Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Luật Pháp Môi-se đã như một gia sư

Luật Pháp Môi-se đã như một gia sư

Luật Pháp Môi-se đã như một gia sư

Có bao nhiêu trẻ em thấy được giá trị của luật lệ và sự sửa phạt? Không nhiều. Đối với con trẻ, luật lệ thường gây khó chịu. Tuy nhiên, những ai có trách nhiệm giúp đỡ người trẻ đều biết rằng việc giám sát thích hợp là điều tối cần. Với thời gian trôi qua, hầu hết các con trẻ sẽ nhận ra giá trị của sự hướng dẫn đó. Sứ đồ Phao-lô dùng hình ảnh của người bảo vệ con trẻ để miêu tả một khía cạnh của mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Giê-hô-va Đức Chúa Trời và dân Ngài.

Một số môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất ở tỉnh Ga-la-ti, thuộc La Mã, khăng khăng cho rằng Đức Chúa Trời chỉ chấp nhận những ai vâng theo Luật Pháp mà Ngài ban cho dân Do Thái qua ông Môi-se. Sứ đồ Phao-lô biết quan điểm này là sai, vì Đức Chúa Trời đã ban thánh linh cho một vài người chưa bao giờ làm theo luật pháp Do Thái (Công-vụ 15:12). Vì thế, ông dùng một minh họa để điều chỉnh quan điểm này. Trong lá thư viết cho các anh em đồng đạo ở Ga-la-ti, ông nói: “Luật-pháp đã như thầy-giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ” (Ga-la-ti 3:24). Từ “thầy-giáo” ở đây cũng được dịch là “gia sư”. Một học giả cho biết rằng gia sư “đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử xa xưa”. Hiểu rõ vai trò của các gia sư thời xưa sẽ làm sáng tỏ điểm mà sứ đồ Phao-lô muốn nhấn mạnh.

Gia sư và trách nhiệm

Các gia đình giàu có người Hy Lạp, La Mã và có thể ngay cả Do Thái thường có các gia sư để giám sát hoạt động của con trẻ từ lúc còn bé cho đến tuổi thiếu niên. Phần lớn gia sư là người nô lệ được tin cẩn, thường lớn tuổi. Họ đi theo con trẻ để bảo vệ an toàn cho chúng và thực hiện đúng những gì người cha muốn. Suốt ngày, gia sư luôn có mặt bên con trẻ, chăm lo về vấn đề vệ sinh cho chúng. Ông cũng dẫn trẻ đến trường, thường mang sách vở và những dụng cụ khác cho chúng, đồng thời giám sát việc học của trẻ.

Gia sư thường không phải là giáo viên ở trường. Thay vì dạy trẻ theo chương trình ở trường, gia sư chỉ trông nom chúng đúng với lời hướng dẫn của người cha như một người bảo vệ. Tuy nhiên, ông cũng gián tiếp dạy dỗ con trẻ qua việc giám sát và sửa phạt. Điều này bao gồm việc dạy con trẻ các phép lịch sự, quở trách và thậm chí đánh đòn nếu chúng làm sai. Dĩ nhiên, cha mẹ đóng vai trò chính yếu trong việc giáo dục con cái. Nhưng khi đứa trẻ lớn hơn một chút, gia sư sẽ dạy chúng phải đi đứng đàng hoàng trên đường; phải mặc áo choàng, ăn uống và ngồi cho phù hợp; phải đứng dậy khi thấy người lớn tuổi; yêu cha mẹ, v.v. . .

Triết gia Hy Lạp là Plato (428-348 TCN) quan niệm rằng tính hiếu động của con trẻ cần phải được kiềm chế. Ông viết: “Bất cứ con chiên hoặc súc vật ăn cỏ nào cũng luôn luôn cần có người chăn giữ bên cạnh. Cũng vậy, con trẻ không thể sống thiếu gia sư, giống như nô lệ không thể thiếu chủ”. Quan điểm này có vẻ cực đoan, nhưng đó là cái nhìn của ông Plato.

