Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có thể họ đã đến nơi nào của Đông Phương?

Có thể họ đã đến nơi nào của Đông Phương?

Có thể họ đã đến nơi nào của Đông Phương?

Không đầy 30 năm sau cái chết của Chúa Giê-su, sứ đồ Phao-lô ghi lại rằng tin mừng đã được giảng ra giữa “mọi vật dựng nên ở dưới trời” (Cô-lô-se 1:23). Chúng ta không nên hiểu lời của ông theo nghĩa đen, nghĩa là mọi người thời đó đã được nghe tin mừng. Tuy nhiên, ý của Phao-lô thật rõ ràng: Các giáo sĩ đã rao giảng khắp thế giới lúc bấy giờ.

Có thể họ đã đến tận nơi nào? Kinh Thánh thuật lại rằng nhờ tàu buôn mà Phao-lô có thể nới rộng công việc rao giảng về phía tây đến tận Y-ta-li. Người giáo sĩ gan dạ này cũng muốn rao giảng ở Y-pha-nho (Tây Ban Nha).—Công-vụ 27:1; 28:30, 31; Rô-ma 15:28.

Về hướng ngược lại thì sao? Những người truyền giáo thời ban đầu đã đến tận nơi nào của Đông Phương? Chúng ta không thể biết chắc vì Kinh Thánh không nói về điều này. Tuy nhiên, có lẽ bạn ngạc nhiên khi biết các tuyến đường giao thương thời thế kỷ thứ nhất kéo dài từ Địa Trung Hải đến tận những vùng nào ở Đông Phương. Ít ra những tuyến đường này cũng cho biết rằng thời đó người ta có thể đi đến Đông Phương.

Di sản của A-léc-xan-đơ

Các cuộc viễn chinh của A-léc-xan-đơ Đại Đế đã đưa ông về phía đông, qua xứ Ba-by-lôn và Ba Tư rồi đến tận Punjab, thuộc miền bắc Ấn Độ. Những cuộc viễn chinh đó giúp người Hy Lạp trở nên quen thuộc với các vùng duyên hải trải dài từ cửa sông Ơ-phơ-rát, thuộc Vịnh Ba Tư, đến cửa sông Ấn.

Không lâu sau, từ bên kia Ấn Độ Dương, gia vị và các loại hương được vận chuyển vào thế giới Hy Lạp qua đường Biển Đỏ. Ban đầu, các nhà buôn người Ấn Độ và Ả Rập kiểm soát cuộc giao thương này. Nhưng khi các vua Ptolemy ở Ai Cập khám phá ra hướng đi của gió mùa, họ cũng tham gia vào cuộc giao thương ở Ấn Độ Dương.

Ở đại dương này, trong khoảng tháng 5 đến tháng 9, gió thổi đều đặn và liên tục từ phía tây nam, tạo điều kiện cho tàu thuyền giong buồm từ cửa Biển Đỏ đi dọc theo miền duyên hải phía nam Ả Rập hoặc đi thẳng đến phía nam Ấn Độ. Giữa tháng 11 đến tháng 3, gió đổi hướng ngược lại, thuận lợi cho việc trở về. Trong hàng trăm năm, những người đi biển ở Ả Rập và Ấn Độ đã biết lợi dụng những luồng gió này để đi lại giữa Ấn Độ và Biển Đỏ, vận chuyển các loại quế, cam tùng và tiêu.

Các tuyến đường biển đến A-léc-xan-tri và Rô-ma

Khi La Mã chinh phục các xứ của những người kế vị A-léc-xan-đơ, Rô-ma trở thành thị trường chính của những mặt hàng quý từ Đông Phương: ngà voi của châu Phi, hương và mộc dược của Ả Rập, gia vị và đá quý của Ấn Độ, và ngay cả tơ lụa của Trung Quốc. Những chuyến tàu chở các mặt hàng này cập bến tại hai cảng chính là Berenice và Myos Hormos, thuộc miền duyên hải Biển Đỏ ở Ai Cập. Hàng hóa từ hai cảng này được vận chuyển bằng đường bộ đến thị trấn Coptos bên bờ sông Nile.

