Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Đừng bao giờ quên công việc rao giảng từng nhà”

“Đừng bao giờ quên công việc rao giảng từng nhà”

“Đừng bao giờ quên công việc rao giảng từng nhà”

Do Jacob Neufeld kể lại

“Dù cho có chuyện gì xảy ra, đừng bao giờ quên công việc rao giảng từng nhà”. Những lời này vẫn còn vang vọng bên tai khi tôi đi bộ suốt năm cây số để đến ngôi làng gần nhất. Đến nơi, tôi không có chút can đảm nào để gõ cửa căn nhà đầu tiên. Sau khi đấu tranh với bản thân, tôi đi vào rừng và tha thiết cầu xin Đức Chúa Trời ban cho tôi can đảm để rao giảng. Cuối cùng, tôi đã có thể trở lại căn nhà đầu tiên và trình bày thông điệp của mình.

Tại sao tôi có mặt tại ngôi làng ấy trong hoang mạc ở Paraguay, nơi tôi đã cố gắng rao giảng một mình? Tôi xin kể lại từ đầu. Tôi sinh ra vào tháng 11 năm 1923 trong một cộng đồng người Đức theo phái Menno ở làng Kronstalʹ, Ukraine. Vào cuối thế kỷ 18, người Menno đã di cư từ Đức sang Ukraine và nhận được nhiều quyền lợi, gồm tự do tín ngưỡng (nhưng không được cải đạo người khác), tự trị và được miễn quân dịch.

Khi chính quyền Xô Viết nắm quyền, những điều đó không còn nữa. Vào cuối thập niên 1920, nhiều nông trại lớn của người Menno trở thành nông trường tập thể. Người ta sẽ không có thực phẩm nếu từ chối hợp tác với chính quyền. Suốt thập niên 1930, nhiều người đàn ông đã bị Cơ quan Tình báo của chính quyền (sau này gọi là KGB) bắt đi, thường vào ban đêm, cho đến khi cuối cùng nhiều ngôi làng chỉ còn vài người đàn ông. Vào năm 1938, khi 14 tuổi, tôi đã mất cha theo cách đó. Tôi không bao giờ gặp lại hay nghe tin tức về ông nữa. Hai năm sau, anh tôi cũng bị bắt đi.

Đến năm 1941, quân đội của Hitler chiếm đóng Ukraine. Đối với chúng tôi, đây là một sự giải phóng. Tuy nhiên, tám gia đình người Do Thái trong làng đột nhiên mất tích. Tất cả những sự kiện đó khiến tôi vô cùng thắc mắc. Tại sao những điều này lại xảy ra?

Tính lương thiện cứu sống tôi

Vào năm 1943 quân đội Đức rút lui. Phần lớn những gia đình người Đức bị bắt đi để ủng hộ chiến tranh, trong đó có cả những người còn lại trong gia đình tôi. Trước đó, tôi đã bị bắt đi quân dịch và trở thành lính SS (Schutzstaffel, đội cận vệ ưu tú của Hitler) ở Romania. Một chuyện nhỏ xảy ra trong thời gian này đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi.

Đại úy của đơn vị muốn thử tính lương thiện của tôi. Ông đã bỏ tiền vào túi của bộ quân phục và bảo tôi mang đi hấp. Khi tôi tìm thấy và đưa lại số tiền đó, ông nói rằng ông chẳng để quên gì cả. Tôi khẳng định là số tiền này ở trong túi của ông. Một thời gian ngắn sau, tôi được làm trợ lý của ông và phụ trách giải quyết giấy tờ, phân công lính gác và giữ tiền của đơn vị.

Một đêm nọ, quân đội Nga đến bắt cả đơn vị ngoại trừ tôi. Khi ấy, tôi đã ở lại để hoàn tất một số công việc cho đại úy. Theo tôi biết, tôi là người duy nhất không bị bắt trong đêm ấy. Đó là nhờ tôi đã lương thiện và nhận được công tác đặc biệt. Nếu không, tôi cũng đã bị bắt rồi.

Vì vậy, vào năm 1944, bất ngờ tôi được miễn nghĩa vụ quân dịch cho đến khi có lệnh mới. Tôi về nhà thăm mẹ. Trong khi chờ đợi, tôi học nghề thợ nề và nghề đó giúp ích rất nhiều cho tôi sau này. Vào tháng 4 năm 1945, quân đội Mỹ chiếm đóng thị trấn chúng tôi, gần thành phố Magdeburg. Chiến tranh chính thức kết thúc một tháng sau đó. Chúng tôi vẫn sống sót và dường như tương lai thật tươi sáng.

