Một nơi nồng nhiệt chào đón bạn!
Tại địa phương bạn đang sinh sống, có lẽ bạn đã đi qua nơi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va, còn được gọi là Phòng Nước Trời, và thắc mắc người ta làm gì ở đó. Bạn có biết rằng ai cũng có thể tham dự những buổi họp hằng tuần ở đấy không? Đúng vậy, mọi người đều được nồng nhiệt chào đón!
Tuy nhiên, có lẽ bạn tự hỏi: Tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va nhóm nhau lại? Họ làm gì tại các buổi họp? Những người đến dự, không phải là Nhân Chứng, nhận xét gì về các buổi họp này?
“Nhóm-hiệp dân-sự”
Việc nhóm nhau lại để thờ phượng và được dạy về Đức Chúa Trời đã có từ thời xưa. Cách nay gần 3.500 năm, Đức Chúa Trời đã phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Ngươi phải nhóm-hiệp dân-sự, nào người nam, người nữ, nào con trẻ và khách lạ ở trong các thành của ngươi, để chúng nghe, tập kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:12). Vì vậy, trong dân Y-sơ-ra-ên, không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng nhóm lại để được dạy phải thờ phượng và vâng lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Nhiều thế kỷ sau, khi hội thánh gồm những môn đồ của Chúa Giê-su được thành lập, các buổi họp vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thờ phượng. Sứ đồ Phao-lô đã viết: “Chúng ta hãy lưu ý khích lệ nhau trong tình yêu thương và các việc lành. Đừng bỏ sự nhóm họp với nhau như thói quen của vài người, nhưng hãy khuyến khích nhau” (Hê-bơ-rơ 10:24, 25, Bản Dịch Mới). Khi các thành viên trong gia đình dành thời gian cho nhau, mối liên hệ giữa họ càng mật thiết hơn. Tương tự, khi những người yêu mến Đức Chúa Trời nhóm lại để thờ phượng Ngài, tình yêu thương giữa họ ngày càng thắt chặt hơn.
Giữ theo khuôn mẫu này trong Kinh Thánh, Nhân Chứng Giê-hô-va nhóm họp hai lần một tuần tại Phòng Nước Trời. Nhờ các buổi họp, những người tham dự biết được giá trị của các nguyên tắc Kinh Thánh, cũng như hiểu và biết cách áp dụng chúng vào đời sống. Phần lớn các nước trên thế giới thống nhất một chương trình nhóm họp, và mỗi buổi nhóm có mục tiêu riêng. Trước và sau các buổi nhóm, những người tham dự trò chuyện một cách vui vẻ và khích lệ, nhờ đó “cùng nhau giục lòng mạnh-mẽ” (Rô-ma 1:12). Các buổi họp diễn ra thế nào?
Bài giảng dựa trên Kinh Thánh
Buổi nhóm mà phần lớn người ta tham dự lần đầu là buổi trình bày bài giảng dựa trên Kinh Thánh, thường tổ chức vào cuối tuần. Chúa Giê-su thường nói bài giảng trước đám đông—trong số đó có Bài Giảng trên Núi nổi tiếng (Ma-thi-ơ 5:1; 7:28, 29). Sứ đồ Phao-lô cũng nói trước một đám đông người tại thành A-thên (Công-vụ 17:22-34). Noi theo khuôn mẫu này, buổi họp cuối tuần của Nhân Chứng Giê-hô-va có bài giảng về đề tài phù hợp với đa số người nghe, kể cả người mới tham dự lần đầu.
Buổi họp này bắt đầu với một bài hát trong sách Hãy ca hát ngợi khen Đức Giê-hô-va *. Mọi người đều đứng lên và có thể hòa giọng ca nếu muốn. Sau lời cầu nguyện ngắn gọn, một diễn giả trình bày bài giảng dài 30 phút có cơ sở vững chắc dựa trên Kinh Thánh. (Xem khung “ Bài giảng có giá trị thiết thực cho mọi người”). Anh nhiều lần mời cử tọa lưu ý các câu Kinh Thánh phù hợp với chủ đề và cùng theo dõi trong Kinh Thánh của họ. Vì vậy, nếu có thể, bạn hãy mang theo Kinh Thánh riêng, hoặc hỏi Nhân Chứng để nhận một cuốn Kinh Thánh trước buổi nhóm.
