Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tel Arad—Bằng chứng thầm lặng

Tel Arad—Bằng chứng thầm lặng

Tel Arad—Bằng chứng thầm lặng

Một thành phố mất tích. Một đền thờ bí ẩn. Một nơi lưu trữ nhiều tài liệu cổ. Điều này nghe có vẻ như trong một bộ phim phiêu lưu kỳ thú. Trên thực tế, tất cả những điều đó và nhiều thứ khác đã nằm ẩn dưới lớp cát sa mạc ở Tel Arad, Israel qua hàng thế kỷ, cho đến khi các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật nơi này.

Nhiều du khách có ấn tượng đối với thành Arad thời nay và xem đây một thị trấn điển hình của người Israel. Với 27.000 dân, thành phố này tọa lạc tại hoang mạc Giu-đê, về hướng tây của biển Chết. Tuy nhiên, thành Arad của dân Israel xưa thì tọa lạc cách thành Arad hiện nay khoảng 8km về hướng tây. Tại đó, các nhà khảo cổ đã cẩn thận gạt từng lớp cát, khám phá ra nhiều công trình kiến trúc cổ và chữ khắc.

Các chữ khắc này được tìm thấy trên những mảnh gốm. Vào thời Kinh Thánh, cách khắc chữ trên mảnh gốm là điều rất thông dụng. Người ta cho rằng những thứ được khai quật ở Tel Arad là bộ sưu tập lớn nhất từng được phát hiện ở Israel. Vậy, bộ sưu tập này có giá trị đến mức nào?

Những gì được tìm thấy tại Tel Arad có lịch sử trải dài từ thời các quan xét của Israel cho đến khi người Ba-by-lôn xâm chiếm Giu-đa vào năm 607 TCN. Do đó, những khám phá này chứng thực tính chính xác của Kinh Thánh, và cho chúng ta thấy rõ quan điểm của người Israel xưa về danh Đức Chúa Trời.

Arad và Kinh Thánh

Đành rằng Kinh Thánh ít nhắc đến Arad, nhưng thành phố có vị trí chiến lược này từng kiểm soát một tuyến đường thương mại quan trọng. Vậy, không ngạc nhiên gì khi những lời tường thuật lịch sử và những khám phá khảo cổ cho thấy thành phố cổ xưa này đã nhiều lần bị chinh phục, hủy phá và được xây dựng lại trong suốt lịch sử thăng trầm của nó. Việc liên tục được xây dựng lại đã tạo nên một ngọn đồi hay một gò đất rộng lớn.

Lần đầu tiên Kinh Thánh nhắc đến Arad là khi tường thuật về giai đoạn cuối của 40 năm dân Israel xưa lang thang trong đồng vắng. Không lâu sau khi A-rôn, anh của Môi-se qua đời, dân Đức Chúa Trời tiến gần đến biên giới phía nam của Đất Hứa. Vị vua người Ca-na-an của Arad nhận thấy những người lang thang này là mục tiêu dễ tiêu diệt. Vì thế, ông mở cuộc tấn công. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, dân Israel xưa đã dũng cảm chiến đấu, giành được thắng lợi và san bằng Arad thành bình địa, dù một số người còn sống sót.—Dân-số Ký 21:1-3.

Người Ca-na-an đã nhanh chóng xây lại thành phố chiến lược của họ; nhưng chỉ vài năm sau đó, Giô-suê đánh chiếm toàn xứ từ phía bắc một cách có hệ thống và diệt hết người Ca-na-an từ “miền núi, miền Ne-ghép”, kể cả “vua A-rát” (Giô-suê 10:40, Tòa Tổng Giám Mục; 12:14). Về sau, hậu duệ của Hô-báp người Kê-nít đã kết giao và đóng trại chung với người Israel xưa trong đồng vắng, sinh sống tại khu vực này của miền Ne-ghép.—Các Quan Xét [Thủ lãnh] 1:16, TTGM.

Những khám phá khảo cổ học

Những tàn tích ở Tel Arad cung cấp thêm những thông tin thú vị về một số sự kiện xảy ra sau đó mà Kinh Thánh cũng tường thuật lại. Chẳng hạn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một dãy tường thành. Rất có thể một số tường thành ấy có từ triều đại vua Sa-lô-môn, một người nổi tiếng về những công trình kiến trúc rộng lớn (1 Các Vua 9:15-19). Dưới một lớp khai quật là những bằng chứng về một cuộc hủy phá bằng lửa xảy ra vào đầu thế kỷ thứ 10 TCN. Những bằng chứng này có cùng thời điểm với cuộc xâm chiếm của vua Si-sắc xứ Ê-díp-tô (Ai Cập xưa), chỉ 5 năm sau khi vua Sa-lô-môn băng hà. Tại thành Karnak, miền nam Ê-díp-tô, có một vách tường khắc để kỷ niệm cuộc xâm lược này và tên thành Arad cũng được liệt kê trong số những thành bị đánh bại.—2 Sử-ký 12:1-4.

