Bạn có biết?
Bạn có biết?
Chúa Giê-su nói thứ tiếng nào?
Các học giả thường mâu thuẫn trong việc xác định Chúa Giê-su nói thứ tiếng nào. Tuy nhiên, là người sống trên đất, rất có thể Chúa Giê-su nói thông thạo thổ ngữ tiếng A-ram và một dạng của tiếng Hê-bơ-rơ (Do Thái). Khi đến thành Na-xa-rét ở xứ Ga-li-lê và vào nhà hội ở đó, Chúa Giê-su đã đọc một đoạn trong sách tiên tri Ê-sai, dường như được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Kinh Thánh không nói Chúa Giê-su dịch đoạn văn đó sang tiếng A-ram.—Lu-ca 4:16-21.
Về ngôn ngữ được dùng ở xứ Palestine vào thời Chúa Giê-su, giáo sư G. Ernest Wright cho biết: “Tiếng Hy Lạp và A-ram rõ ràng là ngôn ngữ phổ thông. . . Lính La Mã và các viên chức có lẽ trao đổi bằng tiếng La-tinh, trong khi người Do Thái chính thống rất có thể đã nói chuyện với nhau bằng một dạng của tiếng Do Thái”. Điều này giải thích tại sao chữ trên tấm bảng mà Phi-lát cho đóng lên cây khổ hình của Chúa Giê-su được khắc trong ba ngôn ngữ—Hê-bơ-rơ, La-tinh và Gờ-réc (Hy Lạp).—Giăng 19:20.
Trong cuốn Những khám phá từ thời Chúa Giê-su (Discoveries From the Time of Jesus), tác giả Alan Millard viết: “Khi thi hành những trách nhiệm hằng ngày, các quan tổng đốc La Mã chắc chắn nói tiếng Hy Lạp, và Chúa Giê-su có thể đã dùng tiếng Hy Lạp để trả lời những câu hỏi của Quan tổng đốc Phi-lát trong phiên tòa xét xử ngài”. Dù không cho biết Chúa Giê-su dùng ngôn ngữ nào, nhưng điều đáng lưu ý là Kinh Thánh không hề đề cập đến thông dịch viên trong cuộc nói chuyện này.—Giăng 18:28-40.
Theo giáo sư Wright, “chúng ta không biết chắc [Chúa Giê-su] có thể nói tiếng Hy Lạp hay La-tinh, nhưng trong việc rao giảng và dạy dỗ, ngài thường sử dụng tiếng A-ram hoặc tiếng Do Thái phổ thông chịu ảnh hưởng nặng của tiếng A-ram”.—Biblical Archaeology, 1962, trang 243.
Những tảng đá ở đền thờ Giê-ru-sa-lem lớn thế nào?
Các môn đồ đã nói với Chúa Giê-su về đền thờ Giê-ru-sa-lem như sau: “Thưa thầy, hãy xem đá và các nhà nầy là dường nào!” (Mác 13:1). Vậy những tảng đá ở đó lớn thế nào?
Trong thời gian Chúa Giê-su ở trên đất, vua Hê-rốt đã nới rộng nền của Khu Đền Thờ ra gấp đôi so với kích thước thời vua Sa-lô-môn. Đó là cái nền lớn nhất được xây dựng trong thế giới cổ xưa, với chiều dài khoảng 480m và chiều rộng khoảng 280m. Người ta cho rằng một số tảng đá khối có kích thước dài 11m, rộng 5m và cao 3m. Một số tảng nặng hơn 50 tấn. Có một tảng đá nặng gần 400 tấn và một học giả cho biết là “không có tảng đá nào trong thế giới cổ xưa lớn bằng nó”.
Chúa Giê-su đã đáp lời các môn đồ: “Ngươi thấy các nhà lớn nầy ư? Rồi ra sẽ không còn một hòn đá sót lại trên một hòn khác nữa: Cả thảy đều đổ xuống” (Mác 13:2). Nhiều tảng đá khổng lồ ấy vẫn còn nằm tại chỗ mà chúng đã bị quân La Mã dùng đòn bẩy cạy lên và xô ngã vào năm 70 CN.
[Hình nơi trang 26]
Những tảng đá của đền thờ đổ xuống bên ngoài khu đền thờ ở Giê-ru-sa-lem