Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tìm kiếm sai lầm nhưng lại thấy chân lý

Tìm kiếm sai lầm nhưng lại thấy chân lý

Tìm kiếm sai lầm nhưng lại thấy chân lý

Do R. Stuart Marshall kể lại

Vị linh mục dòng Tên nói: “Chúng tôi không nói chuyện với Nhân Chứng Giê-hô-va vì họ dùng Kinh Thánh”. Câu trả lời của ông khiến tôi ngạc nhiên vì tôi vừa mới nhờ ông giúp vợ tôi thấy được những điểm mâu thuẫn trong sự dạy dỗ của Nhân Chứng Giê-hô-va. Thế nên, tôi quyết định học Kinh Thánh với Nhân Chứng để có thể chỉ cho vợ tôi thấy những mâu thuẫn đó.

Lúc đó, ở tuổi 43, tôi bắt đầu dùng khả năng lý luận và sự hiểu biết về thần học để bắt bẻ những dạy dỗ của Nhân Chứng Giê-hô-va. Từ tiểu học lên đến đại học, tôi đều theo học các trường Công giáo. Dù tôi có bằng cử nhân kinh tế vào năm 1969 và đã học những khóa bắt buộc về triết học và thần học, không có lớp nào của trường Công giáo dạy về Kinh Thánh.

Sau khi tốt nghiệp, tôi kết hôn với Patricia McGinn, cũng là người Công giáo. Sau đó, hai vợ chồng tôi học thêm để lấy bằng tiến sĩ của đại học Stanford. Con trai chúng tôi là Stuart được sinh ra vào năm 1977, và cuối cùng chúng tôi định cư ở Sacramento, bang California, Hoa Kỳ. Trong 23 năm sau đó, tôi làm việc cho văn phòng nghiên cứu về luật pháp (LAO) của bang California, phân tích ngân sách giáo dục ảnh hưởng thế nào đến tài chính của bang. Tôi làm việc siêng năng và có đời sống tốt đẹp. Tôi hạnh phúc khi được làm cha và thấy con trai mình lớn lên. Người vợ yêu dấu của tôi là người hỗ trợ trung thành nhất, và tôi đối với cô ấy cũng thế.

Câu trả lời 25 xu

Khi con trai chúng tôi lên hai, Patricia có được một cuốn Kinh Thánh từ Nhân Chứng Giê-hô-va và bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với họ. Ba năm sau, cô ấy làm báp têm. Tôi cảm thấy Nhân Chứng Giê-hô-va có quan điểm hẹp hòi về các ngày lễ và việc truyền máu, nhưng về một số vấn đề, tôi nhận thấy lý luận của họ rất thuyết phục. Điều đáng ngạc nhiên là một ngày nọ vào năm 1987, tôi đã công khai nói lên suy nghĩ này. Khi ấy, trong một buổi họp đặc biệt của những người lập luật có trách nhiệm về ngành giáo dục của bang, tôi được mời đến để giải thích về một đề nghị mà tôi đưa ra.

Trường đại học California muốn được hỗ trợ một số tiền để giành quyền với những bang khác thực hiện dự án liên bang trị giá 6 tỉ đô la. Đó là dự án xây dựng máy siêu gia tốc siêu dẫn SSC để nghiên cứu về những hạt hạ nguyên tử. Tôi đã đề nghị không cấp số tiền đó, vì dự án này sẽ không mang lại lợi ích gì nhiều cho nền kinh tế của bang. Trường đại học đã phản bác đề nghị của tôi bằng cách mời hai nhà khoa học đoạt giải Nobel về vật lý đến tham gia buổi họp đặc biệt đó. Hai người đều cho biết dự án này sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các nhà khoa học. Một người thì nói nó có thể cho lời giải đáp về nguồn gốc của vũ trụ. Người kia thì nói nó có thể khai sáng cho chúng ta biết sự sống trên trái đất bắt đầu như thế nào.

Chủ tọa buổi họp hỏi ý kiến tôi:

“Anh nghĩ 6 tỉ đô la có quá nhiều để trả lời những câu hỏi này không?”.

“Tôi đồng ý đây là những câu hỏi quan trọng”, tôi đáp, “tuy nhiên, Nhân Chứng Giê-hô-va thường đến nhà tôi vào sáng thứ bảy và tặng tạp chí giá 25 xu cũng trả lời những câu hỏi tương tự. Theo tôi thì chưa chắc câu trả lời trị giá 6 tỉ đô la từ dự án này là tốt hơn câu trả lời trị giá 25 xu của họ”.

