Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thiên chức làm cha—Làm sao chu toàn?

Thiên chức làm cha—Làm sao chu toàn?

Thiên chức làm cha—Làm sao chu toàn?

“Cha mẹ đừng trách mắng con cái quá nặng nề, khiến chúng nản lòng”.—Cô-lô-se 3:21, Bản Diễn Ý.

Làm sao một người cha có thể tránh trách mắng nặng nề khiến con cái cảm thấy cay đắng trong lòng? Ông phải nhận thức tầm quan trọng của cương vị làm cha. Một tạp chí về sức khỏe tâm thần cho biết: “Vai trò làm cha rất phức tạp và độc đáo, có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về cảm xúc và trí tuệ của con trẻ”.

Vai trò của người cha là gì? Trong nhiều gia đình, dường như trách nhiệm chủ yếu của người cha là sửa phạt con cái. Nhiều người mẹ thường hăm đứa con phạm lỗi: “Chừng nào ba về con sẽ biết!”. Rõ ràng, con trẻ cần được sửa trị một cách thích đáng và kiên quyết để nên người. Tuy nhiên, việc sửa phạt chỉ là một phần để chu toàn trách nhiệm làm người cha tốt.

Đáng buồn thay, không phải người cha nào cũng có gương tốt để noi theo. Một số người lớn lên trong gia đình thiếu vắng cha. Số khác thì được nuôi dạy bởi người cha khắt khe, lạnh lùng nên có khuynh hướng đối xử với con cái giống như vậy. Làm thế nào một người cha lớn lên trong môi trường như thế có thể tránh theo vết xe đổ và trở thành người cha tốt hơn?

Có một tài liệu chứa những lời khuyên thiết thực và đáng tin cậy về việc trở thành người cha gương mẫu. Kinh Thánh ghi lại những lời khuyên tốt nhất về đời sống gia đình. Lời khuyên trong Kinh Thánh không chỉ là lý thuyết suông, và không bao giờ làm hại chúng ta. Những lời khuyên ấy phản ánh sự khôn ngoan của Tác Giả là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng sáng lập cuộc sống gia đình (Ê-phê-sô 3:14, 15). Nếu bạn là một người cha, bạn sẽ được lợi ích khi xem xét những gì Kinh Thánh nói về thiên chức này *.

Người cha tốt có vai trò quan trọng trong việc giúp con cái phát triển không những về thể chất, cảm xúc mà cả mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Một đứa trẻ yêu thương và gắn bó với cha thì có thể dễ dàng vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Suy cho cùng, Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa, và theo một nghĩa nào đó, Ngài là Cha của chúng ta (Ê-sai 64:8). Giờ đây, chúng ta hãy phân tích sáu điểm mà con cái cần ở một người cha. Trong mỗi điểm, chúng ta sẽ xem làm thế nào việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp người cha đáp ứng những nhu cầu này.

1 Con cái cần tình yêu thương của người cha

Đức Giê-hô-va nêu gương hoàn hảo cho những người làm cha. Kinh Thánh miêu tả cảm xúc của Đức Chúa Trời về Chúa Giê-su, Con đầu lòng của Ngài, như sau: “Cha yêu Con” (Giăng 3:35; Cô-lô-se 1:15). Trong vài trường hợp, Đức Giê-hô-va đã biểu lộ tình yêu thương và sự hài lòng với Chúa Giê-su. Khi Chúa Giê-su làm báp têm, từ trên trời Đức Giê-hô-va đã phán: “Con là Con yêu dấu của Ta, làm hài lòng Ta hoàn toàn” (Lu-ca 3:22, BDY). Không bao giờ Chúa Giê-su nghi ngờ tình yêu này. Vậy, một người cha có thể học được gì từ gương của Đức Chúa Trời?

Đừng bao giờ ngại ngùng cho con cái biết rằng bạn yêu chúng. Anh Kelvin có năm con cho biết: “Tôi luôn cố gắng biểu lộ lòng yêu thương với các con. Tôi không chỉ nói tôi yêu chúng mà còn tỏ ra quan tâm đến từng đứa. Khi các con còn bé, tôi cũng đã thay tã và tắm cho chúng”. Hơn nữa, con cái cần biết rằng bạn hài lòng về chúng. Vì thế, không nên chỉ trích quá nhiều, hoặc luôn luôn sửa trị chúng. Thay vì vậy, đừng tiếc lời khen ngợi con. Anh Donizete có hai con gái ở tuổi vị thành niên khuyên: “Người cha nên tìm cơ hội để khen ngợi”. Con cái có thể phát triển lòng tự trọng đúng mức nhờ biết được mình đã làm cha hài lòng. Điều đó có thể giúp chúng đến gần Đức Chúa Trời hơn.

