Thành phố Cô-rinh-tô xưa—“Chủ nhân hai hải cảng”
Thành phố Cô-rinh-tô xưa—“Chủ nhân hai hải cảng”
Nếu nhìn vào bản đồ Hy Lạp, bạn sẽ thấy nước này gồm một bán đảo ở phía bắc và một phần giống như đảo lớn ở phía nam. Hai phần này được nối với nhau bởi dải đất hẹp gọi là eo đất Cô-rinh-tô, chỗ hẹp nhất chỉ có 6km. Eo đất ấy nối vùng Peloponnese ở phía nam với vùng đất chính của Hy Lạp ở phía bắc.
Eo đất Cô-rinh-tô còn có vai trò quan trọng về phương diện khác. Nó được gọi là chiếc cầu nối của các biển vì phía đông là vịnh Saronic hướng ra biển Aegean và đông Địa Trung Hải, còn phía tây là vịnh Cô-rinh-tô hướng ra biển Ionia, biển Adriatic, và tây Địa Trung Hải. Nằm ở giữa là thành phố Cô-rinh-tô, từng là một trạm dừng quan trọng trong những chuyến hành trình rao giảng của sứ đồ Phao-lô. Thành phố này cũng nổi tiếng trong thế giới thời xưa về sự phồn thịnh, xa hoa và lối sống sa đọa.
Thành phố có vị trí quan trọng về thương mại
Tọa lạc ở rìa phía tây của eo đất Cô-rinh-tô, thành phố Cô-rinh-tô xưa có đến hai hải cảng nằm ở hai bên eo đất, một là Lechaeum ở phía tây và một là Cenchreae ở phía đông. Vì thế, nhà địa lý người Hy Lạp là ông Strabo từng gọi thành phố Cô-rinh-tô là “chủ nhân hai hải cảng”. Nhờ có vị trí quan trọng như thế, thành phố này kiểm soát con đường buôn
bán quốc tế, cả mậu dịch đường bộ từ bắc xuống nam lẫn thương mại đường biển từ đông sang tây.Từ thời xưa, các thuyền chở hàng từ phía đông (Tiểu Á, Syria, Phoenicia và Ai Cập) và từ phía tây (Ý và Tây Ban Nha) đều đến đây, dỡ hàng tại một cảng và vận chuyển trên đất liền vài cây số đến phía bên kia của eo đất Cô-rinh-tô. Tại đó, hàng hóa được bốc lên những chiếc thuyền khác để tiếp tục cuộc hành trình. Còn những chiếc thuyền nhỏ hơn thì được kéo qua eo đất bằng một tuyến đường ray, gọi là diolkos.—Xem khung nơi trang 27.
Tại sao các thủy thủ thích băng qua eo đất này? Vì làm thế họ tránh phải đi đường vòng qua phía nam của vùng Peloponnese, cuộc hải trình dài 320km, băng qua những mũi đất thường xuyên bị bão và biển động rất nguy hiểm. Các thủy thủ đặc biệt tránh đi qua mũi Malea vì người ta thường nói rằng: “Qua mũi Malea đừng mong có ngày về”.
Tìm ra cảng Cenchreae bị nhận chìm
Cảng Cenchreae xưa nằm cách phía đông Cô-rinh-tô khoảng 11km, là trạm cuối cùng của các tuyến đường biển từ châu Á. Ngày nay phần lớn cảng này đã bị chìm vì một trận động đất dữ dội xảy ra vào cuối thế kỷ thứ tư CN. Ông Strabo cho biết cảng Cenchreae rất tấp nập và phồn thịnh, và triết gia La Mã là Lucius Apuleius đã miêu tả nó là “hải cảng lớn và phồn thịnh, tấp nập tàu bè từ mọi nước đổ về”.
Vào thời La Mã, tại cảng này, người ta đã xây hai cầu tàu nhô ra biển như hình móng ngựa, tạo thành lối đi rộng từ 150 đến 200m cho tàu thuyền. Những chiếc thuyền dài 40m cũng có thể cập cảng. Qua khai quật, người ta tìm thấy ở phía tây nam của cảng di tích một đền thờ được cho là của nữ thần Isis. Những di tích ở cuối cảng có lẽ là đền thờ của nữ thần Aphrodite. Hai nữ thần này được xem là thần hộ mệnh của các thủy thủ.
Có lẽ vì hoạt động thương mại của cảng rất phát triển nên Phao-lô đã làm công việc may lều ở Cô-rinh-tô (Công-vụ 18:1-3). Cuốn In the Steps of St. Paul (Theo bước thánh Phao-lô) cho biết: “Khi mùa đông đến, những thợ may lều ở Cô-rinh-tô, cũng là những người may buồm, bận rộn hơn bao giờ hết. Cả hai cảng đều đầy những tàu đến lấy thêm nhiên liệu và dừng lại suốt mùa đông vì không ra khơi được. Do đó, các nhà cung cấp thiết bị tàu biển của cảng Lechæum và Cenchreæ hẳn có rất nhiều việc cho bất cứ ai biết cầm cây kim để may buồm”.