Một ngày tháng 6, chúng tôi nghe viên mõ làng thông báo: “Quân đội Mỹ đã rút lui đêm qua, và quân đội Nga sẽ đến lúc 11 giờ trưa nay”. Chúng tôi biết rằng một lần nữa mình sẽ sống trong vùng thuộc chính quyền Xô Viết. Ngay lập tức, em họ tôi và tôi lên kế hoạch chạy trốn. Vào giữa mùa hè, chúng tôi trốn qua vùng do quân đội Mỹ kiểm soát. Rồi vào tháng 11, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm khi quay lại khu vực của quân đội Nga và bí mật mang gia đình trốn qua biên giới.

“Anh hãy lắng nghe và so sánh”

Chúng tôi định cư ở vùng mà thời đó gọi là Tây Đức. Một thời gian sau, tôi bắt đầu yêu mến Kinh Thánh. Vào mỗi chủ nhật, tôi vào rừng để đọc Kinh Thánh, nhưng những điều trong đó dường như quá xa lạ và cổ xưa đối với tôi. Tôi cũng tham dự các lớp giáo lý để chuẩn bị làm báp têm theo phái Menno. Tôi rất ngạc nhiên khi đọc câu này trong sách giáo lý: “Đức Cha là Đức Chúa Trời, Đức Con là Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời”. Sau đó là câu hỏi: “Có phải có ba Đức Chúa Trời không?”. Câu trả lời được in bên dưới: “Không. Ba vị là một”. Tôi hỏi mục sư làm sao điều đó có thể xảy ra, nhưng ông ấy trả lời: “Này anh bạn, không nên suy nghĩ sâu xa về những vấn đề này. Một số người đã mất trí vì suy nghĩ quá nhiều”. Ngay lúc ấy, tôi quyết định không làm báp têm.

Vài ngày sau, tôi tình cờ nghe một người lạ đang nói chuyện với con gái của cô tôi. Vì tò mò, tôi tham gia cuộc nói chuyện và đặt một số câu hỏi. Lúc ấy tôi không biết người này là anh Erich Nikolaizig, một người sống sót qua trại tập trung Wewelsburg. Anh hỏi tôi có muốn tìm hiểu Kinh Thánh không. Khi tôi đồng ý, anh bảo đảm rằng những gì anh dạy sẽ được chứng minh bằng chính cuốn Kinh Thánh của tôi.

Sau vài lần viếng thăm, anh Erich mời tôi đến dự hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va. Theo tôi biết, đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức sau chiến tranh. Tôi rất ấn tượng về hội nghị và ghi chép tất cả các câu Kinh Thánh mà diễn giả đã đọc hoặc đề cập. Không lâu sau, khi nhận ra rằng học biết về những gì Kinh Thánh dạy đi kèm một số trách nhiệm, tôi quyết định ngưng học. Tôi cũng thấy khó hiểu tại sao chỉ có một tôn giáo chân chính. Khi thấy tôi quyết tâm trở lại nhà thờ cũ, anh Erich đã khuyên: “Anh hãy lắng nghe và so sánh”.

Chỉ cần đến gặp mục sư hai lần là tôi nhận ra họ không hiểu vấn đề đang nói đến và hoàn toàn không có lẽ thật. Tôi đã gửi một số câu hỏi về Kinh Thánh cho các mục sư khác. Một người đã trả lời: “Anh không có quyền tìm hiểu về Kinh Thánh vì anh không được sanh lại [không là thành viên của phái Menno]”.

Cô gái tôi đang tìm hiểu ép tôi phải quyết định một chuyện khó khăn. Cô ấy là thành viên phái sanh lại của người Menno. Gia đình cô ấy ghét Nhân Chứng Giê-hô-va. Chiều theo áp lực của họ, cô ấy cho biết nếu tôi không bỏ đạo mới, cô sẽ chia tay tôi. Bấy giờ, tôi đã có sự hiểu biết về Kinh Thánh đủ để nhận ra chỉ có một lựa chọn đúng: nói lời chia tay.

