Bạn có biết?
Bạn có biết?
Tại sao Chúa Giê-su làm cho người mù sáng mắt dần dần?
Nơi Mác 8:22-26 có ghi lại câu chuyện Chúa Giê-su chữa lành cho một người đàn ông bị mù ở làng Bết-sai-đa. Lời tường thuật cho biết trước tiên, Chúa Giê-su lấy nước bọt thấm lên mắt ông ấy, rồi hỏi xem ông có thể nhìn thấy gì. Câu trả lời chứng tỏ ông đã nhìn thấy điều gì đó lộn xộn: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại” (Tòa Tổng Giám Mục). Sau đó, Chúa Giê-su lại đặt tay trên mắt ông và kết quả là ông “nhìn xem, được sáng mắt, thấy rõ-ràng cả thảy”. Chúa Giê-su đã làm cho người mù này sáng mắt dần dần, hay theo từng bước. Tại sao ngài làm thế?
Kinh Thánh không cho biết đầy đủ lý do, nhưng chúng ta hãy xem xét một cách giải thích hợp lý trong trường hợp này. Thấy được ánh sáng lần đầu tiên sau nhiều năm, thậm chí cả đời ở trong bóng tối, là một thay đổi to lớn. Chúng ta hãy xem một thí dụ: Người ta dùng một số con ngựa nhỏ để làm việc trong hầm mỏ. Chúng dần dần quen với bóng tối đến độ khi đi lên mặt đất, chúng phải cần đến cả ngày mới quen được với ánh sáng. Đối với những người bị mù, sự thay đổi này thậm chí còn lớn hơn nhiều. Ngày nay, trong vài trường hợp, các bác sĩ phẫu thuật có thể giải quyết các vấn đề về mắt của những người bị mù, và phục hồi thị lực cho họ. Tuy nhiên, các bệnh nhân thường bị choáng ngợp bởi lượng thông tin ồ ạt đập vào mắt và được truyền đến não của họ. Bị bao vây bởi thế giới màu sắc, hình dạng và không gian nhiều góc cạnh, họ cảm thấy lẫn lộn cũng như không thể nhận ra ngay cả những vật quen thuộc. Dần dần, não mới bắt đầu nhận diện những gì mắt thấy.
Trong trường hợp này, cách Chúa Giê-su chữa lành người mù theo từng bước có thể cho thấy lòng quan tâm đầy yêu thương của ngài đối với ông. Cuối cùng, người mù này đã có thể “thấy rõ-ràng cả thảy” và nhận ra được những vật xung quanh.
Vào thời Chúa Giê-su, tại sao đọc từ cuộn sách không phải là việc dễ dàng?
Những tờ giấy da dùng làm cuộn sách thường dài từ 23 đến 28 cm và rộng từ 15 đến 23 cm. Chúng được nối với nhau bằng cách dán hoặc dùng chỉ lanh để may lại. Trong một số trường hợp, người ta dùng những tờ giấy da dài hơn. Một phần của cuộn sách Ê-sai ở vùng Biển Chết còn được bảo tồn đến ngày nay được làm từ 17 tờ giấy da, tổng cộng dài khoảng 7 m. Cuộn sách Ê-sai mà Chúa Giê-su dùng trong nhà hội ở làng Na-xa-rét có thể cũng có độ dài tương tự.—Lu-ca 4:16, 17.
Trong cuốn Discoveries From the Time of Jesus, tác giả Alan Millard viết về lời tường thuật này: “Người đọc phải cầm cuộn sách, tay trái mở nó ra, còn tay phải thì cầm mép của cuộn sách và dần dần cuộn lại khi đọc từ cột này đến cột khác. Để đọc Ê-sai chương 61, là chương mà Chúa Giê-su đọc trong nhà hội, ngài phải mở ra gần hết cuộn sách và rồi cuộn nó lại”.
Vào thời đó, sách Ê-sai không có số chương và đoạn như chúng ta thấy ngày nay. Vì thế, khi được trao cho cuộn sách Ê-sai tại nhà hội ở Na-xa-rét, Chúa Giê-su phải xác định chỗ mà bây giờ là Ê-sai 61:1, 2 trong Kinh Thánh của chúng ta. Ngài “tìm thấy đoạn văn” ấy (Bản Dịch Mới) một cách dễ dàng. Điều này cho thấy Chúa Giê-su quen thuộc với Lời Đức Chúa Trời biết bao!