Phụng vụ Thánh Thể—Sự thật đằng sau nghi lễ
Phụng vụ Thánh Thể—Sự thật đằng sau nghi lễ
Khắp nơi trên thế giới, người ta thường xuyên cử hành một nghi lễ—có thể vài lần trong năm, mỗi tuần một lần, hoặc thậm chí mỗi ngày. Nghi lễ đó được gọi là mầu nhiệm đức tin, và nhiều người thừa nhận rằng họ tham dự mà không hiểu rõ ý nghĩa. Người ta xem nghi lễ này rất thiêng liêng và mầu nhiệm.
Đó chính là phụng vụ Thánh Thể, * một phần trong Lễ Mi-sa của Công giáo. Nghi lễ này diễn ra vào lúc vị linh mục truyền phép cho bánh và rượu vang, rồi mời giáo dân lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Giáo hoàng Benedict XVI cho biết rằng đối với người Công giáo, phụng vụ Thánh Thể là “tuyệt đỉnh của đức tin”. Cách đây không lâu, giáo hội đã tổ chức “Năm phụng vụ Thánh Thể” và xem đó là một phần trong nỗ lực “thức tỉnh cũng như gia tăng đức tin của giáo dân nơi nghi lễ này”.
Ngay cả những người Công giáo cảm thấy khó giữ đức tin cũng rất xem trọng phụng vụ Thánh Thể. Chẳng hạn, trong một bài mới đây của tạp chí Time, một phụ nữ Công giáo trẻ và sùng đạo đã viết: “Dù không đồng tình với giáo lý của Giáo hội Công giáo thế nào đi nữa, chúng ta vẫn trung thành với một điều vốn hợp nhất các tín đồ Công giáo. Đó là sự thành tâm với việc cử hành phụng vụ Thánh Thể”.
Vậy thì phụng vụ Thánh Thể là gì? Những người theo Chúa Giê-su có buộc phải giữ nghi lễ này không? Trước hết, chúng ta hãy xem xét phụng vụ Thánh Thể đã bắt nguồn như thế nào. Sau đó, chúng ta có thể tập trung vào một câu hỏi quan trọng hơn: Nghi lễ này có thật sự phù hợp với lễ mà Chúa Giê-su thiết lập cách đây gần 2.000 năm không?
Phụng vụ Thánh Thể và những tôn giáo tự nhận theo Chúa Giê-su
Không khó để biết tại sao phụng vụ Thánh Thể được xem là mầu nhiệm. Thời điểm quan trọng của phụng vụ Thánh Thể là lúc linh mục cầu nguyện. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo cho biết vào lúc đó, “sức mạnh từ lời nói và hành động của Chúa Ki-tô, cũng như quyền năng của Chúa Thánh Thần” đã
khiến thân thể và huyết Chúa Giê-su “hiện diện trong bí tích Thánh Thể”. Sau khi ăn bánh và uống rượu, linh mục sẽ mời các tín hữu nhận lãnh Mình Thánh Chúa, thường chỉ là ăn bánh thánh.Giáo hội Công giáo dạy rằng bánh và rượu được biến đổi một cách kỳ diệu thành thân thể và huyết của Chúa Giê-su—gọi là học thuyết hóa thể. Học thuyết này dần dần phát triển, nhưng đến thế kỷ 13, cụm từ “học thuyết hóa thể” mới bắt đầu được định nghĩa và sử dụng chính thức trong Giáo hội. Đến giai đoạn của Phong Trào Cải Cách, một số khía cạnh của phụng vụ Thánh Thể bị đặt nghi vấn. Nhà cải cách Tin Lành là ông Martin Luther bác bỏ học thuyết hóa thể, và ủng hộ thuyết Thánh Thể hợp chất cộng tại. Hai học thuyết này không khác biệt nhiều. Ông Luther cho rằng thay vì biến đổi, thì bánh và rượu đồng thời hiện hữu với thân thể và huyết của Chúa Giê-su.
Qua thời gian, ý nghĩa của phụng vụ Thánh Thể cũng như cách thức và số lần cử hành nghi lễ này càng lúc càng khác biệt giữa các tôn giáo tự nhận theo Chúa Giê-su. Tuy nhiên, dù được cử hành theo hình thức nào, phụng vụ Thánh Thể vẫn là nền tảng quan trọng trong các tôn giáo đó. Vậy, buổi lễ mà Chúa Giê-su thiết lập thời ban đầu là như thế nào?
Thiết lập “Tiệc-thánh của Chúa”
Chính Chúa Giê-su đã thiết lập “Tiệc-thánh của Chúa”, hay Lễ Tưởng Niệm sự chết của ngài (1 Cô-rinh-tô 11:20, 24). Tuy nhiên, ngài có lập ra một nghi lễ mầu nhiệm buộc các môn đồ phải thật sự ăn thịt và uống huyết ngài không?
