Sạch sẽ—Tại sao quan trọng?
Sạch sẽ—Tại sao quan trọng ?
Suốt hàng ngàn năm, dịch bệnh đã hoành hành làm cho nhân loại điêu đứng. Một số người từng tin rằng đây là tai vạ Thượng Đế giáng xuống để biểu thị cơn giận của Ngài và trừng phạt những người làm ác. Tuy nhiên, nhờ kiên nhẫn quan sát và nỗ lực nghiên cứu qua nhiều thế kỷ, người ta đã tìm ra thủ phạm: Chúng thường là những sinh vật nhỏ bé xung quanh chúng ta.
Các nhà nghiên cứu về y khoa đã phát hiện rằng chuột, gián, ruồi, muỗi là những sinh vật trung gian có thể truyền bệnh. Họ cũng nhận thấy người ta dễ nhiễm bệnh chỉ vì thiếu vệ sinh. Như vậy, sống sạch sẽ hẳn là có ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của một người.
Hiển nhiên, tiêu chuẩn vệ sinh mỗi nơi mỗi khác, tùy theo phong tục và hoàn cảnh. Ở những nơi không có hệ thống dẫn nước và cống rãnh tốt, giữ vệ sinh quả là điều khó thực hiện. Thế nhưng, Thượng Đế, tức Đức Chúa Trời, đã dạy dân Y-sơ-ra-ên thời xưa giữ phép vệ sinh khi họ đi trong sa mạc. Hẳn đây là một trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn để giữ vệ sinh!
Tại sao Đức Chúa Trời xem trọng sự sạch sẽ đến thế? Nên có quan điểm hợp lý nào về điều này? Bạn và gia đình có thể làm những việc đơn giản nào để giảm nguy cơ mắc bệnh?
Tại đất nước Cameroon, bé Max * chạy ù về nhà sau giờ tan trường. Cậu bước vào ngôi nhà bình dị của mình và ôm chú chó cưng đang trông ngóng cậu. Vừa đói vừa khát, cậu liệng cặp lên bàn ăn và ngồi xuống háo hức đợi bữa cơm.
Vừa nghe tiếng cậu, mẹ từ nhà bếp đem ra một đĩa cơm nóng hổi với một ít đậu. Bà liền đổi nét mặt khi thấy chiếc cặp nằm chễm chệ trên mặt bàn mới lau sạch. Nhìn con, bà nghiêm giọng nói: “Maaaax!”. Chỉ cần một từ là cậu đã đủ hiểu ý mẹ. Cậu liền bỏ cặp xuống và chạy đi rửa tay rồi quay trở lại với bữa cơm của mình. Biết lỗi, cậu bé nói lí nhí: “Xin lỗi mẹ, con quên mất tiêu”.
Một người mẹ biết quan tâm chắc hẳn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn nhà cửa sạch sẽ và giúp mọi người trong gia đình khỏe mạnh. Để làm điều đó, bà cũng cần sự hợp tác của mọi người. Như câu chuyện trên cho thấy, dạy con tính sạch sẽ là một quá trình lâu dài vì đòi hỏi bạn phải nỗ lực không ngừng, và con trẻ cần được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Mẹ của bé Max biết rằng thực phẩm có thể bị nhiễm bẩn qua nhiều cách. Vì thế, không những bà rửa tay kỹ trước khi nấu nướng mà còn đậy kín thức ăn để không bị ruồi bu. Nhờ bà luôn đậy thức ăn và giữ nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp nên nhà ít có chuột và gián.
Mẹ của Max cẩn thận như thế vì một lý do quan trọng là muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời. Bà giải thích: “Kinh Thánh nói rằng dân Đức Chúa Trời phải nên thánh vì Ngài là thánh” (1 Phi-e-rơ 1:16). Bà nói thêm: “Việc nên thánh đòi hỏi phải thanh khiết, sạch sẽ. Vì thế tôi muốn nhà cửa luôn sạch sẽ và gia đình trông tươm tất. Dĩ nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi có sự hợp tác của mọi người trong gia đình”.
Tinh thần hợp tác là cần thiết
Theo lời nhận xét của mẹ bé Max, giữ gìn vệ sinh là trách nhiệm của cả nhà. Trong một số gia đình, thỉnh thoảng các thành viên họp lại để cùng bàn bạc những điều cần làm và những gì cần cải thiện nhằm giữ vệ sinh nhà cửa, cả trong lẫn ngoài. Điều này cũng đẩy mạnh tinh thần hợp tác và nhắc mỗi người nên góp phần giữ gìn sức khỏe chung cho gia đình. Ví dụ, người mẹ có thể giải thích cho những đứa con lớn biết tại sao cần phải rửa tay sau khi đi vệ sinh, cầm những vật dơ như tiền, và trước khi ăn. Rồi sau đó chúng sẽ nhắc nhở các em mình hiểu đó là điều quan trọng cần phải làm.
