Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ông chăm chú nhìn xem và chờ đợi

Ông chăm chú nhìn xem và chờ đợi

Hãy noi theo đức tin của họ

Ông chăm chú nhìn xem và chờ đợi

Nhà tiên tri Ê-li rất muốn được cầu nguyện riêng với Cha trên trời. Nhưng đám đông vây quanh vừa mới nhìn thấy nhà tiên tri thật này xin Đức Chúa Trời giáng lửa từ trời xuống, nên chắc chắn nhiều người trong số họ muốn cầu cạnh ông. Trước khi Ê-li đi lên đỉnh núi Cạt-mên lồng lộng gió và cầu nguyện riêng với Đức Giê-hô-va, ông phải thực hiện một nhiệm vụ khó khăn nữa. Đó là nói chuyện với vua A-háp.

Vua A-háp và tiên tri Ê-li là hai người rất khác nhau. A-háp, trong bộ trang phục hoàng gia, là một người tham lam và một kẻ bội đạo nhụt chí. Trong khi đó, Ê-li mặc chiếc áo đơn sơ, mộc mạc của một nhà tiên tri, có thể được làm từ da thú hoặc lông lạc đà hay lông dê. Ông là người rất can đảm, trung kiên và có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời. Bấy giờ, trời đã gần tối và đó là ngày cho thấy rõ bản chất của hai nhân vật này. *

Ngày ấy là một ngày nhục nhã cho A-háp và những kẻ thờ phượng thần Ba-anh. Tà giáo mà A-háp và hoàng hậu Giê-sa-bên lan truyền khắp nước Y-sơ-ra-ên mười chi phái đã hoàn toàn thất bại. Ba-anh lộ rõ nguyên hình là một kẻ gian trá. Vị thần bất động ấy không thể thắp lên chỉ một ngọn lửa để đáp lại những lời cầu khẩn, nghi lễ rạch người và điệu nhảy điên cuồng của các tiên tri tà giáo. Ba-anh đã không thể bảo vệ cho 450 tiên tri ấy khỏi bị hành quyết, một án phạt thích đáng dành cho họ. Tuy nhiên, vị thần giả này cũng thất bại trong một lĩnh vực khác, và điều này sắp được thấy rõ. Trong hơn ba năm, các tiên tri của Ba-anh đã cầu xin hắn chấm dứt cơn hạn hán đang hoành hành trong xứ, nhưng hắn không làm được. Một chút nữa thôi, chính Đức Giê-hô-va sẽ chứng minh uy quyền tối cao của Ngài bằng cách kết thúc cơn hạn hán này.—1 Các Vua 16:30–17:1; 18:1-40.

Vậy thì khi nào Đức Giê-hô-va sẽ hành động? Ê-li sẽ xử sự thế nào cho đến lúc đó? Và chúng ta học được gì từ gương của người đàn ông có đức tin mạnh mẽ này? Hãy cùng nhau xem xét lời tường thuật được ghi lại nơi 1 Các Vua 18:41-46.

Thường xuyên cầu nguyện

Ê-li đến nói với A-háp: “Hãy đi lên, ăn và uống, vì tôi đã nghe tiếng mưa lớn” (câu 41). Vị vua gian ác này có học được gì từ những điều xảy ra vào ngày hôm đó không? Lời tường thuật không cho biết cụ thể, nhưng chúng ta không thấy A-háp nói lời nào để bày tỏ sự ăn năn, hay xin nhà tiên tri giúp ông cầu nguyện với Đức Chúa Trời và được tha thứ. Thật vậy, A-háp chỉ “trở lên đặng ăn uống” (câu 42). Còn Ê-li thì sao?

“Ê-li leo lên chót núi Cạt-mên, cúi xuống đất và úp mặt mình giữa hai đầu gối”. Khi A-háp đi ăn uống, tiên tri Ê-li có cơ hội để cầu nguyện với Cha trên trời. Chúng ta hãy chú ý đến tư thế khiêm nhường của Ê-li: Ông quỳ xuống đất, đầu cuối thấp đến độ mặt ông gần sát đầu gối. Ê-li cầu nguyện về điều gì? Chúng ta không cần suy đoán. Nơi Gia-cơ 5:18, Kinh Thánh cho biết Ê-li cầu xin Đức Chúa Trời chấm dứt cơn hạn hán. Ê-li chắc hẳn đã dâng lời cầu nguyện này trên đỉnh núi Cạt-mên.

Trước đó, Đức Giê-hô-va đã phán: “Ta sẽ khiến mưa sa xuống đất” (1 Các Vua 18:1). Vì thế, Ê-li đã cầu xin cho ý muốn của Đức Chúa Trời được thực hiện, giống như điều Chúa Giê-su dạy các môn đồ ngài cầu nguyện khoảng một ngàn năm sau đó.—Ma-thi-ơ 6:9, 10.

