Trọn đời tìm niềm vui trong việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời
Trọn đời tìm niềm vui trong việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời
Do Bill Yaremchuk kể lại
Tôi tốt nghiệp khóa đào tạo truyền giáo thứ tám của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh, trụ sở đặt tại South Lansing, New York, Hoa Kỳ. Chỉ vài tuần sau, vào tháng 3 năm 1947, tôi lên đường đến nhiệm sở của mình ở hải ngoại—đó là đất nước Singapore xa xôi.
Anh Dave Farmer, một người đồng hương Canada tốt nghiệp khóa thứ bảy của Trường Ga-la-át, cùng công tác với tôi tại đó. Chúng tôi đi trên chiếc tàu Marine Adder, trước kia là tàu chở lính, khởi hành từ San Francisco, California.
Trạm dừng đầu tiên tại các nước Đông Phương là Hồng Kông. Cảnh tượng chúng tôi chứng kiến tại đó hết sức hãi hùng. Sự tàn phá của Thế Chiến II có mặt khắp mọi nơi—người đói nằm vật vờ trên vỉa hè trông như sắp chết. Chúng tôi nhanh chóng quay lại tàu và tiếp tục đi đến Manila, thủ đô của Phi-líp-pin.
Tại Manila, chúng tôi cũng thấy hậu quả khủng khiếp của chiến tranh. Ngổn ngang trên cảng biển là cột buồm của những con tàu bị máy bay oanh tạc của quân Đồng Minh đánh chìm, và cảnh nghèo đói bao trùm khắp mọi nơi. Chúng tôi đã gặp và được vài Nhân Chứng Giê-hô-va dẫn đến Phòng Nước Trời, là nơi hội họp của họ. Họ vẫn vui mừng dù phải đương đầu với nhiều khó khăn.
Trạm dừng kế tiếp là Batavia (nay là Jakarta) ở Indonesia. Nội chiến đang bùng nổ và có một cuộc giao tranh gần đó, nên chúng tôi không được phép rời khỏi tàu. Khi tiếp tục lên đường đến Singapore, tôi bắt đầu tự hỏi điều gì đang chờ đợi chúng tôi tại đó. Phải chăng những gì chúng tôi vừa chứng kiến là điều còn sót lại của một Đông Phương đẹp lạ kỳ mà chúng tôi đã từng đọc trên các báo quảng cáo du lịch?
Trong vòng vài ngày, mối nghi ngờ của tôi đã tan biến. Những chuyện đáng nhớ sắp sửa xảy ra khiến anh Dave và tôi tin chắc rằng Đức Chúa Trời đã sắp đặt cho chúng tôi đến đây.
Làm sao chúng tôi được phép ở lại?
Khoảng một tháng sau khi rời San Francisco, cuối cùng tàu chúng tôi thả neo ở đảo St. John’s, là nơi những chiếc tàu phải chờ đợi trước khi được vào cảng của Singapore. Những nhân viên cục quản lý nhập cư lên tàu làm các thủ tục cho hành khách và dán vào hộ chiếu của chúng tôi con tem đề chữ “Được phép nhập cảnh”. Sáng hôm sau, con tàu cập bến dọc theo cầu tàu. Sau khi được một nhân viên quản lý trên tàu kiểm tra giấy tờ, chúng tôi đi lên đất liền.
