Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mạch nước mang lại sự sống vĩnh cửu

Mạch nước mang lại sự sống vĩnh cửu

Mạch nước mang lại sự sống vĩnh cửu

“Uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời”.—GIĂNG 4:14.

“Đột nhiên, phía sau vầng trăng. . . ló dạng một viên ngọc lấp lánh sắc xanh vân trắng, một quả cầu xanh dịu màu da trời được bao phủ bởi màn sương trắng nhẹ nhàng trôi bồng bềnh, tựa như viên ngọc bé nhỏ dần hiện ra trong lòng biển sâu thẳm huyền bí”.—Lời mô tả trái đất nhìn từ không trung của phi hành gia Edgar Mitchell.

Nhờ đâu hành tinh của chúng ta có được màu xanh lấp lánh đó, khiến phi hành gia này phải thốt lên những lời hoa mỹ như trên? Đó là nhờ lớp nước bao phủ gần ba phần tư bề mặt trái đất. Trên thực tế, nước không chỉ mang lại vẻ đẹp cho hành tinh chúng ta mà còn duy trì sự sống của mọi sinh vật trên đất. Quả thế, khoảng 65% trọng lượng cơ thể con người là nước. Cuốn Encyclopædia Britannica (Bách khoa tự điển Anh quốc) cho biết: “[Nước] đóng vai trò trọng yếu đối với sự sống vì hầu hết các quá trình sinh học ở thực vật lẫn động vật đều có sự tham gia của nước”.

Nhờ quá trình tái lọc rất hiệu quả nên nguồn nước của trái đất có thể sử dụng lại và không cần thay thế. Cuốn The World Book Encyclopedia (Bách khoa tự điển thế giới) giải thích: “Hầu như mỗi giọt nước chúng ta dùng đều tìm đường trở về với đại dương. Từ đó, nó bốc hơi dưới sức nóng của mặt trời và lại rơi xuống mặt đất dưới dạng hạt mưa. Như vậy, nước được dùng đi dùng lại, hết lần này đến lần khác, và không bao giờ cạn”. Cách đây khoảng 3.000 năm, quá trình này đã được miêu tả trong cuốn Kinh Thánh: “Sông đổ mãi vào biển nhưng biển chẳng hề đầy; hơi nước bay về nguồn, nước trở lại với dòng sông, sông lại đổ vào biển”. Quá trình này quả là một kỳ công của Đấng Tạo Hóa!—Truyền-đạo 1:7, Bản Diễn Ý.

Nghĩ đến tầm quan trọng của nước đối với sự sống và cách tuyệt diệu mà nguồn nước được cung cấp, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy Kinh Thánh đề cập đến nước hơn 700 lần. Vì nước có nhiều công dụng độc đáo, nhất là tẩy sạch và duy trì sự sống, nên Kinh Thánh thường dùng nước để ví với những điều thuộc về tâm linh.—Ê-sai 58:11; Giăng 4:14.

Tác dụng tẩy sạch của Kinh Thánh

Người Y-sơ-ra-ên nổi bật về tính sạch sẽ vì họ thường xuyên dùng nước để tắm giặt. Khách mời có thói quen rửa chân trước khi bước vào nhà chủ để dùng bữa (Lu-ca 7:44). Ngoài việc giữ phép vệ sinh cá nhân cũng như giữ nhà cửa và đồ đạc sạch sẽ, người Y-sơ-ra-ên còn dùng nước để thực hiện những nghi thức thanh tẩy. Thầy tế lễ phụng sự tại đền tạm phải tắm rửa và giặt áo lễ thường xuyên (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:18-21). Khi xây đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, vua Sa-lô-môn cho làm một “biển đúc”, hay một bể nước bằng đồng, có sức chứa 44.000 lít nước, đủ để các thầy tế lễ thực hiện nghi thức thanh tẩy theo Luật của Đức Chúa Trời (2 Sử-ký 4:2, 6). Tín đồ Đấng Christ thời nay rút ra điều gì từ gương của dân Y-sơ-ra-ên?

Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng Chúa Giê-su đã “dùng nước là lời mà rửa cho [Hội thánh] tinh sạch”. Như nước có công dụng rửa sạch, lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời có quyền lực nên có thể khiến một người tinh sạch về phương diện đạo đức lẫn thờ phượng. Nhờ được “rửa” như thế, các môn đồ của Chúa Giê-su trở nên “thánh khiết không chỗ trách được” (Ê-phê-sô 5:25-27, Ghi-đê-ôn). Như vậy, tất cả những người muốn được ơn Đức Chúa Trời thì phải giữ mình “không dấu-vít, chẳng chỗ trách được” về phương diện đạo đức lẫn thờ phượng (2 Phi-e-rơ 3:11, 14). Lời Đức Chúa Trời giúp họ làm điều này như thế nào?

Những người muốn làm hài lòng Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ tiếp nhận nguồn nước thiêng liêng bằng cách dành thời gian tìm hiểu Kinh Thánh. Khi những điều học được tác động đến lòng và trí, họ sẽ mong muốn làm theo lời khuyến khích sau đây: “Hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”.—Rô-ma 12:2.

Nhờ hiểu rõ ý muốn của Đức Chúa Trời, họ nhận ra những nhược điểm trong hành động và suy nghĩ của mình. Sau một thời gian sửa đổi theo lời dạy của Kinh Thánh, họ được Lời Đức Chúa Trời “rửa sạch” tội lỗi, ngay cả những tội trọng.—1 Cô-rinh-tô 6:9-11.

Sau đây là trường hợp của Alfonso, một thanh niên người Tây Ban Nha đã thực hiện được điều này. Anh cho biết: “Năm 18 tuổi, tôi thấy bất mãn với cuộc đời của mình”. Anh là một người nghiện ngập ma túy và là một tội phạm chai lì. Anh nói thêm: “Tôi cảm thấy mình nhơ nhuốc vì đã đối xử tệ với bản thân cũng như với người khác.

Ở trường, tôi để ý thấy một bạn nữ trạc tuổi tôi, bạn ấy luôn ăn mặc nghiêm túc và trông thánh thiện, khiến bạn ấy nổi bật trong số các sinh viên khác. Nhìn gương của bạn ấy, tôi cũng ước ao có được đời sống trong sạch như thế. Theo lời mời của bạn ấy, tôi đến dự một buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Không lâu sau, tôi bắt đầu học Kinh Thánh với họ và dần dần yêu mến Đức Chúa Trời. Trong vòng một năm, tôi thay đổi lối sống và hội đủ điều kiện trở thành Nhân Chứng. Sự thay đổi toàn diện của tôi khiến nhiều người trong xóm đến nhờ tôi giúp con họ từ bỏ ma túy”.

Mạch nước mang lại sự sống vĩnh cửu

Khi nói chuyện với một phụ nữ xứ Sa-ma-ri đang múc nước tại giếng Gia-cốp, Chúa Giê-su từng đề cập đến ‘nước sự sống’ như sau: “Uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời” (Giăng 4:10, 14). Lời này ám chỉ rằng ‘nước sự sống’ tượng trưng cho những điều Đức Chúa Trời sắp đặt nhằm mang lại sự sống vĩnh cửu cho con người. Những điều đó được tiết lộ trong Lời Ngài là Kinh Thánh, và bao gồm một yếu tố quan trọng là sự hy sinh mạng sống của Chúa Giê-su để giải cứu nhân loại. Chúa Giê-su giải thích: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”.—Giăng 3:16.

Anh Alfonso được đề cập ở trên đã nhận ra giá trị cao quý của ‘nước sự sống’ đến từ Đức Chúa Trời. Anh cho biết kết cuộc của những người trái lại đã không chịu từ bỏ con đường phạm pháp và nghiện ngập: “Anh ruột tôi bị chết và tất cả những bạn cũ của tôi cũng đồng một số phận. Nhưng tôi thì thoát khỏi kết cuộc đau thương đó nhờ được học Lời Đức Chúa Trời. Tôi được sống tới ngày nay là nhờ được Đức Giê-hô-va chăm sóc về mặt tâm linh”. Hơn nữa, nhờ những điều học được từ Kinh Thánh, anh biết mình có thể trông mong được sống mãi trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa.—2 Phi-e-rơ 3:13.