Việc nhà có thể được phân chia đều, mỗi người một việc. Gia đình bạn có thể sắp xếp lau chùi nhà cửa mỗi tuần và làm tổng vệ sinh một hoặc hai lần trong năm. Còn sân vườn hoặc trước cửa nhà thì sao? Nhà bảo vệ môi trường Stewart L. Udall nhận xét về nước Hoa Kỳ như sau: “Chúng ta sống trong một đất nước đang mất dần vẻ mỹ quan, ngày càng xấu hơn, không gian sống bị thu hẹp dần, và
môi trường nói chung ngày càng ô nhiễm, ồn ào và tồi tệ”.Bạn có cùng cảm nghĩ như thế về môi trường sống của mình không? Vào thời xưa và ngay cả ở một số thị trấn thuộc Trung Phi ngày nay, thường có một người rung chuông để kêu gọi dân chúng chú ý. Ông hô to nhắc nhở mọi người làm sạch sẽ phố phường, nạo vét cống rãnh (kể cả ống cống hoặc máng xối), tỉa nhánh cây, nhổ cỏ và hủy rác.
Xử lý rác thải là một vấn nạn toàn cầu và là cơn ác mộng đối với nhiều quốc gia. Đôi khi nhà nước không kịp thu gom nên rác chất đống trên đường. Do đó họ phải kêu gọi người dân giúp đỡ. Là những công dân tốt, Nhân Chứng Giê-hô-va mau chóng hưởng ứng và tuân theo quy định của nhà nước mà không chút phàn nàn (Rô-ma 13:3, 5-7). Không những thế, họ còn sẵn sàng làm nhiều hơn những điều được đòi hỏi. Vì quan tâm đến môi trường nên họ tự giác làm vệ sinh chứ không phải đợi có người kêu gọi mới làm. Họ ý thức rằng việc ăn ở sạch sẽ cho thấy họ được giáo dục tốt và có tinh thần trách nhiệm. Thói quen này phải bắt đầu từ mỗi người và trong mỗi gia đình. Chỉ cần thực hiện những cách đơn giản để giữ vệ sinh xung quanh nhà thì sẽ giúp cải thiện sức khỏe và cảnh quan của khu xóm.
Tôn vinh Đức Chúa Trời qua ngoại diện sạch sẽ
Ngoại diện sạch sẽ và tươm tất là đặc điểm của những người thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và thường tạo ấn tượng tốt nơi người khác. Tại thành phố Toulouse, Pháp, một nhóm 15 người trẻ thuộc hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va bước vào nhà hàng sau khi dự hội nghị. Thoạt đầu, một cặp vợ chồng lớn tuổi đang ngồi dùng bữa liền nghĩ rằng nhóm bạn trẻ này sẽ cười nói ồn ào và phá phách. Tuy nhiên, với hạnh kiểm đứng đắn, cách ăn nói đàng hoàng và ngoại diện tươm tất, những người trẻ này đã tạo được ấn tượng tốt nơi cặp vợ chồng ấy. Khi nhóm bạn trẻ sắp rời nhà hàng, hai ông bà đã khen họ có cách cư xử tốt. Ông bà còn nói với một cậu trong nhóm rằng những người có hạnh kiểm tốt như thế là rất hiếm trong thời buổi này.
Khi đến thăm chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, những vị khách thường ấn tượng trước sự sạch sẽ của tất cả phòng ốc và xưởng in tại đây. Những tình nguyện viên làm việc và sống ở đây đều phải ăn mặc sạch sẽ và giữ gìn vệ sinh cá nhân. Dù sao, nước hoa và các chất khử mùi không thể thay thế việc tắm rửa. Ngoài ra, khi họ đi giảng đạo sau giờ làm việc hoặc vào cuối tuần, ngoại diện tươm tất của họ cũng khiến người khác xem trọng thông điệp mà họ rao truyền.
‘Hãy bắt chước Đức Chúa Trời’
Môn đồ của Chúa Giê-su được khuyên: ‘Hãy bắt chước Đức Chúa Trời’ (Ê-phê-sô 5:1). Nhà tiên tri Ê-sai tường thuật lại trong Kinh Thánh cảnh ông nhìn thấy các thiên sứ tung hô Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va, bằng những lời sau: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 6:3). Lời này nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời là Đấng thanh khiết tột bực. Vì thế, Ngài cũng đòi hỏi tất cả những người phụng sự Ngài như sau: “Hãy nên thánh, vì ta là thánh” (1 Phi-e-rơ 1:16). Điều này có nghĩa họ phải thanh khiết và sạch sẽ.
