Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời thương xót tôi

Đức Chúa Trời thương xót tôi

Đức Chúa Trời thương xót tôi

Do Bolfenk Moc̆nik kể lại

“Con phải can đảm lên”. Đó là lời động viên mạnh mẽ của mẹ khi ôm lấy tôi. Những người lính đẩy mẹ tôi ra, và phiên tòa bắt đầu. Cuối cùng, tòa tuyên án: 5 năm tù giam. Có lẽ hầu hết mọi người đều bị sốc. Nhưng thật tình mà nói, lúc ấy thâm tâm tôi lại cảm thấy bình an vô cùng. Hãy để tôi giải thích tại sao.

Sự kiện trên xảy ra vào năm 1952 ở Slovenia. * Nhưng câu chuyện của tôi thật ra bắt đầu vào năm 1930, trước đó hơn 20 năm. Năm ấy, các học viên Kinh Thánh, tên gọi trước đây của Nhân Chứng Giê-hô-va, lần đầu tiên sắp xếp cho một nhóm người làm báp têm ở đất nước tôi. Cha mẹ tôi là Berta và Franz Moc̆nik cũng ở trong nhóm đó. Năm ấy tôi lên sáu và em gái tôi, Majda, bốn tuổi. Nhà của chúng tôi là trung tâm hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va tại thành phố Maribor.

Adolf Hitler nắm quyền ở Đức vào năm 1933 và bắt đầu ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhiều Nhân Chứng người Đức đã dọn đến Nam Tư để hỗ trợ công việc rao giảng. Cha mẹ tôi rất vui khi đón tiếp những anh chị trung thành ấy tại nhà. Một người trong số họ mà tôi nhớ rất rõ là anh Martin Poetzinger, sau này bị giam chín năm trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Nhiều năm sau, từ năm 1977 cho đến khi anh mất vào năm 1988, anh phục vụ với tư cách là thành viên Hội đồng lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Khi đến thăm gia đình tôi, anh Martin luôn nghỉ qua đêm ở phòng tôi, còn tôi và em gái thì ngủ chung phòng với cha mẹ. Anh có một cuốn bách khoa tự điển loại bỏ túi với những hình ảnh đầy màu sắc đã khơi dậy trí tưởng tượng trẻ thơ trong tôi. Tôi rất thích xem lướt qua những trang sách ấy.

Thời gian thử thách cam go

Năm 1936, khi quyền lực của Hitler lớn mạnh, cha mẹ tôi tham dự một hội nghị quốc tế quan trọng ở Lucerne, Thụy Sĩ. Vì cha tôi có giọng truyền cảm nên vào dịp đó ông được chọn thu âm các bài giảng về Kinh Thánh. Sau đó, khi Nhân Chứng đi rao giảng từng nhà ở Slovenia, những bài này được mở cho chủ nhà nghe. Chẳng bao lâu sau hội nghị đáng nhớ đó, Nhân Chứng Giê-hô-va ở châu Âu bắt đầu bị ngược đãi khủng khiếp. Nhiều người chịu đau khổ và chết trong các trại tập trung của Quốc Xã.

Tháng 9 năm 1939, Thế Chiến II bùng nổ và đến tháng 4 năm 1941 thì quân đội Đức kiểm soát nhiều vùng của Nam Tư. Các trường học ở Slovenia phải đóng cửa. Tại nơi công cộng, chúng tôi không được phép nói ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Vì giữ thái độ trung lập đối với các cuộc xung đột chính trị, Nhân Chứng Giê-hô-va từ chối tham gia chiến tranh. * Hậu quả là nhiều người bị bắt giữ và một số bị hành hình—trong đó có anh Franc Drozg, một Nhân Chứng trẻ mà tôi biết rõ. Địa điểm hành quyết của Quốc Xã cách nhà tôi khoảng 90m. Tôi nhớ như in hình ảnh mẹ tôi cố dùng khăn bịt tai lại để không nghe tiếng súng. Trong thư tạm biệt gửi cho một người bạn thân, dòng cuối cùng mà anh Franc viết là: “Hẹn gặp lại anh trong Nước Trời”.

Một lối sống khiến tôi vô cùng ân hận

Bấy giờ tôi 19 tuổi. Dù khâm phục lòng can đảm của anh Franc nhưng tôi vẫn cảm thấy sợ hãi. Tôi cũng sẽ chết ư? Đức tin tôi thì yếu, và tôi không có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Rồi tôi nhận lệnh nhập ngũ. Nỗi sợ hãi mạnh hơn đức tin, thế là tôi gia nhập quân đội.

