Đức Chúa Trời còn ban ơn chữa bệnh bằng phép lạ?
Đức Chúa Trời còn ban ơn chữa bệnh bằng phép lạ?
Tại một số nước, thường xuyên diễn ra cảnh khách hành hương đổ xô đến những nơi linh thiêng mà người ta đồn rằng nhiều người đã được chữa “bệnh nan y”. Ở những quốc gia khác, các thầy pháp “chữa bệnh” bằng quyền lực huyền bí. Còn có những nước người ta tổ chức các buổi lễ tôn giáo mang tính kích động cảm xúc, nơi đó có thể chứng kiến cảnh người ngồi xe lăn đứng phắt dậy, người khuyết tật quăng nạng và hô rằng mình đã được chữa lành.
Phần lớn những người thực hiện các “phép lạ” trên thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, và thậm chí đạo này thường đả kích đạo kia là ngoại giáo, tà giáo hoặc bội đạo. Vì thế, câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng Đức Chúa Trời ban ơn chữa bệnh bằng phép lạ cho nhiều tôn giáo đối lập nhau? Kinh Thánh khẳng định: “Đức Chúa Trời chẳng phải là Đức Chúa Trời của sự lộn-xộn, bèn là Đức Chúa Trời của sự bình-an” (1 Cô-rinh-tô 14:33, Ghi-đê-ôn). Thế thì những “phép lạ” này có thật sự do Đức Chúa Trời làm không? Vì một số người cho rằng họ có khả năng chữa bệnh là nhờ quyền lực từ Chúa Giê-su, vậy chúng ta hãy xem ngài đã chữa bệnh như thế nào.
Cách Chúa Giê-su chữa bệnh
Chúa Giê-su khác hẳn với những người chữa bệnh bằng “phép lạ” thời nay. Chẳng hạn, ngài chữa cho hết thảy mọi người tìm đến ngài chứ không chỉ chọn ra vài người rồi bỏ mặc những người khác. Hơn nữa, tất cả những người được ngài chữa đều khỏi hẳn bệnh và thường khỏi ngay lập tức. Kinh Thánh nói: “Cả đoàn dân đến kiếm cách rờ Ngài, vì từ Ngài có quyền-phép ra, chữa lành hết mọi người”.—Lu-ca 6:19.
Khác với những người “chữa bệnh” bằng đức tin thời nay—khi không chữa khỏi thì thường đổ lỗi cho người bệnh là thiếu đức tin—Chúa Giê-su chữa cho cả những người chưa tin nơi ngài. Chẳng hạn, có lần ngài chủ động làm cho một người mù sáng mắt. Sau đó, Chúa Giê-su có dịp hỏi người ấy: “Ngươi có tin đến Con Đức Chúa Trời chăng?”. Ông ấy đáp: “Thưa Chúa, người là ai, hầu cho tôi tin đến?”. Ngài trả lời: “Ấy là chính người đương nói cùng ngươi”.—Giăng 9:1-7, 35-38.
Có lẽ bạn thắc mắc: “Nếu đức tin không phải là điều kiện cần yếu để được lành bệnh thì tại sao Chúa Giê-su thường nói với người ngài giúp: “Đức-tin ngươi đã chữa lành ngươi”?” (Lu-ca 8:48; 17:19; 18:42). Khi nói như thế, Chúa Giê-su cho thấy rằng những người đó khỏi bệnh vì đức tin đã thúc đẩy họ tìm đến ngài, ngược lại, những ai không đến với ngài thì mất cơ hội ấy. Họ được chữa lành không phải nhờ đức tin mà là nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh xác nhận: ‘Đức Chúa Trời đã xức cho Chúa Jêsus bằng thánh-linh và quyền-phép, rồi Ngài đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước và chữa lành hết thảy những người bị ma-quỉ ức-hiếp; vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài’.—Công-vụ 10:38.
Ngoài ra, việc chữa bệnh bằng “phép lạ” thời nay thường bị thương mại hóa. Những người “chữa bệnh” bằng đức tin thường nổi tiếng về tài gây quỹ. Được biết có người chỉ trong một năm đã quyên góp đến 89 triệu USD qua những cuộc vận động toàn thế giới. Các tổ chức tôn giáo cũng thu không ít lợi nhuận từ những khách hành hương mong được chữa bệnh. Ngược lại, Chúa Giê-su không bao giờ thu tiền của những người ngài chữa lành, mà có khi còn ban phát thức ăn cho họ nữa (Ma-thi-ơ 15:30-38). Khi sai các môn đồ đi giảng đạo, Chúa Giê-su bảo họ: “Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỉ. Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không” (Ma-thi-ơ 10:8). Tại sao những người chữa bệnh bằng “phép lạ” thời nay lại khác với Chúa Giê-su đến thế?