Kinh Thánh cũng khuyên họ phải “ăn-mặc một cách gọn-ghẽ” (1 Ti-mô-thê 2:9). Điều đáng chú ý là trong sách Khải-huyền, “áo sáng-láng tinh-sạch bằng vải gai mịn” tượng trưng cho việc làm công bình của những người mà Đức Giê-hô-va xem là thánh (Khải-huyền 19:8). Trái lại, trong Kinh Thánh, những gì dơ bẩn thường tượng trưng cho tội lỗi.—Châm-ngôn 15:26; Ê-sai 1:16; Gia-cơ 1:27.
Ngày nay, hàng triệu người phải phấn đấu để sống trong sạch—giữ tiêu chuẩn cao về vệ sinh, đạo đức và sự thờ phượng. Trong tương lai, khi Đức Chúa Trời “làm mới lại hết thảy muôn vật” thì vấn đề này sẽ hoàn toàn được giải quyết (Khải-huyền 21:5). Khi ấy thì mọi điều dơ bẩn và ô uế sẽ vĩnh viễn biến mất.
[Chú thích]
^ đ. 6 Tên đã đổi.
[Khung nơi trang 10]
Luật pháp Đức Chúa Trời đòi hỏi phải sạch sẽ
Trong thời gian ở sa mạc, dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời chỉ dẫn cách giữ vệ sinh khi đi ngoài (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:12-14). Đành rằng làm theo lời chỉ dẫn này không phải dễ vì khu trại rất lớn, nhưng điều đó chắc chắn đã giúp ngăn ngừa những bệnh như thương hàn và dịch tả.
Người dân cũng được lệnh phải rửa, giặt hoặc hủy bất cứ đồ vật nào đụng đến xác chết. Dù có lẽ họ không hiểu tại sao phải làm thế, nhưng vâng theo lệnh đó đã giúp họ tránh bị bệnh hoặc nhiễm trùng.—Lê-vi Ký 11:32-38.
Các thầy tế lễ thì phải rửa tay chân trước khi làm phận sự trong đền tạm. Điều đó không dễ chút nào vì họ phải đổ nước đầy một cái thùng lớn bằng đồng, nhưng họ vẫn tuân theo bởi điều luật này rất nghiêm ngặt.—Xuất Ê-díp-tô Ký 30:17-21.
[Khung nơi trang 11]
Vài lời nhắc nhở của bác sĩ
Nước cần thiết cho sự sống, nhưng nếu bị ô nhiễm thì đây có thể là nguồn lây lan bệnh tật và gây tử vong. Trong một cuộc phỏng vấn, bác sĩ J. Mbangue Lobe, trưởng ban y tế ở cảng Douala thuộc nước Cameroon, đã đưa ra vài lời đề nghị thiết thực.
“Hãy đun sôi nước uống khi không chắc là nước sạch hay không”. Ông cảnh báo: “Có thể dùng thuốc tẩy và các hóa chất khác, nhưng nếu dùng không đúng cách thì rất nguy hiểm. Luôn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Một bánh xà phòng không tốn bao nhiêu, ngay cả người nghèo cũng mua được. Giặt giũ thường xuyên, dùng nước nóng nếu có vấn đề ngoài da hoặc bị bệnh da liễu”.
Ông nói tiếp: “Mọi người trong gia đình cần chú trọng giữ gìn vệ sinh nhà cửa, cả trong lẫn ngoài. Phòng vệ sinh và nhà xí bên ngoài thường ít được để ý và vì vậy dễ trở thành ổ của gián và ruồi”. Ông cũng đưa ra một lời cảnh báo quan trọng đối với trẻ em: “Hãy coi chừng khi tắm ở những mương lạch trong xóm vì ở đó đầy dẫy vi trùng có hại. Tắm rửa, đánh răng kỹ mỗi tối trước khi đi ngủ và ngủ trong mùng”. Nguyên tắc căn bản rút ra từ những lời khuyên trên là phải nghĩ xa, hành động và nhờ thế tránh được nhiều vấn đề.
[Hình nơi trang 10]
Giặt giũ giúp tránh các vấn đề ngoài da hoặc bệnh da liễu
[Hình nơi trang 10]
Môn đồ thời nay của Chúa Giê-su tự giác làm vệ sinh chung quanh nhà
[Hình nơi trang 10]
Một người mẹ biết quan tâm đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vệ sinh cho gia đình