‘Ta biết được nỗi đau-đớn của họ’
Hãy đến gần Đức Chúa Trời
‘Ta biết được nỗi đau-đớn của họ’
“Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn-quân!” (Ê-sai 6:3). Những lời này cho thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời vô cùng thanh khiết và trong sạch. Bạn có thể thắc mắc: “Vì Đức Chúa Trời thánh khiết, Ngài có lạnh lùng và xa cách chúng ta không? Đức Chúa Trời thánh khiết như thế có quan tâm đến tôi, một người tội lỗi và bất toàn không?”. Chúng ta hãy xem những lời đầy an ủi mà Đức Chúa Trời đã phán cùng Môi-se nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 3:1-10.
Một ngày kia, khi Môi-se đang chăn đàn cừu, ông thấy một cảnh tượng kỳ lạ: Bụi gai đang cháy nhưng “không hề tàn” (câu 2). Ông tò mò đến gần xem kỹ hơn. Qua một thiên sứ, Đức Giê-hô-va phán với Môi-se từ giữa ngọn lửa: “Chớ lại gần chốn nầy. Hãy cởi giày ngươi ra, vì chỗ ngươi đương đứng là đất thánh” (câu 5). Hãy thử nghĩ xem: Vì Đức Chúa Trời thánh khiết hiện diện nơi đó nên đất ấy trở nên thánh!
Đức Chúa Trời muốn nói chuyện với Môi-se. Ngài phán với ông: ‘Ta đã thấy rõ-ràng sự cực-khổ của dân ta tại xứ Ê-díp-tô, và có nghe thấu tiếng kêu-rêu vì cớ người đốc-công của họ; phải, ta biết được nỗi đau-đớn của họ’ (câu 7). Đức Chúa Trời không phải là không thấy nỗi thống khổ của dân Ngài, hoặc không nghe tiếng kêu cầu của họ. Trái lại, nỗi đau của họ cũng là nỗi đau của Ngài. Hãy lưu ý lời Ngài phán: ‘Ta biết được nỗi đau-đớn của họ’. Một sách tham khảo nói về cụm từ “ta biết” như sau: “Cụm từ này miêu tả cảm xúc, sự trìu mến và lòng trắc ẩn [của Đức Chúa Trời]”. Lời Đức Giê-hô-va phán với Môi-se cho thấy lòng quan tâm sâu xa của Ngài.
Đức Chúa Trời sẽ làm gì? Những điều Ngài thấy và nghe không những khiến Ngài động lòng thương xót mà còn thúc đẩy Ngài hành động. Đức Chúa Trời quyết định giải thoát dân Ngài ra khỏi nước Ai Cập cổ đại và dẫn họ “đến một xứ kia đẹp-đẽ và rộng-rãi, đượm sữa và mật” (câu 8). Để thực hiện điều này, Đức Giê-hô-va giao cho Môi-se nhiệm vụ là “dắt dân ta... ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (câu 10). Môi-se đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đó, dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập vào năm 1513 TCN.
Đức Giê-hô-va không thay đổi. Ngày nay, những người thờ phượng Đức Chúa Trời có thể tin chắc rằng Ngài thấy những khó khăn và nghe tiếng kêu cầu của họ. Ngài cũng thấu hiểu nỗi đau họ gánh chịu. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va yêu thương không chỉ động lòng thương xót những người phụng sự Ngài, mà còn ra tay hành động để giúp đỡ dân Ngài “vì Ngài hay săn-sóc” họ.—1 Phi-e-rơ 5:7.
Vì Đức Chúa Trời có lòng trắc ẩn nên chúng ta có lý do để hy vọng. Với sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời, chúng ta là những người bất toàn có thể cố gắng sống theo tiêu chuẩn công bình và thanh sạch của Ngài và được Ngài chấp nhận (1 Phi-e-rơ 1:15, 16). Một Nhân Chứng phải phấn đấu với cảm xúc buồn nản đã tìm được niềm an ủi khi xem xét lời tường thuật về bụi gai cháy. Chị cho biết: “Nếu Đức Giê-hô-va có thể làm đất nơi đó trở nên thánh, thì tôi cũng có chút hy vọng. Điều này nâng đỡ tôi rất nhiều”.
Bạn có muốn biết thêm về Giê-hô-va Đức Chúa Trời thánh khiết không? Chúng ta có thể có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va vì Ngài ‘biết chúng ta nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng ta bằng bụi-đất’.—Thi-thiên 103:14.