Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức tin giúp tôi đối phó với bi kịch của đời sống

Đức tin giúp tôi đối phó với bi kịch của đời sống

Đức tin giúp tôi đối phó với bi kịch của đời sống

Do Soledad Castillo kể lại

Nhiều lần trong đời, sự cô đơn dường như đã nhấn chìm tôi, nhưng tôi không khuất phục. Người chồng thân yêu của tôi đã qua đời lúc tôi 34 tuổi. Sáu năm sau, cha tôi cũng từ trần. Tám tháng sau đó, tôi được biết con trai duy nhất của mình mắc một căn bệnh nan y.

Tôi tên Soledad, có nghĩa là “sự cô đơn”. Dù vậy, điều kỳ lạ là dường như tôi không bao giờ cảm thấy hoàn toàn cô đơn. Khi đối phó với bi kịch, tôi tin rằng có Đức Giê-hô-va ở bên cạnh, ‘nắm tay hữu và giúp đỡ tôi để tôi không sợ hãi’ (Ê-sai 41:13). Hãy để tôi giải thích làm thế nào tôi có thể vượt qua được bi kịch của đời sống và đến gần Đức Giê-hô-va hơn.

Những năm tháng bình yên

Tôi sinh ra vào ngày 3-5-1961, ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha. Tôi là con duy nhất của ông José và bà Soledad. Khi tôi lên chín, mẹ tôi biết được chân lý trong Kinh Thánh. Từ lâu, mẹ tôi đã tìm kiếm lời giải đáp cho những thắc mắc về tôn giáo nhưng không được nhà thờ trả lời thỏa đáng. Một ngày nọ, hai Nhân Chứng Giê-hô-va đã gặp mẹ ở nhà và dùng Kinh Thánh giải đáp hết mọi thắc mắc ấy. Mẹ tôi sốt sắng nhận lời tìm hiểu Kinh Thánh.

Trong một thời gian ngắn, mẹ tôi đã làm báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Vài năm sau, cha tôi cũng theo gương mẹ. Chị Eliana, người giúp mẹ tôi học Kinh Thánh, nhanh chóng nhận thấy tôi rất chú ý đến Lời Đức Chúa Trời. Dù tôi chỉ là một cô bé, chị Eliana đề nghị tôi học Kinh Thánh riêng với chị. Nhờ chị Eliana giúp đỡ và mẹ động viên, tôi làm báp têm lúc 13 tuổi.

Trong thời niên thiếu, tôi thường cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, đặc biệt khi phải quyết định một điều gì. Thành thật mà nói, tôi không gặp nhiều vấn đề trong thời niên thiếu. Tôi có nhiều bạn trong hội thánh, và khắng khít với cha mẹ. Năm 1982, tôi kết hôn với anh Felipe, một Nhân Chứng có cùng mục tiêu phụng sự Đức Chúa Trời giống như tôi.

Dạy con yêu mến Đức Giê-hô-va

Sau khi kết hôn được 5 năm, chúng tôi có một bé trai xinh xắn và đặt tên cháu là Saúl. Vợ chồng tôi vui sướng khi có con. Chúng tôi mong Saúl lớn lên khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, đồng thời yêu mến Đức Chúa Trời. Chúng tôi dành nhiều thời gian cho Saúl, nói với con về Đức Giê-hô-va, dùng bữa chung với con, dẫn con đi công viên và cùng chơi trò chơi. Saúl rất thích được cùng anh Felipe đi chia sẻ Kinh Thánh với người khác. Từ khi con còn nhỏ, anh Felipe đã để Saúl tham gia công việc rao giảng bằng cách dạy con bấm chuông và mời người ta nhận giấy mỏng.

Saúl là một đứa bé ngoan, yêu thương cha mẹ và biết vâng lời. Lúc sáu tuổi, cháu đã thường xuyên đi rao giảng với chúng tôi. Cháu thích nghe những câu chuyện trong Kinh Thánh, và mong chờ đến buổi học Kinh Thánh của gia đình. Không lâu sau khi Saúl bắt đầu đi học, cháu đã biết quyết định những chuyện nhỏ dựa trên những gì học được từ Kinh Thánh.