2 Con cái cần gương tốt

Theo Giăng 5:19, Chúa Giê-su ‘chỉ làm điều chi mà ngài thấy Cha làm’. Hãy lưu ý là câu Kinh Thánh này cho biết Chúa Giê-su đã thấy và làm theo những gì Cha ngài “làm”. Con cái cũng thường làm như thế. Chẳng hạn, nếu người cha tôn trọng nhân phẩm của vợ, khi lớn lên rất có thể con trai ông sẽ tôn trọng nhân phẩm của phụ nữ. Gương mẫu của người cha không những ảnh hưởng đến thái độ của con trai mà còn tác động đến quan điểm của con gái về nam giới.

Con cái của bạn có thấy khó xin lỗi không? Một lần nữa, gương mẫu rất quan trọng. Anh Kelvin nhớ lại có lần hai con trai của anh làm hỏng một máy chụp ảnh đắt tiền. Anh tức giận đến nỗi đã đánh mạnh vào cái bàn gỗ và làm nó gãy đôi. Sau đó, anh cảm thấy hối hận và xin lỗi cả nhà vì đã tỏ ra mất bình tĩnh. Anh Kelvin nhận thấy lời xin lỗi của mình đã tác động tốt đến các con. Sau này, các con anh không cảm thấy khó nói lời xin lỗi.

3 Con cái cần bầu không khí hạnh phúc

Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh-phước” (1 Ti-mô-thê 1:11). Không ngạc nhiên gì khi Chúa Giê-su vô cùng vui sướng được ở bên cạnh Cha ngài. Câu Châm-ngôn 8:30 giúp chúng ta hiểu mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su: “Ta ở bên Ngài [Cha] làm thợ cái. . . và thường thường vui-vẻ trước mặt Ngài”. Thật là một mối quan hệ nồng ấm giữa Cha và Con!

Con cái của bạn cần bầu không khí hạnh phúc. Để tạo bầu không khí như thế, bạn cần dành thời gian chơi đùa với con. Khi cùng vui chơi, cha mẹ và con cái gắn bó với nhau hơn. Anh Felix có một con trai ở tuổi vị thành niên đồng ý với điều đó. Anh nói: “Dành thời gian để giải trí với con là điều quan trọng trong mối quan hệ của chúng tôi. Hai cha con tôi cùng chơi trò chơi, giao tiếp với bạn bè và đi đây đi đó. Điều này giúp cho tình cảm gia đình gần gũi, ấm áp và hạnh phúc hơn”.

4 Con cái cần được dạy dỗ về Đức Chúa Trời

Chúa Giê-su được Cha ngài dạy dỗ. Vì thế, Chúa Giê-su có thể nói: “Điều chi ta nghe bởi Ngài [Cha], ta truyền lại cho thế-gian” (Giăng 8:26). Trước mắt Đức Chúa Trời, người cha có trách nhiệm giáo dục con cái về đạo đức và tâm linh. Một trong những nhiệm vụ của người cha là khắc ghi vào lòng con trẻ những nguyên tắc công bình. Người cha nên bắt đầu dạy con khi chúng còn thơ ấu (2 Ti-mô-thê 3:14, 15). Anh Felix bắt đầu đọc cho con trai nghe những câu chuyện trong Kinh Thánh từ khi con còn bé. Anh dùng những câu chuyện thú vị, có hình ảnh đầy màu sắc như trong Sách kể chuyện Kinh Thánh *. Khi con trai lớn hơn, anh Felix chọn những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh khác, thích hợp với độ tuổi của con.

Anh Donizete cho biết: “Làm cho buổi học Kinh Thánh của gia đình trở nên thích thú quả là một thử thách. Điều quan trọng là cha mẹ cho thấy họ quý trọng việc học biết về Đức Chúa Trời, vì con cái dễ dàng nhận ra hành động của cha mẹ có phù hợp với lời dạy dỗ hay không”. Anh Carlos có ba con trai nói: “Mỗi tuần chúng tôi họp nhau lại để xem xét nhu cầu của gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình có cơ hội chọn đề tài để thảo luận”. Còn anh Kelvin thì luôn tìm cách nói với các con về Đức Chúa Trời dù họ đang ở đâu hoặc đang làm gì. Điều này nhắc chúng ta nhớ lại lời của ông Môi-se: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7.

5 Con cái cần được sửa trị

Con cái cần được sửa trị để khi lớn lên chúng trở thành người hữu ích và có tinh thần trách nhiệm. Một số cha mẹ dường như nghĩ rằng sửa trị con cái bao hàm việc đối xử khắt khe, kể cả đe dọa và nhục mạ. Tuy nhiên, Kinh Thánh không nói cha mẹ phải khắt khe khi sửa trị con cái. Trái lại, giống như Đức Giê-hô-va, cha mẹ nên sửa trị con trong tình yêu thương (Hê-bơ-rơ 12:4-11). Kinh Thánh nói: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó”.—Ê-phê-sô 6:4.