Trước đó, Chúa Giê-su vừa mới cử hành Lễ Vượt Qua và đuổi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt ra ngoài. Đó là sứ đồ sẽ phản ngài. Ma-thi-ơ, một trong 11 sứ đồ còn lại ở đó, tường thuật rằng: “Khi đương ăn, Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn-đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân-thể ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn-đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao-ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội”.—Ma-thi-ơ 26:26-28.
Đối với Chúa Giê-su, cũng như tất cả những người thờ phượng Đức Chúa Trời, cầu nguyện cám ơn về thức ăn là điều hiển nhiên (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:10; Ma-thi-ơ 6:11; 14:19; 15:36; Mác 6:41; 8:6; Giăng 6:11, 23; Công-vụ 27:35; Rô-ma 14:6). Nhưng có thể nào trong lúc dâng lời cầu nguyện tạ ơn đó, Chúa Giê-su đồng thời làm một phép lạ khiến các môn đồ thật sự ăn thịt và uống huyết ngài không?
“Nghĩa là” hay “nầy là”?
Một số bản Kinh Thánh dịch lời của Chúa Giê-su như sau: “Hãy lấy ăn đi, nầy là thân-thể ta” và “Hết thảy hãy uống đi; vì đây là huyết ta” (Ma-thi-ơ 26:26-28; Ghi-đê-ôn). Từ Hy Lạp e·stin΄ là một dạng của động từ “là”, nhưng nó cũng có nghĩa “biểu hiện”. Điều đáng chú ý là trong nhiều bản Kinh Thánh khác, động từ này thường được dịch “nghĩa là”. * Chúng ta cần dựa vào khung cảnh để xác định cách dịch chính xác nhất. Chẳng hạn, từ e·stin΄ trong Ma-thi-ơ 12:7 được dịch là “nghĩa” trong một số bản Kinh Thánh. Bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội dịch câu này như sau: “Phải chi các ngươi hiểu nghĩa [e·stin΄] câu nầy: Ta muốn lòng nhân-từ, không muốn của tế-lễ, thì các ngươi không trách những người vô-tội”.
Nhiều học giả Kinh Thánh có uy tín đồng ý rằng động từ “là” không diễn tả chính xác điều Chúa Giê-su muốn nói ở đây. Một trong số đó là nhà thần học Công giáo Jacques
Dupont. Khi nghiên cứu về văn hóa và xã hội thời Chúa Giê-su, ông kết luận rằng cách dịch “tự nhiên nhất” của câu này phải là: “Đây nghĩa là thân thể ta” hoặc “Đây tượng trưng cho thân thể ta”.Dù thế nào đi nữa, Chúa Giê-su không có ý bảo các môn đồ ăn thịt và uống huyết ngài theo nghĩa đen. Tại sao? Sau trận Đại Hồng Thủy thời Nô-ê, khi Đức Chúa Trời cho phép loài người ăn thịt thú vật, Ngài tuyệt đối cấm việc dùng huyết (Sáng-thế Ký 9:3, 4). Điều này được nhắc lại trong Luật Pháp Môi-se, bộ luật mà Chúa Giê-su vâng giữ trọn vẹn (Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:23; 1 Phi-e-rơ 2:22). Ngoài ra, các sứ đồ được thánh linh Đức Chúa Trời soi dẫn để nhắc lại điều luật về việc không dùng huyết. Luật này được áp dụng cho tất cả những ai theo Chúa Giê-su (Công-vụ 15:20, 29). Có thể nào Chúa Giê-su lập ra một nghi lễ đòi hỏi các môn đồ ngài vi phạm điều luật thánh của Đức Chúa Trời Toàn Năng không? Không thể nào!
Rõ ràng, Chúa Giê-su đã dùng bánh và rượu như những món biểu hiệu. Bánh không men có nghĩa, hoặc tượng trưng, cho thân thể vô tội mà ngài hy sinh. Rượu nho đỏ biểu hiện cho huyết mà ngài đổ ra để “nhiều người được tha tội”.—Ma-thi-ơ 26:28.
Mục tiêu của Bữa Tiệc Thánh của Chúa
Chúa Giê-su kết thúc Bữa Tiệc Thánh đầu tiên bằng những lời sau: “Hãy làm sự nầy để nhớ đến ta” (Lu-ca 22:19). Bữa tiệc này nhắc chúng ta nhớ đến Chúa Giê-su và những điều tuyệt vời mà sự hy sinh của ngài mang lại. Bữa tiệc cũng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giê-su đã ủng hộ quyền tối thượng của Cha ngài là Đức Giê-hô-va, cũng như qua cái chết của ngài với tư cách là một người hoàn toàn và vô tội, Chúa Giê-su đã “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người”. Qua giá chuộc, những ai thể hiện đức tin nơi sự hy sinh của ngài có thể thoát khỏi tội lỗi và nhận được sự sống vĩnh cửu.—Ma-thi-ơ 20:28.
