Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lời dạy dỗ trở thành thánh thư việc ghi chép và môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu

Lời dạy dỗ trở thành thánh thư việc ghi chép và môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu

Lời dạy dỗ trở thành thánh thư việc ghi chép và môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu

Nhiều thế hệ của những người tin thánh thư hay Kinh Thánh đã dành ra không biết bao nhiêu thời gian để đọc, học và phân tích phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, thường gọi là Tân ước. Đó là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất. Tân ước cũng như cả Kinh Thánh có ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới, hình thành giá trị luân lý đạo đức và tạo nguồn cảm hứng cho văn học, nghệ thuật. Quan trọng hơn hết, Tân ước đã giúp hàng triệu người—có thể kể cả bạn—có sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su.—Giăng 17:3.

Bốn sách Phúc âm, cũng như các sách khác trong Tân ước, không được viết ngay sau cái chết của Chúa Giê-su. Dường như ông Ma-thi-ơ đã viết Phúc âm mang tên ông khoảng 7 hoặc 8 năm sau đó, còn sách Phúc âm Giăng thì được viết khoảng 65 năm sau. Làm thế nào hai ông có thể ghi lại thật chính xác lời nói và việc làm của Chúa Giê-su? Rõ ràng thánh linh, tức sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời, giữ vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn họ (Giăng 14:16, 26). Tuy nhiên, làm sao những lời dạy dỗ của Chúa Giê-su được truyền lại một cách chính xác, và cuối cùng trở thành một phần của Kinh Thánh?

“Hầu như mù chữ”?

Trong thế kỷ qua, một số người cho rằng các môn đồ của Chúa Giê-su thời ban đầu dường như không ghi chép mà chỉ truyền miệng lại những dạy dỗ và việc làm của ngài. Chẳng hạn, một học giả cho biết: “Khoảng thời gian giữa thánh chức của Chúa Giê-su và các sách Phúc âm ghi lại lời dạy dỗ của ngài cách nhau vài thập niên. Trong thời gian này những gì liên quan đến Chúa Giê-su đều được người ta truyền miệng”. Thậm chí một vài nhà nghiên cứu lý luận rằng các môn đồ của Chúa Giê-su thời ban đầu “hầu như mù chữ” *. Hơn nữa, họ cho rằng trong những thập niên ấy, những lời truyền miệng thuật lại thánh chức của Chúa Giê-su đều bị phóng đại, sửa đổi hoặc thêm thắt chi tiết. Vì thế theo họ, những lời ấy hoàn toàn không chính xác.

Lý luận khác mà một số học giả thích đưa ra là các môn đồ người Do Thái thân cận với Chúa Giê-su có lẽ đã theo phương pháp dạy dỗ của các thầy ra-bi, đó là học thuộc lòng bằng cách lặp đi lặp lại. Phương pháp này giúp cho việc truyền miệng được chính xác. Nhưng có phải các môn đồ chỉ dựa vào những lời truyền miệng mà thôi? Ghi chép chẳng phải đã đóng một vai trò trong việc lưu giữ các lời tường thuật về thánh chức của Chúa Giê-su sao? Dù chúng ta không thể chắc chắn, nhưng có lẽ việc ghi chép đã thật sự đóng vai trò ấy.

Việc ghi chép là một phần của đời sống hằng ngày

Vào thế kỷ thứ nhất, người thuộc mọi tầng lớp xã hội đều biết đọc và biết viết. Ông Alan Millard, giáo sư về tiếng Do Thái và nhóm tiếng Xê-mít cổ, nhận xét về điều này: “Việc biết viết tiếng Hy Lạp, A-ram và Do Thái rất phổ biến, và trong mọi tầng lớp xã hội đều có người biết viết các thứ tiếng này. . . Chúa Giê-su đã rao giảng trong bối cảnh đó”.

