Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Thương thuyền Ta-rê-si” từ hưng thịnh đến suy tàn

“Thương thuyền Ta-rê-si” từ hưng thịnh đến suy tàn

“Thương thuyền Ta-rê-si” từ hưng thịnh đến suy tàn

“Các thương thuyền Ta-rê-si chuyên chở hàng hóa ngươi”.​—Ê-XÊ-CHI-ÊN 27:25, BẢN DIỄN Ý

Thương thuyền Ta-rê-si đã góp phần làm cho vua Sa-lô-môn trở nên giàu có. Những người đóng các thương thuyền này đã ảnh hưởng đến sự phát triển của bảng chữ cái tiếng Hy Lạp và La Mã. Họ cũng xây dựng một thành phố mang tên Byblos. Về sau, từ “Kinh Thánh” trong nhiều ngôn ngữ bắt nguồn từ tên của thành phố này.

Tại sao các thuyền này mang tên thương thuyền Ta-rê-si? Ai là người đã đóng và giong buồm chúng ra khơi? Các sự kiện liên quan đến họ và những chiếc thuyền này đã chứng thực tính chính xác của Kinh Thánh như thế nào?

Chúa tể của Địa Trung Hải

Người Phê-ni-xi đóng những chiếc thuyền lớn mà về sau được gọi là thuyền Ta-rê-si. Dân này đã là những người đi biển lão luyện khoảng một ngàn năm trước thời Chúa Giê-su. Quê hương của họ là một dải đất hẹp dọc bờ biển, ở khoảng vị trí của nước Lebanon ngày nay. Phía bắc, đông và nam của Phê-ni-xi là những quốc gia khác, còn phía tây là Địa Trung Hải mênh mông. Để được thịnh vượng, người Phê-ni-xi đã hướng ra biển.

Dần dần, những người Phê-ni-xi đi biển đã thành lập đội thương thuyền hùng mạnh. Khi lợi nhuận gia tăng và kỹ thuật phát triển, họ đóng những chiếc thuyền lớn hơn, có thể đi những chuyến hải hành xa hơn. Sau khi đến Cyprus, Sardinia và quần đảo Balearic, người Phê-ni-xi đi dọc theo bờ biển Bắc Phi về hướng tây cho đến khi họ tới Tây Ban Nha. (Xem bản đồ ở trang bên).

Thợ đóng tàu Phê-ni-xi đã đóng những chiếc thuyền dài 30m. Chúng có thể đi chuyến hải hành dài 4.000 cây số từ Phê-ni-xi đến miền nam Tây Ban Nha, có lẽ là nơi tọa lạc của thành phố Ta-rê-si. Dường như vì lý do đó, những chiếc thuyền vượt đại dương này được gọi là “thương thuyền Ta-rê-si” *.

Người Phê-ni-xi có lẽ không có tham vọng làm chúa tể thế giới, nhưng chỉ muốn làm giàu bằng cách thiết lập những trạm thông thương buôn bán. Tuy vậy, họ đã trở thành chúa tể của Địa Trung Hải trong lĩnh vực thương mại.

Vượt xa hơn Địa Trung Hải

Để kiếm lợi nhuận, các nhà thám hiểm người Phê-ni-xi đã đến Đại Tây Dương. Những thương thuyền của họ tiếp tục men theo bờ biển phía nam Tây Ban Nha cho đến khi tới vùng gọi là Tartessus. Khoảng năm 1100 TCN, họ thành lập một thành phố đặt tên là Gadir. Thành phố cảng này, nay gọi là Cádiz thuộc Tây Ban Nha, đã trở thành một trong những thành phố lớn đầu tiên ở Tây Âu.

Người Phê-ni-xi buôn bán muối, rượu, cá khô, gỗ tuyết tùng, gỗ thông, tác phẩm nghệ thuật bằng kim loại, sản phẩm thủy tinh, đồ thêu, vải lanh mịn và vải được nhuộm màu tía nổi tiếng của Ty-rơ. Vậy, người Tây Ban Nha trao đổi gì với họ?

Miền nam Tây Ban Nha đã trở thành nguồn cung cấp dồi dào nhất về bạc và những kim loại quý khác ở vùng Địa Trung Hải. Nói về Ty-rơ, cảng chính của người Phê-ni-xi, nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên đã viết: “Những dân ở thành Ta-rê-si buôn-bán với mầy đủ mọi thứ của-cải, lấy bạc, sắt, thiếc, chì mà đổi đồ hàng-hóa của mầy”.—Ê-xê-chi-ên 27:12.