Mọi người trong phòng cười ồ lên, kể cả hai nhà khoa học đoạt giải Nobel. Dù sau này cơ quan lập pháp đã đồng ý cung cấp tiền cho trường đại học theo đuổi dự án ấy, nhưng không có ai bác bẻ lập luận của tôi.

Thời gian trôi qua, tôi bắt đầu nhận thấy cần phải giải quyết một vấn đề đang xảy ra trong gia đình. Sau sáu năm thảo luận với Patricia về Kinh Thánh và Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi thấy thất vọng khi cô ấy muốn dành thêm thời gian cho công việc rao giảng. Điều này đòi hỏi cô ấy phải giảm bớt giờ làm ở trường đại học. Một người biết lý luận như cô ấy mà lại có mục tiêu như thế làm tôi thất vọng biết bao! Và dường như tôi không thể nói gì hoặc làm gì để thay đổi quyết định của Patricia.

Tôi cố gắng tìm đến sự giúp đỡ của một người biết rõ về Kinh Thánh hơn tôi, người mà tôi nghĩ có thể dễ dàng chỉ ra những mâu thuẫn trong sự dạy dỗ của Nhân Chứng Giê-hô-va và Kinh Thánh. Chỉ cần chứng minh một giáo lý của họ là sai thì có thể đặt nghi vấn cho tất cả những điều còn lại. Thế là đủ để tôi có thể khiến người vợ có đầu óc toán học suy nghĩ lại. Tôi liên lạc với vị linh mục dòng Tên của nhà thờ mà trước đây Patricia và tôi đã từng đi lễ. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi kết thúc bằng câu chuyện ở đầu bài. Khi vị linh mục từ chối nói chuyện với Patricia, tôi biết dù cần thêm thời gian, tôi phải là người tìm ra sai lầm của Nhân Chứng để chỉ cho cô ấy thấy.

Tìm kiếm những điểm sai lầm

Khi học Kinh Thánh với các Nhân Chứng, điều gây ấn tượng nhất đối với tôi là lời tiên tri trong Kinh Thánh. Tôi đã đọc trong sách của nhà tiên tri Ê-sai những chi tiết về sự sụp đổ của Ba-by-lôn được viết trước đó gần 200 năm: người chinh phục Ba-by-lôn là Si-ru, và chiến thuật đổi hướng dòng sông Ơ-phơ-rát để chiếm thành này (Ê-sai 44:⁠27–​45:4). Nhiều năm trước đó, trong một khóa học về chiến lược quân sự, tôi đã biết về sự sụp đổ của Ba-by-lôn. Khi tìm hiểu Kinh Thánh, tôi cũng biết rằng nhà tiên tri Đa-ni-ên đã nói trước hơn 200 năm những chi tiết về một vị vua hùng mạnh của Hy Lạp, và rồi đế quốc này sẽ bị chia thành bốn nước yếu hơn sau khi ông chết (Đa-ni-ên 8:​21, 22). Tôi nhớ lại đã biết sự kiện đó về A-léc-xan-đơ Đại Đế khi học về lịch sử cổ xưa. Qua việc nghiên cứu các sách tham khảo, tôi chứng minh cho chính mình rằng những sách Kinh Thánh ấy thật sự đã được viết trước khi các sự kiện xảy ra.

Càng tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng, tôi càng tin chắc Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Đó là điều mà tôi không có được sau nhiều năm học về thần học của Công giáo. Tôi sẽ làm gì khi biết được điều này? Tôi quyết định dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va và trở thành Nhân Chứng của Ngài (Ê-sai 43:10). Tôi làm báp têm năm 1991, chỉ hai năm sau cuộc nói chuyện với vị linh mục dòng Tên ấy. Còn con trai chúng tôi làm báp têm năm 1992.

Với định hướng mới trong đời sống, chúng tôi thay đổi những mục tiêu của gia đình. Một trong những điều đầu tiên tôi làm sau khi báp têm là lập một kế hoạch 5 năm để vợ tôi có thể từ từ giảm giờ dạy ở trường đại học và nghỉ hưu ở tuổi 50. Cô ấy muốn trở thành người tiên phong. Vào thời ấy, những người tiên phong dành ra 1.000 giờ một năm, hay khoảng 83 giờ một tháng, để giúp người khác học biết chân lý trong Kinh Thánh. Đến năm 1994, vợ tôi đã giảm giờ làm việc đủ để bắt đầu làm tiên phong. Về phần tôi, mục tiêu đầu tiên của tôi là cải thiện công việc rao giảng, giúp đỡ hội thánh, và tình nguyện làm kế toán cho việc xây cất Phòng Nước Trời trong khu vực.

