Một cây có ‘lá chẳng tàn-héo’
Một cây có ‘lá chẳng tàn-héo’
Khi đến vùng quê, có bao giờ bạn nhìn thấy một rừng cây với cành lá sum suê chưa? Chắc hẳn bạn đồng ý rằng đó là một cảnh rất đẹp. Còn nếu bạn thấy nhiều cây to, rậm lá, bạn có nghĩ rằng đó là vùng đất khô cằn không? Chắc là không. Trái lại, chắc hẳn bạn biết vùng ấy có nhiều nước nên cây mới phát triển và tươi tốt.
Thật thích hợp khi Kinh Thánh ví những người có đức tin mạnh và gắn bó với Đức Chúa Trời như những cây to khỏe, có cành lá sum suê. Thí dụ, hãy lưu ý ba câu đầu tiên trong bài Thi-thiên thứ nhất miêu tả rất hay:
“Phước cho người nào chẳng theo mưu-kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội-nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo-báng; song lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, và suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sanh bông-trái theo thì-tiết, lá nó cũng chẳng tàn-héo; mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”.
Tương tự thế, Giê-rê-mi 17:7, 8 cũng miêu tả: “Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ-cậy Đức Giê-hô-va, và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông-cậy mình. Nó cũng như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ-hãi, mà lá cứ xanh-tươi. Gặp năm hạn-hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt”.
Trong hai đoạn Kinh Thánh này, cây được dùng để minh họa cho một người đạt thành quả nào khi làm điều lành, vui vẻ về luật pháp Đức Chúa Trời và hoàn toàn tin cậy Ngài. Vậy, câu hỏi được đặt ra là: Làm sao một người có thể giống như cây tươi tốt theo nghĩa bóng? Hãy xem xét kỹ hơn những câu Kinh Thánh này.
“Trồng gần dòng nước”
Cây trong các câu Kinh Thánh trên được trồng “gần dòng nước” hoặc “nơi bờ suối”. Nơi Ê-sai 44:3, 4 có một minh họa tương tự. Trong hai câu này Giê-hô-va Đức Chúa Trời nói về cách Ngài sẽ chăm sóc những người Do Thái biết ăn năn được trở về quê hương sau khi bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va phán: “Ta sắp đổ mưa xuống những vùng hạn hán và cho suối chảy trên mảnh đất khô cằn... Chúng sẽ mọc lên giữa đồng cỏ, như dương liễu bên dòng nước” (Giờ Kinh Phụng Vụ). Trong hai câu này, “suối” và “dòng nước” giúp cho những người được Đức Chúa Trời ban phước lớn lên như cây dương liễu rậm lá.
Ngay cả trong những vùng nông nghiệp ngày nay, bạn có thể thấy dòng nước và suối chảy ra từ nguồn nước như: giếng sâu, sông hoặc hồ. Nói chung, các dòng nước và suối là một phần của hệ thống tưới nước cho các cánh đồng hay đồn điền. Đôi khi người ta đào các mương để dẫn nước vào vườn cây ăn quả. Trong một số trường hợp, dòng suối nằm ở giữa, cung cấp nước cho một bên là những cánh đồng và bên kia là hàng cây rậm lá, có lẽ
hàng cây này dùng để phân ranh giới các khu đất.Cây trồng gần dòng suối phát triển thế nào? Thi-thiên 1:3 nói về cây “sanh bông-trái theo thì-tiết”. Ở các vùng đất được nói đến trong Kinh Thánh, có cây vả, lựu, táo, chà là và ôliu. Cây vả có thể cao đến 9m xòe tán rộng, còn hầu hết các cây ăn trái khác thì không cao như thế nhưng vẫn mọc sum suê, tươi tốt và ra nhiều trái đúng mùa.
Thời xưa, các cây dương liễu lớn mọc dọc theo bờ sông và dòng suối ở nước Sy-ri và Pha-lê-tin. Kinh Thánh thường miêu tả cây dương liễu đi đôi với những nơi có nước (Thi-thiên 137:1, 2). Cây liễu, cùng họ với cây dương liễu, cũng mọc trên vùng nhiều nước (Ê-xê-chi-ên 17:5). Những cây to lớn sum suê này thích hợp để tượng trưng cho điểm mà người viết Thi-thiên và ông Giê-rê-mi muốn nói đến: Những người cố gắng làm theo luật pháp Đức Chúa Trời và hoàn toàn tin cậy nơi Ngài sẽ có được mối quan hệ mật thiết với Ngài và ‘mọi sự họ làm đều sẽ thạnh-vượng’. Thạnh vượng hay thành công trong đời sống, đó chẳng phải là điều chúng ta muốn sao?
“Lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va”
Ngày nay, người ta cố đạt được thành công qua nhiều cách. Họ mải mê theo đuổi danh vọng và giàu có, những điều này thường hư vô và khiến họ thất vọng. Vậy, điều gì có thể mang lại sự thỏa lòng thật sự và hạnh phúc lâu dài trong đời sống? Lời của Chúa Giê-su trong Bài giảng trên núi cho biết câu trả lời. Ngài nói: “Phước cho những người ý thức về nhu cầu thiêng liêng vì nước thiên đàng thuộc những người đó” (Ma-thi-ơ 5:3, NW). Thật vậy, hạnh phúc thật không phải đến từ việc sở hữu nhiều của cải, mà đến từ việc nhận thấy mình có nhu cầu tâm linh và thỏa mãn nhu cầu ấy. Qua đó, chúng ta có được mối quan hệ mật thiết với Ngài và chúng ta giống cây sum suê, tươi tốt ra quả theo mùa. Làm sao chúng ta tạo được mối quan hệ như thế với Đức Chúa Trời?
Theo người viết Thi-thiên, trước hết chúng ta phải tránh một số điều. Ông nói đến “mưu-kế của kẻ dữ”, “đường tội-nhân” và “chỗ của kẻ nhạo-báng”. Để được phước hay hạnh phúc, chúng ta cần tránh giao tiếp với “kẻ nhạo-báng” (những người chế giễu) hoặc ngay cả những người lờ đi luật pháp Đức Chúa Trời.
Thứ hai, chúng ta nên vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va. Khi vui thích một hoạt động hoặc một điều nào đó, chúng ta tìm mọi dịp để tham gia hoặc thực hiện phải không? Cũng thế, khi vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, chúng ta quý trọng sâu xa Lời Ngài, muốn học và hiểu thêm về Kinh Thánh.
Cuối cùng, chúng ta cần đọc và “suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm”. Điều đó có nghĩa là thường xuyên đọc Kinh Thánh và suy nghĩ sâu sắc về những gì chúng ta đọc. Chúng ta nên có cùng cảm nghĩ về Lời Đức Chúa Trời như người viết Thi-thiên, ông hát: “Tôi yêu-mến luật-pháp Chúa biết bao! Trọn ngày tôi suy-gẫm luật-pháp ấy”.—Thi-thiên 119:97.
Thật vậy, khi có sự hiểu biết chính xác về Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũng như vun trồng lòng tin cậy tuyệt đối nơi Ngài và các lời hứa của Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ có mối quan hệ gắn bó với Ngài. Khi ấy, chúng ta sẽ như người có được hạnh phúc mà người viết Thi-thiên miêu tả: “Mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”.