều có thể làm được, thay vì cứ nghĩ về những điều lẽ ra đã phải làm

[Các hình nơi trang 15]

Dù nhân loại làm Đức Chúa Trời thất vọng, Ngài vẫn là Đức Chúa Trời hạnh phước vì ý định của Ngài chắc chắn được thành tựu

[Hình nơi trang 16]

Đặt ra những ưu tiên trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta đối phó với thất vọng