Gương mẫu của Ê-li dạy chúng ta nhiều điều về việc cầu nguyện. Điều trước tiên Ê-li nghĩ đến là ý muốn của Cha trên trời được thực hiện. Khi cầu nguyện, chúng ta nên nhớ rằng: “Nếu chúng ta theo ý-muốn [Đức Chúa Trời] mà cầu-xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta” (1 Giăng 5:14). Rõ ràng, để lời cầu nguyện được nhậm, chúng ta phải biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Đó là lý do chính đáng để xem việc học hỏi Kinh Thánh như một phần trong đời sống thường ngày của chúng ta. Chắc chắn Ê-li cũng muốn thấy cơn hạn hán chấm dứt vì dân sự khắp quê hương ông đã chịu đựng quá nhiều. Sau khi nhìn xem Đức Giê-hô-va làm phép lạ ngày hôm đó, lòng ông cũng tràn đầy sự biết ơn. Quan tâm đến lợi ích của người khác và bày tỏ lòng biết ơn chân thành với Đức Chúa Trời là hai điều quan trọng nên có trong lời cầu nguyện.—2 Cô-rinh-tô 1:11; Phi-líp 4:6.

Tin chắc và tỉnh thức

Ê-li tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ chấm dứt hạn hán, nhưng ông không biết rõ khi nào Ngài hành động. Vậy thì nhà tiên tri đã làm gì trong khi chờ đợi? Hãy chú ý nơi câu 43: “Người nói với kẻ tôi-tớ mình rằng: Xin hãy đi lên, ngó về phía biển. Kẻ tôi-tớ đi lên xem, nhưng nói rằng: Không có chi hết”. Ê-li lại nói bảy lần: “Hãy trở lên”. Gương mẫu của Ê-li cho chúng ta ít nhất hai bài học. Đầu tiên, chúng ta hãy lưu ý đến lòng tin chắc của ông, và sau đó hãy xem xét tinh thần tỉnh thức của ông.

Ê-li mong muốn nhìn thấy điềm báo hiệu Đức Giê-hô-va hành động, nên ông sai người phụ tá đi lên một chỗ cao và thuận lợi để xem ở đường chân trời có dấu hiệu nào cho thấy trời sắp mưa hay không. Khi trở lại, người phụ tá cho ông biết một tin không mấy phấn khởi: “Không có chi hết”. Phía chân trời vẫn trong xanh, và bầu trời không một gợn mây. Bạn có thấy được điều bất thường ở đây không? Hãy nhớ lại trước đó Ê-li vừa mới nói với vua A-háp rằng: “Tôi đã nghe tiếng mưa lớn”. Làm sao nhà tiên tri có thể nói như thế khi bầu trời không hề có một áng mây báo mưa nào cả?

Ê-li biết lời hứa của Đức Giê-hô-va. Là nhà tiên tri và người đại diện của Đức Chúa Trời, ông biết chắc Ngài sẽ thực hiện những gì Ngài đã phán. Ê-li có lòng tin vững chắc như thể là ông đã nghe thấy tiếng mưa trút xuống rồi. Có lẽ chúng ta nhớ đến lời miêu tả trong Kinh Thánh về Môi-se: “Người đứng vững như thấy Đấng không thấy được”. Đức Chúa Trời có thật đến thế đối với bạn không? Ngài cho chúng ta rất nhiều lý do để có đức tin vững chắc như thế nơi Ngài và lời hứa của Ngài.—Hê-bơ-rơ 11:1, 27.

Tiếp theo, chúng ta hãy chú ý xem Ê-li đã có tinh thần tỉnh thức đến mức nào. Ông sai người phụ tá đi lên lại không chỉ một hay hai lần, mà đến bảy lần! Chúng ta có thể hình dung người phụ tá này đã phải mệt mỏi thế nào khi cứ phải đi lên đi xuống như vậy. Nhưng Ê-li không bỏ cuộc mà vẫn háo hức trông chờ dấu hiệu. Cuối cùng, sau khi trở lại lần thứ bảy, người phụ tá đã cho biết: “Tôi thấy ở phía biển lên một cụm mây nhỏ như lòng bàn tay” (câu 44). Bạn có thể hình dung người phụ tá đưa tay ra, và dùng lòng bàn tay để cho biết “độ lớn” của cụm mây bé nhỏ đang xuất hiện từ đường chân trời phía Biển Lớn không? * Có lẽ người phụ tá nghĩ điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng đối với Ê-li, cụm mây đó rất quan trọng. Bấy giờ, ông ra chỉ thị gấp rút cho người phụ tá ấy: “Hãy đi nói với A-háp rằng: Hãy thắng xe và đi xuống, kẻo mưa cầm vua lại chăng”.