Tuy nhiên, khi Saúl lên bảy, đời sống gia đình chúng tôi đột ngột thay đổi. Anh Felipe bị nhiễm siêu vi ở phổi. Suốt 11 tháng, anh đã phải chống chọi với căn bệnh, không thể làm việc và thường nằm liệt giường. Chồng tôi qua đời năm 36 tuổi.

Tôi vẫn còn khóc mỗi khi nhớ đến cái năm đau lòng ấy. Tôi bất lực khi thấy chồng mình dần dần bị căn bệnh đánh bại. Suốt giai đoạn đó, tôi cố gắng khích lệ anh Felipe, dù trong thâm tâm, mọi hy vọng và mong đợi của tôi đều tan biến. Tôi đọc các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh cho anh nghe, nhờ đó vợ chồng tôi được vững mạnh đức tin khi không thể tham dự các buổi họp của Nhân Chứng. Khi anh ấy mất, một cảm giác vô cùng trống vắng xâm chiếm tâm hồn tôi.

Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ tôi. Tôi luôn luôn xin Ngài ban thánh linh. Tôi cám ơn Ngài về những năm tháng hạnh phúc mà tôi có với anh Felipe, và hy vọng được gặp nhau khi anh sống lại. Tôi cầu xin Đức Chúa Trời giúp tôi thỏa nguyện với kỷ niệm chúng tôi có với nhau, và ban cho tôi sự khôn ngoan để nuôi dạy con trai trở thành một môn đồ chân chính của Chúa Giê-su. Dù vô cùng đau khổ, tôi vẫn cảm thấy được an ủi.

Cha mẹ tôi và các anh chị trong hội thánh đã nâng đỡ tôi rất nhiều. Dù vậy, tôi có trách nhiệm hướng dẫn Saúl học Kinh Thánh và dạy cho cháu cách phụng sự Đức Giê-hô-va. Người chủ cũ đã đề nghị một công việc văn phòng có lương khá cao, nhưng tôi chọn việc dọn dẹp để có thể dành nhiều thời gian hơn với Saúl và ở nhà với cháu sau khi cháu đi học về.

Một câu Kinh Thánh đặc biệt giúp tôi thấy tầm quan trọng của việc dạy dỗ Saúl theo đường lối của Đức Chúa Trời, đó là: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó” (Châm-ngôn 22:6). Câu này cho tôi hy vọng rằng nếu tôi hết sức dạy dỗ Saúl hiểu được quan điểm của Đức Giê-hô-va thì Ngài sẽ ban phước cho những nỗ lực của tôi. Thật vậy, dù tài chính của tôi có phần eo hẹp hơn, nhưng tôi cần dành thời gian cho con trai, điều quan trọng hơn bất cứ lợi ích về vật chất nào.

Khi Saúl lên 14 tuổi, cha tôi qua đời. Cháu đặc biệt suy sụp, vì cái chết của ông ngoại gợi lại nỗi đau mất cha. Cha tôi cũng đã nêu gương tốt về tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va. Sau mất mát này, Saúl nghĩ rằng cháu đã trở thành “người đàn ông” duy nhất trong gia đình, có nhiệm vụ chăm sóc mẹ và bà ngoại.

Chống chọi với bệnh ung thư bạch cầu

Tám tháng sau khi cha tôi qua đời, bác sĩ bảo tôi cho Saúl đi khám ở bệnh viện địa phương vì cháu thường cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Sau một loạt kiểm tra, các bác sĩ cho tôi biết Saúl bị ung thư bạch cầu *.

Suốt hai năm rưỡi sau, Saúl ra vào bệnh viện để chống chọi với căn bệnh ung thư và các liệu pháp hóa trị mà bác sĩ dùng để chữa trị. Chương trình chữa trị 6 tháng đầu đã làm thuyên giảm bệnh của cháu được 18 tháng. Tuy nhiên, nó đã trở lại và Saúl phải hóa trị một lần nữa. Dù là trong thời gian ngắn hơn, nhưng lần hóa trị này đã làm cháu bị suy yếu trầm trọng. Căn bệnh ung thư chỉ thuyên giảm trong một giai đoạn ngắn, và Saúl không thể chịu được lần hóa trị thứ ba. Saúl đã dâng mình cho Đức Chúa Trời và bày tỏ ước muốn được làm báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, nhưng cháu đã qua đời khi vừa được 17 tuổi.

