Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ngôi Lời là “Đức Chúa Trời” hay “một thần”?

Ngôi Lời là “Đức Chúa Trời” hay “một thần”?

Khi dịch câu đầu tiên của sách Phúc Âm Giăng, những người dịch Kinh Thánh phải cân nhắc kỹ câu hỏi nêu trên. Bản dịch Thế Giới Mới (New World Translation) dịch câu này như sau: “Ban đầu có Lời, và Lời ở với Đức Chúa Trời, và Lời là thần” (Giăng 1:1). Nơi vế sau của câu này, một số bản khác diễn đạt ý “thần thánh” hoặc một ý tương tự khi nói về Ngôi Lời (A New Translation of the Bible, của James Moffatt; The New English Bible). Tuy nhiên, nhiều bản Kinh Thánh dịch vế sau của Giăng 1:1 là: “Và Ngôi-Lời là Đức Chúa Trời”.—Liên Hiệp Thánh Kinh Hội; Bản Dịch Mới.

Vậy, tại sao Bản dịch Thế Giới Mới lại dịch Ngôi Lời là “thần” chứ không phải là “Đức Chúa Trời”? Điều này có liên quan đến văn cảnh của câu Kinh Thánh và ngữ pháp Hy Lạp. Hai yếu tố này cho thấy rõ Bản dịch Thế Giới Mới dịch chính xác, và Ngôi Lời không phải là “Đức Chúa Trời” được đề cập ở vế trước của câu. Về mặt ngữ pháp, tiếng Hy Lạp vào thế kỷ thứ nhất không có mạo từ bất định (“một”) nên người ta có nhiều ý kiến khác nhau về câu này. Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta hãy cùng xem xét một bản dịch Kinh Thánh trong ngôn ngữ được sử dụng vào những thế kỷ đầu của Kỷ Nguyên Chung.

Ngôn ngữ đó là phương ngữ Sahidic của tiếng Copt, tiếng được sử dụng ở Ai Cập vào những thế kỷ ngay sau thời Chúa Giê-su sống trên đất. Phương ngữ Sahidic là dạng ngôn ngữ được dùng trong văn chương thời ban đầu của tiếng Copt. Một từ điển Kinh Thánh (The Anchor Bible Dictionary) nói về những bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Copt xưa nhất như sau: “Vì [bản Septuagint] và [phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp] được dịch ra tiếng Copt trong thế kỷ 3 CN, nên bản dịch tiếng Copt dựa trên [những bản chép tay tiếng Hy Lạp], những bản chép tay xưa hơn nhiều so với phần lớn những bằng chứng khác còn lại”.

Có hai lý do khiến bản Kinh Thánh dịch sang phương ngữ Sahidic của tiếng Copt đáng cho chúng ta chú ý. Thứ nhất, như đã nêu trên, bản Kinh Thánh này phản ánh sự hiểu biết về Kinh Thánh trước thế kỷ 4 CN, tức trước thời điểm mà học thuyết Chúa Ba Ngôi được chính thức công nhận. Thứ nhì, ngữ pháp tiếng Copt tương đối giống ngữ pháp tiếng Anh về một điểm quan trọng. Những bản dịch phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp xưa nhất được dịch ra tiếng Sy-ri cổ, La-tinh và Copt. Giống như tiếng Hy Lạp thời đó, tiếng Sy-ri cổ và La-tinh không có mạo từ bất định. Tuy nhiên, tiếng Copt thì có. Hơn nữa, trong tác phẩm nói về tiếng Copt (Introduction to Sahidic Coptic), học giả Thomas O. Lambdin nói: “Cách dùng mạo từ trong tiếng Copt, kể cả mạo từ xác định và mạo từ bất định, rất giống với cách dùng mạo từ trong tiếng Anh”.

Vì vậy, bản dịch tiếng Copt cung cấp bằng chứng thú vị về cách người ta hiểu Giăng 1:1 vào thời đó. Bằng chứng gì? Bản dịch phương ngữ Sahidic của tiếng Copt dùng một mạo từ bất định trước từ “thần” nơi vế sau của Giăng 1:1. Do đó, trong bản Kinh Thánh tiếng Copt, câu này có nghĩa là: “Và Ngôi Lời là một thần”. Rõ ràng, những dịch giả thời xưa đã hiểu lời Giăng ghi nơi Giăng 1:1 không có nghĩa Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Ngôi Lời là một thần, chứ không phải Đức Chúa Trời Toàn Năng.