Từ Coptos, hàng hóa được vận chuyển theo dòng sông Nile, mạch giao thông chính ở Ai Cập, đến A-léc-xan-tri. Tại đây, hàng hóa được đưa lên tàu để vận chuyển đến Ý và các nơi khác. Một tuyến đường khác để đến A-léc-xan-tri là qua con kênh nối liền Biển Đỏ với sông Nile, con kênh này nằm gần thành phố Suez thời nay. Hiển nhiên, Ai Cập và các hải cảng của nước này tương đối gần với những vùng đất mà Chúa Giê-su rao giảng và có thể dễ dàng đến đó.

Theo nhà địa lý Hy Lạp sống vào thế kỷ thứ nhất là Strabo thì vào thời ông, 120 chiếc tàu của người A-léc-xan-tri đi từ Myos Hormos đến giao thương với Ấn Độ hàng năm. Một cẩm nang về đường biển của khu vực này được viết vào thế kỷ thứ nhất vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Có lẽ một nhà buôn người Ai Cập biết nói tiếng Hy Lạp đã viết sách này vì lợi ích của giới lái buôn. Chúng ta có thể học được gì từ quyển sách cổ này.

Cuốn cẩm nang này thường được gọi bằng tên La-tinh là Periplus Maris Erythraei (Chuyến hải trình quanh Biển Erythrae) mô tả những tuyến đường biển kéo dài hàng ngàn cây số về phía nam Ai Cập, đến tận Zanzibar. Về phía đông, tác giả liệt kê các khoảng cách, nơi thả neo, nơi buôn bán, hàng hóa và bản tính của dân địa phương sống dọc theo bờ biển phía nam Ả Rập, dọc xuống bờ biển phía tây Ấn Độ đến Sri Lanka, rồi ngược lên bờ biển phía đông Ấn Độ đến tận sông Hằng. Lời miêu tả chính xác và sống động của sách này chứng tỏ tác giả đã đến những nơi mà ông miêu tả.

Người Tây Phương ở Ấn Độ

Tại Ấn Độ, các nhà buôn Tây Phương được gọi là Yavanas. Theo cuốn Periplus, vào thế kỷ thứ nhất CN, một trong những điểm đến thường xuyên của các nhà buôn này là Muziris, nằm gần mũi đất phía nam Ấn Độ *. Những bài thơ tiếng Tamil có từ thời các thế kỷ đầu tiên CN luôn đề cập đến họ. Có một bài nói: “Trên những chiếc tàu xinh đẹp, người Yavanas mang vàng đến chở tiêu về. Muziris luôn tấp nập tưng bừng”. Bài khác thì nói về một vị hoàng tử ở nam Ấn Độ bị ép uống rượu thơm của người Yavanas. Trong số những mặt hàng khác của Tây Phương đã tìm được chỗ đứng ở thị trường Ấn Độ là: thủy tinh, kim loại, san hô và vải sợi.

Các nhà khảo cổ tìm được nhiều bằng chứng cho thấy hàng hóa của người Tây Phương đã được nhập khẩu vào Ấn Độ. Chẳng hạn, tại làng Arikamedu nằm ở miền duyên hải phía tây nam Ấn Độ, người ta tìm thấy những mảnh vỡ các bình rượu và đĩa của người La Mã, trên đó có đóng dấu của những thợ gốm ở Arezzo, thuộc miền trung nước Ý. Tác giả một cuốn sách nói: “Các mảnh gốm—mang tên những nghệ nhân có lò gốm ở ngoại ô Arezzo—được lấy lên từ dưới lớp phù sa ở Vịnh Bengal đã kích thích trí tưởng tượng của nhà khảo cổ”. Ngoài ra, ở miền nam Ấn Độ, người ta tìm thấy vô số đồng tiền La Mã bằng vàng và bạc được cất giấu kỹ lưỡng. Chúng cũng cung cấp thêm bằng chứng về mối giao thương giữa vùng Địa Trung Hải và Ấn Độ. Đa số những đồng tiền này có từ thế kỷ thứ nhất CN và mang hình của các hoàng đế La Mã là Au-gút-tơ, Ti-be-rơ và Nê-rô.