Điều rất thú vị là trong khoảng 200 mảnh gốm được phát hiện, có nhiều mảnh khắc những tên Hê-bơ-rơ được đề cập trong Kinh Thánh như Pha-sua, Mê-rê-mốt và tên các con trai của Cô-rê. Trong số các mảnh gốm này, một số mảnh còn đáng chú ý hơn vì trên đó có khắc bốn mẫu tự Hê-bơ-rơ יהוה (YHWH), danh độc nhất của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Sau này, vì mê tín nên nhiều người bắt đầu tin rằng việc phát âm hoặc viết danh Đức Chúa Trời là phạm thượng. Tuy nhiên, những khám phá khảo cổ tại Tel Arad, cũng như những nơi khác, đã chứng thực rằng vào thời Kinh Thánh, người ta không ngại dùng danh Đức Chúa Trời trong cuộc sống thường ngày, trong việc chào hỏi và chúc phước. Chẳng hạn, trên một mảnh gốm có dòng chữ như sau: “Gửi đến chúa tôi là Elyashib. Cầu xin Đức Yavê [Đức Giê-hô-va] ban phước cho ngài”.

Thế còn đền thờ bí ẩn được đề cập nơi đầu bài thì sao? Một công trình kiến trúc ở Tel Arad khiến người ta phỏng đoán công trình này là một đền thờ phức hợp, được xây dựng từ thời vua nước Giu-đa, trong đó có một bàn thờ. Dù nhỏ hơn nhiều, nhưng đền thờ ở Tel Arad có nhiều nét kiến trúc tương đồng với đền thờ do vua Sa-lô-môn xây ở Giê-ru-sa-lem. Khi nào đền thờ Arad được xây, và tại sao? Nó được dùng vào mục đích gì? Các nhà khảo cổ và sử gia chỉ có thể phỏng đoán mà thôi.

Đức Giê-hô-va đã ban rõ mệnh lệnh rằng đền thờ tại Giê-ru-sa-lem là trung tâm thờ phượng duy nhất được Ngài chấp nhận để dân sự tổ chức các ngày lễ hằng năm và dâng của lễ thiêu (Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:5; 2 Sử-ký 7:12). Thế nhưng, đền thờ Arad đã được xây và dùng để công khai chống lại Luật Pháp Đức Chúa Trời, có lẽ trong thời kỳ mà dân Israel xưa bắt đầu dùng các bàn thờ và nghi thức khác thay vì thờ phượng Đức Giê-hô-va đúng cách (Ê-xê-chi-ên 6:13). Nếu thế, trung tâm thờ phượng giả mạo này hẳn đã bị hủy phá vào thời vua Ê-xê-chia hoặc vua Giô-si-a, khi hai vị vua này dẹp bỏ sự thờ phượng giả một cách triệt để vào thế kỷ thứ 8 và thứ 7 TCN.—2 Sử-ký 31:1; 34:3-5, 33.

Rõ ràng, tàn tích còn sót lại của thành Arad xưa cho chúng ta một bài học quan trọng. Dưới lớp cát bụi thời gian, những đồ vật thủ công đã lộ ra và giúp khẳng định tính chính xác của Kinh Thánh cũng như sự thăng trầm của sự thờ phượng giả mạo, đồng thời cho thấy thời xưa người ta vẫn thường dùng danh Đức Giê-hô-va một cách kính cẩn.

[Bản đồ/​Các hình nơi trang 23]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

GIÊ-RU-SA-LEM

Biển Chết

Arad

Tel Arad

[Nguồn tư liệu]

Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.

[Hình nơi trang 24]

Chi tiết khắc trên tường đá tại Karnak, Ê-díp-tô

[Nguồn tư liệu]

Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.

[Hình nơi trang 25]

Một phần của dòng chữ khắc: “Cầu xin Đức Yavê [Đức Giê-hô-va] ban phước cho ngài”

[Nguồn tư liệu]

Photograph © Israel Museum, Jerusalem; courtesy of Israel Antiquities Authority

[Hình nơi trang 25]

Một phần của khu đền thờ ở Tel Arad

[Hình nơi trang 25]

Tường thành Tel Arad nhìn từ phía đông

[Nguồn tư liệu nơi trang 25]

Todd Bolen/Bible Places.com