Theo giáo sư Millard, người ta khẳng định rằng Phúc âm đã “được viết ra trong một xã hội toàn là người mù chữ”. Ông cho biết thêm: “Điều này dường như không chính xác, [vì] khắp nơi người ta đều quen với việc ghi chép. . . Vì thế trong đám đông, thường có người có khả năng ghi lại những điều đã được nghe, dù để làm tài liệu riêng hoặc cung cấp thông tin cho người khác”.

Dường như vào thời đó đã có những bảng bằng sáp, và người ta dùng chúng để ghi chép thông tin. Chẳng hạn, trong sách Lu-ca chương 1 cho biết người ta hỏi ông Xa-cha-ri, người tạm thời bị mất khả năng nói, muốn đặt tên gì cho con trai ông. Câu 63 trong chương ấy viết: “Xa-cha-ri biểu [có lẽ bằng cách ra dấu] lấy bảng nhỏ, và viết rằng: Giăng là tên nó”. Các từ điển Kinh Thánh giải thích rằng từ “bảng nhỏ” có thể muốn nói đến một tấm bảng bằng gỗ được phủ sáp. Có thể một người hiện diện ở đấy có mang theo tấm bảng nên đã đưa cho Xa-cha-ri.

Cũng có một thí dụ khác cho thấy vào thời đó người ta rõ ràng đã biết đến những bảng bằng sáp và cách sử dụng chúng. Sách Công-vụ cho biết ông Phi-e-rơ đã khuyên đám đông tại đền thờ như sau: “Hãy ăn-năn. . . đặng cho tội-lỗi mình được xóa đi” (Công-vụ 3:11, 19). Từ “xóa đi” đến từ một động từ Hy Lạp có nghĩa là “lau sạch”, “tẩy sạch”. Một từ điển về Tân ước (The New International Dictionary of New Testament Theology) giải thích: “Động từ được dùng ở đây, và có lẽ ở những chỗ khác trong Tân ước, rất có thể gợi cho người ta ý niệm làm nhẵn bề mặt bảng bằng sáp để có thể dùng lại được”.

Lời tường thuật trong các sách Phúc âm cũng cho thấy trong số các môn đồ và người nghe Chúa Giê-su giảng dạy, có những người làm công việc có thể đòi hỏi phải ghi chép hằng ngày. Chẳng hạn, các lời tường thuật ấy đề cập đến hai người thâu thuế là Ma-thi-ơ và Xa-chê (Ma-thi-ơ 9:9; Lu-ca 19:2); một người cai nhà hội (Mác 5:22); một thầy đội (Ma-thi-ơ 8:5); vợ quan nội vụ của vua Hê-rốt An-ti-ba là Gian-nơ (Lu-ca 8:3); cũng như các thầy thông giáo, người Pha-ri-si, người Sa-đu-sê và các thành viên của Tòa Công Luận (Ma-thi-ơ 21:23, 45; 22:23; 26:59). Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều sứ đồ và môn đồ của Chúa Giê-su, nếu không muốn nói là tất cả đều biết viết.

Người học, người dạy và người ghi chép

Để trở thành người dạy dỗ về Chúa Giê-su, các môn đồ không những cần biết những điều ngài dạy và làm, mà còn phải hiểu Luật pháp Môi-se và những lời tiên tri trong phần Kinh Thánh tiếng Do Thái (thường gọi là Cựu ước) áp dụng cho ngài như thế nào (Công-vụ 18:5). Điều thú vị là ông Lu-ca đã ghi lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với vài môn đồ chẳng bao lâu sau khi ngài được sống lại. Chúa Giê-su đã làm gì? “Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên-tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh-thánh”. Một thời gian ngắn sau đó, Chúa Giê-su phán với các môn đồ: “Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật-pháp Môi-se, các sách tiên-tri, cùng các thi-thiên phải được ứng-nghiệm. Bấy giờ Ngài mở trí cho môn-đồ được hiểu Kinh-thánh” (Lu-ca 24:27, 44, 45). Sau đó, các môn đồ “nhớ lại” những điều sâu xa mà Chúa Giê-su đã dạy họ.—Giăng 12:16.

