Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cha trên trời là Đấng như thế nào?

Cha trên trời là Đấng như thế nào?

Cha trên trời là Đấng như thế nào?

Nhiều người có thể đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha, bài cầu nguyện mẫu mà Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ (Ma-thi-ơ 6:9-13). Mỗi khi đọc bài kinh này, họ gọi Thượng Đế hay Đức Chúa Trời là “Cha chúng tôi”. Nhưng có bao nhiêu người có thể nói họ biết rõ về Ngài?

Còn bạn thì sao? Bạn biết về Đức Chúa Trời đến mức nào? Bạn có mối quan hệ mật thiết với Ngài, thưa chuyện cũng như chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng Ngài không? Thế thì, biết về Ngài bao hàm điều gì?

“Danh Ngài là Giê-hô-va”

Một em bé mới biết đi có thể không biết nhiều về cha mình ngoài việc gọi người ấy là “ba”. Nhưng khi lớn lên, em bắt đầu biết tên cũng như danh tiếng của cha, và rất có thể em hãnh diện về ông. Còn về Cha trên trời là Đấng ban sự sống cho chúng ta thì sao? Bạn có biết danh Ngài và ý nghĩa của danh ấy không?

Dù nhiều người có thể lặp đi lặp lại câu “Chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng” khi đọc Kinh Lạy Cha, nhưng họ không biết danh ấy là gì (Trịnh Văn Căn). Bầu trời đầy sao, ngọn núi hùng vĩ, dải san hô sặc sỡ đầy những sinh vật là bằng chứng về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Nhưng chúng không cho chúng ta biết về danh Ngài. Muốn biết danh ấy, chúng ta phải tìm trong Kinh Thánh. Sách này nói ngắn gọn: “Danh Ngài là Giê-hô-va”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 15:3.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết danh Ngài là Giê-hô-va. Tại sao? Vì danh ấy cho biết Ngài là Đấng như thế nào. Danh ấy có nghĩa đen là “Đấng làm cho thành tựu”, hay nói cách khác, Ngài trở thành bất cứ vai trò nào Ngài muốn để thực hiện ý định của Ngài. Hãy thử nghĩ: Để chăm sóc gia đình, một người cha có thể phải trở thành người lao động chính, người cố vấn, quan tòa, người hòa giải, người bảo vệ và thầy giáo, tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu của gia đình. Tương tự thế, danh của Đức Giê-hô-va bảo đảm với chúng ta rằng Đức Chúa Trời hoàn toàn có khả năng thực hiện ý muốn Ngài hầu mang lại ân phước cho tất cả những ai phụng sự Ngài, bất kể điều gì có thể xảy ra.

Đức Chúa Trời đảm nhiệm một số vai trò khác nhau và điều này phù hợp với ý nghĩa của danh Ngài. Chúng ta hãy xem xét các vai trò ấy. Nhờ vậy, bạn sẽ hiểu Đức Giê-hô-va là Đấng như thế nào và biết phải làm gì để đến gần Ngài.

‘Đức Chúa Trời của sự yêu-thương và sự bình-an’

Một sứ đồ của Chúa Giê-su là Phao-lô gọi Đấng Tạo Hóa là ‘Đức Chúa Trời của sự yêu-thương và sự bình-an’ (2 Cô-rinh-tô 13:11). Tại sao ông có thể nói như thế? Trước đó Chúa Giê-su đã phán: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Vì tình yêu thương sâu đậm với nhân loại, Đức Chúa Trời đã ban Con yêu dấu của Ngài làm giá chuộc, mở đường cho những người thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su có cơ hội sống vĩnh cửu, thoát khỏi sự đau khổ do tội lỗi mang lại. Vì thế, ông Phao-lô cũng nói: “Tiền công của tội-lỗi là sự chết; nhưng sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23). Chẳng phải điều đó thôi thúc chúng ta yêu thương Đức Chúa Trời và đến gần Ngài hay sao?

Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu thương không chỉ với toàn thể nhân loại mà còn với từng cá nhân trung thành phụng sự Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên thời xưa thường tỏ ra ương ngạnh nên ông Môi-se là người lãnh đạo được Đức Chúa Trời bổ nhiệm đã nói với họ: “Hỡi dân khờ-dại không trí, các ngươi báo-đáp Đức Giê-hô-va như vậy sao? Ngài há chẳng phải là Cha ngươi. . . Há chẳng phải Ngài đã dựng nên ngươi, và lập ngươi sao?” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:6). Bạn có thấy tầm quan trọng của câu này không? Là Cha yêu thương, Đức Giê-hô-va vẫn quan tâm đến dân Ngài dù biết những thiếu sót của họ. Ngài đáp ứng những nhu cầu chính đáng của họ về mặt vật chất, tình cảm và tâm linh.

