Bạn có biết?
Bạn có biết?
Tại sao ngày Sa-bát của người Do Thái bắt đầu vào lúc chiều tối?
Khi ban luật pháp cho dân Ngài về ngày Lễ Chuộc Tội, Đức Giê-hô-va phán: “Ngày đó chẳng nên làm công-việc nào. . . Ấy sẽ là một lễ sa-bát, một ngày nghỉ cho các ngươi. . . Các ngươi phải giữ lễ sa-bát mình, từ chiều nay đến chiều mai” (Lê-vi Ký 23:28, 32). Luật này cho thấy một ngày bắt đầu vào lúc chiều tối, sau khi mặt trời lặn, và kết thúc khi mặt trời lặn vào hôm sau. Thế nên, đối với người Do Thái, một ngày kéo dài từ chiều tối hôm trước đến chiều tối hôm sau.
Phương pháp tính ngày này là theo cách tính của chính Đức Chúa Trời. Kinh Thánh tường thuật về ngày theo nghĩa tượng trưng mà Ngài bắt đầu cuộc sáng tạo như sau: “Có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhứt”. Những “ngày” tiếp theo cũng được tính theo cách đó, bắt đầu vào “buổi chiều”.—Sáng-thế Ký 1:5, 8, 13, 19, 23, 31.
Không chỉ có người Do Thái tính ngày theo cách này. Người Athens, Numidia và Phoenicia cũng làm thế. Nhưng người Ba-by-lôn thì xem một ngày mới bắt đầu khi mặt trời mọc. Còn người Ai Cập và La Mã xem một ngày bắt đầu từ lúc nửa đêm và kết thúc vào lúc nửa đêm hôm sau. Đây là cách tính ngày phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, người Do Thái ngày nay vẫn giữ ngày Sa-bát bắt đầu vào lúc mặt trời lặn.
“Một quãng đường ước đi một ngày Sa-bát” dài bao nhiêu?
Sau khi chứng kiến Chúa Giê-su về trời trên núi Ô-li-ve, các môn đồ ngài trở về thành Giê-ru-sa-lem, “một quãng đường ước đi một ngày Sa-bát” (Công-vụ 1:12). Một người có thể đi bộ khoảng 30 cây số suốt một ngày. Tuy nhiên, núi Ô-li-ve rất gần Giê-ru-sa-lem. Vậy, “một quãng đường ước đi một ngày Sa-bát” có nghĩa gì?
Sa-bát là ngày dân Y-sơ-ra-ên nghỉ các công việc thường ngày, thậm chí không thắp lửa trong nhà vào ngày đó (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10; 35:2, 3). Đức Giê-hô-va ban lệnh: “Trong ngày thứ bảy, mỗi người phải ở yên chỗ mình” (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:29). Luật này cho người Y-sơ-ra-ên cơ hội để nghỉ các công việc thường ngày và tập trung nhiều hơn vào những việc liên quan đến sự thờ phượng Đức Chúa Trời.
Vì chưa hài lòng với những nguyên tắc trong Luật Pháp của Đức Giê-hô-va, các thầy ra-bi có quan điểm cứng nhắc đã độc đoán quy định khoảng cách một người có thể đi vào ngày Sa-bát, chẳng hạn để tham dự việc thờ phượng. Về vấn đề này, Bách khoa tự điển văn chương Kinh Thánh, thần học và giáo hội (Cyclopedia of Biblical, Theological, and Ecclesiastical Literature) cho biết: “Những luật khắt khe về việc giữ ngày Sa-bát đã dẫn đến. . . điều luật là không người Y-sơ-ra-ên nào được đi bộ vào ngày này xa hơn một đoạn đường xác định, gọi là quãng đường của ngày Sa-bát”. Đoạn đường này dài 2.000 cu-đê, tương đương 890m đến 1.110m.
[Hình nơi trang 11]
Thành Giê-ru-sa-lem nhìn từ núi Ô-li-ve