Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mọi việc có kỳ định

Mọi việc có kỳ định

Mọi việc có kỳ định

Kinh Thánh nói: “Phàm sự gì có thì-tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định”. Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn, người đã viết những lời này, cho biết thêm có kỳ sanh ra có kỳ chết, có kỳ xây cất có kỳ phá đổ, có kỳ yêu có kỳ ghét. Cuối cùng, ông nhận xét: “Kẻ làm việc có được ích-lợi gì về lao-khổ mình chăng?”.—Truyền-đạo 3:1-9.

Khi đọc những lời này, một số người cho rằng quả thật Kinh Thánh có dạy mọi việc đều được định trước, nghĩa là Kinh Thánh ủng hộ niềm tin về định mệnh. Có thật như thế không? Kinh Thánh có ủng hộ khái niệm là định mệnh chi phối mọi điều trong đời sống người ta không? Vì “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”, nên khi chúng ta đọc một câu Kinh Thánh thì câu này phải hòa hợp với những câu khác. Vì vậy, chúng ta hãy xem những phần khác của Kinh Thánh nói gì về vấn đề này.—2 Ti-mô-thê 3:16.

Thời thế và sự bất trắc

Trong sách Truyền-đạo, Sa-lô-môn cũng viết: “Ta xây lại thấy dưới mặt trời có kẻ lẹ làng chẳng được cuộc chạy đua, người mạnh sức chẳng được thắng trận, kẻ khôn-ngoan không đặng bánh, kẻ thông-sáng chẳng hưởng của-cải, và người khôn-khéo chẳng được ơn”. Tại sao vậy? Ông giải thích: “Vì thời thế và sự bất trắc xảy ra cho mọi người”.—Truyền-đạo 9:11; NW.

Ở đây Sa-lô-môn không nói rằng mọi việc đều được định trước, nhưng ý của ông là vì “thời thế và sự bất trắc” nên loài người không thể biết chắc nỗ lực của mình có đạt được kết quả hay không. Nhiều khi một điều gì đó xảy đến với một người chỉ vì người ấy có mặt không đúng nơi đúng lúc.

Thí dụ, hãy xem câu này: “Kẻ lẹ làng chẳng được cuộc chạy đua”. Có lẽ bạn từng nghe về cuộc chạy đua nổi tiếng ở cự ly 3.000m nữ tại Thế vận hội năm 1984 ở Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ. Hai vận động viên, một là của Anh và một là của Mỹ, có triển vọng đoạt huy chương vàng. Tuy nhiên, nửa đường đua họ đã va chạm nhau. Một người bị ngã và phải bỏ cuộc, còn người kia thì mất tinh thần nên đã về đích thứ bảy.

Có phải kết cuộc này là do định mệnh không? Một số người có thể nghĩ như thế. Nhưng rõ ràng nguyên nhân khiến cả hai vận động viên không đoạt giải là do họ va chạm nhau, một rủi ro không ai lường trước. Vậy, việc hai người đụng nhau có phải do định mệnh không? Một số người cho là có. Tuy nhiên, một nhà bình luận nhận xét sự cố ấy là do tinh thần tranh đua mãnh liệt giữa hai vận động viên ngang tài ngang sức, ai cũng muốn thắng đối phương. Đúng như Kinh Thánh nói: “Thời thế và sự bất trắc xảy ra cho mọi người”. Dù một người đã dự tính kỹ lưỡng đến đâu chăng nữa, một số tình huống bất ngờ có thể xảy ra, ảnh hưởng đến thành quả của công việc, chứ không có định mệnh nào cả.

Vậy, tại sao Kinh Thánh nói: “Phàm sự gì có thì-tiết; mọi việc... có kỳ định”? Chúng ta có thể làm gì để thay đổi đời sống hay số phận của mình không?

Mọi việc đều có thời kỳ thuận lợi nhất

Người viết câu Kinh Thánh ấy không nói về định mệnh hay kết cuộc của bất cứ ai, nhưng nói về ý định của Đức Chúa Trời và ý định ấy ảnh hưởng thế nào đến nhân loại. Làm sao chúng ta biết? Về cơ bản, chính văn cảnh của câu giúp chúng ta hiểu. Sau khi đề cập đến những việc xảy ra theo thời kỳ nhất định, Sa-lô-môn viết: “Tôi quan sát những công việc Đức Chúa Trời ban cho loài người để họ làm. Mọi sự Ngài làm đều đúng thời, đúng lúc”.—Truyền-đạo 3:10, 11, Bản Dịch Mới.

Đức Chúa Trời ban cho nhân loại nhiều công việc để làm, và Sa-lô-môn đã liệt kê một số. Ngài cũng ban cho chúng ta sự tự do để quyết định làm điều mà chúng ta muốn. Tuy nhiên, mỗi công việc đều có kỳ thuận lợi để thực hiện và đạt hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn, nơi Truyền-đạo 3:2, Sa-lô-môn viết: “Có kỳ trồng, và có kỳ nhổ vật đã trồng”. Người nông dân biết rõ thời điểm tốt nhất để gieo hạt cho mỗi vụ. Nếu người nông dân lờ đi điều đơn giản ấy và gieo không đúng thời điểm thì sao? Nếu không trúng mùa, dù làm việc khó nhọc, ông có nên đổ lỗi cho định mệnh không? Dĩ nhiên không! Ông đã không gieo trồng đúng thời điểm. Người nông dân đã có thể gặt hái kết quả mỹ mãn nếu như ông theo đúng quy luật tự nhiên mà Đấng Tạo Hóa đã thiết lập.