Ngày kế tiếp, chúng tôi quay lại bến tàu để chào tạm biệt những người bạn giáo sĩ cùng đi trên chuyến hành trình này. Họ tiếp tục đi đến nhiệm sở ở Ấn Độ và Ceylon (nay là Sri Lanka). Khi nhìn thấy chúng tôi, vị thuyền
trưởng bước xuống cầu tàu để gặp chúng tôi. Ông giận dữ và quát tháo rằng chúng tôi không được phép rời khỏi tàu. Trước đó, khi con tàu còn ở trên biển, người kiểm soát việc nhập cư là ông Haxworth đã bảo thuyền trưởng không được cho phép chúng tôi rời khỏi tàu khi cập cảng Singapore. Cả chúng tôi lẫn nhân viên cho phép chúng tôi rời tàu ngày hôm trước cũng không hề biết về lệnh này.Chúng tôi được tiếp đón một cách giận dữ khi được dẫn đến gặp ông Haxworth. Ông ấy quát tháo và bảo rằng chúng tôi không được phép vào Singapore. Vì không biết gì về điều này, nên chúng tôi cho ông ấy xem hộ chiếu của mình có dán con tem hợp pháp đề chữ “Được phép nhập cảnh”. Ông giận dữ giật lấy hộ chiếu từ tay chúng tôi và gạch bỏ dòng chữ đó. Nhưng hỡi ôi, con tàu đã rời cảng mất rồi! Ông Haxworth giữ hộ chiếu của chúng tôi khoảng một năm, và cuối cùng chúng được trả về với con tem đề chữ “Được phép nhập cảnh”.
Công việc truyền giáo đạt nhiều thành quả ở Singapore
Khi chúng tôi đến đây vào tháng 4 năm 1947, người đàn ông tên Joshua là Nhân Chứng duy nhất ở Singapore. Ông phục vụ với tư cách là người truyền giáo trọn thời gian, còn gọi là tiên phong, cho đến khi qua đời vào đầu thập niên 1970. Chẳng bao lâu sau khi chúng tôi đến, một số người đang học về chân lý của Kinh Thánh bắt đầu chia sẻ những điều này với người khác. Lời cầu nguyện của chúng tôi để xin thêm nhiều “thợ gặt” trong việc “thu hoạch” những người thờ phượng Đức Chúa Trời đã bắt đầu được nhậm.—Ma-thi-ơ 9:37, 38.
Năm 1949, khi ông Haxworth đang có một chuyến nghỉ hè dài ở nước Anh thì sáu giáo sĩ tốt nghiệp khóa 11 của Trường Ga-la-át đến Singapore. Trong thời gian này, anh Dave, người bạn giáo sĩ cùng công tác với tôi tại đây khoảng vài năm, cần phải rời Singapore vì lý do sức khỏe. Anh đến định cư ở Úc và trung thành
phụng sự tại đó cho đến khi qua đời năm 1973. Trong số sáu giáo sĩ mới đến có chị Aileen Franks, và chúng tôi kết hôn vào năm 1956.Trong khoảng thời gian sống ở Singapore, chúng tôi đã giúp nhiều người học Kinh Thánh và trở thành Nhân Chứng cùng với con cái của họ. Thậm chí cho đến ngày nay, vài người trong số họ đang phục vụ với tư cách là người truyền giáo trọn thời gian ở hải ngoại. Một kinh nghiệm làm chúng tôi ấm lòng liên quan đến anh chị Lester và Joanie Haynes, một cặp vợ chồng người Mỹ sống ở Singapore. Chúng tôi bắt đầu học Kinh Thánh với họ vào thập niên 1950. Họ nhanh chóng chấp nhận chân lý của Kinh Thánh và làm báp têm sau khi trở lại Hoa Kỳ. Sau đó, anh chị Lester và Joanie đạt được nhiều thành quả trong công việc rao giảng. Họ giúp nhiều người trở thành Nhân Chứng, kể cả ba người con của họ.
Chị Joanie viết: “Khi nhớ lại thời gian ở Singapore, chúng tôi thấy đó quả thật là một năm làm thay đổi đời sống của chúng tôi. Nếu không được anh chị “nuôi dưỡng”, có lẽ chúng tôi vẫn đi “lang thang” khắp thế giới. Tôi vui mừng vì anh đã dạy anh Les chân lý này. Ngay từ đầu, anh ấy đã có được một người thầy giúp anh ấy thấm nhuần tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và các anh em đồng đạo. Anh ấy không bao giờ đánh mất tình yêu thương này”.