Buổi học tạp chí Tháp Canh
Trong hầu hết các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, tiếp theo bài giảng dành cho mọi người là Buổi học Tháp Canh. Buổi học này dài một tiếng và thảo luận theo lối vấn đáp về một chủ đề dựa trên Kinh Thánh. Buổi học khuyến khích những ai tham dự theo gương những người ở thành Bê-rê vào thời sứ đồ Phao-lô. Họ là những người “sẵn lòng chịu lấy đạo” và cẩn thận “tra xem Kinh-thánh”.—Công-vụ 17:11.
Buổi học bắt đầu với một bài hát. Sau đó, mọi người sẽ thảo luận bài học và câu hỏi đã được in sẵn trong ấn bản học hỏi của tạp chí Tháp Canh. Bạn có thể xin Nhân Chứng Giê-hô-va số Tháp Canh này. Một số chủ đề được thảo luận gần đây là: “Hỡi các bậc cha mẹ! Hãy dạy con bằng tình thương”, “Chớ lấy ác trả ác cho ai” và “Tại sao tin rằng mọi đau khổ sắp chấm dứt?”. Dù bài được thảo luận theo lối vấn đáp, nhưng việc tham gia bình luận là hoàn toàn tình nguyện. Những người tham gia thường đã đọc và suy nghĩ trước về bài học và các câu Kinh Thánh có liên quan. Kết thúc buổi học là bài hát và lời cầu nguyện.—Ma-thi-ơ 26:30; Ê-phê-sô 5:19.
Buổi học Kinh Thánh của hội thánh
Mỗi tuần một lần, Nhân Chứng Giê-hô-va họp lại tại Phòng Nước Trời vào chiều tối để tham dự một chương trình gồm ba phần, dài 1 giờ 45 phút. Phần đầu chương trình là Buổi học Kinh Thánh của hội thánh, diễn ra trong vòng 25 phút. Buổi học giúp những người tham dự quen thuộc với những dạy dỗ của Kinh Thánh, điều chỉnh thái độ và lối suy nghĩ, trở thành những môn đồ tốt hơn của 2 Ti-mô-thê 3:16, 17). Tương tự Buổi học Tháp Canh, đây là buổi thảo luận theo lối vấn đáp về một đề tài dựa trên Kinh Thánh, và mọi người có thể tình nguyện tham gia bình luận. Ấn phẩm dùng trong buổi học này là sách do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
Chúa Giê-su (Tại sao ngoài Kinh Thánh, cần học thêm các ấn phẩm này? Vào thời Kinh Thánh, chỉ đọc Lời Đức Chúa Trời thôi thì chưa đủ. Cần phải “giải nghĩa nó ra, làm cho người ta hiểu lời họ đọc” (Nê-hê-mi 8:8). Thật vậy, những năm gần đây, các ấn phẩm phân tích về những sách trong Kinh Thánh như Ê-sai, Đa-ni-ên và Khải-huyền đã giúp người tham dự hiểu được những sách này.
Trường Thánh Chức
Tiếp theo Buổi học Kinh Thánh của hội thánh là Trường Thánh Chức. Phần này kéo dài 30 phút, và mục tiêu là giúp Nhân Chứng cải tiến nghệ thuật giảng dạy (2 Ti-mô-thê 4:2). Chẳng hạn, đã bao giờ con cái hoặc một người quen hỏi bạn về Đức Chúa Trời hoặc về Kinh Thánh, nhưng bạn nhận thấy mình không có lời giải đáp thỏa đáng chưa? Trường Thánh Chức có thể hướng dẫn bạn cách giải đáp những câu hỏi khó một cách thuyết phục, dựa trên Kinh Thánh. Vì vậy, như nhà tiên tri Ê-sai, chúng ta có thể thốt lên: “Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy-dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng-đỡ kẻ mệt-mỏi”.—Ê-sai 50:4.
Trường Thánh Chức mở đầu bằng bài giảng thảo luận về phần Kinh Thánh được chỉ định đọc trong tuần đó, và cử tọa được khuyến khích đọc trước để có thể tham gia. Diễn giả sẽ mời cử tọa bình luận ngắn gọn về điểm họ nhận thấy hữu ích. Sau phần thảo luận này là bài giảng của các học viên đã tình nguyện tham gia trường.
