Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhân Chứng Giê-hô-va có chấp nhận Cựu ước không?

Nhân Chứng Giê-hô-va có chấp nhận Cựu ước không?

Câu hỏi độc giả

Nhân Chứng Giê-hô-va có chấp nhận Cựu ước không?

Nhân Chứng Giê-hô-va xem Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời và chấp nhận rằng cả Cựu ước và Tân ước đều là hai phần quan trọng của Kinh Thánh. Tuy nhiên, họ thấy gọi hai phần này là “phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ” và “phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp” là thích hợp hơn, vì tiếng Hê-bơ-rơ (Do Thái cổ) và Hy Lạp là hai ngôn ngữ chính được dùng để viết Kinh Thánh vào lúc ban đầu.

Mặt khác, một số người tự nhận theo Chúa Giê-su lại ngần ngại chấp nhận Cựu ước. Họ nói phần này miêu tả về một Đức Chúa Trời luôn giận dữ, ủng hộ chiến tranh, giết người và có những hành động không phù hợp với Đức Chúa Trời đạo đức và đầy yêu thương trong phần Tân ước. Hoặc họ lý luận rằng vì Cựu ước chủ yếu nói về đạo Do Thái nên không liên quan đến những người theo Chúa Giê-su. Tuy nhiên, theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:32 là chớ thêm hay bớt lời của Ngài, thì đó có phải là những lý do chính đáng để bỏ đi ba phần tư Kinh Thánh không?

Vào năm 50 CN, khi đến thăm cư dân thành Tê-sa-lô-ni-ca ở Hy Lạp, một sứ đồ của Chúa Giê-su là Phao-lô đã “biện-luận với họ, lấy Kinh-thánh cắt nghĩa và giải tỏ-tường về Đấng Christ phải chịu thương khó, rồi từ kẻ chết sống lại” (Công-vụ 17:​1-3). Một số người nghe ông đã trở thành môn đồ Chúa Giê-su, và sau đó Phao-lô khen họ: “Anh em tiếp-nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời Đức Chúa Trời” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:⁠13). Vào thời điểm Phao-lô đến thăm, trong số 27 sách của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, dường như chỉ có Phúc âm Ma-thi-ơ đã được viết ra. Vì thế, “Kinh-thánh” mà Phao-lô cắt nghĩa chắc hẳn là những câu thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ.

Thật thế, những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp đã đề cập đến những câu trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, trực tiếp là 320 lần và gián tiếp thì hàng trăm lần. Tại sao? Vì “mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy” (Rô-ma 15:4). Rõ ràng, điều này cho thấy những ai ngày nay chấp nhận toàn bộ Kinh Thánh đều hưởng được lợi ích rất nhiều.

Đức Chúa Trời dần dần làm sáng tỏ ý định Ngài nên điều hợp lý là Ngài soi dẫn tiếp tục viết ra phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, có nền tảng là phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp hoàn toàn không làm giảm giá trị của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Ông Herbert H. Farmer, một giáo sư về thần học của đại học Cambridge, cho rằng các sách Phúc âm “sẽ không thể hiểu được nếu bỏ qua phần lịch sử của dân tộc thuộc giao ước cũ được ghi lại trong Cựu ước”.

Lời Đức Chúa Trời không cần chỉnh sửa. Tuy nhiên, “con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa” (Châm-ngôn 4:​18). Nhờ thêm phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp vào Kinh Thánh chính điển, Đức Chúa Trời cho biết rõ hơn về cách Ngài sẽ hoàn thành ý định Ngài mà không làm giảm giá trị của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Cả hai phần này đều là “lời Chúa” và “còn lại đời đời”.​—1 Phi-e-rơ 1:​24, 25.