Vậy, Đức Chúa Trời không định sẵn số mệnh từng cá nhân cũng không định trước kết cuộc các sự việc, nhưng nhằm thực hiện ý định, Ngài lập nên một số quy luật chi phối các hoạt động của con người. Để hưởng thành quả của công việc, loài người phải chú ý đến thời điểm và ý định của Đức Chúa Trời, rồi hành động phù hợp với những điều đó. Ý định của Ngài, chứ không phải vận mệnh của con người, mới là điều được sắp xếp trước và không thể thay đổi. Vì thế, qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Chúa Trời Giê-hô-va phán: “Này, lời đã ra từ miệng Ta, sẽ không trở về cùng Ta vô hiệu quả, nhưng sẽ làm điều Ta đã định và hoàn thành việc Ta đã sai khiến nó”.—Ê-sai 55:11, BDM.

Vậy, “lời” hay ý định đối với trái đất và nhân loại mà Đức Chúa Trời sẽ “hoàn thành” là gì?

Hiểu chúng ta đang ở thời điểm nào trong ý định của Đức Chúa Trời

Vua Sa-lô-môn giúp chúng ta tìm ra lời giải đáp khi nói: “Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt-lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công-việc Đức Chúa Trời làm từ ban-đầu đến cuối-cùng, người không thế hiểu được”. Bản Diễn Ý dịch phần sau câu này là: “Dù Thượng Đế có gieo rắc ý niệm vĩnh cửu vào trí óc loài người, người ta vẫn không ý thức được công việc Ngài làm từ đầu đến cuối”.—Truyền-đạo 3:11.

Người ta đã tranh luận nhiều về câu này. Thực tế là trong thâm tâm, sớm muộn gì ai cũng thắc mắc về ý nghĩa đời sống và kết cuộc của đời mình. Từ xưa, người ta thấy khó chấp nhận rằng đời sống toàn là những cay đắng nhọc nhằn, rồi cuối cùng phải nhắm mắt xuôi tay. Con người là tạo vật độc đáo, không những biết suy nghĩ về cuộc sống hiện tại mà còn nghĩ đến cuối cuộc đời và xa hơn. Chúng ta thậm chí ao ước được sống mãi mãi. Tại sao vậy? Như câu Kinh Thánh giải thích, đó là vì Đức Chúa Trời ‘có gieo ý niệm vĩnh cửu vào trí óc loài người’.

Vì ấp ủ ước muốn đó, người ta bám vào ý niệm có một đời sống khác sau cái chết. Chẳng hạn, một số người nghĩ có một phần bên trong chúng ta vẫn sống sau khi thể xác chết. Một số khác tin rằng chúng ta sẽ đầu thai hay tái sinh trong vòng luân hồi vô tận. Tuy nhiên, cũng có người nghĩ rằng mọi việc trong đời sống đều do số mệnh hay ý Trời nên đành phải cam chịu số phận. Đáng buồn thay, những lời giải thích ấy đều không thỏa đáng. Tại sao? Kinh Thánh nói: “Công-việc Đức Chúa Trời làm từ ban-đầu đến cuối-cùng, người không thế hiểu được”. Chính vì thế, con người không thể tự mình tìm ra lời giải đáp.

Thật vậy, qua nhiều thời đại, dù rất mong muốn nhưng các nhà tư tưởng học và triết học đã bất lực trong việc tìm ra lời giải đáp thỏa đáng. Tuy nhiên, vì Đức Chúa Trời đã đặt vào lòng con người ước muốn sống mãi, nên chúng ta tìm sự hướng dẫn của Ngài chẳng phải là điều hợp lý hay sao? Suy cho cùng, Kinh Thánh nói về Đức Giê-hô-va: “Chúa xòe tay ra, làm cho thỏa nguyện mọi loài sống” (Thi-thiên 145:16). Do đó, nếu tìm hiểu Lời Đức Chúa Trời tức Kinh Thánh, chúng ta sẽ có được lời giải đáp thỏa đáng về sự sống và cái chết. Chúng ta cũng sẽ biết về ý định vĩnh cửu của Đức Chúa Trời đối với trái đất và nhân loại.—Ê-phê-sô 3:11.

[Câu nổi bật nơi trang 5]

“Kẻ lẹ làng chẳng được cuộc chạy đua”.—Truyền-đạo 9:11

[Câu nổi bật nơi trang 6]

Nếu một nông dân không gieo hạt vào đúng thời điểm, liệu ông có nên đổ lỗi cho định mệnh khi không trúng mùa không?

[Câu nổi bật nơi trang 7]

Chúng ta suy nghĩ về sự sống và cái chết vì Đức Chúa Trời ‘có gieo ý niệm vĩnh cửu vào trí óc loài người’