Một bản đồ từ thời Trung Cổ còn tồn tại đến nay đưa ra bằng chứng cho thấy người La Mã có thể đã lập những khu giao thương cố định ở miền nam Ấn Độ. Bản đồ này—được gọi là Bản Peutinger—miêu tả thế giới La Mã vào thế kỷ thứ nhất, cho thấy ở cảng Muziris có một đền thờ hoàng đế Au-gút-tơ. Sách Rome’s Eastern Trade: International Commerce and Imperial Policy, 31 BC–AD 305 (Nền giao thương của La Mã ở Đông Phương: Thương mại quốc tế và chính sách của đế quốc, 31 TCN–305 CN) cho biết: “Một kiến trúc như thế chỉ có thể được xây dựng bởi công dân La Mã và có lẽ họ là những người cư ngụ ở Muziris hoặc từng sống ở đó khá lâu”.

Văn khố của La Mã có đề cập ít nhất ba sứ giả Ấn Độ đã đến thăm Rô-ma trong triều đại vua Au-gút-tơ, từ năm 27 TCN đến 14 CN. Một tài liệu nghiên cứu về đề tài này nói rằng: “Các sứ giả này đến với mục đích chính là ngoại giao”, nhằm thỏa thuận về địa điểm giao thương giữa các nước, về thuế vụ và nơi cư ngụ cho ngoại kiều, v.v...

Vậy, vào thế kỷ thứ nhất CN, việc đi lại giữa vùng Địa Trung Hải và Ấn Độ không phải là hiếm hoi hay khác thường. Không có gì khó để một giáo sĩ ở phía bắc Biển Đỏ lên tàu đi Ấn Độ.

Xa hơn Ấn Độ?

Khó xác định được các nhà buôn cũng như những người khác ở vùng Địa Trung Hải đã đi về Đông Phương từ lúc nào và đến những nơi nào. Tuy nhiên, người ta tin rằng đến thế kỷ thứ nhất CN, một số người Tây Phương đã đi đến tận Thái Lan, Cam-pu-chia, Sumatra và Java.

Sách Hou Han-Shou (Hậu Hán Sử)—nói về giai đoạn từ năm 23 CN đến 220 CN—đã xác định thời điểm một chuyến hành trình về Đông Phương. Sách này cho biết, vào năm 166 CN một sứ bộ của vua An-tun, nước Daqin, đến triều đình của Trung Quốc để tặng lễ vật cho hoàng đế Huan-ti. Daqin là tên mà người Trung Quốc gọi Đế quốc La Mã, còn An-tun dường như là Antoninus—họ của Marcus Aurelius, hoàng đế La Mã thời bấy giờ. Tuy nhiên, các sử gia lại nghĩ rằng nhóm người này không phải là sứ bộ chính thức, nhưng chỉ là công cụ của những nhà buôn Tây Phương lanh lợi để mua lụa trực tiếp từ Trung Quốc thay vì phải qua người trung gian.

Trở lại câu hỏi ban đầu của chúng ta: “Có thể những con tàu thời xưa đã đưa các giáo sĩ đến tận nơi nào ở Đông Phương? Phải chăng đến Ấn Độ và xa hơn nữa? Có lẽ thế. Chắc chắn thông điệp của họ đã loan truyền rộng rãi đến mức sứ đồ Phao-lô có thể nói là tin mừng ‘kết-quả và tấn-bộ trong cả thế-gian’, tức đến những nơi xa xôi nhất của thế giới vào thời đó.—Cô-lô-se 1:6.