Không lâu sau, anh Erich trở lại thăm. Anh cho biết tuần tới sẽ có chương trình làm báp têm và hỏi tôi có muốn báp têm không. Tôi đã nhận ra những điều Nhân Chứng dạy là thật và tôi muốn phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Vì thế, tôi nhận lời và đã làm báp têm vào tháng 5 năm 1948 trong một cái bồn tắm.

Một thời gian ngắn sau khi tôi làm báp têm, gia đình tôi quyết định di cư đến Paraguay, Nam Mỹ. Mẹ tôi đã năn nỉ tôi đi cùng, nhưng tôi lưỡng lự vì cảm thấy cần phải học và được huấn luyện thêm về Kinh Thánh. Trong một chuyến tham quan văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Wiesbaden, tôi gặp anh August Peters. Anh nhắc nhở tôi về trách nhiệm chăm sóc gia đình, và cũng khuyên: “Dù cho có chuyện gì xảy ra, đừng bao giờ quên công việc rao giảng từng nhà. Nếu không, anh sẽ chẳng khác gì những thành viên trong các tôn giáo tự nhận theo Chúa Giê-su”. Từ đó cho đến nay, tôi vẫn thấy được tầm quan trọng của lời khuyên ấy, cũng như trách nhiệm rao giảng “từ nhà nầy sang nhà kia”.—Công-vụ 20:20, 21.

Một “tiên tri giả” ở Paraguay

Một thời gian ngắn sau khi gặp anh August Peters, tôi đã lên tàu cùng gia đình đi Nam Mỹ. Chúng tôi đến vùng Gran Chaco ở Paraguay, và một lần nữa lại sống trong cộng đồng người Menno. Hai tuần sau đó, tôi đã cố gắng rao giảng một mình ở ngôi làng lân cận, như đã kể ở đầu bài. Người ta nhanh chóng đồn rằng có một “tiên tri giả” trong vòng những người mới đến.

Đó chính là lúc nghề thợ nề trở nên rất hữu ích cho tôi. Mỗi gia đình nhập cư đều cần xây một căn nhà, tường bằng gạch không nung và mái lợp tranh. Suốt sáu tháng bận rộn trong việc xây cất, tôi có nhiều cơ hội để làm chứng bán chính thức. Người ta tỏ ra tử tế, nhưng ngay khi bốn bức tường đã xây xong thì họ rất vui vì không còn dính dáng gì đến tôi nữa.

Trong thời gian ấy, nhiều chiếc tàu đã chở người tị nạn thuộc phái Menno từ Đức đến Paraguay. Trong số đó, có Katerina Schellenberg, người đã tiếp xúc qua với Nhân Chứng và nhận ra ngay họ dạy sự thật theo Kinh Thánh. Dù chưa báp têm, cô đã nhận mình là Nhân Chứng Giê-hô-va ngay khi còn ở trên tàu. Vì vậy, cô không được phép đi đến cộng đồng người Đức. Bị bỏ lại một mình ở Asunción, thủ đô Paraguay, cô giúp việc nhà, học tiếng Tây Ban Nha, tìm Nhân Chứng và làm báp têm. Vào tháng 10 năm 1950, người phụ nữ can đảm ấy trở thành vợ tôi. Từ đó đến nay, cô ấy đã chứng tỏ là người hỗ trợ tuyệt vời cho tôi.

Sau một thời gian ngắn, tôi đã dành dụm đủ tiền để mua một chiếc xe kéo và hai con ngựa. Tôi dùng chúng trong công việc rao giảng và luôn nhớ đến lời khuyên của anh Peters. Lúc đó, em gái tôi đã trở thành Nhân Chứng cũng tham gia rao giảng với chúng tôi. Thường thì chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, cùng nhau đánh xe ngựa suốt bốn tiếng, rao giảng hai hoặc ba tiếng, rồi trở về nhà.

Qua các ấn phẩm của Nhân Chứng, tôi biết các hội thánh thường có bài diễn văn công cộng, nên tôi định tổ chức một lần. Vì chưa bao giờ dự buổi nhóm họp ở Đức, nên tôi chỉ đoán cách bài diễn văn được khai triển. Chủ đề bài giảng của tôi là về Nước Đức Chúa Trời. Tám người đã tham dự buổi nhóm ấy, và điều này khiến các mục sư của nhà thờ Menno nổi giận. Họ tổ chức một chiến dịch thu gom lại tất cả các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh mà chúng tôi phân phát, và bảo người ta không được chào hỏi chúng tôi.

