Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ha-ma-ghê-đôn—Trận chiến của Đức Chúa Trời để chấm dứt mọi cuộc chiến

Ha-ma-ghê-đôn—Trận chiến của Đức Chúa Trời để chấm dứt mọi cuộc chiến

Ha-ma-ghê-đôn—Trận chiến của Đức Chúa Trời để chấm dứt mọi cuộc chiến

“Họ xem việc giết người đồng loại là điều tàn ác. Vì thế, đối với họ, chiến tranh là cái gì đó không thể hiểu được và đáng ghê tởm, một điều không hề có trong ngôn ngữ của họ”.—LỜI NHẬN XÉT CỦA ÔNG FRIDTJOF NANSEN, MỘT NHÀ THÁM HIỂM NGƯỜI NA UY, VỀ NGƯỜI INUIT (ESKIMO) Ở GREENLAND, NĂM 1888.

Có ai không ao ước được sống trong một xã hội mà chiến tranh là điều “không thể hiểu được và đáng ghê tởm”? Có ai không mong đợi một thế giới mà từ “chiến tranh” không hề tồn tại vì không ai biết đến nó? Một thế giới như thế có lẽ quá xa vời, đặc biệt nếu chúng ta đặt hy vọng đó nơi con người.

Tuy nhiên, trong lời tiên tri của Ê-sai, chính Đức Chúa Trời đã hứa sẽ mang lại một thế giới như thế: “Họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi-cày, lấy giáo rèn lưỡi-liềm. Nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến-tranh”.—Ê-sai 2:4.

Ngày nay, có 20 triệu binh lính đang thi hành nhiệm vụ và khoảng 20 cuộc chiến đang diễn ra. Rõ ràng, thế giới cần phải có sự thay đổi vô cùng to lớn để lời hứa này thành hiện thực. Không có gì ngạc nhiên, Đức Chúa Trời toàn năng, Đức Giê-hô-va, sẽ can thiệp vào các vấn đề của loài người. Sự can thiệp của Đức Giê-hô-va sẽ lên đến đỉnh điểm, và Kinh Thánh gọi đó là Ha-ma-ghê-đôn.—Khải-huyền 16:14, 16.

Dù trong những năm gần đây, từ “Ha-ma-ghê-đôn” được dùng để ám chỉ đến thảm họa hạt nhân trên khắp thế giới, nhưng một từ điển cho biết nghĩa chính của từ này là “nơi chiến đấu quyết liệt cuối cùng giữa thiện và ác”. Liệu thiện sẽ thắng ác không? Hay đó chỉ là một trận chiến trong tưởng tượng?

Chúng ta có thể được khích lệ khi thấy Kinh Thánh thường lặp đi lặp lại kết cuộc của sự gian ác. Người viết Thi-thiên báo trước: “Nguyện tội-nhân bị diệt mất khỏi đất, và kẻ ác chẳng còn nữa” (Thi-thiên 104:35). Sách Châm-ngôn cho biết: “Người ngay-thẳng sẽ được ở trên đất, và người trọn-vẹn sẽ còn ở đó luôn luôn. Nhưng kẻ gian-ác sẽ bị truất khỏi đất, và kẻ bất-trung sẽ bị nhổ rứt khỏi đó”.—Châm-ngôn 2:21, 22.

Kinh Thánh cũng cho thấy rõ ràng là những người ác sẽ không từ bỏ quyền lực của mình trong yên bình. Vì thế, Đức Chúa Trời cần hành động dứt khoát để loại trừ mọi gian ác, kể cả chiến tranh (Thi-thiên 2:2). Tên gọi Ha-ma-ghê-đôn mà Kinh Thánh dùng cho trận chiến đặc biệt này rất đáng lưu ý.

Những trận chiến trước đây diễn ra gần Mê-ghi-đô

Từ “Ha-ma-ghê-đôn” có nghĩa là “núi Mê-ghi-đô”. Cùng với đồng bằng Gít-rê-ên bao quanh, thành phố Mê-ghi-đô cổ xưa đã có một lịch sử lâu dài về các trận đánh quyết định. Sử gia Eric H. Cline viết trong cuốn The Battles of Armageddon (Các trận chiến Ha-ma-ghê-đôn) như sau: “Trong suốt lịch sử, Mê-ghi-đô và thung lũng Gít-rê-ên là địa điểm của các trận chiến quyết định và tạo nên bước ngoặc trong lịch sử của các dân tộc”.