Ê-li lại nêu một gương mẫu tuyệt vời cho chúng ta. Ngày nay, chúng ta cũng đang sống trong một thời kỳ mà chẳng bao lâu nữa Đức Chúa Trời sẽ hành động để thực hiện ý định của Ngài. Ê-li chờ đợi cơn hạn hán chấm dứt, còn những người thờ phượng Đức Chúa Trời thời nay trông mong sự kết liễu của thế giới bại hoại này (1 Giăng 2:17). Từ đây cho đến khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời hành động, chúng ta cần tiếp tục tỉnh thức như Ê-li đã làm. Con Đức Chúa Trời là Chúa Giê-su khuyên các môn đồ ngài: “Vậy hãy tỉnh-thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:42). Có phải Chúa Giê-su muốn nói các môn đồ ngài hoàn toàn không biết khi nào sự kết liễu đến không? Không, vì ngài đã báo trước nhiều điều về tình trạng thế giới trong những ngày cuối cùng. Mỗi người chúng ta có thể học biết được những dấu hiệu cụ thể chỉ về “tận-thế”.—Ma-thi-ơ 24:3-7. *

Mỗi khía cạnh của dấu hiệu ấy đều cung cấp bằng chứng mạnh mẽ và thuyết phục. Điều đó không thúc đẩy chúng ta cấp bách hành động hay sao? Một cụm mây nhỏ bé xuất hiện ở đường chân trời cũng đủ thuyết phục Ê-li rằng Đức Giê-hô-va sắp hành động. Nhà tiên tri trung thành này có phải thất vọng không?

Đức Giê-hô-va giải thoát và ban phước

Lời tường thuật ghi tiếp: “Trong một lúc, trời bị mây che đen, gió nổi dậy, và có cơn mưa rất lớn. A-háp bèn lên xe mình, đi đến Gít-rê-ên” (câu 45). Sự việc xảy ra thật nhanh chóng. Khi người phụ tá đang chuyển thông điệp của Ê-li đến A-háp, thì cụm mây nhỏ bé ấy bỗng dần dần lớn lên, dày đặc rồi che kín cả bầu trời. Một ngọn gió mạnh thổi lên. Và cuối cùng, sau ba năm rưỡi, mưa bắt đầu rơi xuống vùng đất Y-sơ-ra-ên. * Mặt đất khô nứt nẻ ướt đẫm nước mưa. Khi mưa trở nên xối xả, nước sông Ki-sôn tràn lên và chắc hẳn đã xóa sạch máu của các tiên tri Ba-anh bị hành quyết. Dân Y-sơ-ra-ên ương ngạnh cũng có cơ hội để tẩy sạch việc thờ Ba-anh ô uế khỏi xứ.

Chắc chắn Ê-li mong muốn như thế! A-háp có ăn năn và từ bỏ việc thờ thần Ba-anh ô uế đó không? Những gì đã xảy ra vào ngày hôm ấy lẽ ra phải thúc đẩy ông thay đổi. Dĩ nhiên, chúng ta không biết lúc đó A-háp đang nghĩ gì. Lời tường thuật chỉ nói nhà vua “bèn lên xe mình, đi đến Gít-rê-ên”. Ông có học được bài học nào không? Ông có quyết tâm thay đổi đường lối của mình không? Những sự kiện sau đó dường như cho thấy câu trả lời là không. Tuy nhiên, ngày ấy vẫn chưa kết thúc cho A-háp, lẫn Ê-li.

Nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va bắt đầu chuyến hành trình trên cùng con đường với A-háp. Trước mặt ông là đoạn đường dài, tăm tối và ướt át vì mưa. Nhưng có một điều gì đó bất thường sắp xảy ra.

“Tay Đức Giê-hô-va giáng trên Ê-li; người thắt lưng, chạy trước A-háp cho đến khi tới Gít-rê-ên” (câu 46). “Tay Đức Giê-hô-va” rõ ràng đã hành động trên Ê-li một cách siêu nhiên. Gít-rê-ên cách đó khoảng 30 km mà Ê-li thì đã lớn tuổi. * Hãy thử hình dung nhà tiên tri ấy kéo vạt áo lên, buộc vào hông để chân ông rảnh rang và có thể chạy thoải mái trên con đường ướt đẫm nước mưa. Ông chạy nhanh đến độ bắt kịp, rồi vượt qua và bỏ xa cả cỗ xe hoàng gia!