“Chữa bệnh” nhờ quyền lực nào?
Những năm qua, một số người thuộc giới y khoa đã xem xét lại những trường hợp chữa bệnh bằng phép lạ. Kết quả thế nào? Tờ Daily Telegraph của Luân Đôn trích dẫn lời một bác sĩ ở Anh quốc đã dành ra 20 năm để nghiên cứu về vấn đề này: “Những trường hợp được cho là chữa lành nhờ phép lạ không hề có căn cứ dựa trên y khoa”. Thế nhưng, nhiều người vẫn thật lòng tin rằng họ đã được lành bệnh nhờ đi đến nơi linh thiêng, nhờ quyền phép của thánh tích hoặc những người nhân danh tôn giáo để chữa bệnh. Phải chăng họ đã bị lừa?
Trong một bài giảng nổi tiếng là Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su cho biết rằng sẽ có những kẻ lừa đảo về tôn giáo đến nói với ngài: “Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà... làm nhiều phép lạ sao?”. Khi ấy, ngài sẽ trả lời: “Hỡi kẻ làm gian-ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” (Ma-thi-ơ 7:22, 23). Cho biết quyền lực của những người như thế đến từ đâu, sứ đồ Phao-lô nói: “Kẻ đó sẽ lấy quyền của quỉ Sa-tan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối-giả; dùng mọi cách phỉnh-dỗ không công-bình”.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9, 10.
Hơn nữa, khi việc “chữa bệnh” gắn liền với những thánh tích, ảnh và tượng thờ thì không thể đến từ Đức Chúa Trời. Tại sao? Vì Lời Ngài đưa ra mệnh lệnh rõ ràng: “Hãy tránh khỏi sự thờ-lạy hình-tượng” và “hãy giữ mình về hình-tượng!” (1 Cô-rinh-tô 10:14; 1 Giăng 5:21). Như vậy, những “phép lạ” này là một thủ đoạn của Sa-tan Ma-quỉ để người ta lầm đường lạc lối và không thờ Đức Chúa Trời thật. Kinh Thánh cảnh báo: “Chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên-sứ sáng-láng”.—2 Cô-rinh-tô 11:14.
Chúa Giê-su và các sứ đồ chữa bệnh vì mục đích nào?
Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp (Tân ước) có ghi lại những trường hợp chữa bệnh thật sự bằng phép lạ. Những phép lạ ấy nhằm mục đích chứng minh Chúa Giê-su và các sứ đồ thuộc về Đức Chúa Trời (Giăng 3:2; Hê-bơ-rơ 2:3, 4). Các phép lạ cũng thêm sức thuyết phục cho thông điệp Chúa Giê-su rao giảng. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Jêsus đi khắp xứ Ga-li-lê, dạy-dỗ trong các nhà hội, giảng tin-lành của nước Đức Chúa Trời, và chữa lành mọi thứ tật-bịnh” (Ma-thi-ơ 4:23). Chúa Giê-su không chỉ chữa bệnh mà còn làm nhiều phép lạ khác như cung cấp thức ăn cho nhiều người, kiểm soát thiên nhiên và ngay cả làm người chết sống lại. Tất cả các phép lạ đó quả đã cho thấy trước những gì ngài sẽ làm cho nhân loại dưới triều đại Nước Đức Chúa Trời. Đây thật là một tin tốt lành!
Hiển nhiên, các phép lạ ấy cũng chấm dứt sau khi Chúa Giê-su, các sứ đồ và những người được họ truyền khả năng làm phép lạ qua đời. Sứ đồ Phao-lô viết: “Các việc nói tiên tri rồi sẽ hết, những ân tứ nói tiếng lạ cũng sẽ ngưng, tri thức [do Đức Chúa Trời mặc khải] cũng sẽ hết” (1 Cô-rinh-tô 13:8, Bản Dịch Mới ). Tại sao? Các phép lạ này đã đạt được mục tiêu: xác nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si mà Đức Chúa Trời đã hứa và khẳng định hội thánh của ngài được Đức Chúa Trời chấp nhận. Do đó, những phép lạ ấy, kể cả việc chữa bệnh, không cần thiết nữa và đã “hết”.
Tuy vậy, việc Chúa Giê-su chữa bệnh bằng phép lạ vẫn mang ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta ngày nay. Nếu lắng nghe và đặt đức tin nơi những gì Chúa Giê-su dạy về Nước Đức Chúa Trời, chúng ta có thể mong chờ thời kỳ mà lời tiên tri sau đây sẽ ứng nghiệm: “Dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”, cả về thể chất lẫn tâm linh.—Ê-sai 33:24; 35:5, 6; Khải-huyền 21:4.