Như ông Cline cho biết, những trận chiến diễn ra gần Mê-ghi-đô thường mang tính quyết định. Đội quân Mông Cổ, xâm chiếm phần lớn Châu Á vào thế kỷ 13, đã thất bại lần đầu tiên tại thung lũng này. Không xa Mê-ghi-đô, quân đội Anh Quốc dưới sự chỉ huy của Tướng Edmund Allenby đã đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế Chiến I. Một sử gia quân đội miêu tả chiến thắng của vị tướng này là “một trong những chiến dịch quyết định diễn ra nhanh chóng nhất, và là trận đánh quyết liệt nhất trong lịch sử”.

Những trận quyết chiến trong Kinh Thánh cũng diễn ra gần Mê-ghi-đô. Nơi ấy, quan xét Ba-rác đã chiến thắng quân đội Ca-na-an do Si-sê-ra chỉ huy (Các Quan Xét 4:14-16; 5:19-21). Ghê-đê-ôn với một nhóm chỉ 300 quân đã đánh bại đạo binh của người Ma-đi-an trong vùng phụ cận (Các Quan Xét 7:19-22). Vua Sau-lơ và con trai ông là Giô-na-than đã chết gần núi Ghinh-bô-a khi lực lượng Phi-li-tin chiến thắng quân Y-sơ-ra-ên.—1 Sa-mu-ên 31:1-7.

Do có địa hình chiến lược, Mê-ghi-đô và thung lũng kế cận đã chứng kiến nhiều trận chiến trong suốt 4.000 năm qua. Một sử gia tính được có đến ít nhất 34 trận!

Lịch sử và vị trí chiến lược của Mê-ghi-đô chắc hẳn có liên quan đến ý nghĩa tượng trưng của từ “Ha-ma-ghê-đôn”. Dù từ này chỉ xuất hiện một lần trong Kinh Thánh, nhưng những gì sách Khải-huyền nói về Ha-ma-ghê-đôn cho thấy rõ trận chiến này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của mỗi người trên đất.

Ý nghĩa của Ha-ma-ghê-đôn trong Kinh Thánh

Dù nhiều trận chiến trước đây diễn ra ở Mê-ghi-đô rất quyết liệt, nhưng không có trận nào xóa bỏ được sự gian ác, hoặc thật sự là cuộc chiến đấu giữa thiện và ác. Thế nên, điều hợp lý là cuộc chiến đấu như thế phải do Đức Chúa Trời khởi xướng. Chúa Giê-su đã từng nói: “Chỉ có một Đấng Thánh thiện là Thượng Đế” (Lu-ca 18:19, Bản Diễn Ý). Hơn nữa, Kinh Thánh cũng đặc biệt cho biết Ha-ma-ghê-đôn là trận chiến của Đức Chúa Trời.

Sách Khải-huyền trong Kinh Thánh nói rằng “các vua trên khắp thế-gian” sẽ nhóm nhau lại để “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng” (Khải-huyền 16:14). Lời tiên tri ấy cũng nói thêm: “Chúng nhóm các vua lại một chỗ, theo tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ha-ma-ghê-đôn” * (Khải-huyền 16:16). Sau đó, sách Khải-huyền cho biết “các vua thế-gian” sẽ “nhóm lại đặng tranh-chiến với Đấng cưỡi ngựa, và với đạo binh của Ngài” (Khải-huyền 19:19). Đấng cưỡi ngựa không ai khác hơn là Chúa Giê-su.—1 Ti-mô-thê 6:14, 15; Khải-huyền 19:11, 12, 16.

Chúng ta kết luận gì về những câu Kinh Thánh này? Đó là Ha-ma-ghê-đôn là trận chiến giữa Đức Chúa Trời với lực lượng của những kẻ không vâng lời. Tại sao Đức Giê-hô-va và Con Ngài là Chúa Giê-su phải tranh chiến như thế? Một lý do là vì Ha-ma-ghê-đôn sẽ “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian” (Khải-huyền 11:18). Ngoài ra, Ha-ma-ghê-đôn cũng sẽ mang lại một thế giới hòa bình, “đất mới” mà chúng ta đang chờ đợi theo lời hứa của Đức Chúa Trời. Đó là “nơi sự công-bình ăn-ở”.—2 Phi-e-rơ 3:13.

Tại sao cần có trận chiến Ha-ma-ghê-đôn?

Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va là ‘Đức Chúa Trời yêu-thương’, và Con Ngài là “Chúa Bình-an”. Bạn có thấy khó hình dung khi chính Đức Chúa Trời đã bổ nhiệm Chúa Giê-su để chiến đấu trong trận chiến này không? (2 Cô-rinh-tô 13:11; Ê-sai 9:5). Hiểu được động lực của hai Đấng này sẽ giúp bạn biết lý do. Sách Thi-thiên miêu tả Chúa Giê-su là một chiến binh cưỡi ngựa. Tại sao ngài tranh chiến? Người viết Thi-thiên giải thích là “vì cớ sự chân-thật, sự hiền-từ, và sự công-bình”. Chúa Giê-su tranh chiến vì ngài yêu sự công bình và ghét điều gian ác.—Thi-thiên 45:4, 7.

