Các sách Phúc âm đáng tin cậy không?
Các sách Phúc âm đáng tin cậy không?
“Bây giờ chúng ta phải công nhận rằng các sách Phúc âm là kết quả của các câu chuyện huyền thoại do các môn đồ Ki-tô giáo thời ban đầu sáng tác”.—Burton L. Mack, giáo sư đã nghỉ hưu từng nghiên cứu về Tân ước.
Không chỉ giáo sư này mới có quan điểm như thế. Rất nhiều học giả đã nghi ngờ tính đáng tin cậy của các sách Phúc âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng—những lời tường thuật trong Kinh Thánh về cuộc đời và công việc rao giảng của Chúa Giê-su. Tại sao một số người xem Phúc âm là chuyện huyền thoại? Quan điểm của họ có khiến bạn nghi ngờ tính chân thật của Phúc âm không? Chúng ta hãy cùng xem một số bằng chứng.
Một số nghi vấn về tính đáng tin cậy của Phúc âm
Suốt 17 thế kỷ sau công nguyên, tính đáng tin cậy của Phúc âm chưa bao giờ bị nghi ngờ nghiêm trọng. Tuy nhiên, đặc biệt từ thế kỷ 19 trở đi, nhiều nhà thông thái đã xem Phúc âm không phải là những sách đến từ Đức Chúa Trời nhưng do loài người sáng tác. Ngoài ra, họ không chấp nhận những người viết Phúc âm có những thông tin trực tiếp từ Chúa Giê-su, và khăng khăng cho rằng những người này không có khả năng ghi lại lịch sử một cách đáng tin cậy. Hơn nữa, các nhà thông thái ấy kết luận rằng Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca đã chép lại phần lớn thông tin của nhau nên mới dẫn đến sự tương đồng giữa cấu trúc và nội dung của ba sách Phúc âm đầu (đôi khi được gọi là Phúc âm cộng quan, có nghĩa “đồng quan điểm”). Những nhà phê bình cũng bác bỏ các phép lạ của Chúa Giê-su và việc ngài được sống lại như đã được ghi trong Phúc âm. Một số người thậm chí cho rằng Chúa Giê-su không phải là một nhân vật lịch sử!
Những nhà phê bình này kết luận rằng Mác hẳn là người đầu tiên viết Phúc âm, vì sách này dường như không có thông tin nào mới lạ so với sách Ma-thi-ơ và Lu-ca. Họ cũng cho rằng Ma-thi-ơ và Lu-ca đã dùng sách Phúc âm Mác để biên soạn sách của họ, và còn tham khảo thêm một nguồn tài liệu khác mà các học giả gọi là tài liệu Q (đến từ chữ Quelle trong tiếng Đức, có nghĩa là “nguồn”). Theo một học giả Kinh Thánh là ông A.F.J. Klijn, giả thuyết phổ biến này “đã hạ thấp những người viết Phúc âm thành kẻ chuyên sưu tập các câu chuyện riêng lẻ”. Nhận xét đó biến những người viết Phúc âm thành kẻ đạo văn và sáng tác chuyện huyền thoại. Nó cũng làm người ta không còn tin chắc Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn.—2 Ti-mô-thê 3:16.
Những người viết Phúc âm là kẻ đạo văn?
Có phải những điểm tương đồng giữa các sách Phúc âm cộng quan thật sự chứng minh những người viết chỉ sao chép thông tin của nhau không? Không. Tại sao? Một lý do là Chúa Giê-su đã hứa với các môn đồ rằng thánh linh sẽ ‘nhắc lại cho họ nhớ mọi điều ngài đã phán cùng họ’ (Giăng 14:26). Thế nên không ngạc nhiên gì khi những người viết Phúc âm đã nhớ và ghi chép một số sự kiện giống nhau. Đành rằng một số người viết Kinh Thánh có thể đã đọc và nhắc đến sách hoặc lá thư của những người viết Kinh Thánh khác, nhưng điều này cho thấy họ đã nghiên cứu kỹ, chứ không ăn cắp ý tưởng của người khác (2 Phi-e-rơ 3:15). Hơn nữa, từ điển Kinh Thánh The Anchor Bible Dictionary cho biết: “Phương pháp truyền miệng thời đó giúp người ta hiểu tại sao những lời dạy dỗ đáng nhớ của Chúa Giê-su đã được ghi lại giống y như nhau”.
