Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không dùng thập tự giá?
Câu hỏi độc giả
Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không dùng thập tự giá?
Nhân Chứng Giê-hô-va tin chắc rằng sự hy sinh của Chúa Giê-su đã cung cấp giá chuộc để mở đường cho những ai thể hiện đức tin nơi ngài có được sự sống vĩnh cửu (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16). Tuy nhiên, họ không tin Chúa Giê-su chết trên cây thập tự, như thường được mô tả trong các tranh ảnh. Họ tin rằng Chúa Giê-su chết trên một cây cột thẳng đứng, không có thanh gỗ bắt ngang.
Người ta đã tìm ra bằng chứng cho thấy thập tự giá được dùng ở Mê-sô-bô-ta-mi, khoảng 2.000 năm trước thời Chúa Giê-su. Thập tự giá cũng được khắc trên những tảng đá của người Scandinavia trong Thời đại Đồng thau, hàng thế kỷ trước khi Chúa Giê-su sinh ra. Ông Sven Tito Achen là nhà sử học người Đan Mạch và cũng là chuyên gia nghiên cứu về các biểu tượng. Trong cuốn viết về các biểu tượng xung quanh chúng ta (Symbols Around Us), ông cho biết những người thời đó đã dùng thập tự giá “như là một vật có quyền phép. . . bảo vệ và mang lại may mắn”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một bách khoa từ điển Công giáo (New Catholic Encyclopedia) thừa nhận: “Thập tự giá đã xuất hiện trong các nền văn hóa trước thời Chúa Ki-tô và cả trong nền văn hóa ngoại giáo, chủ yếu tượng trưng cho các vật thể trên bầu trời”. Thế thì tại sao các giáo hội đã chọn thập tự giá là biểu tượng linh thiêng nhất của họ?
Ông W. E. Vine là một học giả người Anh được nhiều người kính trọng. Ông cho biết sự thật không thể chối cãi là: “Đến giữa thế kỷ thứ 3 CN. . . những người ngoại đạo đã được thâu nhận vào giáo hội. . . và được phép giữ phần lớn những dấu hiệu và biểu tượng ngoại giáo của họ. Vì thế, chữ Tau hay T. . . với nét gạch ngang hạ thấp xuống được chấp nhận làm thập tự giá”.—Từ điển Kinh Thánh Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words.
Ông Vine cho biết thêm từ Hy Lạp được dịch ra dưới dạng danh từ “thập tự giá” và động từ “đóng đinh trên thập tự” ám chỉ “một cây cọc hay cây trụ thẳng đứng. . . khác với hình dạng thập tự giá của giáo hội là hai thanh gỗ bắt chéo nhau”. Cuốn Kinh Thánh Companion Bible, do Đại học Oxford xuất bản, đồng ý với quan điểm trên: “Có bằng chứng. . . cho thấy Chúa chết trên một cây cột thẳng đứng, chứ không phải trên hai thanh gỗ đặt chéo nhau theo bất cứ góc cạnh nào”. Rõ ràng, các giáo hội đã du nhập một phong tục không đến từ Kinh Thánh.
Nhà sử học Achen, được đề cập ở trên, ghi nhận: “Trong hai thế kỷ sau khi Chúa Giê-su chết, dường như các môn đồ của ngài không dùng biểu tượng thập tự giá”. Ông cho biết thêm đối với các môn đồ của Chúa Giê-su thời ban đầu, thập tự giá “chắc hẳn là biểu hiện của cái chết và sự gian ác, giống như máy chém hoặc ghế điện vào các thời sau này”.
Điều quan trọng hơn là dù Chúa Giê-su bị tra tấn và hành quyết trên vật gì đi nữa, những ai theo ngài cũng không nên dùng hình ảnh hoặc biểu tượng của vật đó trong việc thờ phượng. Kinh Thánh ghi lại mệnh lệnh sau: “Hãy tránh khỏi sự thờ-lạy hình-tượng” (1 Cô-rinh-tô 10:14). Chúa Giê-su cho biết dấu hiệu thật để nhận diện môn đồ chân chính của ngài. Chúa Giê-su phán: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”.—Giăng 13:35.
Giống như các môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất, Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng làm theo Kinh Thánh trong mọi khía cạnh của sự thờ phượng, thay vì theo truyền thống (Rô-ma 3:4; Cô-lô-se 2:8). Vì thế, họ không dùng thập tự giá.
[Hình nơi trang 22]
Hình chạm trổ miêu tả một vị vua ngoại giáo người A-si-ri đeo thập tự giá, khoảng năm 800 TCN
[Nguồn tư liệu]
Photograph taken by courtesy of the British Museum