Cả gia đình phụng sự ở Singapore
Vào năm 1962, một chuyện bất ngờ xảy ra đã mang lại sự thay đổi quan trọng cho cuộc sống chúng tôi. Vị bác sĩ của gia đình báo cho Aileen biết cô ấy có thai. Chúng tôi muốn tiếp tục công việc truyền giáo, nhưng làm sao có thể làm được trong khi vừa phải nuôi con? Anh Nathan H. Knorr, người trông nom hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới thời bấy giờ, đã viết thư khuyến khích tôi tìm một công việc ngoài đời để có thể ở lại Singapore. Điều này đưa ra một thử thách to lớn.
Hầu hết những người ngoại quốc được thuê làm nhân viên điều hành cho những công ty nước ngoài. Vì tham gia công việc truyền giáo trọn thời gian từ lúc rời trường khoảng 23 năm trước đây, nên tôi không có chút kinh nghiệm gì về công việc kinh doanh. Vì thế, tôi nhờ một trung tâm giới thiệu việc làm ở Luân Đôn thảo ra một bản sơ yếu lý lịch dựa trên công việc truyền giáo của tôi ở hải ngoại. Và rồi họ gửi nó cho nhiều công ty đa quốc gia có chi nhánh ở Singapore.
Tôi luôn nhận được câu trả lời là: “Chúng tôi rất tiếc vì không tìm được vị trí thích hợp đối với năng lực của anh”. Họ nghĩ tôi có trình độ quá cao! Vài tháng trôi qua và con chúng tôi, bé Judy, đã ra đời. Vào lúc đó, anh Knorr đang viếng thăm Singapore, và anh đã đến gặp hai mẹ con bé Judy trong bệnh viện. Anh bảo đảm với chúng tôi: “Anh chị có thể tiếp tục ở nhà giáo sĩ cho đến khi anh Bill tìm được việc làm”.
Vài tháng sau, tôi tìm được việc làm là đại diện bán hàng cho một hãng hàng không quốc tế. Mức lương chỉ vừa đủ sống. Hai năm sau, một hãng hàng không của Mỹ thuê tôi với mức lương gấp đôi. Cuối cùng, tôi có công việc ổn định và uy tín trong ngành du lịch. Tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và các hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va.
Chúng tôi xây dựng đời sống chung quanh việc phụng sự Đức Giê-hô-va, đặt việc thờ phượng lên hàng ưu tiên. Điều này giúp tôi có thể nhận được nhiều đặc ân trong tổ chức. Aileen trở lại công việc truyền giáo trọn thời gian. Trong thời điểm đó, công việc rao giảng về Nước Trời đạt nhiều kết quả ở Singapore. Vào giữa thập niên 1960, Nhân Chứng Giê-hô-va mua một căn nhà đẹp có hai tầng ở trung tâm thành phố để làm Phòng Nước Trời. Bốn hội thánh nhóm họp tại đây.
Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán!
Một thời gian sau, áng mây đen chống đối lờ mờ hiện ra. Vào ngày 14-1-1972, chúng tôi đến Phòng Nước Trời để nhóm họp như thường lệ. Nhưng cánh cổng đã bị khóa bởi một dây xích và móc khóa. Một giấy niêm yết thông báo rằng Hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va ở Singapore đã bị rút giấy phép hoạt động. Chúng tôi bị cấm! *
Việc đóng cửa Phòng Nước Trời không làm chúng tôi ngưng thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng một câu hỏi nảy sinh trong đầu tôi: “Ý muốn của Đức Chúa Trời cho gia đình tôi là gì?”. Tôi lý luận rằng nếu bị trục xuất, chúng tôi sẽ không bao giờ được trở lại và thăm viếng những người bạn của mình ở Singapore. Vì thế, tôi hỏi người quản lý công ty xem tôi có thể làm việc ở Kuala Lumpur, Malaysia hay không. Nếu thế, gia đình của tôi có thể đi qua đi lại mà không gặp khó khăn gì. Thật ngạc nhiên khi ông ấy đề nghị tôi làm quản lý cho chi nhánh ở Kuala Lumpur với mức lương gấp đôi và nhiều lợi ích khác nữa!