Sau đó, cơ quan quản lý hành chính của cộng đồng người Menno mời tôi đến, và người quản lý cùng hai mục sư đến từ Canada đã thẩm vấn tôi trong vài tiếng. Cuối cùng, một người nói: “Này anh bạn, anh có thể tin bất cứ điều gì anh muốn, nhưng anh phải hứa rằng sẽ không nói với ai khác về niềm tin của mình nữa”. Tôi không thể hứa như thế. Vì vậy, họ bảo tôi phải rời cộng đồng vì họ không muốn có một “tiên tri giả” ở giữa “những tín hữu trung thành”. Khi tôi từ chối, họ đề nghị sẽ trả phí vận chuyển cho cả gia đình tôi. Nhưng tôi kiên quyết giữ lập trường và từ chối lời đề nghị đó.

Mùa hè năm ấy (1953), tôi đến dự hội nghị ở Asunción. Tại đấy, tôi gặp anh Nathan Knorr đến từ trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York. Anh đề nghị tôi chuyển đến thủ đô và làm việc với một nhóm nhỏ các giáo sĩ ở đó, đặc biệt là vì công việc rao giảng ở cộng đồng người Menno không có kết quả nhiều.

Đặt Nước Đức Chúa Trời lên hàng đầu

Vào lúc đó, chỉ có khoảng 35 Nhân Chứng ở Paraguay. Tôi đã nói chuyện với vợ tôi, và mặc dù không thích chuyển đến một thành phố lớn, cô ấy sẵn sàng bắt đầu lại từ đầu. Năm 1954, vợ chồng tôi đã xây một căn nhà gạch. Nhân công chỉ có hai người chúng tôi, và chúng tôi xây nhà vào những lúc rảnh rỗi. Trong thời gian đó, chúng tôi không bỏ một buổi nhóm họp nào, và luôn luôn nói với người khác về Kinh Thánh vào cuối tuần.

Một trong những đặc ân của tôi là được đi cùng giám thị vòng quanh, người được bổ nhiệm đến thăm các hội thánh, để làm người thông dịch khi anh viếng thăm các cộng đồng nói tiếng Đức ở Paraguay. Vì chỉ biết ít tiếng Tây Ban Nha, nên lần đầu tiên dịch một bài giảng từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Đức dường như là nhiệm vụ khó nhất mà tôi nhận được.

Vì sức khỏe vợ tôi không tốt, chúng tôi nhập cư vào Canada năm 1957. Rồi chúng tôi chuyển đến Mỹ năm 1963. Dù sống ở đâu, chúng tôi luôn cố gắng đặt quyền lợi Nước Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống (Ma-thi-ơ 6:33). Tôi rất biết ơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời vì Ngài đã cho tôi học biết chân lý trong Kinh Thánh khi tôi còn trẻ. Sự giáo dục dựa trên Kinh Thánh đã giúp tôi rất nhiều trong suốt cuộc đời!

Thật là một đặc ân vô giá khi giúp người khác học biết những điều tuyệt diệu trong Kinh Thánh, những điều đã an ủi tôi rất nhiều. Niềm vui lớn nhất của tôi là tất cả con cháu đều nhận được lợi ích từ sự giáo dục của Kinh Thánh ngay từ thuở nhỏ. Tất cả con cháu tôi đều làm theo lời khuyên của anh Peters, người đã nói những lời này với tôi từ nhiều năm về trước: “Dù cho có chuyện gì xảy ra, đừng bao giờ quên công việc rao giảng từng nhà”.

[Câu nổi bật nơi trang 22]

Niềm vui lớn nhất của tôi là tất cả con cháu đều nhận được lợi ích từ sự giáo dục của Kinh Thánh ngay từ thuở nhỏ

[Các hình nơi trang 20, 21]

Tôi và Katerina trước khi làm đám cưới vào năm 1950

[Hình nơi trang 21]

Với con đầu lòng tại nhà chúng tôi ở Paraguay, năm 1952

[Hình nơi trang 23]

Đại gia đình chúng tôi hiện nay

[Nguồn tư liệu]

Photo by Keith Trammel © 2000

[Nguồn tư liệu nơi trang 19]

Photo by Keith Trammel © 2000