Tương tự, Kinh Thánh miêu tả phản ứng của Đức Giê-hô-va trước sự bất công mà Ngài thấy trên thế giới ngày nay. Nhà tiên tri Ê-sai viết như sau: “Đức Giê-hô-va thấy không có sự công-bình thì chẳng đẹp lòng, Ngài mặc sự công-bình làm giáp, đội sự cứu-rỗi trên đầu làm mão-trụ; lấy sự báo-thù làm áo mà bận, lấy sự sốt-sắng làm áo tơi mà choàng mình”.—Ê-sai 59:15, 17.

Bao lâu kẻ ác còn có quyền lực, người ngay thẳng sẽ không được hưởng hòa bình và an ninh (Châm-ngôn 29:2; Truyền-đạo 8:9). Trên thực tế, chúng ta không thể xóa bỏ sự gian ác và bại hoại nếu những kẻ ác vẫn còn tồn tại. Vì thế, nền hòa bình và công lý lâu dài chỉ có được sau khi kẻ ác bị hủy diệt. Vua Sa-lô-môn viết: “Kẻ ác là một giá chuộc người công-bình”.—Châm-ngôn 21:18.

Vì Đức Chúa Trời là Đấng đoán xét, chúng ta có thể tin chắc rằng mọi phán quyết của Ngài trên kẻ ác đều là công bình. Áp-ra-ham đã hỏi: “Đấng đoán-xét toàn thế-gian, há lại không làm sự công-bình sao?”. Và rồi ông biết câu trả lời là Đức Giê-hô-va luôn luôn đúng! (Sáng-thế Ký 18:25). Ngoài ra, Kinh Thánh cũng bảo đảm với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va không vui về việc hủy diệt những kẻ ác, đó chỉ là biện pháp cuối cùng.—Ê-xê-chi-ên 18:32; 2 Phi-e-rơ 3:9.

Ha-ma-ghê-đôn là trận chiến có thật

Chúng ta sẽ đứng về bên nào trong trận chiến quyết liệt này? Hầu hết mọi người đều tự nhiên cho rằng mình thuộc về bên thiện. Nhưng làm sao chúng ta có thể chắc chắn về điều đó? Nhà tiên tri Sô-phô-ni khuyến khích chúng ta “tìm-kiếm sự công-bình, tìm-kiếm sự nhu-mì” (Sô-phô-ni 2:3). Sứ đồ Phao-lô cho biết Đức Chúa Trời muốn “mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”.—1 Ti-mô-thê 2:4.

Để được cứu rỗi, bước đầu tiên là học biết chân lý về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài liên quan đến việc tẩy sạch những người ác khỏi mặt đất. Bước tiếp theo là làm những điều công bình. Nhờ đó, chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận và bảo vệ.

Khi đã làm những bước quan trọng này, thay vì sợ hãi, chúng ta có thể trông mong Ha-ma-ghê-đôn, trận chiến chấm dứt mọi cuộc chiến của con người. Sau khi Ha-ma-ghê-đôn kết thúc, người ta ở khắp mọi nơi sẽ xem chiến tranh là một điều không thể hiểu được và đáng ghê tởm. Lúc ấy, “người ta chẳng còn tập sự chiến-tranh”.—Ê-sai 2:4.

[Chú thích]

^ đ. 17 Để biết Ha-ma-ghê-đôn có phải là một nơi chốn theo nghĩa đen hay không, xin xem mục “Câu hỏi độc giả”, nơi trang 31.

[Câu nổi bật nơi trang 5]

Sự can thiệp của Đức Chúa Trời vào các vấn đề của loài người được gọi là Ha-ma-ghê-đôn

[Hình nơi trang 6]

Mê-ghi-đô

[Hình nơi trang 6]

Ghê-đê-ôn và lính của ông đã chiến thắng trong trận chiến quyết liệt diễn ra gần Mê-ghi-đô

[Hình nơi trang 6, 7]

Sau khi Ha-ma-ghê-đôn kết thúc, người ta ở khắp mọi nơi sẽ xem chiến tranh là một điều không thể hiểu được và đáng ghê tởm

[Hình nơi trang 8]

Học biết chân lý về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài là bước đầu tiên để được cứu rỗi