Vì lúc nào gia sư cũng ở bên cạnh con trẻ, nên họ thường bị xem là những người canh giữ khó chịu và thi hành kỷ luật khắt khe. Đối với con trẻ, họ cũng là những người hay gây phiền hà, chuyên la mắng trẻ về những chuyện nhỏ nhặt nhưng không có tác dụng gì. Dù thế, gia sư vẫn luôn là người bảo vệ con trẻ về đạo đức lẫn thể chất. Nhà sử học Hy Lạp là Appian sống vào thế kỷ thứ hai CN đã kể về câu chuyện của một gia sư đang trên đường dẫn trẻ đi học. Gia sư ấy đã ôm choàng đứa trẻ để bảo vệ nó khỏi những kẻ muốn ám sát. Ông không chịu buông đứa trẻ ra nên cả hai thầy trò đều bị giết.

Luân lý đồi bại lan tràn khắp xã hội Hy Lạp cổ xưa. Trẻ em, đặc biệt là các bé trai, cần được bảo vệ khỏi sự quấy nhiễu tình dục. Vì thế, các gia sư cùng đến lớp với trẻ vì nhiều giáo viên ở trường không đáng tin cậy. Một nhà diễn thuyết người Hy Lạp là Libanius sống vào thế kỷ thứ tư CN thậm chí cho biết rằng các gia sư phải đóng vai trò là “người bảo vệ những trẻ em ở độ tuổi đang lớn”, và “ngăn cản những người muốn quấy rối tình dục, đẩy họ ra xa, không cho đến gần các em trai, cũng như không cho phép họ giao tiếp với các em”. Nhiều gia sư đã chiếm được sự kính trọng trong lòng các em. Mộ bia của các gia sư này cho thấy ngay cả khi trưởng thành, các em nhỏ từng được họ bảo hộ vẫn còn biết ơn và yêu quý họ.

Luật Pháp như gia sư

Tại sao sứ đồ Phao-lô so sánh Luật Pháp Môi-se với gia sư? Điều gì khiến cho minh họa này đặc biệt thích hợp?

Điều đầu tiên là tính chất bảo vệ của Luật Pháp. Sứ đồ Phao-lô giải thích người Do Thái ở “dưới sự canh-giữ của luật-pháp”. Điều này giống như họ đang ở trong sự bảo vệ của một gia sư (Ga-la-ti 3:23). Luật Pháp tác động đến mọi khía cạnh trong đời sống họ. Nó giúp họ kiềm hãm những ước muốn sai trái và bậy bạ. Luật Pháp cũng “giám sát” những hành động của họ và tiếp tục “quở trách” khi họ phạm sai lầm. Nhờ đó, mỗi người dân Y-sơ-ra-ên ý thức được sự bất toàn của chính mình.

Luật Pháp cũng bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên khỏi ảnh hưởng tai hại, chẳng hạn các tiêu chuẩn đạo đức và những thực hành tôn giáo suy đồi của các dân tộc xung quanh. Thí dụ, lệnh cấm kết hôn với người ngoại đóng vai trò thiết yếu trong việc giúp cả dân tộc giữ gìn mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:3, 4). Điều luật này bảo tồn sự thờ phượng thánh khiết cho dân của Đức Chúa Trời, và giúp họ có thể nhận diện được Đấng Mê-si trong tương lai. Thật vậy, đây là sự cung cấp đầy yêu thương từ Đức Chúa Trời. Môi-se nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sửa-phạt ngươi như một người sửa-phạt con mình vậy”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:5.

Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng trong minh họa của Phao-lô là tính tạm thời trong quyền hành của gia sư. Khi đến tuổi trưởng thành, người trẻ không còn ở dưới sự kiểm soát của gia sư nữa. Nhà sử học Hy Lạp là Xenophon (431-352 TCN) viết: “Khi một bé trai không còn là con trẻ nữa và trở thành thanh niên, em được giải phóng khỏi [gia sư] và [giáo viên]. Kể từ đó, em không còn ở dưới sự kiểm soát của họ nữa, nhưng được phép đi theo con đường mình chọn”.

Thẩm quyền của Luật Pháp Môi-se cũng vậy. Luật này chỉ có giá trị tạm thời—“vì cớ những sự phạm-phép, cho tới chừng nào người dòng-dõi [Chúa Giê-su] đến”. Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng đối với người Do Thái, Luật Pháp là gia sư “đặng dẫn [họ] đến Đấng Christ”. Để nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời, những người Do Thái cùng thời với Phao-lô phải chấp nhận vai trò của Chúa Giê-su trong ý định Đức Chúa Trời. Khi họ làm thế, vai trò của gia sư được hoàn tất.—Ga-la-ti 3:19, 24, 25.