Tất cả chúng ta đều trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, và đôi khi cảm thấy đau buồn, thậm chí chán nản. Chúng ta cần có người nào đó giúp chúng ta có quan điểm đúng về tình cảnh và vấn đề của mình. Ai có thể giúp chúng ta? Qua Lời Ngài là Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài là Đấng Khuyên Bảo và Đấng Chăm Sóc đầy yêu thương. Kinh Thánh giải thích tại sao chúng ta phải chịu đựng đau khổ và làm thế nào thành công khi đương đầu với thử thách ấy. Khi thấy con ngã và bị thương, một người cha yêu thương sẽ ân cần đỡ con dậy. Tương tự thế, với tình yêu thương nồng ấm, Đức Giê-hô-va cúi xuống giúp đỡ khi chúng ta cần. Thật thế, Đức Giê-hô-va hoàn toàn có khả năng và sẵn lòng hỗ trợ những ai thể hiện đức tin nơi Ngài.—Ê-sai 59:1.

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta cũng được thể hiện qua việc Ngài là “Đấng nghe lời cầu-nguyện” (Thi-thiên 65:2). Tại sao có thể nói như thế? Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ” (Phi-líp 4:6, 7). Khi đến với Đức Chúa Trời bằng lời cầu nguyện chân thành và làm theo sự hướng dẫn của Ngài trong Kinh Thánh, bạn cũng có thể cảm nghiệm được “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết”.

“Đức Chúa Trời thông-biết mọi điều”

Giê-hô-va Đức Chúa Trời được miêu tả trong Kinh Thánh là Đấng “trọn-vẹn về trí-thức”. Là “Đức Chúa Trời thông-biết mọi điều”, Ngài hiểu bản chất và nhu cầu của loài người hơn bất cứ ai khác (Gióp 36:4; 1 Sa-mu-ên 2:3). Qua ông Môi-se, người phụng sự Ngài, Đức Chúa Trời cho biết “loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:3; Ma-thi-ơ 4:4). Điều này có nghĩa là để được thỏa nguyện trong đời sống, chúng ta không chỉ cần được đáp ứng nhu cầu vật chất mà thôi.

Đấng Tạo Hóa cung cấp cho chúng ta lời khuyên và sự hướng dẫn quý báu qua Kinh Thánh. Khi học Kinh Thánh và áp dụng lời khuyên của Ngài trong đời sống, chúng ta được lợi ích nhờ “mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra”. Chẳng hạn, một người thờ phượng Đức Giê-hô-va là chị Zuzanna nói về đời sống gia đình mình: “Hôn nhân chúng tôi được củng cố nhờ cùng nhau đọc Kinh Thánh, tham dự các buổi họp của hội thánh và chia sẻ với người khác những gì chúng tôi học được. Nhờ Đức Chúa Trời hướng dẫn, chúng tôi có cùng mục tiêu và tình cảm vợ chồng được gắn bó hơn”.

Bạn có muốn nhận được lợi ích từ lời khuyên và sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời không? Đều đặn học và áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh sẽ mang đến cho bạn nhiều ân phước.—Hê-bơ-rơ 12:9.

‘Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi’

Thế giới ngày nay đầy dẫy xung đột, và người ta không biết tương lai sẽ ra sao. Nếu sống trong một nước bị chiến tranh tàn phá, có thể bạn khao khát hòa bình. Ở nhiều nơi khác trên thế giới, người ta sống trong nỗi sợ hãi tội ác và bạo lực, kinh tế bấp bênh cũng như nạn khủng bố. Ai sẽ giải cứu chúng ta khỏi những điều này? Hơn bao giờ hết, ngày nay nhân loại cần được che chở và giải cứu.

Kinh Thánh nói: “Danh Đức Giê-hô-va vốn một ngọn tháp kiên-cố; kẻ công-bình chạy đến đó, gặp được nơi ẩn-trú cao” (Châm-ngôn 18:10). Biết về danh Đức Giê-hô-va và nương cậy nơi danh ấy có thể khiến chúng ta chú ý đến những điều Ngài đã làm và sẽ làm để giải thoát những người thể hiện đức tin nơi Ngài. Rõ ràng, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã cho thấy Ngài có thể giải cứu dân Ngài. Chẳng hạn, Ngài đã cứu dân Y-sơ-ra-ên bằng cách hủy diệt các chiến xa và đạo quân của Pha-ra-ôn. Đức Giê-hô-va đã chứng minh Ngài là Đức Chúa Trời thành tín, Đấng nhớ đến những người khốn khổ và muốn hành động vì lợi ích của họ.—Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1-4.

