Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự sinh lại—Ai có quyền quyết định?

Sự sinh lại—Ai có quyền quyết định?

Sự sinh lại​—Ai có quyền quyết định?

Ai làm cho một người được sinh lại? Khi kêu gọi người ta trở thành tín đồ được sinh lại của Chúa Giê-su, một số người giảng đạo trích lời ngài: “Các ngươi phải sanh lại” (Giăng 3:7). Họ dùng lời này như một mệnh lệnh: “Hãy sinh lại!”. Như thế, họ dạy rằng mỗi người theo Chúa Giê-su phải tự quyết định vâng lời ngài và làm những bước cần thiết để được sinh lại. Theo cách lý luận này, sự sinh lại là quyết định cá nhân. Tuy nhiên, điều đó có phù hợp với lời Chúa Giê-su nói với Ni-cô-đem không?

Khi xem xét kỹ, chúng ta thấy lời của Chúa Giê-su không dạy rằng con người tự quyết định mình được sinh lại hay không. Tại sao có thể nói như thế? Cụm từ Hy Lạp được dịch là “sanh lại” cũng có thể dịch là “sanh lại bởi trên cao” *. Do đó, sự sinh lại đến “từ trên cao”—nghĩa là “từ nơi cao” hoặc “bởi Cha” (Giăng 19:11; Gia-cơ 1:17). Đúng vậy, sự sinh lại là bởi Đức Chúa Trời.—1 Giăng 3:9.

Cụm từ “từ trên cao” giúp chúng ta hiểu tại sao một người không thể tự sinh lại. Hãy nghĩ đến sự sinh ra theo cách tự nhiên. Bạn có tự quyết định mình được sinh ra hay không? Không! Bạn được sinh ra là nhờ cha bạn. Tương tự, chúng ta có thể được sinh lại chỉ nhờ Đức Chúa Trời, Cha trên trời (Giăng 1:13). Vì vậy, sứ đồ Phi-e-rơ có lý do chính đáng khi nói: “Ngợi-khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương-xót cả thể khiến chúng ta lại sanh”.—1 Phi-e-rơ 1:3.

Có phải là mệnh lệnh?

Dù vậy, một số người có thể thắc mắc: “Nếu một người không có quyền quyết định mình được sinh lại, tại sao Chúa Giê-su cho mệnh lệnh này: “Các ngươi phải sanh lại”?”. Đó là câu hỏi thích đáng. Nếu lời Chúa Giê-su thật sự là một mệnh lệnh, hẳn đó là một đòi hỏi quá khả năng chúng ta. Thế thì không hợp lý. Vậy, chúng ta nên hiểu câu “các ngươi phải sanh lại” như thế nào?

Khi xem xét kỹ câu này trong nguyên ngữ, nó không phải là câu cầu khiến hoặc một hình thức ra lệnh. Trái lại, đó chỉ là câu nói nêu lên một sự kiện. Để hiểu rõ sự khác biệt giữa mệnh lệnh và câu nói nêu lên sự kiện, chúng ta hãy xem một minh họa. Trong thành phố nọ có nhiều trường học, nhưng có một trường dành riêng cho sinh viên bản xứ sống trong khu vực xa thành phố. Một nam sinh viên không phải là người bản xứ muốn vào học trường ấy. Hiệu trưởng của trường cho biết: “Muốn nhập học, sinh viên ấy phải là người bản xứ”. Dĩ nhiên, câu này không phải là mệnh lệnh mà chỉ là câu nói cho biết sự kiện. Hiệu trưởng không ra lệnh cho sinh viên ấy phải là người bản xứ, nhưng ông chỉ cho biết điều kiện để được vào trường. Tương tự thế, khi Chúa Giê-su phán “các ngươi phải sanh lại”, ngài chỉ cho biết đó là điều kiện để “vào nước Đức Chúa Trời”.

Nước Đức Chúa Trời có liên quan đến mục đích của sự sinh lại. Mục đích đó là gì? Biết câu trả lời là bí quyết giúp chúng ta hiểu chính xác ý nghĩa của sự sinh lại.

[Chú thích]

^ đ. 3 Một số bản Kinh Thánh dịch câu Giăng 3:3 theo cách này. Chẳng hạn, bản Các Giờ Kinh Phụng Vụ nói: “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”.

[Hình nơi trang 6]

Có điểm tương đồng nào giữa sự sinh lại mà Chúa Giê-su nói và sự sinh ra theo cách tự nhiên?