Người Phê-ni-xi đã khám phá nguồn khoáng sản dường như vô tận này gần sông Guadalquivir, không xa thành phố Cádiz. Các loại khoáng sản ấy vẫn được khai thác ở khu vực này, nay được gọi là Río Tinto. Những mỏ khoáng sản đó vẫn cung cấp các quặng có chất lượng cao khoảng 3.000 năm nay.

Nhờ việc mậu dịch bằng đường biển giữa Tây Ban Nha và Phê-ni-xi được thiết lập vững chắc, người Phê-ni-xi đã hoàn toàn độc quyền về bạc xuất xứ từ Tây Ban Nha. Bạc đã đổ vào Phê-ni-xi và ngay cả nước lân cận là Y-sơ-ra-ên. Vua Sa-lô-môn của Y-sơ-ra-ên đã hợp tác kinh doanh với vua Hi-ram của Phê-ni-xi. Vì vậy, vào thời vua Sa-lô-môn, “người ta chẳng kể bạc là chi”.—1 Các Vua 10:21. *

Dù là những thương gia thành đạt, người Phê-ni-xi thường rất nhẫn tâm. Người ta kể rằng đôi khi họ lừa người khác lên thuyền để xem hàng hóa, nhưng thật ra là bắt làm nô lệ. Qua thời gian, thậm chí người Phê-ni-xi phản bội với đối tác kinh doanh trước đây của mình là người Y-sơ-ra-ên và bán họ làm nô lệ. Vì vậy, các nhà tiên tri Y-sơ-ra-ên đã báo trước sự hủy diệt thành Ty-rơ của người Phê-ni-xi. Những lời tiên tri đó đã hoàn toàn ứng nghiệm khi A-léc-xan-đơ Đại Đế hủy diệt thành này vào năm 332 TCN (Giô-ên 3:6; A-mốt 1:9, 10). Sự sụp đổ đó đã chấm dứt thời đại của người Phê-ni-xi.

Di sản của người Phê-ni-xi

Giống như những thương gia lão luyện, người Phê-ni-xi đã làm những hợp đồng viết tay. Họ dùng bảng chữ cái rất giống với tiếng Do Thái cổ. Những nước khác nhận thấy lợi điểm của bảng chữ cái tiếng Phê-ni-xi. Sau khi được cải biên, bảng chữ cái này là căn bản cho bảng chữ cái tiếng Hy Lạp. Về sau, bảng chữ cái tiếng Hy Lạp trở thành căn bản cho chữ viết La Mã, một trong những mẫu tự phổ biến nhất ngày nay.

Ngoài ra, thành phố quan trọng của Phê-ni-xi là Byblos đã trở thành trung tâm phân phối giấy cói, tiền thân của giấy viết ngày nay. Từ việc dùng giấy cói, người ta đã tạo ra những cuốn sách. Trong nhiều ngôn ngữ, từ “Kinh Thánh”, tên của cuốn sách được phân phát rộng rãi nhất thế giới, bắt nguồn từ tên thành phố Byblos. Thật vậy, lịch sử của người Phê-ni-xi và đội thương thuyền của họ giúp chúng ta tin chắc Kinh Thánh được viết dựa trên những sự kiện có thật.

[Chú thích]

^ đ. 8 Theo thời gian, từ “thương thuyền Ta-rê-si” được dùng để ám chỉ một loại thuyền có thể đi những chuyến hải hành dài.

^ đ. 15 Hợp tác với đoàn tàu của vua Hi-ram, “đoàn tàu Ta-rê-si” của vua Sa-lô-môn có thể đã khởi hành từ Ê-xi-ôn-Ghê-be đi buôn bán ở Biển Đỏ và xa hơn nữa.—1 Các Vua 10:22.

[Bản đồ nơi trang 27]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

HẢI TRÌNH CỦA THƯƠNG THUYỀN PHÊ-NI-XI

TÂY BAN NHA

TARTESSUS

S. Guadalquivir

Gadir

Corsica

Q.đ. Balearic

Sardinia

Sicily

Crete

Cyprus

Byblos

Ty-rơ

ĐỊA TRUNG HẢI

Ê-xi-ôn-Ghê-be

Biển Đỏ

CHÂU PHI

[Hình nơi trang 27]

Một đồng tiền khắc hình chiếc thuyền Phê-ni-xi, thế kỷ 3 đến 4 TCN

[Hình nơi trang 27]

Tàn tích một thành phố Phê-ni-xi, nay gọi là Cádiz thuộc Tây Ban Nha

[Nguồn tư liệu nơi trang 26]

Museo Naval, Madrid

[Nguồn tư liệu nơi trang 27]

Coin: Museo Arqueológico Municipal. Puerto de Sta. María, Cádiz; remains: Yacimiento Arqueológico de Doña Blanca, Pto. de Sta. María, Cádiz, España