Tương lai vô tận của chúng ta cũng tùy thuộc vào việc chúng ta tin Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Rỗi. Vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên xưa, người từng đương đầu với muôn vàn khó khăn, đã thể hiện đức tin như thế khi ông viết về Đức Giê-hô-va: “Ngài là Đức Chúa Trời về sự cứu-rỗi tôi” (Thi-thiên 25:5). Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nói với lòng tin chắc: “Chúa biết cứu-chữa những người tin-kính khỏi cơn cám-dỗ”.—2 Phi-e-rơ 2:9.

Nói về người trông cậy nơi sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, Ngài hứa: “Vì người biết danh Ta nên ta bảo vệ người” (Thi-thiên 91:14, Bản Dịch Mới). Thời nay, những người phụng sự Đức Chúa Trời cảm nghiệm được lời hứa ấy là thật. Chẳng hạn, anh Henryk ở Ba Lan đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va 70 năm bất kể nghịch cảnh và sự ngược đãi. Khi anh mới 16 tuổi, cha của anh bị đưa đến trại tập trung ở Auschwitz. Còn anh và anh trai bị đưa đến trại cải huấn của Đức quốc xã dành cho trẻ vị thành niên. Sau đó, anh Henryk bị chuyển từ trại tập trung này đến trại tập trung khác. Anh nhớ lại thời kỳ ấy: “Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, Đức Giê-hô-va không bao giờ lìa bỏ tôi. Ngài luôn giúp tôi giữ lòng trung thành, thậm chí trong những lần tôi phải đối mặt với cái chết”. Thật vậy, Đức Giê-hô-va ban cho những người phụng sự Ngài đức tin và nghị lực để chịu đựng.

Chẳng bao lâu nữa, Đức Chúa Trời sẽ là Đấng Cứu Rỗi cho tất cả những ai thể hiện đức tin nơi Ngài và trông đợi Ngài giải cứu. Đức Chúa Trời phán: “Chính ta là Đức Giê-hô-va, ngoài ta không có Cứu-Chúa nào khác” (Ê-sai 43:11). Tại “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”, Ngài sẽ tiêu diệt người ác khỏi trái đất và giải cứu người ngay thẳng (Khải-huyền 16:14, 16; Châm-ngôn 2:21, 22). Đức Giê-hô-va cam đoan với chúng ta rằng: “Người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”.—Thi-thiên 37:11.

Trở thành “con-cái Đức Chúa Trời”

Trong thời của nhà tiên tri Ma-la-chi, dân Y-sơ-ra-ên tuyên bố Đức Giê-hô-va là Cha của họ. Tuy nhiên, khi phải thể hiện lòng tôn kính và trung thành với Ngài, họ lại dâng lễ vật là bánh ô uế và các con vật mù, què. Do đó, Đức Giê-hô-va hỏi họ: “Nếu ta là cha, nào sự tôn-kính thuộc về ta ở đâu?”.—Ma-la-chi 1:6.

Bạn chớ phạm sai lầm như những người Y-sơ-ra-ên bất trung ấy. Thay vì thế, chúng tôi mong muốn bạn tìm hiểu về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và đến gần Ngài. Môn đồ Gia-cơ cũng khuyến khích: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”.—Gia-cơ 4:8.

Việc biết Đức Giê-hô-va là Cha cũng kèm theo một số trách nhiệm. Nếu bạn cố gắng tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách trung thành giữ các tiêu chuẩn của Ngài trong mọi khía cạnh của đời sống, Ngài sẽ chẳng bao giờ quên nỗ lực của bạn. Hơn nữa, Ngài sẽ giúp bạn đi trong con đường ngay thẳng dẫn đến thế giới mới mà Ngài đã hứa, một thế giới “không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa” (Khải-huyền 21:4). Lúc ấy, tất cả những người biết vâng lời “sẽ được giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát, đặng dự phần trong sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 8:21.

[Câu nổi bật nơi trang 5]

Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết danh Ngài là Giê-hô-va, có nghĩa là “Đấng làm cho thành tựu”

[Câu nổi bật nơi trang 6]

“Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, Đức Giê-hô-va không bao giờ lìa bỏ tôi”.—ANH HENRYK

[Câu nổi bật nơi trang 7]

“Hôn nhân chúng tôi được củng cố nhờ cùng nhau đọc Kinh Thánh, tham dự các buổi họp của hội thánh và chia sẻ với người khác những gì chúng tôi học được”.—CHỊ ZUZANNA