Những lời tường thuật này cho thấy các sứ đồ và môn đồ hẳn phải nghiên cứu và học hỏi Kinh Thánh kỹ lưỡng để có thể hiểu rõ ý nghĩa những điều họ thấy và nghe liên quan đến Chúa của họ là Chúa Giê-su (Lu-ca 1:1-4; Công-vụ 17:11). Ông Harry Y. Gamble, giáo sư nghiên cứu về tôn giáo của Đại học Virginia, cho biết về vấn đề này: “Chúng ta không nghi ngờ gì là ngay từ ban đầu các môn đồ của Chúa Giê-su cố gắng nghiên cứu kỹ và giải nghĩa phần Kinh Thánh tiếng Do Thái. Có lẽ họ đã tập hợp thành những nhóm để làm thế. Nhờ nghiên cứu, họ tìm được những câu Kinh Thánh làm bằng chứng ủng hộ niềm tin của mình, và ghi chép lại để có thể dùng trong công việc rao giảng”.

Tất cả những điều này cho thấy thay vì chỉ dựa vào phương pháp truyền miệng, các môn đồ thời ban đầu đã đọc, viết và nghiên cứu rất nhiều. Họ là những người học, người dạy và người ghi chép. Trên hết, họ là những người có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời và nương cậy nơi sự hướng dẫn của thánh linh Ngài. Chúa Giê-su cam đoan rằng ‘thần lẽ thật’ này sẽ ‘nhắc lại cho họ nhớ mọi điều ngài đã phán cùng họ’ (Giăng 14:17, 26). Thánh linh Đức Chúa Trời giúp họ nhớ và ghi lại những điều Chúa Giê-su nói và làm, ngay cả những lời giảng dạy dài như Bài giảng trên núi (Ma-thi-ơ chương 5-7). Thánh linh cũng hướng dẫn những người viết Phúc âm ghi lại cảm xúc của Chúa Giê-su trong một số trường hợp, cũng như các lời cầu nguyện của ngài.—Ma-thi-ơ 4:2; 9:36; Giăng 17:1-26.

Vì vậy, dù những người viết Phúc âm rõ ràng đã sử dụng cả phương pháp truyền miệng lẫn ghi chép, nhưng những điều họ viết đều đến từ nguồn tối thượng và đáng tin cậy nhất là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Thế nên, chúng ta có thể tin chắc rằng “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”, có khả năng dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta đi trong đường lối làm vui lòng Ngài.—2 Ti-mô-thê 3:16.

[Chú thích]

[Câu nổi bật nơi trang 14]

Trong số các môn đồ của Chúa Giê-su, có những người làm công việc có thể đòi hỏi phải ghi chép hằng ngày

[Câu nổi bật nơi trang 15]

Thánh linh Đức Chúa Trời giúp các môn đồ thời ban đầu nhớ lại và ghi chép những điều Chúa Giê-su nói và làm

[Khung/​Hình nơi trang 15]

 Các sứ đồ có phải là người mù chữ không?

Khi nhà cầm quyền và những người được tôn trọng ở Giê-ru-sa-lem “thấy sự dạn-dĩ của Phi-e-rơ và Giăng, biết rõ rằng ấy là người dốt-nát không học, thì đều lấy làm lạ” (Công-vụ 4:13). Có phải các sứ đồ của Chúa Giê-su là những người mù chữ không? Một bản Kinh Thánh (The New Interpreter’s Bible) bình luận rằng cụm từ “dốt-nát không học” trong câu này “có lẽ không hiểu theo nghĩa đen là sứ đồ Phi-e-rơ [và Giăng] là những người thất học và không biết đọc biết viết, nhưng cho thấy sự khác biệt về giai cấp xã hội giữa các sứ đồ và những người đang xét xử họ”.

[Hình nơi trang 13]

“Xa-cha-ri biểu lấy bảng nhỏ, và viết rằng: Giăng là tên nó”

[Hình nơi trang 13]

Một tấm bảng bằng sáp với dụng cụ để viết vào thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai CN

[Nguồn tư liệu]

© British Museum/Art Resource, NY