[Chú thích]

^ đ. 15 Dù không biết chính xác vị trí của Muziris, các học giả vẫn xác định được cảng này nằm gần cửa sông Periyar, thuộc bang Kerala.

[Khung/​Hình nơi trang 22]

Lời than phiền của một vị hoàng đế

Năm 22 CN, hoàng đế Ti-be-rơ của La Mã than thở vì dân ông tiêu xài quá mức. Các quí ông thì ham muốn vô độ những thứ xa xỉ, còn quí bà thì tiêu xài hoang phí cho các món trang sức. Điều này làm tiêu hao tài sản của nước ông, đưa nguồn tài sản ấy qua “các nước xa lạ và thù nghịch”. Sử gia người La Mã là Pliny Lớn (23-79 CN) cũng than phiền về cách tiêu xài hoang phí như thế. Ông viết: “Tính ít nhất thì Ấn Độ, Serica và bán đảo Ả Rập đã rút từ nguồn tài sản của vương quốc chúng ta mỗi năm là 100 triệu sesterce *, một giá quá đắt cho những xa xí phẩm của các quí bà và quí ông”.

[Chú thích]

^ đ. 28 Các nhà phân tích ước lượng rằng 100 triệu sesterce (đồng tiền cổ La Mã) tương đương khoảng 2% nền kinh tế của đế quốc La Mã.

[Nguồn tư liệu]

Museo della Civiltà Romana, Roma; Todd Bolen/Bible Places.com

[Khung/​Hình nơi trang 23]

Nơi các nhà buôn tìm hàng hóa

Chúa Giê-su nói về “một người lái-buôn kiếm ngọc châu tốt” (Ma-thi-ơ 13:45). Tương tự, sách Khải-huyền trong Kinh Thánh cũng nói đến “các nhà buôn” trữ các loại hàng hóa như ngọc, lụa, gỗ thơm, ngà voi, quế, hương và sa-nhân * (Khải-huyền 18:11-13). Họ có thể tìm những nguồn hàng này dọc theo tuyến đường giao thương về phía đông Palestine. Các loại gỗ thơm, chẳng hạn như gỗ đàn hương, đến từ Ấn Độ. Ngọc trai quý thì có thể tìm thấy ở Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ, và theo tác giả của cuốn Periplus Maris Erythraei, loại ngọc này cũng có trong vùng phụ cận của Muziris và tại Sri Lanka. Ngọc trai ở Ấn Độ Dương có lẽ là loại tốt nhất và đắt nhất.

[Chú thích]

^ đ. 35 Sa-nhân là một loại gia vị của Ấn Độ.

[Bản đồ nơi trang 20, 21]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Một số tuyến đường giao thương giữa Rô-ma và châu Á vào thế kỷ thứ nhất

Arezzo

Rô-ma

ĐỊA TRUNG HẢI

CHÂU PHI

A-léc-xan-tri

AI CẬP

Coptos

Sông Nile

Myos Hormos

Berenice

Zanzibar

Biển Đỏ

Giê-ru-sa-lem

Ả RẬP

Sông Ơ-phơ-rát

BA-BY-LÔN

Vịnh Ba Tư

BA TƯ

Gió mùa đông bắc

Gió mùa tây nam

Sông Ấn

PUNJAB

Sông Hằng

Vịnh Bengal

ẤN ĐỘ

Arikamedu

Muziris

SRI LANKA

ẤN ĐỘ DƯƠNG (BIỂN ERYTHRAE)

TRUNG QUỐC

HÁN QUỐC

THÁI LAN

CAM-PU-CHIA

VIỆT NAM

Sumatra

Java

[Hình nơi trang 21]

Mô hình một thương thuyền của La Mã

[Nguồn tư liệu]

Ship: Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.