Ông Lu-ca cho biết ông đã nói chuyện với nhiều nhân chứng và “đã xét kỹ-càng từ đầu mọi sự ấy” (Lu-ca 1:1-4). Thế thì lẽ nào ông lại là kẻ đạo văn hay kẻ sáng tác chuyện huyền thoại? Chắc chắn không phải vậy! Sau khi phân tích kỹ các sách của Lu-ca, nhà khảo cổ học William Ramsay kết luận: “Lu-ca là một sử gia hạng nhất; không những các lời tường thuật của ông đáng tin cậy, mà ông còn biết cách nào để ghi chép các sự kiện lịch sử. . . Tác giả này có thể được xếp vào hàng các sử gia vĩ đại nhất”.
Lời chứng nhận của các Giáo Phụ thời ban đầu, trong đó có nhà thần học Origen vào thế kỷ 3 CN, cũng cho thấy sứ đồ Ma-thi-ơ là người đầu tiên viết Phúc âm. Ông Origen viết: “Người đầu tiên viết Phúc âm là Ma-thi-ơ. Ông ấy đã từng là người thu thuế, nhưng về sau trở thành sứ đồ của Chúa Giê-su. Ông đã viết sách này bằng tiếng Do Thái, dành cho những người Do Thái cải đạo”. Rõ ràng, là một sứ đồ và nhân chứng, Ma-thi-ơ không cần phải ăn cắp văn của một người không tận mắt chứng kiến sự việc như Mác. Vậy, về việc người ta cho rằng Ma-thi-ơ và Lu-ca sao chép từ sách Mác và nguồn tài liệu Q thì sao? Sự thật là thế nào?
Có phải Phúc âm Mác được viết đầu tiên không?
Từ điển Kinh Thánh The Anchor Bible Dictionary thừa nhận giả thuyết cho rằng Phúc
âm Mác được viết đầu tiên và là nguồn tài liệu cho Ma-thi-ơ và Lu-ca không dựa trên “một luận cứ vững chắc nào”. Tuy nhiên, nhiều học giả nhận thấy Mác viết sách Phúc âm trước Ma-thi-ơ và Lu-ca vì cho rằng sách của ông không có thêm thông tin mới lạ nào. Chẳng hạn, học giả Kinh Thánh vào thế kỷ 19 là ông Johannes Kuhn kiên quyết cho rằng sách Phúc âm Mác phải được viết đầu tiên. Theo ông, nếu không như vậy thì “người ta phải hình dung là Mác đã cắt nhỏ những thông tin từ Ma-thi-ơ và Lu-ca, rồi trộn lẫn chúng. . . để tạo thành sách Phúc âm của ông”.Vì Phúc âm Mác ngắn nhất, nên chẳng ngạc nhiên gì khi sách này không có nhiều thông tin mới lạ so với các sách Phúc âm khác. Nhưng điều đó không chứng minh rằng sách Mác được viết đầu tiên. Ngoài ra, cho rằng sách Mác không có gì mới so với hai sách Ma-thi-ơ và Lu-ca là không chính xác. Trong lời tường thuật sôi nổi và sống động về việc rao giảng của Chúa Giê-su, sách Mác có hơn 180 câu (hoặc nhóm từ) và chi tiết thu hút không có trong sách Ma-thi-ơ và Lu-ca. Điều này khiến lời tường thuật về đời sống Chúa Giê-su trong sách Mác trở nên độc đáo.—Xin xem khung nơi trang 13.
Còn tài liệu Q thì sao?
Chúng ta có thể nói gì về tài liệu Q, nguồn tài liệu mà một số học giả cho rằng Ma-thi-ơ và Lu-ca dùng để tham khảo? Giáo sư về tôn giáo là James M. Robinson cho biết: “Chắc chắn Q là nguồn tài liệu Ki-tô giáo quan trọng nhất mà chúng ta có”. Câu nói này thật đáng ngạc nhiên vì ngày nay không có tài liệu Q, và trên thực tế, không ai có thể chứng minh là nó đã tồn tại! Ngoài ra, các học giả cho rằng một vài bản sao của nó đã được lưu hành, nhưng điều khác thường là người ta hoàn toàn không tìm được bản sao nào ngày nay. Hơn nữa, các Giáo Phụ không bao giờ trích dẫn tài liệu này.
