Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự thật về địa ngục ảnh hưởng thế nào đến bạn?

Sự thật về địa ngục ảnh hưởng thế nào đến bạn?

Sự thật về địa ngục ảnh hưởng thế nào đến bạn?

Những người dạy địa ngục là nơi thống khổ đã cổ vũ cho quan điểm vô cùng sai lầm về Đức Giê-hô-va và các đức tính của Ngài. Đúng là Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt người ác (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9). Nhưng phẫn nộ chính đáng không phải là đức tính nổi bật của Ngài.

Đức Chúa Trời không phải là Đấng độc ác hay hận thù. Thậm chí Ngài còn nói: “Ta há có vui chút nào về sự chết của kẻ dữ sao?” (Ê-xê-chi-ên 18:23). Nếu Đức Chúa Trời không vui về sự chết của người ác, thì làm sao Ngài có thể thích thú khi thấy họ bị hành hạ đời đời?

Đức tính ưu việt của Đức Chúa Trời là yêu thương (1 Giăng 4:8). Thật vậy, “CHÚA là phúc lành cho tất cả mọi người; Ngài thương xót mọi tạo vật Ngài làm nên” (Thi-thiên 145:9, Bản Dịch Mới). Còn về chúng ta, Đức Chúa Trời muốn chúng ta hết lòng yêu thương Ngài.—Ma-thi-ơ 22:35-38.

Sợ địa ngục hay yêu mến Đức Chúa Trời—Điều gì thúc đẩy bạn làm điều tốt?

Giáo lý linh hồn chịu thống khổ ở địa ngục khiến người ta kinh hãi về Đức Chúa Trời. Ngược lại, một người học biết sự thật về Đức Chúa Trời và yêu mến Ngài sẽ vun trồng lòng kính sợ Ngài một cách lành mạnh. Thi-thiên 111:10 viết: “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là khởi-đầu sự khôn-ngoan; phàm kẻ nào giữ theo điều-răn Ngài có trí hiểu”. Sự kính sợ này không phải là sự kinh hãi, nhưng là lòng sùng kính sâu xa với Đấng Tạo Hóa. Nó khiến chúng ta sợ làm buồn lòng Ngài.

Chúng ta hãy xem sự thật về địa ngục đã tác động thế nào đến một phụ nữ 32 tuổi tên Kathleen, trước đây nghiện ma túy. Cuộc đời chị từng chìm ngập trong tiệc tùng, bạo lực, căm ghét bản thân và vô luân. Chị thừa nhận: “Tôi nhìn đứa con gái một tuổi và nghĩ: “Hãy xem, mình đã làm gì với con. Mình sẽ bị đày đọa trong địa ngục mất!” ”. Chị Kathleen cố gắng cai ma túy nhưng không thành công. Chị cho biết: “Tôi muốn trở thành người tốt, nhưng mọi chuyện trong cuộc sống và thế giới này quá thảm hại. Hình như không có lý do nào để tôi trở thành người tốt”.

Sau đó, chị Kathleen gặp Nhân Chứng Giê-hô-va. Chị nói: “Tôi học được rằng không có địa ngục nóng bỏng. Bằng chứng trong Kinh Thánh thật hợp lý. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm biết bao khi biết mình sẽ không bị thiêu trong địa ngục!”. Hơn nữa, chị cũng biết về lời hứa của Đức Chúa Trời là nhân loại có thể sống mãi mãi trên trái đất không còn người ác nữa (Thi-thiên 37:10, 11, 29). Chị bày tỏ: “Giờ đây tôi có hy vọng thật, là được sống vĩnh viễn trong Địa Đàng!”.

Nếu không còn sợ hãi bị đày đọa trong địa ngục nữa, liệu chị Kathleen có thể cai nghiện ma túy không? Chị kể lại: “Khi đến cơn thèm ma túy, tôi thường cầu nguyện, nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Tôi nghĩ đến quan điểm của Ngài về những thói quen ô uế như thế và không muốn làm Ngài thất vọng. Ngài đã đáp lại lời cầu nguyện của tôi” (2 Cô-rinh-tô 7:1). Nhờ sợ làm buồn lòng Đức Chúa Trời, chị Kathleen đã có thể thoát khỏi thói nghiện ngập.

Đúng vậy, vun trồng tình yêu thương và lòng kính sợ Đức Chúa Trời một cách lành mạnh—chứ không phải nỗi sợ bị đày đọa nơi địa ngục—có thể thôi thúc chúng ta làm theo ý muốn của Ngài hầu hưởng được hạnh phúc lâu dài. Người viết Thi-thiên đã nói: “Phước cho người nào kính-sợ Đức Giê-hô-va, đi trong đường-lối Ngài!”.—Thi-thiên 128:1.

[Khung/Hình nơi trang 9]

AI SẼ ĐƯỢC GIẢI THOÁT KHỎI “ÂM-PHỦ”?

Một số bản dịch Kinh Thánh làm cho người ta lẫn lộn khi dịch hai từ Hy Lạp Geʹen·na Haiʹdes lần lượt là “địa ngục” (“hỏa ngục”) và “âm phủ”. Cả hai cách dịch này đều không chuyển tải đúng ý nghĩa của những từ tiếng nguyên thủy. Trong Kinh Thánh, từ Geʹen·na muốn nói đến sự hủy diệt hoàn toàn, không có hy vọng sống lại. Trái lại, những ai ở trong Haiʹdes, hoặc Hades, có hy vọng sống lại.

Vì thế, sau khi Chúa Giê-su chết và được sống lại, sứ đồ Phi-e-rơ cam đoan với người nghe rằng Chúa Giê-su “chẳng bị để nơi Âm-phủ” (Công-vụ 2:27, 31, 32; Thi-thiên 16:10). Từ “Âm-phủ” trong câu này được dịch từ chữ Hy Lạp là Haiʹdes. Chúa Giê-su đã không đi đến một nơi nóng bỏng nào đó. Hades, hoặc “Âm-phủ”, là mồ mả. Ngoài Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời còn giải thoát nhiều người khỏi Hades.

Nói về sự sống lại, Kinh Thánh cho biết: “Sự chết và Âm-phủ cũng đem trả những người chết mình có” (Khải-huyền 20:13, 14). “Âm-phủ” trống rỗng, điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời phục hồi sự sống cho những ai Ngài xét là xứng đáng được sống lại (Giăng 5:28, 29; Công-vụ 24:15). Thật là hy vọng tuyệt vời cho tương lai: Được gặp lại những người thân yêu của chúng ta trở về từ mồ mả! Đức Chúa Trời của tình yêu thương vô bờ bến là Đức Giê-hô-va sẽ làm điều này.