Nhưng rồi tôi tự hỏi: “Có phải Đức Chúa Trời muốn chúng tôi rời khỏi Singapore và các anh chị em không?”. Cả gia đình tôi cùng trình bày vấn đề này với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Chúng tôi kết luận rằng Đức Giê-hô-va đã đem chúng tôi đến đây. Vì thế, tôi đưa ra quyết định cuối cùng: Ở lại! Người quản lý rất sửng sốt khi tôi từ chối lời đề nghị đầy lợi nhuận của ông ấy.
Sống và làm việc dưới sự cấm đoán quả thật rất căng thẳng, vì chúng tôi liên tục có nguy cơ bị bắt giữ và tống vào tù. Có nhiều trường hợp giúp chúng tôi thật sự cảm nghiệm được những lời nơi Thi-thiên 34:7: “Thiên-sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài, và giải-cứu họ”.
Được phái đến một nơi khác
Cuối cùng, vào năm 1993, sau khi phục vụ hơn 46 năm ở Singapore, chúng tôi được chuyển đến New Zealand. Tại đó, chúng tôi có thể phụng sự với ít căng thẳng và lo lắng hơn. Thật thừa để mà nói rằng chúng tôi rất buồn khi phải chia tay với những người bạn thân thương mà chúng tôi rất yêu mến ở Singapore. Tuy nhiên, chúng tôi rất khích lệ khi biết đức tin của họ đã được xây trên một nền vững chắc bằng những “vật liệu chống lửa”. Điều này giúp họ có thể đứng vững trước những thử thách mà họ phải tiếp tục chịu đựng.—1 Cô-rinh-tô 3:12-14.
Giờ đây, sau hơn 14 năm phụng sự ở New Zealand, dù đã lớn tuổi nhưng tôi và Aileen vẫn còn tham gia công việc truyền giáo trọn thời gian. Hai người anh của tôi là Mike (94 tuổi) và Peter (90 tuổi) vẫn còn sống. Họ hiện đang trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va ở Canada.
Năm 1998, con gái chúng tôi là Judy đã quay lại Đông Phương và phục vụ tại đó vài năm. Trong một lá thư gửi cho chúng tôi, cô ấy viết: “Cám ơn Đức Giê-hô-va mỗi ngày vì con có đặc ân tuyệt vời là được phụng sự tại đây! Con cũng cảm ơn cha mẹ vì đã yêu thương dạy dỗ con, cũng như đã và đang hy sinh cho con để con có thể có cơ hội này”. Đến năm 2003, Judy trở về New Zealand để chăm sóc cho tôi và Aileen. *
Chúng tôi thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì hoàn cảnh đã cho chúng tôi cơ hội đáp lại lời kêu gọi của Chủ mùa gặt là cần có thêm nhiều “thợ gặt”. Nhờ thế, chúng tôi có được niềm vui không sao kể xiết. Và khi thế gian này “qua đi” như Kinh Thánh đã báo trước, chúng tôi sẽ cảm nghiệm được sự thật của lời hứa tuyệt diệu này: “Ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”.—1 Giăng 2:17.
[Chú thích]
^ đ. 25 Xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 1-6-1972, trang 341-349.
^ đ. 32 Người vợ Aileen yêu dấu của tôi đã qua đời vào ngày 24-1-2008, trong khi bài này được biên soạn vào giai đoạn cuối.
[Hình nơi trang 29]
Anh Joshua là Nhân Chứng duy nhất ở Singapore khi chúng tôi đến đó năm 1947
[Hình nơi trang 29]
Với anh Dave Farmer ở Hồng Kông, trên đường đến Singapore năm 1947
[Hình nơi trang 29]
Với Aileen, năm 1958
[Hình nơi trang 31]
Với con gái chúng tôi là Judy
[Nguồn tư liệu]
Kimroy Photography
[Nguồn tư liệu nơi trang 31]
Kimroy Photography