Bạn có biết?
Bạn có biết?
Đức Chúa Trời nghĩ gì về việc dân Ngài thực hành thuật chiêm tinh?
Theo một từ điển, thuật chiêm tinh là “thuật trông sao trên trời mà đoán việc lành dữ sẽ xảy ra trong đời sống”. Hằng năm, khi Trái Đất chuyển động hết một vòng quanh Mặt Trời, các chòm sao dường như thay đổi vị trí theo góc nhìn từ trái đất. Từ xưa, người ta quan sát những sự thay đổi này và cho rằng chúng có ý nghĩa đặc biệt.
Thuật chiêm tinh có lẽ bắt nguồn từ những người Ba-by-lôn cổ xưa, là những người thờ các vì sao và chòm sao. Khi dân Y-sơ-ra-ên không còn thờ phượng Đức Chúa Trời theo ý muốn Ngài nữa, họ đã bắt chước người Ba-by-lôn thờ các vì sao. Đến thời Giô-si-a lên ngôi vua xứ Giu-đê, thuật chiêm tinh đã lan rộng khắp xứ. Quan điểm của Đức Chúa Trời về vấn đề này rất rõ ràng. Trước đó nhiều thế kỷ, Luật Pháp Môi-se đã quy định những người quỳ lạy các vì sao sẽ phải lãnh án chết.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:2-5.
Trong số những cải cách về tôn giáo mà vua Giô-si-a thực hiện, có lệnh cấm không được dâng lễ vật “cho mặt trời, mặt trăng, huỳnh-đạo, và cả cơ-binh trên trời”. Theo lời tường thuật của Kinh Thánh, sở dĩ vua làm vậy là vì ông muốn “đi theo Đức Giê-hô-va” và ‘gìn-giữ những điều-răn của Ngài’ (2 Các Vua 23:3-5). Điều này vẫn là mẫu mực cho những ai thời nay muốn thờ phượng Đức Chúa Trời bằng “tâm-thần và lẽ thật”.—Giăng 4:24.
“Đi-ốt-cua” mà Công-vụ 28:11 nói đến là ai?
Sách Công-vụ trong Kinh Thánh tường thuật rằng trong chuyến hành trình đến Rô-ma, sứ đồ Phao-lô đi một đoạn đường bằng tàu từ Man-tơ đến Bu-xô-lơ. Mũi của con tàu đó có hình “Đi-ốt-cua”, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “các con trai của thần Zeus” (Công-vụ 28:11). Đây là biểu tượng được ưa chuộng của các thủy thủ và những người đi lại bằng đường biển.
Thần thoại Hy Lạp và La Mã kể rằng thần Zeus (còn được gọi là Jupiter) và nữ thần Leda có hai con trai song sinh, tên là Castor và Pollux. “Các con trai của thần Zeus” này có nhiều tài năng và còn là những thủy thủ lão luyện có quyền năng trên sóng và gió. Vì thế, họ được tôn là thần hộ mạng của thủy thủ. Những người đi biển dâng lễ vật và cầu xin hai thần này che chở họ qua bão tố. Người ta tin rằng hai vị thần song sinh này hiện diện và thể hiện quyền năng bảo vệ qua một hiện tượng gọi là “ngọn lửa của thánh Elmo”, tia chớp xuất hiện trên cột buồm do sự phóng điện trong không khí khi có bão.
Việc thờ hai thần Castor và Pollux rất phổ biến ở Hy Lạp và La Mã, và một tài liệu cổ có nhắc đến việc thờ phượng hai thần này đặc biệt ở quanh vùng Cyrene, Bắc Phi. Con tàu được nói đến trong sách Công-vụ khởi hành gần A-léc-xan-tri, Ai Cập.
[Hình nơi trang 9]
Bia của người Ba-by-lôn có hình vua Nazimaruttash và các chòm sao
[Hình nơi trang 9]
Đồng đơ-ni-ê có hình “Đi-ốt-cua”, năm 114-113 TCN.
[Nguồn tư liệu nơi trang 9]
Stela: Réunion des Musées Nationaux/Art Resource, NY; coin: Courtesy Classical Numismatic Group, Inc./cngcoins.com