Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Tại sao Chúa Giê-su nói “A-ba, lạy Cha” khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va?

Theo nguyên ngữ tiếng Aram, từ ʼab·baʼʹ có thể mang ý nghĩa “cha”, hoặc “cha ơi”. Từ này được đề cập ba lần trong Kinh Thánh. Mỗi lần đều là trong lời cầu nguyện, và dùng để gọi Cha trên trời, Đức Giê-hô-va. Vào thời Chúa Giê-su sống trên đất, từ này có nghĩa gì?

Một bách khoa từ điển Kinh Thánh (The International Standard Bible Encyclopedia) cho biết: “Trong cách nói thông thường vào thời Chúa Giê-su, từ ʼabbāʼ chủ yếu được dùng khi con trẻ gọi cha mình cách thân mật và tôn trọng”. Đó là cách gọi trìu mến dành cho cha và là một trong những từ đầu đời của con trẻ. Chúa Giê-su dùng từ này khi tha thiết cầu nguyện với Cha ngài. Tại vườn Ghết-sê-ma-nê, chỉ vài giờ trước khi chết, Chúa Giê-su cầu nguyện với Đức Giê-hô-va như sau: “A-ba, lạy Cha”.—Mác 14:36.

Cuốn bách khoa từ điển trên nói thêm: Trong văn học Do Thái vào thời Hy Lạp–La Mã, dùng từ ʼabbāʼ để gọi Đức Chúa Trời là điều rất khác thường, vì gọi Đức Chúa Trời bằng một từ thân mật như thế là rất bất kính”. Tuy nhiên, “việc Chúa Giê-su... dùng từ này trong lời cầu nguyện cho thấy rõ ngài có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời”. Hai lần khác mà từ “A-ba” xuất hiện trong Kinh Thánh đều nằm trong các sách của sứ đồ Phao-lô. Điều này cho thấy các môn đồ của Chúa Giê-su thời ban đầu cũng dùng từ ấy trong lời cầu nguyện.—Rô-ma 8:15; Ga-la-ti 4:6.

Tại sao một phần của Kinh Thánh được viết bằng tiếng Hy Lạp?

Sứ đồ Phao-lô nói rằng “lời phán của Đức Chúa Trời” được ban cho người Do Thái (Rô-ma 3:1, 2). Vì thế, hầu hết phần đầu của Kinh Thánh được viết bằng tiếng Do Thái cổ. Nhưng phần sau, viết vào thời các môn đồ của Chúa Giê-su, thì bằng tiếng Hy Lạp *. Tại sao thế?

Vào thế kỷ thứ tư TCN, quân lính dưới triều A-léc-xan-đơ Đại Đế đã nói nhiều phương ngữ của tiếng Hy Lạp cổ, và những phương ngữ này kết hợp với nhau thành tiếng Hy Lạp phổ thông. Các cuộc chinh phục của A-léc-xan-đơ đã góp phần giúp tiếng Hy Lạp phổ thông ấy trở thành ngôn ngữ quốc tế thời bấy giờ. Thời ấy, người Do Thái đã sống tản lạc nhiều nơi. Nhiều người bị lưu đày ở Ba-by-lôn chưa bao giờ trở về Pha-lê-tin, dù họ đã được tự do nhiều thế kỷ trước đó. Vì thế, cuối cùng nhiều người Do Thái không còn nói tiếng Do Thái nguyên thủy mà chỉ nói tiếng Hy Lạp (Công-vụ 6:1). Để giúp họ, người ta đã cho ra đời bản Septuagint, dịch Kinh Thánh phần tiếng Do Thái cổ sang tiếng Hy Lạp phổ thông.

Một từ điển Kinh Thánh (Dictionnaire de la Bible) cho biết không ngôn ngữ nào “đa dạng, linh động và có tầm ảnh hưởng quốc tế như tiếng Hy Lạp”. Với từ vựng phong phú và chính xác, văn phạm chặt chẽ cũng như các động từ ẩn chứa nhiều ý nghĩa tinh tế, tiếng Hy Lạp là “ngôn ngữ trong giao tiếp, được sử dụng rộng rãi—đặc biệt cần thiết cho Ki-tô giáo”. Vậy, chẳng phải tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ thích hợp để ghi lại thông điệp của các môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu hay sao?

[Chú thích]

^ đ. 7 Một vài chương và câu trong phần Kinh Thánh tiếng Do Thái cổ được viết bằng tiếng A-ram. Dường như ban đầu sách Phúc âm của Ma-thi-ơ được viết trong tiếng Do Thái cổ, nhưng sau đó có thể chính ông đã dịch sách này sang tiếng Hy Lạp.

[Hình nơi trang 13]

Một mảnh của bản chép tay Septuagint tiếng Hy Lạp

[Nguồn tư liệu]

Courtesy of Israel Antiquities Authority