Tôi bị đưa ra tiền tuyến để chiến đấu với quân đội Nga. Không lâu sau, tôi nhìn thấy nhiều đồng đội ngã xuống xung quanh mình. Chiến tranh thật khủng khiếp và tàn khốc. Lương tâm tôi ngày càng bị dày vò. Tôi nài xin Đức Giê-hô-va tha thứ và ban thêm sức để tôi đi theo con đường đúng. Khi một cuộc tấn công dữ dội làm cho hàng ngũ chúng tôi rối loạn, tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt để trốn thoát.

Nếu bị bắt, tôi biết mình sẽ bị hành hình. Suốt bảy tháng, tôi lẩn trốn ở nhiều nơi khác nhau. Tôi gửi một bưu thiếp cho em gái Majda với những lời sau: “Anh đã bỏ người chủ cũ và bây giờ đang làm cho một chủ khác”. Ý của tôi là muốn cho em biết giờ đây tôi có ý định phụng sự Đức Chúa Trời. Nhưng phải mất một thời gian tôi mới thật sự làm được điều này.

Tháng 8 năm 1945, ba tháng sau khi Đức đầu hàng các nước Đồng Minh, tôi có thể trở về Maribor. Điều đáng ngạc nhiên là tất cả chúng tôi—cha mẹ, tôi và em gái—đều sống sót sau cuộc chiến tranh tàn khốc này. Tuy nhiên, lúc bấy giờ chính phủ vô thần nắm quyền và họ ngược đãi Nhân Chứng Giê-hô-va. Công việc rao giảng bị cấm đoán, nhưng các Nhân Chứng vẫn tiếp tục làm việc này một cách kín đáo.

Tháng 2 năm 1947, ba Nhân Chứng trung thành—Rudolf Kalle, Dus̆an Mikić, và Edmund Stropnik—bị kết án tử hình. Sau đó, bản án được đổi thành 20 năm tù giam. Các phương tiện truyền thông loan báo tin này một cách rộng rãi, và nhờ thế nhiều người biết đến việc Nhân Chứng Giê-hô-va bị đối xử bất công. Đọc những bản tin ấy, lòng tôi đau như cắt. Tôi biết mình phải làm gì.

Có được sức mạnh về thiêng liêng

Ý thức sâu sắc rằng mình phải kiên quyết ủng hộ lẽ thật của Kinh Thánh, vì vậy tôi cố gắng hết sức để được tham gia vào việc bí mật rao giảng. Nhờ nghiêm túc đọc Kinh Thánh, tôi có được sức mạnh về mặt thiêng liêng để từ bỏ những thói quen xấu, như hút thuốc lá chẳng hạn.

Năm 1951, tôi làm báp têm, biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va, và trở lại lối sống mà mình đã lìa bỏ gần 10 năm. Cuối cùng, tôi cảm nhận Đức Giê-hô-va là Cha thật—sự trung tín và tình yêu thương của Ngài không phai nhạt. Dù khi còn trẻ tôi có những quyết định thiếu khôn ngoan, những lời đoan chắc trong Kinh Thánh về sự tha thứ của Đức Chúa Trời đã khiến tôi vô cùng xúc động. Bằng ‘dây yêu-thương’, Đức Chúa Trời là Cha đầy yêu thương đã thu hút tôi đến gần Ngài.—Ô-sê 11:4.

Trong thời kỳ khó khăn ấy, các buổi họp của đạo Đấng Christ được tổ chức bí mật tại nhà của nhiều Nhân Chứng. Chúng tôi vẫn thầm kín làm công việc rao giảng. Chưa đầy một năm sau khi báp têm thì tôi bị bắt. Mẹ gặp tôi đôi phút ngắn ngủi trước khi phiên tòa xét xử bắt đầu. Như đã đề cập nơi đầu bài, mẹ ôm chặt lấy tôi và động viên: “Con phải can đảm lên”. Khi tòa tuyên án 5 năm tù giam, tôi vẫn giữ được sự bình tĩnh và kiên quyết.