Lời mời cho tất cả chúng ta

Trong sách cuối cùng của Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy lời miêu tả về “sông nước sự sống, trong như lưu-ly, từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra” (Khải-huyền 22:1). Con sông đó tượng trưng cho những sự sắp đặt của Đức Chúa Trời nhằm khôi phục cho chúng ta đời sống hoàn hảo mà tổ tiên loài người từng hưởng lúc mới được tạo nên.

Sau lời miêu tả dòng sông là lời mời sau đây: “Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không” (Khải-huyền 22:17). Ngày nay, lời mời ấy được rao truyền ra khắp đất. Mỗi năm, Nhân Chứng Giê-hô-va trong hơn 235 xứ dành trên một tỷ giờ để giúp người ta tiếp nhận sự hiểu biết mang lại sự sống được ghi trong Kinh Thánh.

Bạn có khao khát nước sự sống ấy không? Nếu vậy, hãy tiếp nhận nguồn nước trong suốt bằng cách tìm hiểu và vâng theo ý định của Đấng Tạo Hóa. Khi làm thế, bạn sẽ ở trong số những người đang tạo cho mình một nền tảng vững chắc cho tương lai để “cầm lấy sự sống thật”.—1 Ti-mô-thê 6:19.

[Câu nổi bật nơi trang 14]

Như nước có công dụng rửa sạch, sự dạy dỗ của Kinh Thánh có quyền lực nên có thể khiến chúng ta tinh sạch về phương diện đạo đức lẫn thờ phượng

[Khung/​Các hình nơi trang 15]

NHỮNG NGUỒN NƯỚC THỜI KINH THÁNH

Vào thời Kinh Thánh, người ta bỏ ra nhiều công sức để tìm những nguồn nước ổn định. Ông Áp-ra-ham và Y-sác đào những giếng gần Bê-e-Sê-ba để bảo đảm đủ nguồn nước cho gia đình và bầy súc vật của họ.—Sáng-thế Ký 21:30, 31; 26:18.

Những giếng không đủ sâu thường khô cạn vào những mùa hè kéo dài và cháy bỏng. Vì thế, người ta phải đào giếng sâu để có được một nguồn nước ổn định (Châm-ngôn 20:5). Chẳng hạn, một cái giếng ở La-ki sâu đến 44m. Một cái ở Ga-ba-ôn có độ sâu hơn 25m, và rộng 11m. Để có được giếng này, người ta phải đào lên khoảng 3.000 tấn đá. Về giếng Gia-cốp, người phụ nữ Sa-ma-ri đến múc nước ở đó từng nói với Chúa Giê-su rằng giếng ấy sâu—có lẽ sâu đến 23m.—Giăng 4:11.

Một nguồn nước khác ở Trung Đông thời xưa là hồ chứa nước. Những hồ này được đào dưới đất để chứa nước từ những cơn mưa vào giữa tháng 10 và tháng 4. Nước mưa được dẫn xuống hồ qua những con mương đào trên sườn đồi. Ở xứ Y-sơ-ra-ên xưa, người ta cũng đào những hồ lớn để chứa nước.—So sánh Giê-rê-mi 2:13.

Từ xưa đến nay, múc nước từ giếng và hồ luôn là công việc cực nhọc. Những phụ nữ như nàng Rê-bê-ca và các con gái của thầy tế lễ Giê-trô mỗi ngày đều làm công việc quan trọng là múc nước không những cho sinh hoạt gia đình mà còn cho bầy gia súc.—Sáng-thế Ký 24:15-20; Xuất Ê-díp-tô Ký 2:16.

[Hình nơi trang 15]

Anh Alfonso đang giảng Lời Đức Chúa Trời