Hãy thử nghĩ: Giả sử tài liệu Q tồn tại và ủng hộ giả thuyết Phúc âm Mác được viết đầu tiên, thì chẳng phải đó là một giả thuyết mới được thành lập trên một giả thuyết khác hay sao? Khi gặp trường hợp như thế, chúng ta nên sáng suốt nhớ đến câu châm ngôn này: “Kẻ ngây ngô tin hết mọi điều, người thận trọng dè dặt từng đường đi nước bước”.—Châm-ngôn 14:15, Bản Diễn Ý.
Phúc âm—Xác thực và đáng tin cậy
Vì những suy đoán và giả thuyết vô căn cứ của các học giả hay chỉ trích, nhiều người đã xao lãng việc xem xét các lời tường thuật đáng tin cậy trong Phúc âm về đời sống và việc rao giảng của Chúa Giê-su. Phúc âm rõ ràng cho thấy các môn đồ của Chúa Giê-su thời ban đầu không xem những biến cố trong đời sống, việc rao giảng, sự chết và sự sống lại của ngài là huyền thoại. Hàng trăm nhân chứng xác nhận những sự kiện này đã thật sự xảy ra. Môn đồ của Chúa Giê-su thời ban đầu là những người sẵn sàng đối mặt với bắt bớ và cái chết để theo ngài. Họ biết rõ rằng nếu việc rao giảng và sự sống lại của Chúa Giê-su là chuyện tưởng tượng, thì trở thành môn đồ ngài là điều vô nghĩa.—1 Cô-rinh-tô 15:3-8, 17, 19; 2 Ti-mô-thê 2:2.
Về việc tranh cãi xung quanh các giả thuyết cho rằng Phúc âm Mác được viết đầu tiên và tài liệu Q biến mất một cách bí ẩn, giáo sư thần học là George W. Buchanan nói: “Việc chú tâm vào giả thuyết về nguồn gốc các sách khiến các học viên Kinh Thánh xao lãng việc nghiên cứu nội dung Kinh Thánh”. Điều này phù hợp với lời sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê: “Đừng nghe phù-ngôn và gia-phổ vô-cùng, là những điều gây nên sự cãi-lẫy, chớ chẳng bổ sự mở-mang công-việc của Đức Chúa Trời, là công-việc được trọn bởi đức-tin”.—1 Ti-mô-thê 1:4.
Các sách Phúc âm rất đáng tin cậy vì có nhiều lời tường thuật của những người chứng kiến tận mắt. Các sách này được viết dựa trên việc nghiên cứu kỹ lưỡng, và cho chúng ta biết nhiều sự kiện thú vị về cuộc đời của Chúa Giê-su. Vì vậy, như Ti-mô-thê ngày xưa, chúng ta được lợi ích khi lắng nghe lời của Phao-lô: “Hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy”. Chúng ta có lý do xác đáng để chấp nhận “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”, trong đó có bốn sách Phúc âm.—2 Ti-mô-thê 3:14-17.
[Khung nơi trang 13]
Nếu sách Mác không được viết ra, chúng ta sẽ không biết. . .
Chúa Giê-su nhìn xung quanh, vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi (Mác 3:5)
Giăng và Gia-cơ được đặt tên là Bô-a-nẹt (Mác 3:17)
người đàn bà bị mất huyết đã hao tốn hết tiền của (Mác 5:26)
Hê-rô-đia căm Giăng Báp-tít và Hê-rốt sợ Giăng, vẫn gìn giữ người (Mác 6:19, 20)
Chúa Giê-su bảo các môn đồ nghỉ ngơi một chút (Mác 6:31)
Chúa Giê-su bồng những đứa trẻ (Mác 10:16)
Chúa Giê-su cảm thấy yêu mến vị quan trẻ (Mác 10:21)
Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng và Anh-rê hỏi riêng Chúa Giê-su (Mác 13:3)
một người trẻ tuổi bỏ khăn lại (Mác 14:51, 52)
Hơn nữa, có một minh họa và hai phép lạ Chúa Giê-su làm chỉ được ghi lại trong sách Mác.—Mác 4:26-29; 7:32-37; 8:22-26.
Phúc âm Mác có nhiều chi tiết không có trong những sách Phúc âm khác. Khi dành thời gian để suy ngẫm sâu xa về giá trị của tất cả chi tiết quan trọng này, chúng ta sẽ càng quý trọng sách Mác hơn.