Tuy nhiên, Tiệc Thánh của Chúa mang ý nghĩa chủ yếu là một bữa ăn chung giữa: (1) Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng sắp đặt giá chuộc, (2) Chúa Giê-su, “Chiên con của Đức Chúa Trời”, đấng hy sinh mạng sống làm giá chuộc và (3) các anh em thiêng liêng của Chúa Giê-su. Bằng cách dùng bánh và rượu, các anh em thiêng liêng của Chúa Giê-su cho thấy họ hoàn toàn hợp nhất với ngài (Giăng 1:29; 1 Cô-rinh-tô 10:16, 17). Họ cũng chứng tỏ họ đang ở trong “giao-ước mới” với tư cách là các môn đồ được Đức Chúa Trời lựa chọn. Nhóm người này sẽ cùng cai trị với Chúa Giê-su trên trời trong vai trò vua và thầy tế lễ.—Lu-ca 22:20; Giăng 14:2, 3; Khải-huyền 5:9, 10.
Khi nào nên cử hành Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su? Chúng ta sẽ biết câu trả lời rõ ràng khi nhớ lại Chúa Giê-su đã chọn một ngày đặc biệt để thiết lập lễ này: ngày Lễ Vượt Qua. Suốt 1.500 năm, dân sự Đức Chúa Trời giữ Lễ Vượt Qua hằng năm vào ngày 14 tháng Ni-san theo lịch Do Thái. Họ làm thế để nhớ lại sự giải cứu tuyệt vời mà Đức Giê-hô-va đã làm cho dân Ngài. Rõ ràng, Chúa Giê-su muốn các môn đồ ngài cử hành Lễ Tưởng Niệm vào đúng ngày ấy để giúp họ ghi nhớ hành động giải cứu lớn lao hơn của Đức Chúa Trời qua cái chết của Con Ngài. Vì thế, môn đồ chân chính của Chúa Giê-su tham dự Bữa Tiệc Thánh của Chúa hằng năm vào ngày tương đương với ngày 14 tháng Ni-san theo lịch Do Thái.
Có phải họ làm thế chỉ vì muốn giữ lễ thôi không? Thật ra, đúng là nhiều người giữ phụng vụ Thánh Thể có tinh thần như thế. Tác giả của bài viết trong tạp chí Time được đề cập ở trên cho biết: “Khi cùng tham dự những thánh lễ cổ xưa với nhiều người, tôi cảm thấy có điều gì đó nhẹ nhàng trong tâm khảm”. Giống như nhiều người Công giáo ngày nay, tác giả trên muốn buổi lễ này được tổ chức bằng tiếng La-tinh như trước đây. Tại sao? Cô cho biết: “Tôi muốn nghe bài hát của lễ Mi-sa trong thứ tiếng mà tôi không hiểu, vì nhiều khi tôi không thích những điều được nghe trong tiếng Anh”.
Tuy nhiên, Nhân Chứng Giê-hô-va, cùng với hàng triệu người chú ý đến Kinh Thánh, vui mừng dự Bữa Tiệc Thánh của Chúa trong chính ngôn ngữ của họ, cho dù đang sống ở đâu. Họ vui thích học biết thêm về ý nghĩa và giá trị của sự hy sinh của Chúa Giê-su. Những lẽ thật đó đáng để được suy ngẫm và thảo luận trong suốt năm. Nhân Chứng Giê-hô-va nhận thấy việc giữ Lễ Tưởng Niệm là cách tốt nhất để luôn nhớ về tình yêu thương sâu đậm của Đức Giê-hô-va và Con Ngài là Chúa Giê-su. Lễ này cũng giúp họ tiếp tục “rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến”.—1 Cô-rinh-tô 11:26.
[Chú thích]
^ đ. 3 Nghi lễ này còn được gọi là Tiệc của Chúa, Việc Bẻ Bánh, Hy tế thánh, Phụng vụ thánh và thần linh, Hiệp thông hay Thánh Lễ.
^ đ. 15 Thí dụ, xin xem Ma-thi-ơ 9:13; 27:46 và Lu-ca 8:11.
[Câu nổi bật nơi trang 27]
Buổi lễ đầu tiên mà Chúa Giê-su thiết lập là như thế nào?
[Hình nơi trang 28]
Chúa Giê-su thiết lập Lễ Tưởng Niệm sự chết của ngài
[Hình nơi trang 29]
Cử hành Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su