Sau hơn 18 tháng ở lại thành phố Cô-rinh-tô, Phao-lô lên tàu đi từ cảng Cenchreae đến thành phố Ê-phê-sô vào khoảng năm 52 CN (Công-vụ 18:18, 19). Trong vòng bốn năm sau đó, một hội thánh được thành lập ở Cenchreae. Kinh Thánh cho biết Phao-lô đã đề nghị các môn đồ ở Rô-ma (La Mã) giúp đỡ một phụ nữ tên Phê-bê thuộc “Hội-thánh Xen-cơ-rê”, tức Cenchreae.—Rô-ma 16:1, 2.
Ngày nay, những du khách đến vịnh Cenchreae có thể bơi trong làn nước trong suốt như pha lê, giữa những di tích của cảng bị nhận chìm. Hầu hết họ không biết rằng nhiều thế kỷ trước, nơi đây từng tấp nập những hoạt động thương mại và truyền giáo. Một cảng khác của Cô-rinh-tô cũng có lịch sử như thế, đó là cảng Lechaeum nằm về phía tây của eo đất Cô-rinh-tô.
Cảng Lechaeum—Lối đi về phía tây
Từ quảng trường của thành phố Cô-rinh-tô, nơi người ta thường họp chợ, có con đường rải nhựa gọi là Lechaeum, chạy thẳng đến cảng Lechaeum ở phía tây, cách đó 2km. Các kỹ sư đã cho đào một phần đất dọc bờ biển để xây cảng này, và chất đất, đá đó lên cao nhằm che chở các con tàu đang thả neo khỏi những trận gió mạnh từ vịnh thổi đến. Có một thời, cảng này là một trong những cảng lớn nhất Địa Trung Hải. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy di tích của một ngọn hải đăng, là tượng của thần Poseidon.
Dọc theo con đường Lechaeum là những bức tường đôi, vỉa hè, tòa nhà hành chính, đền thờ, những cửa hàng dưới các dãy cột thường có mái che. Có lẽ đây là nơi Phao-lô đã tiếp xúc với những người đi mua sắm, người nhàn rỗi thích trò chuyện, chủ cửa hàng, nô lệ, nhà buôn và nhiều người khác—những đối tượng thích hợp cho công việc rao giảng.
Lechaeum không chỉ là một cảng thương mại mà còn là căn cứ của những thuyền chiến. Một số người cho rằng chiến thuyền ba tầng chèo hay trireme, một trong những loại thuyền chiến công hiệu nhất thời xưa, là do một người Cô-rinh-tô tên Ameinocles đóng nên ở xưởng tàu thuộc cảng Lechaeum, khoảng năm 700 TCN. Người A-thên đã tận dụng loại chiến thuyền này trong trận chiến
quyết định để đánh bại hải quân Ba Tư ở Salamis vào năm 480 TCN.Cảng Lechaeum một thời thuyền bè ra vào tấp nập nay chỉ còn là “vùng nước mặn đen ngòm, đầy lau sậy”. Không còn gì cho thấy tại đây hàng trăm năm trước từng có một trong những cảng lớn nhất Địa Trung Hải.
Sống ở Cô-rinh-tô là một thử thách đức tin cho môn đồ Chúa Giê-su
Ngoài vai trò về thương mại, hai cảng của thành phố Cô-rinh-tô còn là những cánh cửa tiếp nhận ảnh hưởng của thế giới bên ngoài, tác động sâu xa đến đời sống người dân. Một lý do là những cảng này thu hút người dân khắp nơi đến buôn bán và làm giàu. Thành phố Cô-rinh-tô thu được nhiều lợi nhuận từ phí ra vào cảng cũng như phí chuyên chở hàng hóa và tàu thuyền trên tuyến đường ray diolkos. Thành phố cũng thu thuế vận chuyển trên đất liền. Gần cuối thế kỷ thứ bảy TCN, thu nhập của nhà nước nhờ thuế chợ và thuế cảng gia tăng đến độ họ bãi bỏ thuế thân!
Thành phố Cô-rinh-tô cũng có nguồn thu nhập khác từ những nhà buôn tứ xứ. Nhiều người trong số họ sống xa hoa và luông tuồng. Nhiều thủy thủ cũng kéo đến và làm giàu cho thành phố. Như ông Strabo cho biết, họ tiêu tiền như nước. Cư dân thành phố mở ra nhiều dịch vụ, kể cả dịch vụ sửa chữa tàu thuyền.
