Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người Maya thật sự được giải thoát

Người Maya thật sự được giải thoát

Người Maya thật sự được giải thoát

Nền văn minh cổ của người Maya được nhiều người biết đến qua những thành tựu họ để lại. Mỗi năm, hàng ngàn du khách đến bán đảo Yucatán ở Mexico để chiêm ngưỡng những kim tự tháp nguy nga, chẳng hạn như kim tự tháp ở Chichén Itzá và Cobá. Người Maya không những nổi tiếng về kỹ thuật xây dựng tài tình mà còn về những thành tựu liên quan đến chữ viết, toán học và thiên văn học. Họ đã tạo ra một hệ thống chữ tượng hình phức tạp, khái niệm về số 0, và lịch 365 ngày có những điều chỉnh tương đương với năm nhuận ngày nay.

Tuy nhiên, tôn giáo của người Maya thì gợi lên hình ảnh khác hẳn. Họ thờ đa thần, chẳng hạn như thần mặt trời, mặt trăng, thần mưa, thần bắp cùng vô số thần khác. Các thầy tế của họ chuyên quan sát các vì sao. Trong việc thờ phượng thì họ dùng nhang, hình tượng, và có những nghi thức như tự rạch da, cắt bộ phận cơ thể hoặc tế người sống, hầu hết là tù binh, nô lệ và nhất là trẻ em.

Sự xuất hiện của người Tây Ban Nha

Khi đặt chân đến vùng đất này vào đầu thế kỷ 16, người Tây Ban Nha đã phát hiện ra nền văn minh phức tạp của dân Maya. Mục đích của những người chinh phục (conquistador) là khám phá vùng đất và nguồn tài nguyên mới, đồng thời đem đạo Công giáo đến với dân Maya để giải thoát họ khỏi những tập tục tôn giáo dã man. Vậy, người Maya có thật sự được giải thoát về tôn giáo hoặc phương diện nào khác không?

Từ thời xa xưa, phương pháp canh tác truyền thống của dân Maya là phát rẫy. Tuy nhiên, người Tây Ban Nha, trong đó có giới tu sĩ đạo Công giáo, đã chiếm đất công của họ. Điều này gây căm phẫn và khiến đời sống họ vô cùng khó nhọc. Quân thực dân cũng chiếm lĩnh những hầm nước thiên nhiên, gần như là nguồn nước duy nhất ở bán đảo Yucatán. Bên cạnh đó, chính quyền thực dân bắt người Maya phải chịu thuế nặng nề. Đã thế giáo hội còn đánh thuế thân hằng năm, mỗi người nam là 12,5 real * và nữ là 9 real, khiến đời sống họ càng cực khổ hơn. Các chủ đồn điền lợi dụng hoàn cảnh này bằng cách trả tiền thuế thân cho người Maya rồi bắt họ làm việc để trả nợ, và dần dần biến họ thành nô lệ.

Các tu sĩ cũng đòi phí khi thực hiện những nghi lễ tôn giáo như phép rửa tội, phép hôn phối và nghi thức mai táng. Vừa chiếm lĩnh đất, vừa đánh thuế thân và thu các khoản phí khác, giáo hội đã làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người Maya. Ngoài ra, nông dân Maya bị xem là những kẻ đần độn và mê tín. Vì thế, giới tu sĩ và những người có thế lực khác cho rằng mình có quyền quất người Maya để khép họ vào khuôn khổ kỷ luật và bài trừ mê tín dị đoan.

Chiến tranh Giai cấp

Lúc đầu, người Maya phản kháng bằng cách không trả thuế cho giáo hội, không cho con đi học ở trường của nhà thờ hoặc các lớp giáo lý, không chịu làm việc tại các đồn điền. Tuy nhiên, làm thế chỉ khiến họ bị đối xử hà khắc hơn. Sau khoảng 300 năm dưới ách đô hộ của người Tây Ban Nha, lòng căm phẫn của người Maya lên đến tột đỉnh vào năm 1847. Họ vùng lên chống lại người da trắng, dẫn đến cuộc chiến gọi là Chiến tranh Giai cấp.

Những người dẫn đầu cuộc nổi dậy đã quy tụ tại nơi có một linh vật gọi là “Chữ thập biết nói”. Qua hình chữ thập đó, một người có tài nói bằng bụng đã kêu gọi dân chúng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trong cuộc chiến này, dân Maya thất bại thê thảm. Khi chiến tranh chính thức kết thúc vào năm 1853, khoảng 40% dân số ở Yucatán đã thiệt mạng. Dù vậy, những cuộc xung đột vẫn tiếp tục xảy ra suốt 55 năm sau đó. Cuối cùng, người Maya cũng tự giải thoát khỏi ách đô hộ của người Tây Ban Nha và phân bố lại đất đai. Còn về mặt tôn giáo thì sao, họ có thật sự được giải thoát không?

Chưa thật sự được giải thoát

Cả đạo Công giáo do người Tây Ban Nha mang đến lẫn Chiến tranh Giai cấp đều không thật sự giải thoát người Maya. Ngày nay, ở đây vẫn tồn tại một hình thức tạp giáo, pha trộn phong tục bản địa từ thời tiền Tây Ban Nha với những truyền thống của Công giáo La Mã.