Tôi bị giam chung với ba tù nhân khác trong một căn phòng rất nhỏ. Vì vậy, tôi có thể chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh với những người, mà nếu không bị tù, họ không có cơ hội nghe tin mừng. Dù không có Kinh Thánh hay ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, tôi ngạc nhiên thấy rằng mình có thể nhớ lại và giải thích rõ ràng nhiều câu Kinh Thánh. Đó là nhờ trước đây tôi đã nghiêm túc trong việc học hỏi cá nhân. Tôi thường nói với những tù nhân khác rằng nếu phải ở trại giam 5 năm để phụng sự Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ ban thêm sức giúp tôi chu toàn công việc. Tuy nhiên, Ngài có thể mở đường để tôi ra khỏi ngục sớm hơn. Theo tôi nghĩ, nếu Ngài làm thế, ai có thể đóng cánh cửa ấy được?

Phụng sự trong hoàn cảnh tương đối tự do

Tháng 11 năm 1953, chính quyền công bố lệnh ân xá; họ trả tự do cho tất cả Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi được biết lệnh cấm rao giảng đã được bãi bỏ trước đó hai tháng. Chúng tôi lập tức tổ chức lại hội thánh và hoạt động rao giảng. Nơi nhóm họp của chúng tôi ở tầng hầm của một cao ốc nằm ngay trung tâm Maribor. Trên vách, chúng tôi để một tấm bảng ghi: “Nhân Chứng Giê-hô-va—Hội thánh Maribor”. Chúng tôi vui mừng và vô cùng biết ơn Đức Giê-hô-va vì được tự do phụng sự Ngài.

Đầu năm 1961, tôi bắt đầu làm tiên phong, tức dành trọn thời gian để làm công việc truyền giáo. Khoảng sáu tháng sau, tôi được mời làm việc tại trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Nam Tư. Trụ sở này tọa lạc tại Zagreb, Croatia. Chi nhánh sắp xếp một nhóm gồm ba người làm việc trong một căn phòng nhỏ, trong đó có tôi. Ban ngày, anh em Nhân Chứng sống gần đấy đến giúp in ấn tạp chí Tháp Canh, được phát hành bằng ngôn ngữ bản xứ.

Các chị Nhân Chứng sống gần đấy cũng đến giúp, trong đó có việc đóng các trang tạp chí. Tôi thì phụ trách nhiều việc như dịch bài, đọc và sửa bản in, giao sách báo và lưu trữ hồ sơ.

Thay đổi công việc

Năm 1964, tôi được bổ nhiệm làm giám thị lưu động, đều đặn viếng thăm một số hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va nhằm củng cố đức tin anh em. Tôi đặc biệt yêu thích công việc này. Thường thì tôi đi thăm các hội thánh bằng xe buýt hay xe lửa. Để đến với Nhân Chứng sống tại những làng nhỏ, tôi thường dùng xe đạp hoặc đi bộ, đôi khi bùn ngập đến mắt cá chân.

Cuộc đời có những lúc xảy ra chuyện rất buồn cười. Lần nọ, một anh Nhân Chứng dùng xe ngựa để chở tôi đến thăm hội thánh kế tiếp. Khi chúng tôi đang bị xóc trên xe ngựa vì con đường đất gồ ghề thì một bánh xe bị long và rơi ra. Cả hai chúng tôi văng xuống đường. Ngồi dưới đất nhìn lên con ngựa, chúng tôi thấy nó cũng đang ngơ ngác nhìn chúng tôi với ánh mắt ngạc nhiên. Nhiều năm sau, mỗi khi nhắc đến chuyện này chúng tôi vẫn cảm thấy buồn cười. Tình yêu thương chân thật của anh em ở miền quê ấy là niềm vui mà tôi sẽ luôn trân trọng.

Ở thị trấn Novi Sad, tôi quen một chị tiên phong tên Marika. Lòng yêu mến lẽ thật Kinh Thánh và sự sốt sắng của chị trong thánh chức đã tạo ấn tượng sâu sắc nơi tôi. Vì thế tôi muốn lập gia đình với chị. Sau khi kết hôn được ít lâu, vợ chồng tôi bắt đầu phục vụ các hội thánh trong công việc giám thị lưu động.

Suốt thời gian bị cấm đoán, gia đình tôi chịu nhiều thử thách gay go. Cha tôi bị vu cáo là liên kết với kẻ thù trong thời chiến và bị mất việc. Cha đã cố gắng hết sức để tìm việc làm nhưng vô ích. Điều này khiến cha rất nản lòng và suy giảm đức tin trong một thời gian. Nhưng đến cuối đời, đức tin cha đã phục hồi và cha vẫn hoạt động trong hội thánh cho đến lúc nhắm mắt vào năm 1984. Người mẹ khiêm nhường và trung thành của tôi đã mất năm 1965. Em gái tôi, Majda, vẫn phụng sự tại hội thánh Maribor.