Luật Pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên rất hoàn hảo. Nó hoàn toàn đáp ứng mục đích mà Đức Chúa Trời muốn—bảo vệ dân Ngài và giúp họ biết đến tiêu chuẩn cao của Ngài (Rô-ma 7:7-14). Luật Pháp là một gia sư gương mẫu. Tuy nhiên, đối với một số người ở dưới sự bảo vệ của Luật Pháp, các đòi hỏi trong đó có vẻ nặng nề. Vì thế, Phao-lô có thể nói rằng vào thời điểm Đức Chúa Trời định, “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa-sả của luật-pháp”. Luật Pháp chỉ là “sự rủa-sả” theo nghĩa những người Do Thái bất toàn không thể theo sát luật này một cách hoàn hảo. Nó đòi hỏi họ phải hết sức cẩn thận để giữ theo các điều luật. Khi chấp nhận sự ban cho cao quý là giá chuộc của Chúa Giê-su, người Do Thái không cần phải vâng giữ các điều luật của gia sư này nữa.—Ga-la-ti 3:13; 4:9, 10.

Vì thế, khi ví Luật Pháp Môi-se với gia sư, Phao-lô muốn nhấn mạnh vai trò bảo vệ và tính chất tạm thời của Luật Pháp. Để được Đức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta không cần vâng giữ Luật Pháp nhưng cần phải nhận biết Chúa Giê-su và thể hiện đức tin nơi ngài.—Ga-la-ti 2:16; 3:11.

[Khung/​Hình nơi trang 21]

“CÁC GIÁM HỘ VÀ QUẢN LÝ”

Bên cạnh hình ảnh gia sư, sứ đồ Phao-lô cũng dùng thêm những minh họa tương tự. Nơi Ga-la-ti 4:1, 2, Phao-lô cho biết: “Người kế-tự dầu là chủ của mọi vật, mà đương còn thơ-ấu, thì chẳng khác chi kẻ tôi-mọi; phải ở dưới quyền kẻ bảo-hộ và kẻ coi-giữ [“các giám hộ và quản lý”, Bản Dịch Mới], cho đến kỳ người cha đã định”. “Các giám hộ và quản lý” có nhiệm vụ khác với gia sư, nhưng Phao-lô đã dùng các minh họa này để nói về một điểm chung.

Dưới luật pháp La Mã, “giám hộ” là một người được chọn theo pháp lý để nuôi dưỡng và bảo vệ đứa trẻ mồ côi. Người ấy cũng quản lý vấn đề tài chính của trẻ cho đến khi trẻ trưởng thành. Vì thế, Phao-lô cho biết dù trên lý thuyết đứa trẻ là “chủ” của gia tài, nhưng nếu còn nhỏ thì đứa trẻ ấy vẫn chưa có quyền hạn gì, cũng như một người nô lệ.

Ngược lại, “quản lý” là người coi sóc các vấn đề về kinh tế liên quan đến tài sản của gia đình. Sử gia Do Thái là Flavius Josephus đã kể lại rằng một thiếu niên tên Hyrcanus xin cha viết thư cho phép người quản lý gửi tiền để cậu có thể mua những thứ mình cần.

Giống như ở dưới quyền của gia sư, đứa trẻ ở dưới quyền của ‘người giám hộ’ hoặc ‘người quản lý’ chưa được hoàn toàn tự do cho đến khi trưởng thành. Cuộc sống của đứa trẻ luôn được giám sát trong giai đoạn người cha ấn định.

[Hình nơi trang 19]

Một chiếc bình Hy Lạp cổ xưa có vẽ hình gia sư cầm cây gậy

[Nguồn tư liệu]

National Archaeological Museum, Athens

[Hình nơi trang 19]

Chiếc tách thuộc thế kỷ thứ năm TCN vẽ cảnh một gia sư (tay cầm gậy) đang nhìn đứa trẻ học thơ và âm nhạc

[Nguồn tư liệu]

Bildarchiv Preussischer Kulturbesitz/Art Resource, NY