Đôi khi, tôi có dịp thảo luận Kinh Thánh tại nơi làm việc. Một nhân viên mới phụ trách việc phân tích ngân sách của văn phòng LAO là Nhân Chứng đã không còn tham gia những hoạt động của hội thánh. Những mối nghi ngờ về Kinh Thánh đã làm suy yếu đức tin của cô. Tôi rất vui khi giúp được cô ấy có lại mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Sau đó, cô trở về tiểu bang của mình và bắt đầu làm tiên phong.

Năm 1995, tôi đã tham dự buổi họp đặc biệt khác của những người lập luật có trách nhiệm về ngành giáo dục của bang. Buổi họp này xem xét lại về các dự án nghiên cứu của liên bang. Chủ tọa buổi họp hỏi người đại diện cho liên bang về kết quả của dự án máy siêu gia tốc siêu dẫn SSC. Người này cho biết dự án ấy đã được giao cho bang Texas nhưng không bao giờ hoàn tất vì ba lý do. Thứ nhất, chi phí cho dự án từ 6 tỉ đã lên đến 9 tỉ đô la trước khi nó bắt đầu. Thứ nhì, chính quyền liên bang muốn dùng số tiền ấy để chi cho việc khác, đặc biệt là cho chiến tranh I-rắc năm 1991. Thứ ba, họ nhận thấy rằng họ chỉ cần tốn 25 xu cho Nhân Chứng Giê-hô-va để có thể tìm được lời giải đáp cho các câu hỏi trong đời sống! Dường như lời nhận xét của tôi đã được nhiều người biết đến và được nhắc lại trong buổi họp đặc biệt này.

Khi mọi người phá lên cười, một vài người trong buổi họp đã nhìn tôi. Tôi cho mọi người có mặt tại đó biết một thông tin mới: “Giờ đây, quý vị có thể có câu trả lời miễn phí từ các ấn phẩm [của Nhân Chứng]”.

Một đời sống thỏa nguyện và ý nghĩa

Khi vợ tôi nghỉ hưu, chúng tôi lập kế hoạch 5 năm cho tôi. Tôi kín đáo tìm việc bán thời gian ở các cơ quan khác vì bây giờ tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho việc giúp người khác tìm hiểu Kinh Thánh. Không ngờ, văn phòng LAO cho tôi cơ hội giảm giờ làm việc. Vì vậy, năm 1998, tôi cũng bắt đầu làm tiên phong.

Vào một buổi sáng, khi hai vợ chồng tôi đang chuẩn bị đi rao giảng, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ văn phòng chi nhánh Hoa Kỳ của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York. Theo một cuộc thăm dò trước đây, văn phòng hỏi tôi có muốn làm việc trong một dự án ở Brooklyn không. Tôi đồng ý ngay. Vì thế, chúng tôi có được cơ hội làm việc tại đó 18 tháng. Tôi nghỉ việc ở văn phòng của bang California sớm hơn dự định để hoàn tất dự án tại Brooklyn. Sau đó, chúng tôi tình nguyện phục vụ trong việc xây cất Phòng hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Fairfield, California. Chúng tôi bán nhà ở Sacramento và chuyển đến một căn hộ nhỏ ở Palo Alto. Nhờ nghỉ hưu sớm, tôi có cơ hội nhận được nhiều ân phước hơn. Kể từ đấy, chúng tôi làm việc cho các dự án của văn phòng chi nhánh ở Nigeria, Nam Phi, Canada, Anh và Đức.

Như những Nhân Chứng đã giúp đỡ chúng tôi, vợ chồng tôi nay có được niềm vui giúp người khác học biết chân lý trong Kinh Thánh. Tôi thật lòng thấy rằng sự giáo dục từ Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích nhiều nhất so với tất cả sự giáo dục mà tôi có được. Sự giáo dục từ Ngài dạy đầy đủ về nhiều đề tài khác nhau, hơn hẳn những chương trình giáo dục khác. Đức Giê-hô-va đã huấn luyện các Nhân Chứng của Ngài để họ dạy chân lý trong Kinh Thánh một cách động đến lòng và trí người ta. Đó là điều thúc đẩy tôi tiếp tục học hỏi. Vợ chồng tôi biết ơn về đời sống hiện nay và đặc ân được dùng kiến thức của mình để phụng sự Đấng cai trị hoàn vũ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

[Câu nổi bật nơi trang 27]

Khi học Kinh Thánh với các Nhân Chứng, điều gây ấn tượng nhất đối với tôi là lời tiên tri trong Kinh Thánh

[Hình nơi trang 27]

Với Patricia vào ngày cưới

[Hình nơi trang 29]

Chúng tôi vui thích tham gia công việc giúp người khác học biết về chân lý trong Kinh Thánh