Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vương quốc Lydia cổ xưa ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

Vương quốc Lydia cổ xưa ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

Vương quốc Lydia cổ xưa ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

Có lẽ bạn chưa bao giờ nghe nói về vương quốc Lydia cổ xưa. Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng một khám phá ở vương quốc này đã thay đổi cách thức trao đổi buôn bán của cả thế giới. Những người đọc Kinh Thánh cũng ngạc nhiên khi biết khám phá đó đã làm sáng tỏ một lời tiên tri khó hiểu trong Kinh Thánh. Người Lydia đã khám phá ra điều gì? Trước khi trả lời, chúng ta hãy xem một vài điều thú vị về cuộc sống và thời đại của vương quốc gần như bị lãng quên này.

Các vua Lydia cai trị từ thủ đô Sardis, nằm ở phía tây của vùng Tiểu Á, nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Vua cuối cùng của Lydia là Croesus đã chất chứa được một lượng của cải khổng lồ. Nhưng vào năm 546 TCN, cả vương quốc của ông đã rơi vào tay vua nước Ba Tư là Si-ru Đại Đế—chính vua Si-ru đã chinh phục Đế quốc Ba-by-lôn vài năm sau đó.

Người ta nói rằng các thương nhân có óc sáng tạo của Lydia là những người đã khởi xướng việc dùng tiền đồng. Từ lâu, vàng và bạc đã được dùng làm tiền, nhưng vì kích cỡ khác nhau của các thỏi và vòng vàng, người ta phải cân chúng mỗi lần muốn mua bán. Chẳng hạn, ở Y-sơ-ra-ên, nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là Giê-rê-mi đã mua một miếng ruộng và ông cho biết: “Tôi cân mười bảy siếc-lơ bạc cho người”.—Giê-rê-mi 32:9.

Ở Lydia, những người cùng thời với Giê-rê-mi đã tìm ra cách để đơn giản hóa việc mua bán. Đó là dùng những đồng tiền có trọng lượng theo tiêu chuẩn và được chính thức đóng dấu. Những đồng tiền đầu tiên của Lydia được làm từ hợp kim thuần vàng và bạc. Khi Croesus lên ngôi vua, ông thay thế chúng bằng những đồng tiền vàng hoặc bạc gần như nguyên chất. Sau này, người Lydia đã phát minh ra hệ thống sử dụng tiền lưỡng kim, trong đó cứ 12 đồng bạc thì bằng với một đồng vàng. Tuy nhiên, những đồng tiền giả làm bằng vàng pha trộn với các kim loại kém chất lượng là mối đe dọa cho hệ thống này. Vì thế, các thương gia cần một cách dễ dàng và thuận tiện để thử chất lượng vàng.

Người Lydia phát hiện ra một loại đá đen ở địa phương có thể giúp họ làm điều này. Nó được gọi là đá Lydia. Mặt đá được mài khá nhẵn, nên khi cọ xát đồng tiền vào thì để lại trên đó một dấu. Họ cũng dùng một que có lượng vàng đã biết để cọ xát vào hòn đá ấy và tạo nên một dấu khác. Khi đem so sánh hai dấu này với nhau, họ biết được lượng vàng của đồng tiền. Nhờ khám phá ra loại đá thử này, người ta có thể tin cậy hệ thống tiền đồng. Nhưng làm sao việc biết đến loại đá thử này giúp chúng ta hiểu thêm về Kinh Thánh?

Đá thử tượng trưng trong Kinh Thánh

Khi việc dùng đá thử để thử vàng trở nên thông dụng trong giới thương nhân, từ “đá thử” dần dần có ý nghĩa là cách thử nghiệm. Trong tiếng Hy Lạp—ngôn ngữ được dùng để viết một phần của Kinh Thánh—từ này cũng được áp dụng cho nỗi đau đớn khi một người bị hành hạ.