Các học viên có thể được giao bài đọc một phần Kinh Thánh trước cử tọa hoặc trình bày cách giúp người khác hiểu một đề tài Kinh Thánh. Sau mỗi bài giảng, anh phụ trách trường học sẽ dựa trên sách Được lợi ích nhờ sự giáo dục của Trường Thánh Chức Thần Quyền để nhận xét và khen ngợi nỗ lực của
học viên. Nếu học viên có điểm nào cần trau dồi thêm, anh sẽ nói riêng.Chương trình sống động của trường giúp học viên và những người tham dự tiến bộ trong kỹ năng đọc, nói và dạy Kinh Thánh. Sau Trường Thánh Chức, một bài hát có nội dung dựa trên Kinh Thánh sẽ chuyển tiếp sang phần Buổi họp công tác.
Buổi họp công tác
Phần cuối của chương trình là Buổi họp công tác. Qua các bài giảng, màn trình diễn, phỏng vấn và lời bình luận của cử tọa, những người tham dự sẽ học cách giảng giải lẽ thật của Kinh Thánh sao cho hữu hiệu. Trước khi sai các môn đồ đi rao giảng, Chúa Giê-su nhóm họ lại và cho những lời chỉ dẫn cụ thể (Lu-ca 10:1-16). Nhờ được huấn luyện kỹ, họ đã có nhiều kinh nghiệm thú vị trong công việc truyền giáo, và vui mừng kể lại cho Chúa Giê-su nghe (Lu-ca 10:17). Họ cũng thường chia sẻ kinh nghiệm với nhau.—Công-vụ 4:23; 15:4.
Chương trình buổi họp dài 35 phút này được đăng hằng tháng trong tờ Thánh Chức Nước Trời. Một số chủ đề được thảo luận gần đây là: “Cả gia đình cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va”, “Lý do chúng ta thường xuyên trở lại” và “Noi gương Đấng Christ khi thi hành thánh chức”. Chương trình kết thúc với bài hát và một người được chỉ định sẽ đại diện hội thánh cầu nguyện.
Nhận xét của người đến dự
Nhân Chứng Giê-hô-va luôn cố gắng tiếp đón nồng hậu mọi người đến hội thánh. Chẳng hạn, một anh tên Andrew từng nghe nhiều điều không tốt về Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng khi đến thăm hội thánh lần đầu tiên, anh ngạc nhiên vì được tiếp đón thân mật. Anh kể lại: “Đó thật là một nơi ấm cúng biết bao! Tôi rất ngạc nhiên trước thái độ thân thiện và lòng quan tâm của những người ở đấy đối với tôi”. Ashel, một thanh thiếu niên ở Canada cũng đồng tình với cảm nghĩ trên. Em cho biết: “Buổi họp rất thích thú! Cũng không khó để theo kịp chương trình cùng mọi người”.
Ông José ở Brazil có tiếng là người hung hăng trong cộng đồng. Dù vậy, ông được mời đến tham dự buổi họp ở Phòng Nước Trời địa phương. Ông nói: “Những người trong Phòng Nước Trời chào đón tôi một cách thân thiện dù họ đã biết những hành vi trước đây của tôi”. Anh Atsushi ở Nhật nhớ lại: “Tôi phải thừa nhận rằng tôi cảm thấy hơi e ngại khi tham dự buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va lần đầu tiên. Dù vậy, tôi nhận ra họ là những người bình thường như bao người khác. Họ đã cố gắng giúp tôi không cảm thấy mình bị lạc lõng”.
Mời bạn đến dự
Như những nhận xét nêu trên, tham dự buổi họp được tổ chức ở Phòng Nước Trời có thể mang lại lợi ích cho bạn. Bạn sẽ học về Đức Chúa Trời, và qua chương trình giáo dục dựa trên Kinh Thánh ở đấy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ dạy những điều lợi ích cho bạn.—Ê-sai 48:17.
Tất cả buổi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va đều vào cửa tự do và không quyên tiền. Bạn có muốn tham dự một buổi họp tại Phòng Nước Trời trong khu vực của bạn không? Chúng tôi thân mời bạn đến!
^ đ. 10 Tất cả các ấn phẩm được đề cập trong bài này do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.