Các bác sĩ thường đề nghị tiếp máu để chống lại tác hại nghiêm trọng của việc hóa trị. Tuy nhiên, tiếp máu không thể chữa được bệnh. Ngay từ khi các bác sĩ chẩn đoán Saúl bị ung thư bạch cầu, chúng tôi cho biết rõ sẽ không chấp nhận phương pháp trị liệu này vì muốn vâng theo luật pháp của Đức Giê-hô-va là “kiêng-giữ. . . huyết” (Công-vụ 15:19, 20). Vài lần lúc tôi vắng mặt, Saúl đã phải thuyết phục các bác sĩ là cháu tự quyết định về vấn đề này. (Xin xem khung nơi trang 31).

Cuối cùng các bác sĩ kết luận rằng Saúl có quyền quyết định vì tuy ở tuổi vị thành niên nhưng cháu đã suy nghĩ chín chắn và hiểu rõ căn bệnh của mình. Họ đồng ý tôn trọng lập trường của chúng tôi và chấp nhận phương pháp trị liệu không dùng máu. Dù thế, Saúl và tôi vẫn liên tục bị áp lực phải thay đổi quyết định. Tôi cảm thấy rất tự hào về Saúl khi nghe cháu giải thích lập trường của mình với các bác sĩ. Rõ ràng, cháu đã có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va.

Vào mùa hè năm chúng tôi biết Saúl bị mắc bệnh, cuốn sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va được ra mắt tại hội nghị địa hạt ở Barcelona. Quyển sách vô giá ấy như một cái neo giúp chúng tôi đứng vững khi đối phó với tương lai bấp bênh và đầy thử thách. Mẹ con tôi cùng nhau đọc sách này trong nhiều giờ khi chúng tôi ở bệnh viện. Sau này, trong những lúc khó khăn, chúng tôi thường nhớ lại những điểm hay trong sách. Đó là lúc câu Kinh Thánh Ê-sai 41:13 được đề cập ở lời mở đầu của sách có ý nghĩa đặc biệt đối với chúng tôi. Câu ấy nói: “Vì ta, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, sẽ nắm tay hữu ngươi, và phán cùng ngươi rằng: Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”.

Đức tin của Saúl khiến người khác xúc động

Tính chín chắn và lạc quan của Saúl đã gây ấn tượng sâu sắc với các bác sĩ và y tá ở bệnh viện Vall d’Hebrón. Toàn thể đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc Saúl đều yêu mến cháu. Sau trường hợp của Saúl, bác sĩ trưởng khoa huyết học chuyên điều trị ung thư đã chấp nhận chữa trị cho các Nhân Chứng trẻ mắc bệnh ung thư bạch cầu, và tỏ ra tôn trọng nhân phẩm của các em. Ông nhớ lại quyết tâm giữ vững niềm tin, lòng can đảm khi đối mặt với cái chết và quan điểm lạc quan về cuộc sống của Saúl. Đội ngũ y tá nói với Saúl rằng cháu là bệnh nhân tốt nhất mà họ gặp trong khu điều trị đó. Theo họ, cháu không bao giờ than phiền và mất tính hài hước, thậm chí cho đến giây phút cuối cùng.

Một nhà tâm lý học nói với tôi rằng nhiều trẻ em ở tuổi này mắc bệnh nan y thường có khuynh hướng chống lại các bác sĩ và cha mẹ vì cảm thấy khó chịu và thất vọng. Bà nhận thấy Saúl thì không như thế. Bà rất ngạc nhiên khi thấy Saúl bình tĩnh và tích cực. Nhờ đó, Saúl và tôi đã có cơ hội để làm chứng cho bà về niềm tin của chúng tôi.

