Nếu là người hoàn toàn, làm sao A-đam có thể phạm tội?
Câu hỏi độc giả
Nếu là người hoàn toàn, làm sao A-đam có thể phạm tội?
A-đam có thể phạm tội vì Đức Chúa Trời đã tạo ra ông với quyền tự do quyết định. Quyền tự do này không hề mâu thuẫn với việc A-đam là người hoàn toàn. Thật ra, chỉ có Đức Chúa Trời mới hoàn toàn theo nghĩa tuyệt đối (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:3, 4; Thi-thiên 18:30; Mác 10:18). Bất cứ người nào hay vật gì cũng chỉ hoàn toàn cách tương đối. Chẳng hạn, con dao có thể rất hoàn hảo cho việc cắt thịt, nhưng bạn có dùng nó để ăn canh không? Một vật chỉ hoàn hảo nếu được sử dụng đúng mục đích.
Vậy, Đức Chúa Trời đã tạo ra A-đam với mục đích gì? Ngài muốn từ A-đam, nhân loại được sinh ra là những người thông minh, có quyền tự do quyết định. Những ai muốn vun trồng lòng yêu mến Đức Chúa Trời và đường lối Ngài thì sẽ chứng tỏ qua việc vâng theo luật pháp Ngài. Thế nên, Đức Chúa Trời không lập trình sự vâng lời nơi loài người, nhưng Ngài muốn họ vâng lời từ trong lòng (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12, 13; 30:19, 20). Vì vậy, nếu A-đam không có quyền bất tuân thì điều đó có nghĩa là ông được tạo ra cách khiếm khuyết. Về cách A-đam chọn sử dụng quyền quyết định của mình, lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy ông đã nghe theo vợ là Ê-va, chống lại luật pháp Đức Chúa Trời liên quan đến “cây biết điều thiện và điều ác”.—Sáng-thế Ký 2:17; 3:1-6.
Vậy, có phải Đức Chúa Trời đã tạo ra A-đam với nhược điểm là không phân biệt đúng sai, nên ông đã không thể quyết định cách khôn ngoan hoặc cưỡng lại cám dỗ không? Trước khi A-đam không vâng lời, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã xem xét tất cả công việc sáng tạo của Ngài trên đất, kể cả cặp vợ chồng đầu tiên, và kết luận rằng mọi việc “rất tốt-lành” (Sáng-thế Ký 1:31). Do đó, khi A-đam phạm tội, không có nghĩa là có sai sót nào trong cách Đức Chúa Trời tạo ra A-đam, mà chính ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình (Sáng-thế Ký 3:17-19). A-đam đã không để lòng yêu mến Đức Chúa Trời và các nguyên tắc công bình thúc đẩy ông đặt việc vâng lời Ngài lên hàng đầu.
Cũng hãy nhớ rằng khi Chúa Giê-su sống trên đất, ngài là người hoàn toàn như A-đam. Tuy nhiên, không như những con cháu khác của A-đam, Chúa Giê-su được thụ thai nhờ thánh linh nên ngài không bị di truyền nhược điểm là có thể bị cám dỗ (Lu-ca 1:30, 31; 2:21; 3:23, 38). Chúa Giê-su quyết định giữ lòng trung thành với Cha ngài, bất kể áp lực nặng nề nhất. Còn A-đam đã dùng sự tự do quyết định để bất tuân mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va, nên ông phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Nhưng tại sao A-đam đã quyết định không vâng lời Đức Chúa Trời? Có phải ông tin rằng ông có thể thay đổi hoàn cảnh tốt hơn không? Không, vì như lời sứ đồ Phao-lô đã viết: “Không phải A-đam bị dỗ-dành” (1 Ti-mô-thê 2:14). Tuy nhiên, A-đam đã quyết định làm theo ước muốn của Ê-va, người đã chọn ăn trái cấm. Ông muốn làm vui lòng vợ hơn là vâng lời Đấng Tạo Hóa. Lẽ ra, khi Ê-va trao cho ông trái cấm, A-đam nên nghĩ đến hậu quả của việc không vâng lời sẽ ảnh hưởng thế nào tới mối quan hệ của ông với Đức Chúa Trời. Vì không có tình yêu thương sâu đậm, bền vững với Đức Chúa Trời, A-đam dễ chiều theo áp lực, kể cả áp lực đến từ Ê-va.
A-đam phạm tội trước khi có con, thế nên tất cả con cháu của ông đều sinh ra trong tình trạng bất toàn. Dù vậy, giống như A-đam, chúng ta được ban cho quyền tự do quyết định. Mong sao chúng ta chọn việc suy ngẫm với lòng biết ơn về những điều tốt lành của Đức Giê-hô-va, và vun đắp tình yêu sâu đậm với Ngài, Đấng xứng đáng để chúng ta vâng lời và thờ phượng.—Thi-thiên 63:6; Ma-thi-ơ 22:36, 37.