Vì những người giữ ngục cũng hành hạ các tù nhân, nên chữ bắt nguồn từ “đá thử” cũng được áp dụng cho họ. Thí dụ, Kinh Thánh ghi lại minh họa của Chúa Giê-su về người đầy tớ vô ơn nên bị giao cho “kẻ giữ ngục”, hoặc trong bản dịch khác là “lính hành hạ” (Ma-thi-ơ 18:34; Tòa Tổng Giám Mục). Cuốn International Standard Bible Encyclopaedia (Bách khoa tự điển Kinh Thánh tiêu chuẩn quốc tế) nói về câu Kinh Thánh này như sau: “Việc ở tù có thể được xem là bị ‘hành hạ’ (chắc chắn đã như thế), và từ ‘lính hành hạ’ không có nghĩa gì khác hơn là kẻ giữ ngục”. Điều này giúp giải thích một câu Kinh Thánh đáng chú ý khác.

Điều bí ẩn được sáng tỏ

Từ lâu, những người đọc Kinh Thánh thành tâm đã thấy khó hiểu về kết cuộc của Sa-tan. Kinh Thánh nói: “Ma-quỉ. . . bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên-tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời” (Khải-huyền 20:10). Chắc chắn, hành hạ và đày đọa một người nào đó đời đời là điều trái ngược với tình yêu thương và sự công bình của Đức Chúa Trời (Giê-rê-mi 7:31). Ngoài ra, Kinh Thánh nói sự sống vĩnh cửu là một món quà, chứ không phải sự trừng phạt (Rô-ma 6:23). Vậy thì rõ ràng Khải-huyền 20:10 có ý nghĩa tượng trưng. Con thú và hồ lửa có nghĩa bóng (Khải-huyền 13:2; 20:14). Vậy, việc “chịu khổ” cũng mang nghĩa bóng không? Từ này có thể có nghĩa gì?

Như chúng ta đã xem, từ Hy Lạp nói đến sự hành hạ hay “chịu khổ” bắt nguồn từ chữ “đá thử”, và có thể ám chỉ việc đày đọa trong tù. Vì thế, Sa-tan chịu khổ đời đời có thể mang nghĩa là hắn sẽ bị giam cầm mãi mãi trong một nhà tù kiên cố nhất—chính là sự chết.

Đá thử Lydia giúp chúng ta hiểu thêm về việc Sa-tan “chịu khổ” đời đời là hòa hợp với tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Trong một số ngôn ngữ, “đá thử” là tiêu chuẩn để đánh giá những vật khác. Chẳng hạn, trong tiếng Anh, từ “đá thử” có nghĩa là “tiêu chuẩn hoặc chuẩn mực để biết phẩm chất hay chất lượng của một vật”. Vì thế, việc Sa-tan “chịu khổ” đời đời cho thấy sự phán xét dành cho hắn sẽ là hòn đá thử vĩnh viễn đối với bất cứ sự phản loạn nào nghịch cùng Đức Giê-hô-va trong tương lai. Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ cần phải cho kẻ thách thức quyền cai trị của Ngài một khoảng thời gian nào nữa để chứng minh những thách đố của nó.

Hiểu được lý do các thương gia ở mọi nơi đều dùng đá thử Lydia cũng như ý nghĩa tượng trưng của phương pháp này đã làm sáng tỏ những gì sẽ xảy ra cho Sa-tan. Kết cuộc của hắn sẽ mãi mãi được xem như hòn đá thử của sự phán xét và Đức Giê-hô-va không bao giờ cần phải chịu đựng sự phản loạn thêm một lần nữa.—Rô-ma 8:20.

[Câu nổi bật nơi trang 23]

Hình phạt tượng trưng dành cho Sa-tan cho thấy sự phán xét này sẽ mãi mãi được xem như hòn đá thử

[Bản đồ nơi trang 21]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Biển Đen

LYDIA

SARDIS

Địa Trung Hải

[Hình nơi trang 21]

Tàn tích của Sardis cổ xưa

[Hình nơi trang 22]

Vào thời xưa, người ta dùng cân để cân tiền

[Nguồn tư liệu]

E. Strouhal/Werner Forman/Art Resource, NY

[Các hình nơi trang 22, 23]

Đá thử vẫn tồn tại cho đến ngày nay

[Nguồn tư liệu]

Coins: Courtesy Classical Numismatic Group, Inc.; touchstone: Science Museum/Science & Society Picture Library

[Nguồn tư liệu nơi trang 21]

Electrum coin: Courtesy Classical Numismatic Group, Inc.