Tôi cũng nhớ lại việc Saúl đã gián tiếp giúp đỡ một anh trong hội thánh của chúng tôi. Anh này mắc bệnh trầm cảm sáu năm và thuốc men không cải thiện tình trạng của anh. Vài lần anh đã đến ngủ lại ở bệnh viện để chăm sóc Saúl. Anh cho tôi biết thái độ của Saúl khi đối mặt với bệnh ung thư bạch cầu đã tạo một ấn tượng sâu sắc. Anh nhận thấy dù kiệt sức, Saúl cố gắng khuyến khích những người đến thăm cháu. Anh nói: “Gương của Saúl đã cho tôi can đảm để đối phó với chứng trầm cảm”.

Giờ đây đã ba năm trôi qua kể từ khi Saúl qua đời. Dĩ nhiên, nỗi đau vẫn còn đấy. Tôi không mạnh mẽ, nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho tôi “quyền-phép lớn” vượt quá mức bình thường (2 Cô-rinh-tô 4:7). Tôi học được rằng ngay cả những kinh nghiệm khó khăn và đau thương nhất cũng có mặt tích cực. Học cách đối phó với cái chết của chồng, cha và con trai đã giúp tôi nghĩ đến người khác nhiều hơn và thông cảm với những người đang đau khổ. Trên hết, những kinh nghiệm đó khiến tôi đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Tôi có thể đương đầu với tương lai mà không sợ hãi vì Cha trên trời luôn giúp đỡ tôi. Ngài vẫn nắm lấy tay tôi.

[Chú thích]

^ đ. 19 Saúl mắc bệnh ung thư bạch cầu nguyên bào lymphô, một dạng ung thư máu nghiêm trọng vì nó hủy diệt các bạch cầu.

[Khung/​Hình nơi trang 31]

BẠN CÓ THẮC MẮC?

Có lẽ bạn đã nghe rằng Nhân Chứng Giê-hô-va không tiếp máu. Bạn có thắc mắc tại sao không?

Lập trường dựa trên Kinh Thánh này thường bị hiểu lầm. Đôi khi người ta cho rằng Nhân Chứng Giê-hô-va từ chối mọi phương pháp trị liệu y khoa hoặc đơn giản là họ không quý trọng sự sống. Những điều này không đúng. Nhân Chứng Giê-hô-va tìm phương pháp trị liệu tốt nhất có thể được cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, họ chỉ chấp nhận những phương pháp không dùng máu. Tại sao?

Lập trường của họ dựa trên một luật cơ bản mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người. Ngay sau trận Đại Hồng Thủy thời ông Nô-ê, Đức Chúa Trời cho phép Nô-ê và gia đình ông được ăn thịt thú vật. Nhưng Ngài cho mệnh lệnh này: Họ không được ăn huyết (Sáng-thế Ký 9:3, 4). Cả nhân loại đều là con cháu của ông Nô-ê, nên luật này cũng áp dụng cho mọi người. Luật này không bao giờ bị bãi bỏ. Hơn tám thế kỷ sau, Đức Chúa Trời xác nhận lại luật này với dân Y-sơ-ra-ên xưa, giải thích rằng huyết là thánh khiết và tượng trưng cho sinh mạng hay sự sống (Lê-vi Ký 17:14). Hơn 1.500 năm sau, các sứ đồ đã khuyên tất cả mọi người theo Chúa Giê-su phải ‘kiêng huyết’.—Công-vụ 15:29.

Đối với Nhân Chứng Giê-hô-va, rõ ràng không thể ‘kiêng huyết’ nếu tiếp máu vào cơ thể. Thế nên, họ chỉ chấp nhận những phương pháp trị liệu không dùng máu. Lập trường dựa trên Kinh Thánh này thường giúp các Nhân Chứng nhận được phương pháp trị liệu tốt hơn. Đó là lý do tại sao nhiều người không phải là Nhân Chứng cũng yêu cầu phương pháp trị liệu không dùng máu.

[Hình nơi trang 29]

Với chồng tôi là anh Felipe và con trai là Saúl

[Hình nơi trang 29]

Cha mẹ tôi là José và Soledad

[Hình nơi trang 30]

Saúl một tháng trước khi qua đời