Vào thời Phao-lô, dân số của thành phố Cô-rinh-tô khoảng 400.000 người, chỉ thua các thành phố Rô-ma, A-léc-xan-tri, và An-ti-ốt xứ Sy-ri. Dân thành gồm người Hy Lạp, La Mã, Sy-ri, Ai Cập và Do Thái. Ngoài ra, dòng du khách, nghệ sĩ, triết gia, nhà buôn, những người đến xem thế vận hội và nhiều người khác liên tục đổ về qua các cảng của thành phố. Họ thường mang lễ vật đến các đền thờ và dâng cho các thần. Tất cả những điều này làm cho Cô-rinh-tô trở thành một thủ phủ thịnh vượng, đầy ấn tượng—nhưng có cái giá của nó.
Cuốn “Theo bước thánh Phao-lô” ghi nhận: “Tọa lạc giữa hai cảng, Cô-rinh-tô đã phát triển thành một thành phố phức tạp, tiêm nhiễm thói hư tật xấu của dân tứ xứ có tàu cập bến ở đó”. Thành phố này là nơi hội tụ những điều xấu xa của phương Đông lẫn phương Tây. Vì thế, nó trở nên bại hoại và xa hoa một cách trơ trẽn, là thành phố vô luân và buông tuồng nhất của Hy Lạp thời xưa. Thời ấy, khi nói sống theo kiểu người Cô-rinh-tô, hoặc bị Cô-rinh-tô hóa, đồng nghĩa với việc có lối sống trụy lạc và trác táng.
Một môi trường theo chủ nghĩa duy vật và vô đạo đức như thế là mối đe dọa cho đức tin của các môn đồ Chúa Giê-su. Họ cần được nhắc nhở để duy trì lối sống làm hài lòng Đức Chúa Trời. Vì thế, Phao-lô mạnh mẽ lên án sự tham lam, bóc lột và vô luân trong thư gửi cho anh em đồng đạo ở thành Cô-rinh-tô. Khi đọc những lá thư được Đức Chúa Trời soi dẫn này, bạn chắc sẽ hiểu được ảnh hưởng đồi bại mà những môn đồ của Chúa Giê-su ở đấy phải chống lại.—1 Cô-rinh-tô 5:9, 10; 6:9-11, 18; 2 Cô-rinh-tô 7:1.
Tuy nhiên, một thành phố quốc tế như Cô-rinh-tô cũng có những thuận lợi. Cư dân ở đây thường xuyên tiếp cận với những dòng tư tưởng mới. Vì thế, họ có đầu óc cởi mở hơn cư dân của những thành phố khác mà Phao-lô đã đến. Một nhà bình luận Kinh Thánh nói: “Đông-Tây hội ngộ ở thành phố cảng cổ xưa này... nên người dân được tiếp xúc với nhiều tư tưởng, triết lý mới lạ cũng như tôn giáo của các nước trên thế giới”. Vì thế, người dân ở đây có quan điểm thoáng về tôn giáo và Phao-lô có nhiều thuận lợi trong công việc rao giảng.
Hai cảng Cenchreae và Lechaeum từng góp phần vào sự thịnh vượng và danh tiếng của thành phố Cô-rinh-tô. Tuy nhiên, những cảng này cũng mang lại nhiều thử thách cho môn đồ Chúa Giê-su. Thế giới ngày nay cũng thế. Những ảnh hưởng xấu, như chủ nghĩa duy vật và sự vô luân, là mối đe dọa cho đức tin của những người kính sợ Đức Chúa Trời. Vì vậy, chúng ta cũng cần ghi nhớ lời nhắc nhở của Phao-lô dành cho anh em ở thành phố Cô-rinh-tô.
[Lời chú thích nơi trang 27]
DIOLKOS CHO THUYỀN ĐI TRÊN ĐẤT LIỀN
Vào cuối thế kỷ thứ bảy TCN, khi các kế hoạch đào kênh bị thất bại, người nắm quyền của thành phố Cô-rinh-tô là ông Periander đã cho xây dựng một phương tiện tài tình để vận chuyển hàng hóa qua eo đất, gọi là diolkos, có nghĩa “kéo qua”. Nó là một tuyến đường lát đá vôi có hai rãnh sâu song song, trong đó đặt những thanh gỗ được tra mỡ. Hàng hóa từ thuyền bốc lên cảng, đặt trên những chiếc xe kéo có bánh, và nô lệ sẽ kéo chúng từ cảng này đến cảng kia. Thuyền nhỏ, đôi khi với cả hàng hóa, cũng được kéo đi bằng đường ray này.
[Bản đồ nơi trang 25]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
HY LẠP
Vịnh Cô-rinh-tô
Cảng Lechaeum
Thành Cô-rinh-tô xưa
Cenchreae
Eo đất Cô-rinh-tô
Vịnh Saronic
Peloponnese
BIỂN IONIA
Mũi Malea
BIỂN AEGEAN
[Hình nơi trang 25]
Các tàu chở hàng đi qua kênh Cô-rinh-tô ngày nay
[Hình nơi trang 26]
Cảng Lechaeum
[Hình nơi trang 26]
Cảng Cenchreae
[Nguồn tư liệu nơi trang 25]
Todd Bolen/Bible Places.com