Thánh chức rao giảng tại Áo

Năm 1972, vợ chồng tôi nhận lời mời sang Áo để rao giảng cho nhiều người Nam Tư nhập cư đang làm việc ở đây. Khi đến thủ đô Vienna, chúng tôi không nghĩ rằng đây sẽ là nhiệm sở lâu dài của mình. Dần dần, nhiều nhóm và hội thánh nói các thứ tiếng thường dùng ở Nam Tư được thành lập khắp nước Áo.

Với thời gian, tôi bắt đầu phụng sự với tư cách giám thị lưu động, thăm viếng các nhóm và hội thánh ngày càng gia tăng trên khắp nước Áo. Sau đó, chúng tôi cũng được mời đến thăm các hội thánh nói tiếng Nam Tư ở Đức và Thụy Sĩ. Tôi đã tham gia việc tổ chức nhiều hội nghị và đại hội tại những nước này.

Đôi khi, tại những hội nghị lớn có thành viên thuộc Hội đồng lãnh đạo tham dự, và nhờ đó tôi có dịp gặp lại anh Martin Poetzinger. Chúng tôi hồi tưởng những sự kiện xảy ra khoảng 40 năm trước, khi anh là khách thường ngụ tại nhà chúng tôi. Tôi hỏi: “Anh có nhớ là tôi rất thích xem cuốn bách khoa tự điển của anh không?”

Anh bảo tôi: “Chờ một chút”, rồi rời khỏi phòng. Khi trở lại, anh trao cuốn sách cho tôi và nói: “Hãy giữ nó và xem đây là món quà của một người bạn”. Cuốn sách ấy đến nay vẫn là một phần tài sản quý giá trong thư viện của tôi.

Gặp vấn đề về sức khỏe, song vẫn tích cực

Năm 1983, tôi được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư. Không lâu sau, người ta cho biết căn bệnh của tôi đang ở giai đoạn cuối. Thời gian ấy thật căng thẳng, nhất là đối với Marika. Nhờ sự chăm sóc đầy yêu thương của vợ và sự hỗ trợ thiết thực của nhiều anh em đồng đức tin, tôi vẫn vui vẻ với cuộc sống đầy ý nghĩa.

Vợ chồng tôi tiếp tục phụng sự trọn thời gian ở Vienna. Thường thì tôi đến cơ sở chi nhánh vào buổi sáng và làm công việc dịch thuật. Vợ tôi thì bận rộn rao giảng trong thành phố. Lòng tôi tràn ngập niềm vui khi thấy một nhóm nhỏ gồm những người Nam Tư nhập cư trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, và nay gia tăng đến hơn 1.300 người. Vợ chồng tôi đã có đặc ân giúp nhiều người trong số họ hiểu lẽ thật trong Kinh Thánh.

Trong những năm gần đây, tôi có đặc ân tham gia các chương trình dâng hiến cơ sở chi nhánh mới ở những nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ—một ở Croatia năm 1999 và một ở Slovenia năm 2006. Tôi là một trong những anh chị kỳ cựu được chia sẻ kinh nghiệm rao giảng thời ban đầu tại những nước này, khoảng 70 năm về trước.

Đức Giê-hô-va quả là người Cha yêu thương, sẵn lòng tha thứ những yếu kém và lỗi lầm của chúng ta. Tôi thật biết ơn khi Ngài không chấp nhất lỗi lầm! (Thi-thiên 130:3). Ngài đã thể hiện lòng tử tế và thương xót tôi. *

[Chú thích]

^ đ. 4 Thời đó nước Nam Tư bao gồm sáu nước cộng hòa, kể cả Slovenia.

^ đ. 9 Để biết những lý do dựa trên Kinh Thánh về việc tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia chiến tranh, xin xem bài “Câu hỏi độc giả” nơi trang 22 của tạp chí này.

^ đ. 39 Anh Bolfenk Moc̆nik đã qua đời vào ngày 11-4-2008, khi bài viết này sắp được ấn hành.

[Hình nơi trang 27]

Từ trái sang phải: Cha mẹ tôi là Berta và Franz Moc̆nik, em Majda và tôi, ở Maribor, Slovenia, thập niên 1940

[Hình nơi trang 29]

Với vợ tôi là Marika