Nói về dân Maya ngày nay, cuốn The Mayas​—3000 Years of Civilization (Maya​Nền văn minh 3000 năm) nói: “Người Maya vẫn thờ những vị thần trong thiên nhiên như thời xưa và thờ cúng tổ tiên ở những cánh đồng, hang động và đồi núi​... đồng thời cũng sùng bái các thánh ở nhà thờ”. Chẳng hạn, họ xem Chúa Giê-su tương đương với thần Quetzalcoatl (Kukulcán), còn trinh nữ Ma-ri tương đương với nữ thần mặt trăng. Việc thờ cúng cây gòn thánh được thay thế bởi việc thờ thập tự giá, và người ta vẫn tưới nước cho thập tự giá như một cây thật. Trên những cây thập tự này, thay vì có tượng Chúa Giê-su, họ thế bằng hoa cây gòn.

Sự giải thoát thật!

Trong những năm gần đây, Nhân Chứng Giê-hô-va ở Mexico đã mở rộng việc dạy Kinh Thánh cho người Maya. Các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh, chẳng hạn như tạp chí này, đã được dịch sang ngôn ngữ của người Maya để giúp họ hiểu ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Kết quả là gì? Vào lúc viết bài này, có khoảng 6.600 người thuộc 241 hội thánh đang rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời bằng tiếng Maya. Đối với người Maya, thoát khỏi sự ràng buộc của tín ngưỡng dân gian để tiếp nhận chân lý của Kinh Thánh có dễ dàng không?

Thật không dễ chút nào, nhiều người thành tâm đã phải phấn đấu rất nhiều mới làm được. Chẳng hạn, vợ chồng anh Marcelino và chị Margarita từng là những tín đồ Công giáo sùng đạo. Mỗi năm họ đều rước thập tự giá từ nhà thờ về nhà, dâng thú làm lễ vật rồi cùng ăn với gia đình và bạn bè. Một ngày nọ, họ gặp Nhân Chứng Giê-hô-va và bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh. Họ kể lại: “Chúng tôi nhận biết những gì mình đang học là lẽ thật nhưng sợ rằng nếu đổi đạo thì sẽ bị thần thánh trừng phạt”. Dù vậy, họ đã tiếp tục học Kinh Thánh. Anh Marcelino kể tiếp: “Từ từ, lẽ thật của Kinh Thánh đã ngấm sâu vào tâm khảm chúng tôi. Nhờ thế chúng tôi có thêm sự dạn dĩ để nói với gia đình và bạn bè về những điều học được. Giờ đây, chúng tôi vui mừng vì không còn là nô lệ cho những niềm tin dựa trên sự mê tín, chỉ tiếc là chúng tôi không biết lẽ thật sớm hơn. Chúng tôi muốn bù lại khoảng thời gian đã mất bằng cách nỗ lực giúp người khác biết về lẽ thật tuyệt vời trong Kinh Thánh”.

Ông Alfonso, 73 tuổi, cũng từng là một tín đồ Công giáo sùng đạo. Trong thị trấn, ông đứng ra tổ chức các lễ hội tôn giáo, bao gồm những phần như Lễ Mi-sa, khiêu vũ và thức ăn nước uống cho người tham dự. Trong các ngày lễ này cũng có màn đấu bò. Ông cho biết: “Những lễ hội ấy kết thúc bằng cảnh say sưa và cãi vã là chuyện thường tình. Dù rất thích các lễ hội nhưng tôi cảm thấy tôn giáo của mình còn thiếu điều gì đó”. Khi Nhân Chứng Giê-hô-va giảng đạo cho ông thì ông đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh. Tuy sức khỏe kém nhưng ông đã đến dự các buổi nhóm họp của họ. Giờ đây ông không còn sinh hoạt trong tôn giáo cũ và tận dụng mọi cơ hội để nói về niềm tin mới cho những người đến nhà thăm ông.

Trên đây chỉ là vài câu chuyện của những người Maya đã thật sự được giải thoát về mặt tôn giáo. Ngoài ra còn có nhiều người khác nữa. Quả thật, hậu duệ của những người đã xây nên các kim tự tháp nguy nga ở Yucatán vẫn tồn tại nơi đây. Họ vẫn nói ngôn ngữ xưa, nhiều người vẫn sống gần giống với tổ tiên của họ trong nhà tranh vách đất, vẫn phát rẫy để trồng bắp và cây gòn. Tuy nhiên, giờ đây chân lý, hay lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời, đã giải thoát nhiều người Maya khỏi sự ràng buộc của mê tín dị đoan và tôn giáo sai lầm. Họ thật sự cảm nghiệm được lời nói mang ý nghĩa sâu sắc của Chúa Giê-su: “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ giải thoát các ngươi”.​—Giăng 8:⁠32, NW.

[Chú thích]

^ đ. 6 Real là đơn vị tiền tệ thời xưa của người Tây Ban Nha.

[Bản đồ nơi trang 13]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Vùng đất người Maya từng thống trị

Vịnh Mexico

MEXICO

Bán đảo Yucatán

Chichén Itzá

Cobá

BELIZE

GUATEMALA

HONDURAS

EL SALVADOR

[Hình nơi trang 13]

Tàn tích của dân Maya cổ ở Chichén Itzá

[Hình nơi trang 15]

Vợ chồng anh chị Marcelino và Margarita đang rao truyền tin mừng ở Yucatán