Ê-li có ân phước lớn biết bao! Chắc hẳn trải qua cảm giác mạnh mẽ, tràn trề sức sống và đầy sức chịu đựng—có lẽ còn khỏe hơn cả khi ông trẻ—là một điều rất đặc biệt. Chúng ta có thể nhớ đến những lời tiên tri trong Kinh Thánh bảo đảm là những người trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời sẽ có sức khỏe hoàn hảo và đầy sinh lực trong địa đàng sắp đến (Ê-sai 35:6; Lu-ca 23:43). Khi chạy trên con đường ướt mưa ấy, chắc chắn Ê-li biết Đức Giê-hô-va, Cha trên trời và cũng là Đức Chúa Trời có một, đã chấp nhận ông!

Đức Giê-hô-va mong muốn ban phước cho những người thờ phượng Ngài. Bất cứ nỗ lực nào chúng ta bỏ ra đều xứng đáng để nhận được ân phước của Đức Chúa Trời. Giống như Ê-li, chúng ta cần tỉnh thức, cẩn thận xem xét các bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Đức Giê-hô-va sắp hành động trong thời kỳ đầy nguy hiểm và cấp bách này. Như Ê-li, chúng ta có mọi lý do để đặt tin cậy hoàn toàn nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời chân-thật”.—Thi-thiên 31:5.

[Chú thích]

^ đ. 16 Biển Lớn ngày nay là Địa Trung Hải.

^ đ. 17 Để biết thêm về bằng chứng cho thấy lời Chúa Giê-su đã được ứng nghiệm ngày nay, xin xem chương 9 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 20 Một số người đặt nghi vấn về thời gian của cơn hạn hán được ghi trong Kinh Thánh. Xin xem khung nơi trang 19.

^ đ. 23 Không lâu sau đó, Đức Giê-hô-va đã giao cho Ê-li nhiệm vụ huấn luyện Ê-li-sê, sau này được biết đến “là người thường xối nước cho Ê-li rửa tay” (2 Các Vua 3:11, Bản Dịch Mới). Ê-li-sê phụ tá cho Ê-li, dường như làm những điều thực tế để giúp Ê-li, một người lớn tuổi.

[Khung/​Hình nơi trang 19]

Cơn hạn hán vào thời Ê-li kéo dài bao lâu?

Nhà tiên tri Ê-li của Đức Giê-hô-va báo cho vua A-háp biết rằng cơn hạn hán sắp chấm dứt. Điều này xảy ra “trong năm thứ ba”—dường như tính từ ngày Ê-li lần đầu tiên thông báo về cơn hạn hán (1 Các Vua 18:1). Đức Giê-hô-va làm mưa rơi xuống chẳng bao lâu sau khi Ê-li tuyên bố ý định của Ngài. Một số người có thể kết luận rằng vậy thì cơn hạn hán chấm dứt trong năm thứ ba, nghĩa là kéo dài ít hơn ba năm. Tuy nhiên, cả Chúa Giê-su và Gia-cơ đều cho biết cơn hạn hán ấy dài “ba năm sáu tháng” (Lu-ca 4:25; Gia-cơ 5:17). Điều này có mâu thuẫn không?

Hoàn toàn không! Mùa khô ở nước Y-sơ-ra-ên kéo dài khá lâu, có thể khoảng sáu tháng. Khi Ê-li thông báo cho A-háp về cơn hạn hán, mùa khô chắc hẳn đã rất nghiêm trọng và kéo dài một cách bất thường. Vì vậy, cơn hạn hán đã bắt đầu gần nửa năm trước. Thế nên, “trong năm thứ ba” kể từ lúc nói thông báo đó, Ê-li cho biết nó sẽ kết thúc. Và lúc ấy, cơn hạn hán đã kéo dài được ba năm rưỡi. Khi cả dân sự tụ họp lại để chứng kiến cuộc thử nghiệm trên núi Cạt-mên, thì “ba năm sáu tháng” đã trôi qua.

Hãy nghĩ về lần đầu tiên Ê-li đến gặp A-háp. Khi ấy, dân sự tin rằng Ba-anh là “thần cưỡi mây”, vị thần sẽ ban mưa để chấm dứt mùa khô này. Nếu mùa khô kéo dài bất thường như thế, họ có thể tự hỏi: “Ba-anh ở đâu? Khi nào thần sẽ ban mưa?”. Ê-li tuyên bố sẽ không có cả mưa lẫn sương cho đến khi nào ông nói trời sẽ mưa. Lời của Ê-li chắc hẳn khiến những kẻ thờ phượng Ba-anh vô cùng bực tức.—1 Các Vua 17:1.

[Nguồn tư liệu]

Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.

[Hình nơi trang 18]

Lời cầu nguyện của Ê-li cho thấy ông thật lòng mong muốn ý định Đức Chúa Trời được thành tựu