Đôi khi việc sửa trị là cần thiết. Nhưng con cái cần biết tại sao chúng bị sửa trị. Sự sửa trị của cha mẹ không nên khiến con cái cảm thấy bị hắt hủi. Kinh Thánh không chấp nhận việc đánh đập tàn nhẫn, thậm chí có thể gây thương tích cho con (Châm-ngôn 16:32). Anh Kelvin cho biết: “Khi cần sửa trị con về những vấn đề nghiêm trọng, tôi luôn cố gắng cho con thấy rõ là tôi sửa trị vì tình yêu thương”.

6 Con cái cần được che chở

Con trẻ cần được che chở khỏi những ảnh hưởng không lành mạnh và những kẻ có thể làm hại chúng. Đáng buồn là trong thế gian này có “những người hung-ác” luôn muốn hãm hại những trẻ em ngây thơ (2 Ti-mô-thê 3:1-5, 13). Làm thế nào bạn có thể che chở con mình? Kinh Thánh cho lời khuyên khôn ngoan: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình; nhưng kẻ ngu-muội cứ đi luôn, và mắc phải vạ” (Châm-ngôn 22:3). Để che chở con cái khỏi tai họa, bạn phải cảnh giác trước các mối nguy hiểm. Hãy hình dung trước các tình huống có thể dẫn đến vấn đề và làm mọi cách để bảo vệ con. Chẳng hạn, nếu cho phép con sử dụng Internet, hãy chắc chắn rằng con bạn biết dùng phương tiện này một cách an toàn. Trong nhà, tốt nhất là đặt máy vi tính ở nơi có người qua lại và bạn có thể dễ dàng kiểm soát.

Một người cha cần chuẩn bị và huấn luyện con cái cách đối phó với những nguy hiểm mà chúng có thể gặp trong thế gian đồi bại này. Khi bạn vắng mặt, con bạn có biết phải làm gì trong trường hợp có người muốn lạm dụng chúng không *? Con bạn cần biết những gì được phép và không được phép làm với các bộ phận kín trên cơ thể. Anh Kelvin cho biết: “Tôi không bao giờ để người khác huấn luyện con về vấn đề này, dù là giáo viên. Tôi cảm thấy trách nhiệm của tôi là dạy con về tính dục và mối nguy hiểm của kẻ lạm dụng trẻ em”. Tất cả các con của anh đều lớn lên an toàn và hiện nay đã có gia đình hạnh phúc.

Tìm sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời

Món quà quý nhất mà người cha có thể cho con cái là giúp chúng phát triển mối quan hệ bền vững với Đức Chúa Trời. Gương mẫu của người cha là quan trọng nhất. Anh Donizete nói: “Người làm cha cần cho thấy họ quý trọng mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Đặc biệt điều này phải được thấy rõ khi họ đối phó với các khó khăn hoặc vấn đề cá nhân. Trong những trường hợp ấy, người cha chứng tỏ mình tin cậy Đức Giê-hô-va đến mức nào. Qua việc cầu nguyện cùng với gia đình và nhiều lần nói lên lòng biết ơn về những điều tốt lành của Đức Chúa Trời, người cha có thể dạy cho con biết tầm quan trọng của việc có Đức Chúa Trời là Bạn”.

Vậy, bí quyết để chu toàn thiên chức làm cha là gì? Hãy tìm lời khuyên của Đấng biết cách nuôi dạy con cái tốt nhất, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nếu huấn luyện con theo sự hướng dẫn của Kinh Thánh, bạn có thể sẽ đạt được kết quả như Châm-ngôn 22:6 miêu tả: “Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó”.

[Chú thích]

^ đ. 6 Dù những lời khuyên dựa trên Kinh Thánh mà chúng ta xem xét trong bài này tập trung chủ yếu vào vai trò làm cha, nhiều nguyên tắc cũng có thể áp dụng cho người mẹ.

^ đ. 18 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 25 Để biết thêm thông tin về việc bảo vệ con cái khỏi nạn lạm dụng tình dục, xin xem tạp chí Tỉnh Thức! tháng 10-12 năm 2007, trang 3-11, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 19]

Một người cha cần nêu gương tốt cho con cái

[Hình nơi trang 20]

Người cha cần đáp ứng nhu cầu tâm linh của con cái

[Hình nơi trang 21]

Con cái cần được sửa trị cách yêu thương